Home / Bài Viết / VUI BƯỚC THEO THẦY TRONG TÌNH YÊU TRUNG TÍN VÀ KIÊN TRÌ

VUI BƯỚC THEO THẦY TRONG TÌNH YÊU TRUNG TÍN VÀ KIÊN TRÌ

Dòng Mân Côi Chí Hòa – Họp mặt Viện Khấn Tạm 10-12-2023

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thách đố với nền văn hóa tương đối và tạm bợ. Thế giới đang rơi vào một “thế giới ảo”, mong manh và bấp bênh khiến chúng ta dễ ngã lòng và buông bỏ con đường đã chọn: Bước theo Chúa trong đời thánh hiến!

1. Hồng ân trung tín

Trung tín là một đặc tính của tình yêu Thiên Chúa: “Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm[1]. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, chúng ta không có khả năng sống trung tín, bởi ngay từ đầu nguyên tổ đã bất trung, nhưng nhờ Tình yêu Trung tín của Thiên Chúa mà chúng ta có thể từng bước trung tín với Người, hay đúng hơn Thiên Chúa mãi mãi yêu thương bất chấp sự thất trung của chúng ta.

Bởi vì Chúa nhân hậu,

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

Qua bao thế hệ,

Người vẫn một lòng thành tín[2].

Lịch sử cứu độ cho thấy rằng bất chấp những tội lỗi của con người, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi yêu thương con người. Chính nhờ tình yêu trung tín của Thiên Chúa mà chương trình Cứu độ được thực hiện một cách tiệm tiến trong thời gian qua giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người, cho dù con người có bất trung phản bội, phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa thì Người vẫn kiên nhẫn sửa chữa lại những đổ vỡ ấy.

Phần chúng ta, chúng ta cũng được nuôi dưỡng và lớn lên bằng chính đức tin và giáo huấn của Giáo hội qua các thời đại, để chúng ta mãi mãi xác tín về một Thiên Chúa yêu thương và thành tín, một Thiên Chúa thường hằng bất biến từ đời nọ đến đời kia.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: Và vì Thiên Chúa đầy thương xót này luôn trung thành trong lòng từ bi của Người, nên “Dù ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” [3].

Như vậy, trung tín là một ưu phẩm của Thiên Chúa, phát xuất từ Người và được ban cho chúng ta như một hồng ân, từ đó chúng ta hy vọng có cơ hội trở về và sống trung tín.

2. Niềm vui kiên trì

Cho đến lúc này, chúng ta vẫn còn hiện diện nơi đây, trong Nhà Chúa… Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã trung tín và kiên trì bước đi theo Chúa!

Nhưng không, chúng ta không hề có khả năng ấy. Chính bởi Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, Người đã ban “Hồng ân Trung tín” (Tình Yêu trung tín của Người) cho chúng ta, nên chúng ta mới có thể trung tín và trung tín với Chúa trong từng ngày.

Bởi vậy, chúng ta cần nuôi dưỡng lòng kiên trì để giữ gìn “Hồng ân Trung tín” đã lãnh nhận từ Người.

* Đánh mất sự kiên trì 

– Theo bản điều tra năm 2005 của cha Luis Oviedo OFM, sự rời bỏ đời tu như sau:

– Xét về tuổi đời: (Trước đây đi tu sớm)

+ Từ 31-40: 37,8%
+ Từ 41-50: 33,0%
+ 10 năm sau khi khấn trọn: 42,2% 
+ Từ 10 đến 20 năm sau khi khấn trọn: 31,3%

– Xét về lý do hồi tục:

+ Tình cảm, lời khấn khiết tịnh: 42%
+ Thiếu trưởng thành: 21,3%
+ Vấn đề tâm lý: 21%
+ Xung khắc quyền bính: 17,1%

– Theo thống kê của Bộ Tu Sĩ, trong vòng 5 năm (2008-2017) số Linh mục Tu sĩ rời bỏ ơn gọi như sau[4]:

+ Miễn chuẩn lời khấn: 11.805 tu sĩ. Trung bình mỗi năm có 2.361 đơn
(chưa kể các dòng thuộc quyền Giám mục địa phương)
+ Phép chuẩn nghĩa vụ giáo sĩ: 1.188 linh mục; 130 phó tế

Hiện tượng rời bỏ đời sống thánh hiến một cách dễ dàng của các tu sĩ là một điều đáng lo ngại đối với các dòng tu trong Giáo Hội. Hậu quả này đến từ việc các tu sĩ sống theo trào lưu văn hóa hưởng thụ, coi nhẹ việc hy sinh khổ chế vốn là điều căn bản của đời tu[5]; quy hướng về mình, kiêu căng tự mãn; thờ ơ với bổn phận nên thánh, nên trọn lành của bậc sống. Thật vậy, giữa một thế giới thực dụng và một xã hội coi nhẹ giá trị của tình yêu và lòng trung tín, con người dễ thay lòng đổi dạ. Chúng ta dễ dàng coi việc tu trì là một chọn lựa nhất thời theo cảm tính, kể cả sau nhiều năm sống bình an và hạnh phúc trong đời thánh hiến. Một khi sống dễ dãi sẽ mất dần ý thức thuộc về Thiên Chúa, khiến đời sống trở nên tẻ nhạt, tầm thường, thiếu chiều kích chiêm niệm. Với lối sống như thế, việc rời bỏ đời tu cũng là lẽ đương nhiên.

3. Ở lại trong tình yêu

“Hãy ở lại trong tình yêu Thầy”, ở lại là kiên trì! chỉ khi ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta mới mang lại hoa trái. Ở lại là nói lên một quyết tâm đáp trả tình yêu giao ước muốn thuộc về Chúa, noi gương trung tín của Chúa Kitô. Như thế thử thách sẽ trở thành cơ hội giúp chúng ta thể hiện sự kiên trì và lòng trung thành. Nó cũng là cơ hội giúp chúng ta không sống cho chính mình nữa, mà thiết lập lại một tình bạn vững bền với Đức Kitô và với những người khác, mang lại hoa trái và niềm vui trọn vẹn[6].

Sự trung tín được đo lường theo thời gian, và kiên trì là một nhân đức nói lên nét đặc trưng của thời gian. Như vậy, sự kiên trì chỉ có thể được giữ vững nhờ “tưởng nhớ Thiên Chúa”. Thực vậy:

– Sự trung tín được nuôi dưỡng nhờ sự gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi hoàn toàn dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa, để kiên trì sống sự trung tín trong hy vọng theo gương Đức Kitô. Để kiên trì bước đi đến cùng, chúng ta cần nhớ lại những giây phút gặp gỡ hạnh phúc với Chúa, nhớ lại tình yêu thuở ban đầu khiến chúng ta chọn Chúa.

– Điều kiên trì đầu tiên chúng ta cần phải chú ý đó là liên lỉ nguyện xin cho được ơn trung tín.

– Bước đi theo Chúa trong niềm vui và hy vọng, để những thử thách, cám dỗ… không làm chúng ta ngã lòng mà còn là một cơ hội cho chúng ta cảm nghiệm về một tình yêu trung tín của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.

– Đời sống huynh đệ là điểm tựa cho sự trung tín, chúng ta có hạnh phúc hay không hệ tại đời sống huynh đệ và những mối tương trong cộng đoàn. Cùng kiên trì trong việc cầu nguyện, hiệp thông và chia sẻ với nhau về đời sống tinh thần cũng như vật chất, đồng trách nhiệm về sự trung tín của nhau. Cùng nhau xây dựng một cộng đoàn thánh thiện yêu thương. Quan tâm nâng đỡ và thông cảm với nhau.

– Noi gương Mẹ Maria, người trinh nữ trung tín và kiên trì. Chúng ta học nơi Mẹ trung thành bước theo Chúa, kiên trì “ở lại trong tình yêu Chúa” và sinh hoa trái để làm chứng về một Thiên Chúa luôn yêu thương và thành tín.

4. Nữ tu Mân Côi trên hành trình theo Chúa  

Tông huấn “Đời sống Thánh hiến” số 70, đã nêu lên 4 thời điểm dễ xảy ra cuộc khủng hoảng, chúng ta cần chuẩn bị tâm thế bước vào những khúc ngoặt của cuộc đời một cách bình an.

Tương đương với 4 giai đoạn này, đối với các chị em đã tuyên khấn trọn đời, Hội Dòng Mân Côi chúng ta đã chia thành 4 khối trong chương trình thường huấn hằng năm, như một sự đồng hành, hy vọng có thể củng cố, nâng đỡ, giúp chị em vượt qua những khó khăn thử thách trong từng thời điểm của đời thánh hiến, với tên gọi như sau:

1) Lên đường: Thời chuyển từ giai đoạn huấn luyện sơ khởi sang kinh nghiệm đầu tiên của đời sống tự lập, phải lãnh trách nhiệm hoàn toàn về công việc. Cần được đồng hành để trưởng thành và sống trọn vẹn mối tình tươi trẻ với lòng hăng say nồng nhiệt đối với Đức Kitô.

2) Dấn thân: Khoảng mười năm sau khấn trọn, thời gian này có nguy cơ “sống máy móc” theo thói quen, mất đi nhiệt tình ban đầu, dễ chán nản khi không đạt được kết quả trong công việc. Cần được hướng dẫn xét lại sự lựa chọn ban đầu dưới ánh sáng của Tin Mừng và của đoàn sủng; giúp tìm lại một đà tiến mới và những động lực mới cho việc chọn lựa cá nhân. Đây là thời gian phân định tìm kiếm điều cốt yếu.

3) Chứng nhân: Sự trưởng thành trong giai đoạn này có nguy cơ rơi vào nếp sống cá nhân chủ nghĩa, kèm theo mối lo sợ bị tụt hậu, đưa đến lối sống cứng cỏi, khép kín, buông thả. Cần chú tâm đi vào đời sống thiêng liêng cầu nguyện cùng với niềm hăng say trong sứ vụ; củng cố lại đời thánh hiến để sống khiêm tốn, quảng đại và bình an. Với kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng và tông đồ sẵn sàng học hỏi những điều hay, mang lại sự khích lệ và nêu gương sáng cho lớp trẻ.

4) Toàn hiến: Bước vào tuổi cao niên phải đối diện với một số vấn đề: việc thay đổi chỗ ở, ngưng các sinh hoạt do tuổi tác, bệnh tật… đây là một kinh nghiệm có tính cách giáo dục sâu xa. Giai đoạn này thường là một giai đoạn đau khổ, nhưng tuổi cao niên được tôi luyện bởi kinh nghiệm vượt qua này để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh. Cần được giúp đỡ để kết hiệp với cuộc thương khó của Đức Kitô, và biết rằng hành trình đào luyện bản thân sắp hoàn tất, sẵn sàng buông bỏ và bình an đón nhận giờ chết để hoàn tất Lễ Dâng.

Hành trình theo Chúa là một hành trình dài một đời, mà chúng ta thường thiếu kiên trì, dễ dàng bỏ cuộc. Để có thể bước đi mãi trên hành trình này, chị em Mân Côi cần ý thức về sự yếu đuối mỏng manh của bản thân, về những lôi cuốn xô đẩy từ bên ngoài, để khiêm tốn đón nhận những hướng dẫn từ Giáo Hội, những ân cần quan tâm từ Hội Dòng qua các kỳ thường huấn, qua việc đồng hành… hầu biết phân định để dù có vấp ngã hay lạc lối… chị em cũng luôn biết bắt đầu lại và tiếp tục bước đi….¾

Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, FMSR.


[1] Tv 116,2

[2] Tv 99,5

[3] 2Tm 2,13; ĐTC Phanxicô, Bài huấn dụ ngày 23-01-2016

[4] Bộ Tu Sĩ, Bản đúc kết Phiên họp khoáng đại, tháng 11-2017

[5] x. Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23

[6] x. Ga 15,9-11

Bài mới

THOÁNG NHÌN VỀ HỘI DÒNG TRONG BIẾN CỐ 1954-1975