Home / Thư Bề Trên-TLHT / Tài liệu học tập / Chủ đề sống Tháng 01 & 02 năm 2025: VỊ TRÍ CỦA ĐỨC MARIA TRONG LINH ĐẠO DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Chủ đề sống Tháng 01 & 02 năm 2025: VỊ TRÍ CỦA ĐỨC MARIA TRONG LINH ĐẠO DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Đức Maria được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính, vì Mẹ là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã được tham dự vào mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô… (x. HLD 21.1) Là nữ tu Dòng Mân Côi, linh đạo của chị em là “Với tinh thần đức ái trọn hảo, chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người.”  Như vậy, qua linh đạo này,  Mẹ Maria chiếm vị trí là người Mẹ, là mẫu gương, là người đồng hành, là trạng sư chuyển cầu cho chị em trong hành trình dâng hiến.

  1. VAI TRÒ LÀM MẸ CỦA ĐỨC MARIA TRONG LINH ĐẠO MÂN CÔI  

Dưới chân thập giá, Thánh Gioan đã nghe lời trăn trối của Chúa Giêsu gởi gắm mình cho Mẹ Maria: “Này là con Bà”; và cũng chính Vị Thầy Giêsu căn dặn Người môn đệ yêu dấu, đại diện cho toàn thể nhân loại: “Này là mẹ con(x. Ga 19,26-27). Như vậy từ thuở ấy, Mẹ Maria trở thành mẹ của toàn thể nhân loại trong đó có chị em Mân Côi.

Mẹ cũng được tôn nhận cách đặc biệt là Mẹ Giáo Hội với lễ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, vào ngày thứ hai sau lễ Hiện xuống.

Là nữ tu Mân Côi, vai trò làm Mẹ của Đức Maria lại gần gũi hơn nữa khi Đấng Sáng Lập đặt Mẹ làm Mẹ Bề trên của Hội Dòng.

Như vậy trong tư cách là Mẹ Bề trên của Hội Dòng, Mẹ chăm sóc, dạy bảo, uốn nắn từng chị em với tình mẫu tử thiêng liêng liêng.

Đức Cha Tổ phụ đã dặn dò  từng nữ tu Mân Côi: “Này con, con còn nhớ: lúc con còn bé thơ, thủa con chưa đi vững, thì con chẳng mấy khi rời mẹ, mẹ thường hằng bữa với con, con làm chuyện gì cũng kêu đến mẹ, mẹ vừa nghe tiếng liền chạy đến con. Này con, đây con hãy ở cùng Đức mẹ như vậy, người thật là mẹ con, dầu không phải là mẹ đẻ, xong mẹ đẻ làm sao sánh bằng. Người là mẹ hay mến hay thương, là mẹ có tài có phép: đức từ bi khôn ví, quyền bầu chữa khôn đương. Còn phận con, tuy đã bấy nhiêu tuổi đầu, xong còn dại dột, dại dột trong việc xử thế ở đời, dại dột trong đàng phần rỗi: thương thay, lại có ba thù, rình hại con như muôn thú dữ, khốn khó còn vây ngàn nỗi, ở thế gian tựa biển ba đào. Vậy thì con chớ rời tay Đức Mẹ, hằng phải trắn tríu mến yêu, phải năng cầu xin van nài. Con phải phú thác xác hồn con trong tay Đức mẹ thì con luôn được chắc chắn vững an.  Con hãy nhớ lời các thánh dậy: ai thật lòng tôn kính Đức Mẹ thì chẳng phải hư mất đời đời” (GSD I, tr. 39).

  • VAI TRÒ MẪU GƯƠNG CỦA MẸ MARIA TRONG LINH ĐẠO MÂN CÔI

Lòng tôn sùng chân chính đối với Mẹ Maria thúc đẩy chúng ta noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ. (x. GH 67) Ý thức được điều đó, khi sống linh đạo Mân Côi, chị em chiêm ngưỡng Mẹ như mẫu gương thành toàn nhất của nhân loại, người nữ tu đầu tiên và là người môn đệ trọn hảo nhất của Chúa Kitô. Mẹ là mẫu gương hoàn hảo chiếu sáng mọi nhân đức, đặc biệt là mẫu gương đức tin, đức mếnsự kết hiệp trọn vẹn với Chúa Kitô (LG 63). Với vai trò là mẫu gương, Mẹ giúp chị  em  soi chỉnh đời sống mình mỗi ngày.

Mẫu gương Đức Tin:  

Thánh sử Luca, trong biến cố truyền tin, đã cho chúng ta thấy Đức Maria chìm ngập trong thái độ khiêm tốn của lòng tin. Mẹ đã can đảm tin điều mà nhân loại không thể tin được. Cuộc đời của Mẹ được hiện thực nhờ sức mạnh của lòng tin. Khi mang thai trong sự chất vấn của Giuse, cũng như của bao người tại làng quê Nazaret, Mẹ Maria ở trong sự nghịch lý mà Thiên Chúa bắt đầu thực hiện trong hành trình cứu độ của Ngài. Những gì Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ vượt ngoài mọi luật lệ tự nhiên và không thể giải thích được. Đức tin khiêm tốn đã giúp Mẹ đón nhận tất cả trong tâm tình phó thác toàn vẹn cho sự dẫn dắt của Thiên Chúa.

Với biến cố sinh hạ Chúa Giêsu,  Con Đấng Tối Cao, trong hang súc vật, nghèo khó và hôi tanh, một lần nữa Mẹ phải đối diện với sự vô lý không thể hiểu được. Trong hoàn cảnh ấy đức tin của Mẹ lại chiếu sáng. 

Trong biến cố hành hương Giêrusalem dịp lễ vượt qua khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Mẹ đã phải học nhìn nhận tất cả dưới ánh sáng lòng tin. Người Con đó thuộc về Mẹ nhưng nhất là thuộc về Thiên Chúa. Thế rồi, trong suốt những tháng ngày hoạt động công khai của Chúa Giêsu, trước những thành công và thất bại của con mình, Mẹ vẫn vững tin vào đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Lòng tin của Mẹ đã đạt đến đỉnh cao, dưới Chân Thập Giá của Chúa Giêsu: giữa khổ đau tột cùng, bị thử thách cam go, nặng nề. Mẹ vẫn đứng vững trong một đức tin tinh tuyền và mạnh mẽ nhất.

Như thế, trong suốt cuộc đời mình, Mẹ Maria đã nêu gương sống đức tin trọn vẹn, một đức tin vô điều kiện không đòi hỏi chứng cứ hay lời biện minh giải thích, một lòng tin tinh tuyền và tín thác vô biên. Và lòng tin ấy của Mẹ được tóm gọn trong hai tiếng Fiat, xin vâng và trở thành hiến tế tình yêu.

Hơn bao giờ hết Đức tin của Mẹ Maria là mẫu gương vô cùng sống động hữu ích và cần thiết cho thế giới ngày nay, nhất khi con người được hướng dẫn bởi tư tưởng vô thần, giá trị cuộc sống bị giảm thiểu hoàn toàn dựa trên suy tư, cần giải thích hợp lý theo nhãn quan vật chất và những lợi lộc trước mắt, chóng qua. Trong bối cảnh hiện sinh như thế, những người sống đời thánh hiến cũng bị cám dỗ tách rời lòng tin ra khỏi cuộc sống và không dám biểu lộ ra ngoài. Ngay cả trong cộng đoàn tu trì người ta ngại chia sẻ cho nhau những cảm nhận của đức tin và lại không có thói quen để cho lòng tin hướng dẫn cung cách suy tư hành xử của mình. Kết quả là không thấy được giá trị vô song của thực tại vô hình. Đời tu trở nên nhạt nhẽo, dễ dàng kéo lê và đôi khi rời bỏ món quà quí nhất của cuộc đời là ơn gọi Thánh Hiến. Trong bối cảnh như thế, người nữ tu Mân Côi có Mẹ Maria là mẫu gương đức tin. Mỗi khi lập lại linh đạo của Hội Dòng là một lần nhắc nhở chị hãy nhìn lên mẫu gương và nài xin sự trợ giúp của Mẹ, để có thể khám phá ra ý nghĩa siêu nhiên, độc đáo mà Thiên Chúa gởi gắm trong những biến cố rất tự nhiên và đời thường. Để nhờ đó, cuộc sống mỗi ngày trở nên sung  mãn và đậm chất siêu nhiên, bởi nó được khởi đầu từ Thiên Chúa và sẽ kết thúc trong tình  yêu nhiệm mầu của Ngài.

Mẹ Maria mẫu gương đức ái trọn hảo:

Suốt cuộc đời Mẹ Maria đã liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu, Mẹ đã cùng con bước đi trên mọi nẻo đường dương thế. Hơn ai hết Mẹ hiểu rõ Chúa Giêsu con Mẹ. Người là nguồn mạch tình yêu và Người đã yêu thương nhân loại đến cùng (Ga 13,1tt).  Đức Maria cũng vậy, mang chính Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ, Mẹ không ngừng yêu thương trợ giúp và trao tặng nguồn mạch Tình Yêu cho những người Mẹ gặp gỡ. Từ biến cố thăm viếng, khi Đức Maria “vội vã” lên đường đến giúp bà Êlisabét, ngoài việc trợ giúp người chị trong thời thai nghén, Mẹ Maria còn mang đến cho ngôi nhà Zacaria món quà đặc biệt  là sự hiện diện của Ngôi lời Thiên Chúa trong cung lòng của Mẹ. Nhờ Chúa Thánh Thần bao phủ bà Êlisabét nhận ra Mẹ Thiên Chúa đang đối diện với mình và bà đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  (Lc 1,43-44). Nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ Maria, gia đình Zacaria được tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Mẹ Maria không bao giờ giữ Chúa cho riêng mình, Mẹ luôn trao ban Chúa cho nhân loại để niềm vui của đức ái trọn hảo được lan tỏa đến mọi người.

Ước gì mỗi ngày chị em Mân Côi biết noi gương Mẹ, biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa vào lòng, để nhờ ơn Chúa biết mở rộng khả năng yêu thương đến tất cả mọi người, không phân biệt phe nhóm. Đức ái trọn hảo trong linh đạo Mân Côi phải là tình yêu vượt xa sự tính toán hơn thiệt nó mang  “đặc tính thần linh”, nghĩa là nó đến từ Thiên Chúa, là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta.

Mẫu gương kết hiệp trọn vẹn với Chúa Kitô:

Tin mừng Thánh Luca phác họa cho chúng ta chân dung của Đức Maria là một người nữ cầu nguyện và chiêm niệm. Sau cuộc viếng thăm của các mục đồng với Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, “Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Biến cố tìm được trẻ Giêsu trong đền thờ, Mẹ cũng ghi nhớ tất cả điều đó trong lòng. Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã nói về sự thấm đẫm tinh thần cầu nguyện của Mẹ Maria: “Ký ức của Đức Maria trước tiên là gìn giữ biến cố trong tâm khảm của mình, nhưng không chỉ như thế, Mẹ thường xuyên có những cuộc đối thoại nội tâm với tất cả những gì đã xẩy ra. Nhờ những cuộc đối thoại này, Mẹ đã chìm sâu vào trong khía cạnh nội tâm, Mẹ nhìn mọi biến cố trong một tiến trình nối kết nhiệm mầu và học hỏi để được hiểu biết thêm”. Thói quen này theo Mẹ trong suốt cuộc đời, Mẹ theo sát Con, kết hợp mật thiết với Con. Sự khắng khít giữa Mẹ và Con rất mãnh liệt và mật thiết, đến nổi không ai có thể so sánh được và cũng không ai có thể hiểu hết được. Mẹ luôn tìm cách thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong mọi khoảnh khắc, mọi lúc và mọi việc, đến nỗi suy tư và hành động của Mẹ trở nên thống nhất.  Mẹ thật khiêm tốn vì không bao giờ tìm ý mình, nên Mẹ thật cao cả vì Thiên Chúa đã thực hiện được ý Ngài trong cuộc đời của Mẹ. 

Noi gương Mẹ, người nữ tu Mân Côi luôn sống kết hiệp với Chúa, khiêm tốn dò tìm thánh ý Thiên Chúa mỗi ngày để Thiên Chúa có thể thực hiện chương trình tốt đẹp của Ngài trên cuộc đời của mình, cũng như trên những người Thiên Chúa trao cho phó mình.  

  • ĐỨC MARIA, NGƯỜI ĐỒNG HÀNH VÀ ĐẤNG BẢO TRỢ TRONG LINH ĐẠO MÂN CÔI

Suy gẫm các mầu nhiệm trong chuỗi Mân Côi, chúng ta cảm nghiệm được hành trình đức tin của Mẹ là một cuộc hành trình được đan quyện với rất nhiều mầu sắc, vui thương, sáng mừng. Tích cực cộng tác với Ơn Chúa, Mẹ đã không ngừng nỗ lực thao thức, tìm kiếm trong khiêm nhường và vâng phục để công trình và Thánh ý của Ngài được thực hiện. Mẹ là người đã từng trải qua mọi cung bậc cảm xúc, niềm vui sâu thẳm nhất khi biết mình được Chúa yêu thương. Mẹ cũng là người đón nhận nỗi đau cùng cực nhất khi cùng con đối diện với khổ đau nhục hình trên thập giá. Hơn ai hết Mẹ là người đồng hành tuyệt diệu, dẫn đường chỉ lốicho tất cả những người lữ hành đức tin đặc biệt là những người sống đời thánh hiến. 

Dưới sự hướng dẫn của Mẹ  Maria, chị em Mân Côi học lắng nghe và suy niệm trong lòng để khám phá ra điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang hướng dẫn cuộc đời mình. Dưới sự đồng hành của Mẹ mỗi ngày chị em cảm nghiệm niềm vui, niềm hy vọng khi sống đức tin trong mọi biến cố thăng trầm, vui buồn, như đời Mẹ đã trải qua.

Mẹ Maria không chỉ là người đồng hành mà Mẹ còn là trạng sư, Đấng trợ giúp, bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, giúp chúng ta gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu Con Mẹ. Truyền thống Giáo Hội từ xa xưa cũng  đã có nhiều bài thánh thi, thánh ca diễn tả Mẹ Maria là Đấng bảo vệ, là người đồng hành, kéo chúng ta ra khỏi những hiểm nguy đe dọa tính mạng trên trần gian và cũng là mối đe dọa sự cứu rỗi đời đời của linh hồn. “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ để những ai cầu nguyện với Mẹ phải sa chước cám dỗ, nhưng giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy, Mẹ là người duy nhất tinh tuyền và được đầy ơn phước”. (Bài thánh ca thế kỷ thứ ba). Công đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium số 62 cũng đã xác định : trong Hội thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được các tín hữu kêu cầu dưới nhiều tước hiệu như Trạng sư, Đấng phù trợ, Đấng Cứu giúp.

Như vậy hơn ai hết, bước đi theo linh đạo Mân Côi, chị em luôn có Mẹ Maria là người đồng hành và bảo vệ chở che trong hành trình dâng hiến. Ước gì mỗi ngày chúng ta gắn bó với Mẹ như lời Đức Cha Tổ Phụ khuyên dạy:

Hãy dâng mình làm con Đức Mẹ,

thì Người hằng tỏ lòng Mẹ với con,

lúc gian truân người hằng an ủi;

lâm cám dỗ người sẽ che chở.

Thành tâm thờ Mẹ Chúa Trời,

Sống đà khỏi sợ, chết thời hỉ hoan.

Lâm cơn khổ hãi gian nan,

có người bầu chữa ủi an dắt dìu.

Vậy khuyên con hãy mến yêu,

cùng làm tôi Mẹ chở liều bỏ lơ.

(GSD II, tr. 353)

Tạm kết:

Tóm lại:  Trong linh đạo Mân Côi, khi “cùng với Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ cho mọi người”, chị em tôn nhận Mẹ như Mẹ Bề trên, học với Mẹ như mẫu gương sáng chói về đức tin, đức ái, trong sự gắn bó với Thiên Chúa, và chị em luôn vững niềm hy vọng khi có Mẹ là người đồng hành, là trạng sư cầu thay nguyện giúp trước Tòa Chúa, trong suốt hành trình đời dâng hiến của mình.

Đề nghị thực hành:

  • Nhìn mọi người, mọi biến cố với con mắt đức tin như Mẹ.
  • Chiêm ngắm các nhân đức của Mẹ, để quyết tâm và kiên trì tập những nhân đức nào mà bản thân mình còn yếu kém. 

M. Clara Nguyễn Thảo, fmsr

Bài mới

Chủ đề sống Tháng 03 & 04 năm 2025: HỌC THEO “PHONG CÁCH MARIA” TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO.

Giáo Hội đòi buộc “thành viên các tu hội thánh hiến […] phải hoạt động …