“Truyền thống” có nghĩa là một sự kế thừa những di sản, những nét đẹp có giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống có thể hiểu là những đức tính, hay những thói quen, lối sống, tập quán, tư tưởng, cách hành xử… đã được hình thành trong đời sống, được bảo tồn, được công nhận và đã được lưu truyền trong nhiều năm, từ nhiều thế hệ và có vai trò quan trọng với mỗi cá nhân và trong mỗi cộng đoàn.
Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, gia đình, đều có những nét truyền thống tinh thần riêng biệt. Những vẻ đẹp truyền thống tinh thần được lập ra nhằm để nối kết con người với cội nguồn lịch sử ở nơi ấy, mang lại cảm giác liên tục với quá khứ và giúp bảo tồn nét đặc trưng ở mỗi nơi.
Cũng theo sự vận hành của lịch sử, mỗi Dòng Tu trong Giáo Hội cũng đều có những nét truyền thống tinh thần riêng, phản ánh sứ mạng và tinh thần của Đấng Sáng lập. Riêng với chị em Mân Côi, đã được thừa hưởng một gia tài tinh thần thiêng liêng cao quý do Đức Cha Tổ Phụ để lại. Để duy trì tinh thần sống của Đấng Sáng Lập Dòng, chị em Mân Côi đã cùng nhau tích cực học hỏi và bằng nhiều hình thức khác nhau, đã tạo nên những vẻ đẹp truyền thống tinh thần rất riêng của Hội Dòng ngang qua các sinh hoạt thường ngày, để qua việc thực hiện và duy trì những nét đẹp truyền thống ấy, chị em trong Dòng, dù còn sống hay đã qua đời, được nối kết với nhau hơn và nhất là nối kết với Đấng Sinh Thành kính yêu. Chúng ta sẽ cùng bàn đến một vài nét đẹp truyền thống tinh thần của Hội Dòng đã và đang thực hiện.
1. “Ave Maria”- lời chào của niềm vui.
Chào hỏi là một cử chỉ căn bản nhất của con người, chúng diễn ra trong giao tiếp hàng ngày giữa người với người. Chào hỏi thể hiện nét cư xử lịch sự của bản thân và bày tỏ sự tôn trọng với người đối diện. Chào hỏi còn thể hiện sự quan tâm và có tác dụng duy trì mối tương quan giữa hai người. Đối với văn hóa Việt Nam, chào hỏi không chỉ thuộc phạm vi văn hóa và ngôn ngữ, nhưng còn thuộc phạm trù đạo đức, là cách thể hiện nhân cách của chủ thể chào và nhân cách của đối tượng được chào. Vì thế, chào hỏi có giá trị tinh thần hết sức được coi trọng, một giá trị tinh thần cao hơn cả vật chất: “Lời chào cao hơn mâm cỗ.”
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi nhóm người có những cách chào khác nhau, tùy vào đối tượng, hoàn cảnh và nét truyền thống văn hóa mỗi nơi. Riêng đối với chị em Mân Côi, “theo truyền thống tốt đẹp, khi gặp nhau, chị em chào “Ave Maria”” (NQ 2). Có lẽ không có dòng tu nào có được nét đẹp truyền thống “độc đáo” như Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, khi chị em chào nhau bằng lời chào thân thương – “Ave Maria”.
“Ave Maria – Kính chào Bà Maria – Kính Mừng Maria,” là lời chào của sứ thần Gabrien trong ngày truyền tin cho Đức Maria. Lời chào ấy vừa thể hiện sự kính trọng, vừa là lời tôn vinh các nhân đức của Mẹ. Lời chào thân thương ấy đã trở thành lời kinh quen thuộc của người Công giáo từ ngàn xưa.
“Ave Maria” là lời chào của niềm vui bởi vì sứ thần Gabrien đến nhà của Maria và chào “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Đây không chỉ đơn thuần là một lời chào tầm thường, nhưng đây là một mệnh lệnh: “Hãy vui mừng lên!” Hơn ai hết, Mẹ Maria hiểu lời chào và mệnh lệnh này với trọn đầy đủ ý nghĩa của nó. Lời chào này nhắc đến những lời tiên tri trong Cựu Ước, mời gọi thiếu nữ Sion hãy vui mừng lên vì Thiên Chúa đến giữa dân Ngài và thực thi lời hứa cứu độ. Nghe lời sứ thần chào bằng ngôn ngữ của thánh kinh, Trinh Nữ Maria hiểu ra rằng đã đến giờ Thiên Chúa ngự đến thực hiện ơn cứu độ, và thiếu nữ Sion được loan báo xưa kia nay chính là Mẹ và Mẹ đã khiêm tốn “Xin vâng như lời sứ thần truyền”. Niềm vui mà Mẹ Maria nhận được qua lời chào của sứ thần là niềm vui của ơn cứu độ, niềm vui vì được Thiên Chúa đến viếng thăm, là niềm vui của cả tâm hồn và thần trí. Do đó, lời chào của sứ thần trở thành lời chào của niềm vui.
Vì thế, khi chị em Mân Côi cất lên lời chào “Ave Maria” là lúc chị em vừa chúc tụng Thiên Chúa đến viếng thăm và hiện diện trong cuộc đời mình, vừa như một sứ thần đem tin vui đến với Mẹ và với người đối diện để rồi qua Mẹ, chị em được lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Còn khi được chào, chị em trở nên như một Maria. Mẹ Maria đã ngỡ ngàng biết bao khi nhận được lời chào của sứ thần Gabrien, nhưng Mẹ cũng thật mau mắn nhận ra thánh ý Chúa và sẵn sàng đáp lời thưa “Xin vâng”. Nên mỗi khi nhận được lời chào “Ave Maria,” là lúc chị em như được tiếp nhận những điều bất ngờ, thú vị và niềm vui đến trong tâm hồn mình, lúc này cũng nhắc cho chị em biết noi gương Mẹ, mau mắn nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc đời mình và cũng mau mắn hồi đáp lại bằng lời “Ave Maria”.
Lời chào “Ave Maria” còn nhắc chị em nhớ rằng, nếu không có Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời thì con người không thể nào có được niềm vui. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa chọn bước vào hưởng niềm vui của ơn cứu độ qua cuộc thăm viếng của sứ thần Gabrien. Giờ đến phiên chúng ta, qua Bí tích rửa tội và qua lễ dâng đời thánh hiến, mỗi chị em chúng ta cũng được Thiên Chúa chọn bước vào hưởng niềm vui ơn cứu độ. Vậy nên, chị em đừng ngần ngại trao nhau lời chào “Ave Maria” thân thương mỗi khi gặp mặt, vì đây là lời chào thấm đượm tình Mân Côi và có sức “mang ơn cứu độ đến cho mọi người”.
2. Dâng Hoa Kính Mẹ Trong Tháng Năm.
Trong đời sống Giáo Hội và người Kitô hữu, tình yêu mến và lòng sùng kính Đức Mẹ Maria được diễn tả theo muôn vàn cách thế khác nhau, không chỉ trong Phụng vụ mà còn trong các vẻ đẹp truyền thống lành thánh của Giáo Hội.
Trong phụng vụ, Giáo Hội đã dành cho Đức Maria một vị trí ưu tiên vô cùng đặc biệt. Mỗi năm Hội Thánh đã dành riêng những ngày lễ trọng để dâng kính Mẹ. Trong một năm Phụng vụ, Giáo Hội dành riêng tháng Năm và tháng Mười để tôn kính Mẹ. Nếu tháng Mười, việc sùng kính Mẹ diễn tả qua những chuỗi Mân Côi huyền nhiệm, lặng lẽ; thì tháng Năm việc sùng kính Mẹ có vẻ nhộn nhịp sinh động hơn với cử hành việc Dâng hoa. Dâng hoa kính Mẹ đã xuất hiện rất sớm trong đời sống của người tín hữu và được truyền lại từ đời này tới đời kia, để luôn duy trì một cử hành đạo đức tốt đẹp theo truyền thống chung của Giáo Hội, đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho người Kitô hữu.
Hòa với bầu khí chung của Giáo Hội mỗi tháng Năm về, chị em Mân Côi cũng tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ qua những hoạt động “đặc sắc” của tháng Năm qua việc dâng hoa trong sự kết hợp những nét đẹp truyền thống tinh thần của Giáo Hội nói chung và của Hội Dòng Con Đức Mẹ nói riêng.
Sự nhộn nhịp chuẩn bị cho tháng hoa bắt đầu từ mấy tháng trước qua việc tập dâng hoa. Các “con hoa” là các bé mầm non, các cô giáo, các em Đệ Tử, Nhà Tập và Học Viện, phải tập nhuần nhuyễn những động tác để mô phỏng theo lời bài hát như tỏ bày lòng cung kính thờ lạy, cúi đầu, quỳ gối, tay úp vào ngực, giơ tay lên, dâng hoa lên… Các động tác được các “con hoa” làm nhịp nhàng, mềm mại hợp với giai điệu và lời của bài hát. Dâng hoa không chỉ có những điệu múa, những động tác đơn giản, nhẹ nhàng, mà “con hoa” phải di chuyển để xếp thành nhiều đội hình khác nhau như hình thánh giá, hình chữ A, chữ M, (chữ đầu của hai tiếng Ave Maria), hình tròn, hình ngôi sao (Mẹ là mặt trăng, là sao biển), hình mỏ neo (Mẹ là niềm cậy trông), hình ngọn nến (Mẹ là ánh sáng), hình triều thiên v.v. Toàn đội “con hoa” kết hợp nhịp nhàng, mềm mại, uyển chuyển và lớp lang, tựa như bản “đồng diễn” dâng kính, ca tụng Mẹ Maria.
Khi tham dự buổi dâng hoa, chúng ta hòa tâm tình trong những giai điệu thánh ca về Đức Mẹ và chiêm ngắm những vũ điệu nhịp nhàng, thanh thoát được “con hoa” diễn tả trước ngai Mẹ. Ngoài những đóa hoa tươi sắc đủ màu được dâng lên cho Mẹ, chúng ta không quên dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng của mỗi người. Chắc chắn từ tòa cao nhìn xuống, Mẹ sẽ chuyển cầu cùng Chúa cho những ước nguyện của đoàn con. Những nét đẹp truyền thống tinh thần này đã được chị em trong Dòng nuôi dưỡng và thực hiện từ nhiều năm và vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển như một di sản tinh thần quý giá của các thế hệ tiền nhân.
3. Canh thức – cầu nguyện – nghi thức tiễn biệt chị em qua đời.
Canh thức cầu nguyện cho người quá cố là thời gian gia đình, bạn hữu và cộng đoàn họp nhau cầu nguyện trong niềm tưởng nhớ người thân yêu đã qua đời.
Tỉnh Dòng Truyền Tin trong hoàn cảnh cụ thể, được để linh cữu người thân trong Nhà Tỉnh Dòng trước khi an táng. Vì thế, buổi tối trước ngày an táng, chị em đã có thói quen tổ chức “giờ tiễn biệt” để nhớ về người chị em mới qua đời trong lời cầu nguyện. Việc làm này trở thành một nét đẹp truyền thống tinh thần trong Dòng cần được duy trì và phát huy. Trong giờ này, chị em nhớ lại và chia sẻ cho nhau những kỷ niệm thật đẹp của người quá cố khi còn trên trần gian, khi sống trong cộng đoàn, khi thi hành sứ vụ và những dấu ấn, gương sáng của một hành trình thánh hiến mà người chị em đã lưu dấu cho người ở lại. Những kỷ niệm và những tâm tình được bộc lộ trong giờ tiễn biệt thực sự là những mối dây liên kết trong niềm tin và yêu thương giữa người còn sống và người đã khuất.
Sau thánh lễ an táng, tất cả chị em đang hiện diện, cùng với người thân và bạn hữu, quây quần bên linh cữu để chào từ biệt người quá cố lần cuối. Những nén hương trầm được thắp lên, một chị đại diện thay lời cho chị em trong Hội Dòng, bày tỏ tâm tình biết ơn và niềm thương nhớ tới người chị em quá cố. Cám ơn vì những gương sáng của đời dâng hiến chị đã để lại cho hậu sinh, cũng xin lỗi chị về những thiếu sót không thể tránh trong thời gian chị em sống và làm việc với nhau. Sau lời từ biệt, cả cộng đoàn cùng niệm hương để tỏ lòng yêu mến và biết ơn đối với người chị em sắp thực sự xa lìa cộng đoàn.
Đây thực sự là vẻ đẹp truyền thống tinh thần mà chị em Mân Côi cần duy trì bởi vì, “bao nhiêu năm ta sống bên nhau, bấy nhiêu năm tình nghĩa ghi sâu.” Cho nên, việc kính nhớ và cầu nguyện cho người đã được Chúa gọi về được chính Hiến Luật Dòng ghi rõ : : Nhờ sự chết, chị em hoàn tât ơn gọi và kết thúc hy lễ thánh hiến ở trần gian. Được cùng mai táng với Đức Ki tô, chị em chờ ngày phục sinh với Người. Trong tình hiệp thông, chị em kính nhớ và cầu nguyện cho các chị đã an nghỉ trong Chúa. (HLD 35.1)
4. Giỗ Tổ.
“Giỗ” là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam từ xưa tới nay. Vậy giỗ là gì? Giỗ là một buổi lễ kỷ niệm ngày người thân qua đời. Ngày này, con cháu quây quần thể hiện tấm lòng thủy chung với người đã khuất, đồng thời thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Tổ chức ngày giỗ người thân là một việc nên làm không chỉ để thế hệ trước làm gương cho thế hệ sau, nhưng đây còn là trách nhiệm đối với bậc sinh thành và để giáo dục thế hệ sau lưu truyền truyền thống tốt đẹp mang đạo lý nhân ái “Uống nước nhớ nguồn” trong tiến trình lịch sử của người dân Việt.
Đối với người Công Giáo, việc giỗ người thân đã khuất thường chú trọng đến việc xin lễ, đọc kinh chung và làm những việc lành để hướng về cầu nguyện cho người thân. Bên cạnh việc quy tụ đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người qua đời thì đó còn là dịp để bà con anh em họ hàng gặp nhau, thăm hỏi và động viên nhau trong cuộc sống. Như vậy, ngày giỗ không chỉ dành cho người đã khuất mà còn có ý nghĩa cho người còn sống.
Với những ý nghĩa trên, đã từ rất lâu, ngày giỗ Đức Cha Tổ Phụ – Đấng sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, đã trở thành ngày truyền thống tốt đẹp hàng năm của Hội Dòng. Trong ngày này, hầu hết các chị em của hai Tỉnh Dòng đều xum họp về một nơi để cùng nhau mừng sinh nhật trên trời của Đức Cha Tổ Phụ kính yêu. Để chuẩn bị cho ngày giỗ, Hội Dòng đã có những bước chuẩn bị bề ngoài cũng như bề trong như học hỏi các Giáo Huấn của Đức Cha, tìm hiểu về đời sống của ngài, ôn lại tinh thần sống cùng sự hy sinh tận tụy trong bổn phận. Tất cả được chuyển hóa thành lời ca, lời thơ, bài múa và kịch nghệ để chị em có dịp chiêm ngắm thật sâu sự thánh thiện nơi Đấng Tổ Phụ.
Trong ngày giỗ, chị em quy tụ bên di ảnh Cha, cùng dâng lên Cha nén hương thành kính như nghĩa cử bày tỏ lòng tri ân, thảo hiếu vì những công đức mà ngài để lại cho con cái. Đồng thời, chị em cùng với Đấng Tổ Phụ dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn chân thành đã ban cho Hội Dòng một người Cha thánh thiện và tận tụy, từ việc khai sinh ra Hội Dòng, đến việc dạy dỗ đoàn con thơ dại, để rồi tuy Cha không còn ở bên, đoàn con vẫn sống và vươn lên thành một vườn hồng mang đủ hương sắc đậm màu.
Quả thật, Giỗ Tổ là dịp rất đặc biệt đối với mỗi chị em Mân Côi, đây là dịp để chị em trở về nguồn cội của mình, để cùng nhau quây quần bên người Cha kính yêu, để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống theo lời dạy của Đấng Sáng Lập, và để dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân sâu xa nhất của mỗi người con đối với Đấng Tổ Phụ của mình. Thật ra không có lời tạ ơn tri ân nào xứng với Đấng Tổ Phụ bằng việc mỗi người cố gắng theo sát bước chân Cha, “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” khi thi hành sứ mệnh hàng ngày để giúp cho bản thân và Hội Dòng ngày càng thăng tiến hơn trên đường thánh thiện.
Mỗi dịp Giỗ Tổ là mỗi dịp để chị em Mân Côi
thêm niềm tin tưởng rằng người Cha đáng kính đã được hưởng niềm hạnh phúc nước
trời bên Thiên Chúa và ngài đang dõi bước cầu bầu cùng Chúa cho đoàn con đang
còn ở dưới thế. Đây cũng là dịp thúc giục
mỗi chị em thêm xác tín vào hành trình ơn gọi Mân Côi của mình hơn để thêm hăng
say và nhiệt huyết ra đi loan báo Tin Mừng theo tinh thần của Đấng Sáng Lập.
Tạm kết
Việc sống và thực hành những sinh hoạt truyền thống tinh thần của Hội Dòng mang lại những ích lợi sau: giúp gắn kết các thành viên trong Hội Dòng, vì trong mỗi sinh hoạt, chị em có dịp cùng tham gia, học hỏi và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống rất đáng trân quý. Qua những hoạt động mang tính truyền thống, chị em được rèn luyện về những phẩm chất tốt đẹp, sự hy sinh và lòng nhiệt thành của người nữ tu Mân Côi theo gương Đấng Sáng Lập. Thực hành và tham gia vào các hoạt động truyền thống là dịp để tất cả chị em cảm nhận được giá trị của ơn gọi dâng hiến và tự hào về việc được là thành viên của gia đình Mân Côi. Điều này thêm động lực, thêm tinh thần hăng say giúp chị em sẵn sàng dấn thân hơn trong sứ mạng và vững bước hơn trong những cam kết của đời thánh hiến.
Tóm lại, việc thực hành những vẻ đẹp truyền
thống tinh thần của Hội dòng không chỉ mang lại những lợi ích bên ngoài mà còn
góp phần hình thành nên nhân cách của một Nữ Tu Mân Côi theo đúng ý hướng của Đức
Cha Tổ Phụ.
Gợi ý thực hành:
- Chị em trong cộng đoàn năng chào nhau “Ave Maria”.
- Tại mỗi cộng đoàn, chị em có thể vận dụng cách sáng tạo những hình thức sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt như : dâng hoa, học hỏi, suy gẫm, thực hành các nhân đức của Mẹ…
- Khi có chị em qua đời, nếu không thể hiện diện trực tiếp trong “giờ tiễn biệt,” chị em có thể tổ chức “giờ” này tại các cộng đoàn, như một sự hiệp thông trọn vẹn trong tình gia đình.
- Tích cực tham dự với tất cả tâm tình Ngày GIỖ TỔ hàng năm.
- Những chị em bị ngăn trở không thể về tham dự Ngày Giỗ Tổ, nếu có thể, cũng dành một giờ “Giỗ Tổ” tại cộng đoàn.
M. Madalêna Hoàng Linh Huy, fmsr