Home / Thư Bề Trên-TLHT / Tài liệu học tập / Chủ đề sống tháng 9 và 10 năm 2024: KIÊN TRÌ TIẾN TỚI ĐÍCH ĐIỂM ĐỜI TU MÂN CÔI

Chủ đề sống tháng 9 và 10 năm 2024: KIÊN TRÌ TIẾN TỚI ĐÍCH ĐIỂM ĐỜI TU MÂN CÔI

Chúng ta biết rằng mọi loài thụ tạo đều do Thiên Chúa tạo dựng và đều có một mục đích để hướng tới. Đặc biệt đối với con người khi bước vào trần gian này cũng có mục đích trong ý định của Đấng Tạo Thành. Khi xác định được mục đích của mình, chúng ta mới có thể đưa ra mục tiêu cụ thể để thực hiện trong từng giai đoạn nhằm đạt được mục đích cuối cùng của đời người.

Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau một lần nhìn lại mục đích đời sống của chúng ta, những nữ tu Mân Côi, đang trên hành trình tiến về đích điểm của đời mình và kiên trì đi tới cùng con đường chúng ta đã chọn, để sống sung mãn ơn gọi thánh hiến mà Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn chúng ta, đồng thời chính Người cũng ân cần dẫn dắt để chúng ta từng ngày bước đi trong ơn gọi Mân Côi.

I. MỤC ĐÍCH CỦA MUÔN LOÀI THỤ TẠO

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa

không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2)

Chúng ta biết rằng: “Thế giới được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa”. Vì vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động và sự sống của con người là được thấy Thiên Chúa: sự mạc khải Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Người qua việc biểu lộ và thông ban sự tốt lành của Người. Vì thế, Người đã tạo thành vũ trụ. Theo ý muốn đầy lòng nhân hậu của Người, Người đã tiền định cho ta “làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để xưng tụng Vinh Quang của ân sủng Người[1]. Và cùng đích tối hậu của sáng tạo là: “Thiên Chúa được muôn loài suy phục, khi Người tỏ hiện vinh quang của Người và đem lại hạnh phúc cho chúng ta”. Điều này xác định mọi sự trên thế giới hiện hữu vì vinh quang Thiên Chúa và để làm sáng danh Người: “Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại, và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời[2] .

Nhưng không chỉ vũ trụ muôn loài mà đỉnh điểm trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa chính là con người. Vũ trụ được tạo thành là để phục vụ con người, vũ trụ quy hướng về con người, chính Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ mọi công trình tay Người sáng tạo và con người có bổn phận dẫn đưa vũ trụ này về với Thiên Chúa, cả hai cùng quy hướng về Thiên Chúa, để tôn vinh Người.

…Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

đặt muôn loài muôn sự dưới chân

Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,

nào chim trời cá biển,

mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,

lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

 (Tv 8, 7-10)

Rồi tiếp đến suốt dọc dài lịch sử cứu độ, cũng chính vì để góp phần vào việc làm vinh danh Người, mà Thiên Chúa đã mở rộng ơn cứu độ khởi đi từ dân Do Thái đến với mọi dân trên địa cầu: “Chúa Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người[3].

Tóm lại, Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta và cứu độ chúng ta là vì vinh quang của Người. Vì thế:

Giữa muôn dân, con cất lời cảm tạ,

dâng điệu hát cung đàn

ca mừng Danh Thánh Chúa. (Tv 18, 50)

Bước vào đời tu, cách riêng đời tu Mân Côi, mục đích này càng được xác định rõ nét và đầy đủ hơn nữa, bằng việc khai triển qua đời sống thánh hiến và sứ vụ giúp chúng ta đi đến cùng ý định của Thiên Chúa là làm VINH DANH NGƯỜI.

II. MỤC ĐÍCH ĐỜI TU MÂN CÔI

Nếu có ai hỏi chúng ta “Mục đích đời tu Mân Côi là gì ?”, chắc chắn chúng ta sẽ không khó tìm câu trả lời, vì mục đích đời tu Mân Côi được xác định trong Hiến Luật Dòng số 2: “Mục đích đời sống chị em Con Đức Mẹ Mân Côi là làm vinh danh Thiên Chúa, hiển danh Mẹ Maria, thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn…”. Mục đích này bao trùm toàn bộ đời sống của chị em Mân Côi trong tinh thần, linh đạo và sứ vụ qua những lãnh vực khác nhau mà chị em dấn thân phục vụ.

Thực vậy, ngay từ đầu khi mới lập dòng, Đức Cha Tổ Phụ đã xác định rõ trong bản Luật đầu tiên: “Mục đích chung là để làm vinh danh Chúa, hiển danh Mẹ Maria và thánh hóa bản thân. Mục đích riêng dòng, là để tham gia truyền giáo, bằng sự giáo huấn, đào luyện các trẻ ở các trường nữ trong các xứ, các họ; bằng sự săn sóc cho các kẻ liệt ở nhà thương, hay là các trẻ mồ côi ở các nhà dục anh, hoặc các việc gì khác hữu ích cho địa phận tùy ý bề trên xét”[4].

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Hội Dòng luôn trung thành với ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập. Trong hành trình ơn gọi, chị em Mân Côi qua các thế hệ, đã bước theo đoàn sủng Mân Côi, hình thành một linh đạo, thích nghi với hoàn cảnh của thời đại, được thể hiện trong đời sống thánh hiến Mân Côi cũng như trong sứ vụ cụ thể mà chị em tham gia trong lòng Giáo Hội.

Vậy dựa vào Lời Chúa, vào giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ cũng như sự hướng dẫn của Giáo Hội, của Hiến Luật Dòng, chúng ta cùng phân tích và đào sâu mục đích đời tu Mân Côi, để ý thức và nỗ lực kiên trì hướng tới đích điểm của mình trong ơn gọi thánh hiến Mân Côi là làm vinh danh Thiên Chúa, hiển danh Mẹ Maria, thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn.

1) Vinh danh Thiên Chúa.

Tất cả mọi sự đều nhắm tới mục đích tôn vinh Thiên Chúa. Thực vậy, Chúa Giêsu khi vào trần gian cũng hướng tới mục đích này, nên phút cuối Người đã thưa: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha[5]. Thánh Irênê đã nói :“Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống và sự sống của con người là nhận biết vinh quang Thiên Chúa”. Như vậy, mục đích cuộc đời chúng ta là để vinh danh Thiên Chúa, chẳng thế mà Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa[6].

Trong đời tu Mân Côi, Đức Cha Tổ Phụ luôn nhắc nhở chị em về mục đích tối hậu này, ngay khi còn trong giai đoạn huấn luyện sơ khởi: “Ở nhà tập đã suy chín chắn, và biết cách dùng ơn Chúa để làm sáng danh Chúa và làm ích cho linh hồn mình và cho kẻ khác”. Rồi sau khi khấn dòng “…đi dậy ở trường nào cũng làm sáng danh Chúa cùng làm ích cho những linh hồn Chúa đã phó thác cho mình xem sóc dạy vẽ”. Để tránh cám dỗ làm theo ý riêng đi tìm hư danh, Đức Cha lưu ý chị em: “Trong việc học hành cũng như trong các việc khác, ta hãy tìm sự làm sáng danh Chúa trước hết[7].

Thực vậy, để đi đến cùng ơn gọi Mân Côi, chị em hãy làm mọi việc vì ý ngay lành, quên mình, từ bỏ tư lợi chỉ hướng về Chúa với mục đích làm đẹp lòng Chúa, yêu mến Chúa và làm sáng danh Chúa mà thôi[8]. Khi làm việc vì vinh danh Chúa chúng ta sẽ bình an, không bối rối buồn phiền khi thất bại, không so sánh ghen tị với thành công của người khác, không tìm lợi lộc hư danh, vì chúng ta biết rằng chỉ mình Thiên Chúa mới xứng đáng được vinh quang.

2) Hiển danh Mẹ Maria.

Sau Chúa Giêsu, Mẹ Maria được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính, nhờ ân sủng Thiên Chúa, Mẹ đã tham dự vào các mầu nhiệm của Đức Kitô, được tôn vinh là Thánh Mẫu Thiên Chúa. Việc tôn kính Mẹ Maria hỗ trợ cho việc tôn thờ Thiên Chúa, qua đó quy hướng về Thiên Chúa và vinh danh Người. Bởi Mẹ chính là tác phẩm hoàn hảo của Ơn Cứu Độ[9] .

Chẳng vậy mà Giáo Hội đã chỉ thị: “Các tu sĩ phải đặc biệt tôn kính Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, là mẫu gương và là Đấng bảo trợ đời thánh hiến, nhất là bằng việc lần chuỗi Mân Côi”[10], bởi vì cuộc đời Mẹ gắn liền với thánh ý Thiên Chúa trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu. Vì vậy, việc siêng năng suy ngắm và sống các mầu nhiệm Mân Côi, mầu nhiệm Cứu Độ, giúp cho việc sùng kính Mẹ được trọn vẹn và là cách thế làm hiển danh Mẹ, như lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành[11].

Là nữ tu “con Mẹ Maria”, chắc chắn chúng ta phải trổi vượt về lòng yêu mến Mẹ. Đức Cha Tổ Phụ nhắc nhở chúng ta: Vì là Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, nên phải dạy cho chị em có lòng tôn sùng Đức Mẹ cách sốt sắng, biết lần chuỗi và suy ngắm những mầu nhiệm phép Rất Thánh Mân Côi cách ý tứ thâm trầm”. Đặc biệt, “trong khi thi hành công tác tông đồ, chị em quan tâm truyền bá việc lần chuỗi Mân Côi như sứ mạng đặc biệt của Dòng[12].

Chúng ta đừng sợ mình yêu Mẹ nhiều quá, không bao giờ chúng ta yêu Mẹ cho đủ! Hơn nữa, tình yêu chân thực luôn đưa chúng ta đến sự thiện, mà sự thiện lớn nhất là chính Thiên Chúa. Lòng yêu mến thúc đẩy chúng ta noi gương Mẹ: Chị em hân hạnh làm con Đức Mẹ Mân Côi, thì phải lo cho được sùng kính Đức Mẹ chí thiết, cho xứng đáng làm con Đức Mẹ Mân Côi: vừa trắng, vừa đỏ, vừa hồng, đầy sự vui, thương, mừng như Đức Mẹ…[13].

3) Thánh hóa bản thân.

Bước theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta luôn đặt niềm tin vào Người, Đấng đã chết vì chúng ta, và nhờ bửu huyết của Người đổ ra, chúng ta được trở nên “một giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, một dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để công bố những kỳ công của Người, Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”[14].

Từ muôn đời, theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Người muốn chúng ta nên “thánh thiện vô tì tích trước nhan Người”. Trải qua dòng lịch sử của Dân Chúa, ý định đó vẫn được lặp lại với Israel: “Hãy nên thánh, vì Ta, Đức Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh”; và Chúa Giêsu cũng đã mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”[15].

Dựa theo thánh ý của Thiên Chúa, Công đồng Vatican II khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành. Riêng các tu sĩ được Thiên Chúa mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, được thánh hiến để tham gia vào sứ mệnh chứng tá của Người, mà chứng tá quan trọng nhất của đời thánh hiến chính là đời sống thánh thiện, tức là nên thánh[16]. Đức Cha Tổ Phụ hằng nhắc nhở chị em: “Vào Dòng cho được khắc kỷ tu thân, càng ngày càng nên thánh thiện”[17].

Không ai sinh ra đã là thánh. Nên thánh là kết quả một sự nỗ lực không ngừng hoán cải của từng người. Chúng ta “phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện[18]. Quả thực, nên thánh là một quá trình thao luyện mỗi ngày và chiến đấu không ngừng để đứng vững trước mọi cám dỗ của danh, lợi, thú thế gian. Chúng ta đừng sợ sự thánh thiện, hãy để cho Thiên Chúa yêu thương, thanh tẩy, và để Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa, canh tân hướng dẫn chúng ta đi vào con đường hoàn thiện mà Chúa Giêsu đã đi và mời gọi chúng ta bước theo Người.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Chính Thiên Chúa thánh hóa, biến đổi chúng ta bằng tình yêu của Người, đồng thời, bằng chứng tá của mình, chúng ta bày tỏ sự thánh thiện của Thiên Chúa và làm cho Danh của Người tỏ hiện trên toàn thế giới. Thiên Chúa là Đấng thánh thiện nếu chúng ta không thánh thiện, thì rõ ràng không có sự đồng nhất! Sự thánh thiện của Thiên Chúa phải phản chiếu qua lời nói và hành động của chúng ta trong cuộc sống”[19].

4) Cứu rỗi các linh hồn.

Công đồng Vatican II trong Hiến chế về Hoạt động Truyền giáo (Đến với muôn dân) đã khẳng định: Bản chất Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội được thành lập để truyền giáo. Như vậy đủ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc truyền giáo và sự cấp thiết của việc cứu rỗi các linh hồn. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh khi hiện ra với các Tông đồ, đã trao sứ vụ của Người lại cho Giáo Hội: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em”; “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ”[20].

Như các tu sĩ, cuộc đời thánh hiến của chị em Mân Côi bao gồm “thánh hiến và sứ vụ”, là cánh tay nối dài của Giáo Hội, chúng ta được thánh hiến là để lãnh nhận sứ vụ, để được sai đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Mục đích đời tu Mân Côi là để làm vinh danh Thiên Chúa và cho phần rỗi các linh hồn, bằng đời sống sứ vụ truyền giáo trong các lãnh vực mà Hiến Luật Dòng quy định, tất cả “vì một lẽ siêu nhiên là sáng danh Chúa và giúp lo phần rỗi linh hồn người ta”. Vì thế, khi đáp lời mời của Thiên Chúa trong ơn gọi thánh hiến Mân Côi, chúng ta bước vào một hành trình thao luyện, đổi mới bản thân để ngày ngày nên đồng hình dạng với Chúa, và cùng Mẹ Maria nhiệt thành mang ơn cứu độ đến cho mọi người[21].

3. KIÊN TRÌ TIẾN TỚI ĐÍCH ĐIỂM ĐỜI TU MÂN CÔI

Chúng ta biết rằng trong bất cứ việc gì, để thành công, để đạt tới đích chúng ta rất cần sự kiên trì và một quyết tâm cao. Con đường đi đến thành công không hề dễ dàng, có muôn ngàn chông gai thử thách. Chúng ta có mục đích, có lý tưởng, có ước mơ nhưng thiếu sự kiên trì thì cũng không thể đạt tới đích. Bởi cuộc đời này là một cuộc chiến đấu phải lội ngược dòng, mà bản thân chúng ta lại yếu đuối giới hạn, dễ sa lầy vào những cám dỗ bên đường…Thế nên, ngoài cậy dựa vào ơn Chúa chúng ta phải rất kiên trì, nhẫn nại và tận tâm, đó là một thái độ sống tích cực, kiên định theo đuổi mục đích mà mình đã chọn, cho dù khó khăn trắc trở vẫn không bỏ cuộc, vẫn đi đến cùng.

Cũng vậy, để tiến tới đích điểm mà chúng ta theo đuổi, cần phải có một ý chí, một quyết tâm, một chọn lựa dứt khoát và tận căn. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy mình đã đi theo Chúa lâu năm, đã phục vụ cách quảng đại mà vẫn chưa đạt tới đích, đây là một hành trình chúng ta phải tiến tới, phải bước đi từng ngày để gần tới đích hơn. Chúa không đòi chúng ta phải thành công, Người chỉ đòi chúng ta trung thành và kiên trì bước đi.

Đức Cha Tổ Phụ cũng nhắn nhủ chúng ta phải có sự kiên trì, lo làm mọi việc hẳn hoi, sốt sắng và bền bỉ luôn, không nản lòng bỏ cuộc. Nghĩa là trước sau như một, lúc vui cũng như khi buồn, không phải nay hăng hái, mai biếng lười. Những người như thế không trông gì đi đến cùng được. Trên đường tiến tới trọn lành càng phải kiên tâm bền chí, duy trì lòng hăng hái, không nản lòng thoái lui vì “ai bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu rỗi[22].

4. KẾT LUẬN THỰC HÀNH

Trên đây chúng ta đã phân tích về mục đích đời tu Mân Côi dựa theo Hiến Luật Dòng, theo giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ và của Giáo Hội, nhất là qua sự soi dẫn của Lời Chúa. Chúng ta biết mục đích là đích nhắm cuối cùng chúng ta phải tiến tới. Trên hành trình tiến về đích điểm, chúng ta có những mục tiêu ngắn hạn cho từng giai đoạn, từng thời điểm, giúp chúng ta tiến gần đến đích hơn.

Mục đích này thể hiện tinh thần, linh đạo và sứ vụ của đời tu Mân Côi qua từng khía cạnh:

  1. Vinh danh Chúa: Đây là ý hướng và động lực phải có trong mọi hoạt động của đời tu, nói lên tinh thần Đức Ái đối với Chúa của chị em Mân Côi. Trong mọi việc, chị em phải làm vì lòng yêu mến Chúa, cho sáng danh Chúa. Nghĩa là chị em phải làm mọi việc với ý ngay lành, bất cứ là việc gì…cũng hãy làm vì vinh danh Chúa. Chớ làm vì ý hèn xác thịt như cầu lợi, ham danh…[23].
  2. Hiển danh Mẹ Maria: Là con Mẹ Mân Côi, chị em hết lòng yêu mến và đặc biệt sùng kính Mẹ dưới tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Việc suy ngắm và sống các mầu nhiệm Mân Côi giúp chị em noi gương Mẹ chu toàn thánh ý Chúa, đồng thời sống linh đạo Mân Côi cụ thể trong đời sống hằng ngày, với những biến cố Vui Sáng Thương Mừng như Mẹ[24].
  3. Thánh hóa bản thân: Để tiến tới trên con đường thánh thiện, chị em hãy lắng nghe lời Đức Cha Tổ Phụ: “Phương pháp giúp bậc tu trì được nên thánh thiện hệ tại các việc thiêng liêng và luật phép nhà. Hai việc ấy giữ thì nên như hai cánh làm cho nữ tu bay lên ngày càng cao, càng xa bụi trần thế mà lên cho đến đỉnh trọn lành”[25].
  4. Cứu rỗi các linh hồn: Sứ vụ của chị em Mân Côi là tham gia vào việc truyền giáo: mở mang Nước Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Chị em hân hoan thực thi sứ vụ tông đồ theo Linh Đạo Dòng và lời khuyên nhủ của Đức Cha Tổ Phụ luôn “hăng hái sẵn sàng, chẳng nề chịu khó” khi thi hành các sứ vụ được Hội Dòng trao phó[26].

Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, fmsr.

* Tùy hoàn cảnh cụ thể, chị em có thể chọn 1 hay 2 điểm trên đây để thực hành.


[1] x. GLHTCG 293; Ep 1, 5-6

[2] x. GLHTCG 294; Rm 11, 33

[3] Rm 15, 8-9

[4] Luật phép dòng chị em con cái Đức Bà Mân Côi Bùi Chu, bản chép tay, Bùi Chu, 1950, tr. 6

[5] Ga 17, 1

[6] 1Cr 10, 31

[7] GSD I, tr. 533-534

[8] x. GSD I, tr. 435

[9] x. GH 66

[10] GL 663 §4; GH 65

[11] Lc 8, 21; x. Mc 3, 31

[12] HLD 22.4; 22.4; GSD I, tr. 149

[13] GSD I, tr. 311

[14] 1Pr 2, 9

[15] Ep 1, 4; Lv 11, 44; Mt 5, 48

[16] x. TH 32-35

[17] HP ĐCTP 1: khoản 2; GSD I, tr.82

[18] Ep 4, 22-24

[19] ĐTC Phanxicô, Buổi tiếp kiến, ngày 28-02-2019 

[20] x. TG 2; Ga 20, 21; Mc 16, 15-16

[21] x. HLD 4; 37.2; 38.2; 39.1; GSD I, tr. 163

[22] x. GSD I, tr. 198; Mt 10, 22

[23] x. GSD I, tr. 98, 238, 360; HLD 3

[24] x. HLD 4; 21.2

[25] x. GSD I, tr. 314-318; tr. 258-285

[26] x. HLD 40.1; GSD I, tr. 491

Bài mới

Chủ đề sống Tháng 03 & 04 năm 2025: HỌC THEO “PHONG CÁCH MARIA” TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO.

Giáo Hội đòi buộc “thành viên các tu hội thánh hiến […] phải hoạt động …