Home / Chưa được phân loại / Ơn thiên triệu của tôi

Ơn thiên triệu của tôi

ƠN THIÊN TRIỆU CỦA TÔI

Ngày 17 tháng 6 năm 1936,  đức cha Phêrô Munagorri Trung, Giám mục Bùi Chu, người Tây Ban Nha, qua đời. Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn nhận quyền điều khiển Giáo phận Bùi Chu.

Từ lâu, Đại chủng viện Bùi Chu vốn học tại Chủng viện thánh Alberto Nam Định, do các cha dòng Đaminh Tây Ban Nha điều hành. Nhưng đầu năm học 1936-1937, các thầy tự động tựu trường về Tòa Giám mục Bùi Chu, xin dược học tập ngay trong giáo phận.

…Tôi được mời tới giúp các thầy về tiếng Pháp, là thứ tiếng hữu dụng và cần thiết trong thời buổi đó, mà từ trước các thầy không được học. Tôi đến Bùi Chu ngày 5 tháng 9 năm 1936; trong thời gian ở Bùi Chu, tôi đã được cha Vũ Hữu Nghĩa khuyến khích, ngài đề nghị tôi bỏ thế gian mà phục vụ Thiên Chúa…

Dịp tĩnh tâm đầu năm 1937, tôi nghe đức cha Hồ giảng mà suy nghĩ và cảm kích sâu xa. Ngài trưng lời Kinh Thánh: “Chúng con hãy nên thánh, vì Ta là Thánh: Sancti estote, quia Ego sanctus sum”(Lv 11,44).

Tôi cảm thấy sự cao cả của thánh thiện, sự vinh quang của thánh thiện… Sự thánh thiện mới là cái danh thơm muôn đời trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta… Trong tâm hồn tôi đã hình thành, tuy chưa rõ rệt, cái ý chí làm thánh, mà làm thánh bằng chức linh mục.

…Năm học sắp tàn. Các học sinh đã chuẩn bị về nghỉ hè nơi cha bảo trợ. Tôi chưa biết phải đi đâu. Cha Cung gặp tôi hỏi rồi khuyên tôi:

– Thầy nên xin nhận đức cha đỡ đầu, ở nhà chung cho tiện, chứ ở nhà xứ, đối với thầy mới tu, có nhiều điều khó xử.

Đáng lẽ tôi phải nhận cha Nghĩa làm cha quan thầy mới phải. Nhưng vì lời khuyên của cha bề trên và ý kiến của cha mẹ tôi, tôi đã đến hầu đức cha và xin ngài thương nhận làm nghĩa tử.

Vốn theo dõi sự tiến triển thiên triệu của tôi, ngài đã chấp nhận vui vẻ, nhưng cũng hỏi: như vậy cha Nghĩa có mếch lòng chăng.

Mùa hè ấy, tôi nghỉ tại Tòa Giám mục ở Bùi Chu, sống chung với các Đại Chủng sinh cũng về nghỉ, ít khi dám lên gặp đức cha vì sợ dư luận và cũng phiền cho ngài. Buổi chiều, ngài thường ra bờ sông Ninh Cơ dạo mát, và nhiều lần tôi được đi theo hầu chuyện. Ngài đi chậm rãi, hơi khấp khiểng, miệng lúc nào cũng tươi cười, hai con mắt thật sáng, chòm râu bạc, dài phất phơ trước gió chiều. Dọc đường ngài nói những chuyện vui kim cổ, ít khi đề cập tới những vấn đề nghiêm nghị, và không hề dò hỏi về vấn đề tính hạnh, công việc của ai bao giờ.

Với tư cách cha bảo trợ, ngài cũng phát quần áo cho tôi, mỗi năm một bộ, và cuối kỳ nghỉ cũng lấy túi tiền riêng, thường lép kẹp, rút ra cho tôi vài đồng tiêu cả năm. Đức cha Hồ hằng lưu tâm đến các chủng viện và coi đó là phân nửa chức vụ Giám mục của mình. Ngài dành cho chúng tôi sự ưu tiên về nhân tài cũng như vật lực. Năng lui tới thăm nom, khuyên bảo, giảng dạy, nhất là trong các dịp tĩnh tâm hằng tháng, hằng năm. Ngài nhấn mạnh đến sự thánh thiện chủng sinh cần phải có: “Một chủng sinh tốt sẽ là một linh mục tốt: Donnez-moi un bon séminariste et Je vous donnerai un bon prêtre”.

“Sự thánh thiện phải đích thực, đừng giả tạo. Cái chén vàng y, càng chùi càng bóng. Cái chén vàng mạ, chùi lâu sẽ trật đồng ra. Sự thánh thiện của chủng sinh còn là sự thánh thiện của ‘con chiên giữa đồng cỏ: Agnus in pascua’, sau này lên rừng, lên núi mà vẫn còn là chiên, mới thực là thánh. Kẻ không thánh chớ làm việc thánh. Linh mục là người mười mắt đều xem, mười tay đều chỉ: thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, phải thánh thiện hoàn toàn”.

Để nên thánh, ngài dạy chúng tôi vun trồng đời sống nội tâm, nhớ mình luôn sống với Chúa để cầu nguyện, kết hợp với Người. Ngài tập cho chúng tôi chầu lặng trước Nhà Tạm, và luyện cho chúng tôi giữ luật trường theo lương tâm. Cứ thức luân phiên, mỗi ngày có một người lĩnh việc cầu nguyện cho anh em nên thánh.

Hết năm Thần thứ nhất (1944), cha giám đốc báo cho biết tôi được hội đồng chủng viện chấp thuận cho chịu phép cắt tóc và hai chức nhỏ, nên hãy cầu nguyện, lĩnh ý cha linh hướng, rồi làm đơn thỉnh nguyện lên Đức Giám mục, để ngài chuyển đệ.

Điều mong ước từ bao năm nay sắp thành hiện thực, đáng lẽ tôi phải vui lắm, mà thực ra tôi lại lo nhiều hơn, chẳng khác người leo núi, đến sát chân núi mới thấy cao ngất trời, mà đâm sợ rủn chân. Nhân dịp đức cha Hồ đến thăm trường, tôi hầu ngài và trình bày nỗi sợ ấy. Ngài ôn tồn hỏi:

– Vậy con có tập các nhân đức của bậc linh mục không?

– Thưa đức cha, con có tập nhưng chẳng thấy được gì cả!

– Con hãy an tâm mà bước tới, có tập ắt có được.

…Quay đi quay lại, còn hai tháng nữa là tới lễ thụ phong linh mục. Anh em đã lo sắm đồ lễ, nhiều thứ tốt đẹp. Phần tôi chưa có gì, ngoài cái chén thánh kiểu Champagne do cha Vũ Hữu Nghĩa trối lại, và một chén nhỏ do cha chính Phạm Văn Lục tặng. Đức cha Hồ là nghĩa phụ tôi, lo lắng không biết lấy gì cho con. Ngài có hai bộ áo lễ năm màu, thì giữ lại bộ tốt hơn, và cho tôi bộ kia, áo kiểu Roma, nặng và cũ, nhưng tôi cũng vui lòng, vì thời buổi chiến tranh.

Chúng tôi cả thảy chín người thụ phong tại nhà thờ chánh tòa Bùi Chu, vào ngày 4 tháng 8 năm 1946, là lễ Đầu Dòng và bổn mạng đức cha nên long trọng lắm. Sáng hôm sau, tôi cử hành thánh lễ mở tay tại nguyện đường Thầy Giảng Bùi Chu cách sốt sắng long trọng. Cha mẹ, bà con tôi xuống chầu lễ rất đông. đức cha già cố cũng đến dự. Hôm trước, tôi có xin ngài ban cho ít lời, nhưng ngài tủm tỉm bảo:

– Cha mời ai thì mời, chứ mèo khen mèo dài đuôi không tiện.

Trưa hôm ấy, nhà chung đặt tiệc mừng, có đông các cha các thầy về dự. đức cha tỏ ra vui vẻ khác thường:

– Tôi mừng có được mấy cha nghĩa tử, sau này tôi có qua đi thì các cha ấy còn tiếp tục giúp việc địa phận, và khi thấy các cha, chắc mọi người lại nhớ đến tôi.

Sau lễ phong chức, đức cha đã ban vi bằng bổ nhiệm tân linh mục. Tôi được cắt về làm giáo sư Tiểu chủng viện Ninh Cường.

Trước đó, cha Phạm Văn Lục, quản lý tài sản giáo phận, một tiếng nói có thế giá, đã cùng cha Trịnh Khắc Đản, đề nghị đặt tôi làm thơ ký Tòa Giám mục. Nhưng đức cha trả lời với bao ý nhị khôn ngoan:

– Công việc văn phòng, tôi tự đảm nhận được, đặt một linh mục vào đó hoài đi. Tôi nghĩ để cha Diên làm giáo sư Ninh Cường tốt hơn. Vả chỗ tôi với người là tình cha con, đưa người vào văn phòng, rất khó cho tôi, mà cũng khó cho người.

Đức cha Hồ Ngọc Cẩn là một giám mục gương mẫu, cùng với cha Hoàng Gia Huệ là linh mục gương mẫu, hai vị này đã in một dấu không thể phai mờ trong đời sống linh mục của tôi. Đức cha đối với tôi vừa là ân nhân, vừa là nghĩa phụ, biết bao cảm tình dồn dập dưới ngòi bút khi viết về ngài…

Tôi không có tham vọng trình bày khuôn mặt tinh thần đạo đức của ngài, chỉ xin nhắc đến một vài đức tính nổi hơn: mạnh tin, phó thác, khó nghèo, trong sạch, phục tùng, nhẫn nhục, cương quyết, vui tươi. Ai đã từng sống bên ngài thì thấy được những đức tính ấy linh động, tự nhiên ngần nào!

Một đời giám mục vắn vỏi mà ngài đã tô điểm cho cái cơ nghiệp của thánh phụ Đaminh và con cái người thêm biết bao rạng rỡ. Nguyện xin Chúa thưởng công bội hậu cho người đầy tớ trung thành của Chúa!

Lm. Giuse PHẠM CHÂU DIÊN

Trích “Hồi ký MỘT CUỘC ĐỜI”