Trong cuộc sống thường nhật với những sinh hoạt hằng ngày: những hoạt động bên ngoài trong sứ vụ, những sinh hoạt tinh thần, đời sống thiêng liêng, thậm chí cả việc thao luyện bản thân và hành trình nên thánh trong đời thánh hiến, điều chúng ta quan tâm nhất là gì? Phải chăng là lo chu toàn các việc ấy cách đầy đủ và hoàn hảo. Thực vậy, trong bất cứ công việc hay hoạt động nào, chúng ta đều nhắm tới đích điểm đó. Thi hành đầy đủ tức làm đến nơi đến chốn, không bỏ qua chi tiết nào; làm cách hoàn hảo tức đi đến cùng, với chủ đích siêu nhiên. Bởi đời sống luân lý được đánh giá không theo tiêu chuẩn số lượng các việc làm mà theo động lực thúc đẩy những việc làm đó, nghĩa là do lòng tin và lòng yêu mến.
Để đạt được điều đó, chúng ta cần có một đời sống nội tâm sâu đậm, gắn kết với Chúa như nền tảng nuôi dưỡng mọi hoạt động của đời sống thánh hiến và sứ vụ, đồng thời “hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” giúp chúng ta kiên trì bước đi trên con đường hoàn thiện trong sự bền vững và trung tín[1]. Vậy, để sống sung mãn ơn gọi thánh hiến và đi đến cùng hành trình theo Chúa, chúng ta hãy bước vào “Đời sống nội tâm”.
1. ĐỜI SỐNG NỘI TÂM LÀ GÌ?
Đời sống nội tâm thực sự cần thiết cho mọi người, đặc biệt đối với chúng ta, những người bước đi theo Chúa trên con đường tiến tới sự thánh thiện. Trên hành trình này, chúng ta gặp rất nhiều trở ngại bởi chúng ta sống giữa một xã hội đề cao hiệu năng, một nền văn hóa tạm bợ với lối sống thực dụng…, khiến chúng ta nhiều khi phải chạy đua với thời gian, với công việc, với trào lưu bên ngoài để không bị tụt hậu mà quên đi điều chính yếu của đời thánh hiến là tìm kiếm và gặp được chính Chúa.
Ở đây chỉ đưa ra một vài khái niệm để chúng ta hiểu về “Đời sống nội tâm” một cách đơn giản nhất giúp mỗi người chúng ta áp dụng vào cuộc sống một cách thực tế.
– Theo cái nhìn tự nhiên nhân loại, đời sống nội tâm là sự trầm ngâm và suy nghĩ sâu sắc của con người. Đối với những người sống nội tâm, giao tiếp ít không phải là điểm yếu mà là cách để họ tập trung và lắng nghe những điều xảy ra chung quanh. Cuộc sống nội tâm đem lại cho họ sự tĩnh lặng và sự hiểu biết sâu sắc về thế giới và về con người.
– Theo Giáo Lý Công Giáo: Đời sống nội tâm là đời sống tha thiết với các chân lý thiết yếu của cuộc đời. Như mục đích đời mình, chết rồi đi đâu. Đời sống nội tâm là sống có Chúa, với Chúa và trong Chúa.
– Theo Đức Cha Tổ Phụ đời sống nội tâm chính là sự sống bề trong, ngài nhắc nhở chị em chuyên chăm tập luyện các nhân đức theo bậc sống của mình; song nếu chị em không biết sống thiêng liêng bề trong thì khó mà tập được các nhân đức, vì một linh hồn hay sao lãng, lòng trí chia ra trăm việc bề ngoài thì không nếm được mùi thanh cao các nhân đức. Bởi không nếm được thì không mến mộ và cũng không lo chu đáo, hoàn hảo được. Vì vậy, chị em phải học cho biết cách sống bề trong. Sống bề trong là hằng sống liên mãi trước mặt Chúa và kết hợp cùng Người[2].
– Đức Thánh Cha Phanxicô trong một bài suy gẫm đã đưa ra kết luận: “Người Kitô hữu khi cầu nguyện, không mong muốn hiểu rõ hoàn toàn về bản thân, không tìm kiếm chính mình. Lời cầu nguyện của Kitô hữu trước hết là cuộc gặp gỡ với một Đấng Khác, là cuộc gặp gỡ siêu việt với Thiên Chúa”. Do đó, “nếu kinh nghiệm cầu nguyện mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm, hoặc khả năng làm chủ bản thân, hoặc hiểu rõ ràng về con đường phải đi, thì chúng ta có thể nói những kết quả này là kết quả xuất phát từ ân sủng của việc cầu nguyện, của việc gặp gỡ Chúa[3].
Như vậy, sống nội tâm chính là sống với Chúa, kết hợp với Chúa. Từ đó, đi đến một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa một cách cá vị. Trong cuộc gặp gỡ này, ánh sáng và tình yêu Chúa chiếu soi khiến tâm hồn trở nên trong suốt, đưa đến một cảm nghiệm thâm sâu về Thiên Chúa. Chính từ trong Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tìm thấy chính mình, gặp được chính mình và được chữa lành, được đổi mới trong tương quan thân tình với Chúa và mở ra với tha nhân.
2. NỘI TÂM HÓA CÁC GIÁ TRỊ
Hành trình tiến tới đời sống nội tâm chính là “nội tâm hóa”, tức là đưa những cái bên ngoài vào bên trong, và biến nó trở nên chính mình. Như khi chúng ta ăn uống, thực phẩm được tiêu hóa trở thành dưỡng chất nuôi cơ thể con người. Đời sống tinh thần cũng vậy, khi một tư tưởng, một sự việc xảy ra chúng ta lắng nghe, nhìn nhận và suy tư, đưa đến một kết luận, một quan điểm, từ đó hình thành nên lối suy nghĩ, nên cách sống của mình. Kết quả của việc nội tâm hóa là những giá trị bên ngoài được đưa vào nội tâm, rồi sau khi đã phân định và chọn lựa, chúng ta được thúc đẩy và quyết tâm sống theo những giá trị đó, như vậy con người chúng ta được biến đổi, cuộc sống chúng ta trở nên tốt hơn.
Cụ thể, khi chúng ta đọc hay lắng nghe Lời Chúa, hãy để cho Lời Chúa thấm nhuần tâm trí, hãy mở lòng cho sứ điệp Lời Chúa đi vào cuộc đời, đưa đến một lựa chọn, một quyết tâm trong đời sống. Một tiến trình được gọi là nội tâm hóa khi hội đủ 3 điều kiện sau:
– Ghi nhận những gì nắm bắt qua giác quan, qua câu chuyện, qua biến cố…
– Đặt mình vào bối cảnh, vào biến cố đó/ Với những cảm nhận cá nhân
– Định hướng thay đổi cuộc sống/ Với những quyết tâm thực hành
Như vậy, tiến trình nội tâm hóa cũng là hành trình thao luyện của đời thánh hiến, một hành trình biến đổi từ con người trần tục sang con người thánh thiêng. Khi bước theo Chúa chúng ta bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa, say mê chiêm ngưỡng Chúa, ở kề bên Chúa, chuyện trò với Chúa, để rồi phản chiếu dung nhan rạng ngời của Chúa. Vì thế đời sống thánh hiến với cái nhìn tích cực phải được coi như là một cuộc “biến hình”, bước theo Chúa Kitô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người, tham dự vào mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô xác định: “Nội tâm hóa chính là cuộc hành hương tiến gần tới Đức Kitô hơn, nên giống Người hơn, Đấng mang lại nguồn gốc cho đức tin và làm cho đức tin tới độ viên mãn”[4].
3. ĐỜI SỐNG NỘI TÂM CỦA NỮ TU MÂN CÔI
Để bước vào đời sống nội tâm, kết hợp với Thiên Chúa, để lắng nghe lời Chúa, từ đó biến đổi bản thân, chúng ta cần thiết phải có một tâm hồn trầm lặng. Vì “Thiên Chúa chỉ hiện diện trong trầm lặng”. Dĩ nhiên Ngài có thể hiện diện trong bất cứ nơi nào, những nơi ồn ào náo động… Nhưng chỉ trong sự an tĩnh trầm lặng, con người mới cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và mới có thể tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa. Có thể có những người sống giữa nơi ồn ào, giữa những bận rộn hằng ngày mà vẫn thấy Chúa hiện diện và gặp gỡ Người, nhưng chắc chắn rằng điều đó chỉ có thể khi họ đã từng có những cuộc gặp gỡ Chúa trong trầm lặng, đã có kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa. Và chính trong nơi ồn ào đó, họ cũng phải trở về với sự an tĩnh nội tâm bằng sự hướng lòng lên Chúa và gặp gỡ Người.
Còn đối với chúng ta, với những kinh nghiệm bản thân, chúng ta càng xác tín hơn sự cần thiết của trầm lặng bên ngoài cũng như bên trong để hướng đưa con người chúng ta đến sự kết hợp với Chúa và lắng nghe lời Người. Những người quay cuồng trong ồn ào của ngoại cảnh sẽ chẳng bao giờ nghe thấy tiếng nói âm thầm bên trong, và những tâm hồn không biết khước từ tạo vật, những mối bận tâm lo lắng bên ngoài, họ cũng không thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa được.
1) Mẹ Maria, gương mẫu đời sống nội tâm
Chiêm ngắm cuộc đời Mẹ Maria, chúng ta thấy Mẹ đã nội tâm hóa Lời Chúa và mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống, qua việc lắng nghe và suy đi nghĩ lại trong lòng, để suốt đời Mẹ là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và tận tình thực thi thánh ý Người:
– Ngay từ thuở ấu thơ, Mẹ Maria đã tách xa khỏi thế trần ồn ào náo động, ẩn mình trong đền thánh. Chính từ nơi thánh điện, Mẹ đã hun đúc một tâm hồn chiêm niệm, kết hợp với Thiên Chúa và nghe được lời của Thiên Chúa rất nhỏ nhẹ và kín đáo trong sự cô tịch của nội tâm Mẹ.
– Rồi cũng với sự trầm lặng, Mẹ đã lãnh nhận sứ điệp ngày Thiên sứ Truyền tin trong sự phân định và nhận ra được thánh ý Thiên Chúa để đáp lời “xin vâng” cùng Người.
– Trước mầu nhiệm cao cả, khi con Thiên Chúa đã là con Mẹ trong hang lừa máng cỏ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã hóa thân làm người rất yếu đuối và bé nhỏ, Mẹ đã đụng chạm được Ngôi Lời đã nhập thể nơi hài nhi Giêsu con Mẹ bằng sự chiêm ngắm và suy niệm trong lòng[5].
– Suốt quãng đời thơ ấu của Chúa Giêsu, mọi biến cố đều được Mẹ đón nhận với một niềm tin yêu, một tâm hồn hoàn toàn kết hợp với thánh ý Chúa.
– Rồi khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã tiếp tục chiêm ngắm những biến cố xảy ra với tâm hồn trầm lặng để rồi lại đáp lời “xin vâng” như thuở ban đầu!
Đời sống nội tâm của Mẹ Maria là một cuộc sống ẩn dật, lắng chìm trong Thiên Chúa. Chính trong sự trầm lặng, Mẹ đã gặp gỡ Thiên Chúa bằng sự cầu nguyện liên lỉ, và cũng chính trong sự trầm lặng này, Mẹ là một trinh nữ hằng lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Do đó Mẹ đã nhìn ra được thánh ý Chúa trong cuộc đời Mẹ để cộng tác với Thiên Chúa, nên dụng cụ sống động của Người trong chương trình cứu độ trần gian. Mẹ đã hoàn tất cuộc đời Mẹ theo ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng nên Mẹ.
2) Thực hành sống nội tâm
Ngay từ giai đoạn đầu của đời thánh hiến, chị em đã được hướng dẫn để hun đúc đời sống nội tâm như là nền tảng của đời tu Mân Côi. Thực vậy, trong việc huấn luyện, Đức Cha Tổ Phụ lưu ý các bề trên “phải dùng hết mọi phương thế mà một người nhiệt thành khôn ngoan có thể dùng được để giúp chị em trở nên một người có sự sống bề trong. Đó là một điều rất cần thiết như là nền tảng đàng nhân đức để giữ lấy tinh thần nhà dòng khi ra làm việc hành động. Quả vậy, sự sống bề trong dọn lòng cho một người nhà dòng chỉ làm việc vì một lẽ siêu nhiên là sáng danh Chúa và giúp lo phần rỗi linh hồn người ta”[6].
Đời sống nội tâm cầu nguyện đưa chị em đi sâu vào cuộc gặp gỡ với Chúa, từ đó đạt tới đích điểm của đời tu Mân Côi là Đức Ái, mến Chúa yêu người. Để đạt mục tiêu này Hiến Luật Dòng cũng xác định: “Thinh lặng là yêu sách của tình yêu. Trong nội vi cần có sự yên tĩnh, cần bầu khí thuận lợi cho việc cầu nguyện, hồi tâm và gặp gỡ Chúa. Một sự thinh lặng đầy sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ củng cố đời sống nội tâm, làm gia tăng đức ái, và giúp chị em mở rộng lòng trước những nhu cầu của tha nhân”[7].
Thực vậy, cuộc sống thường ngày chính là nơi Thiên Chúa hẹn hò với từng người chúng ta, Đức Cha Tổ Phụ đã nhắn nhủ con cái phải cầu nguyện liên lỉ bằng việc sống “sự sống bề trong”, luôn sống trước tôn nhan Chúa: “Ta đi đâu, ở đâu, ta cũng hằng nhớ Chúa ở trước mặt…”[8], như vậy mới không lạc đường. Thực hành sống trước sự hiện diện của Chúa chính là cầu nguyện, bằng cách đó, chúng ta ngăn ngừa tâm trí suốt ngày đi lang thang để giữ nó lại gần bên Thiên Chúa, kết hiệp với Người.
Vì thế, chị em Mân Côi “phải học tập để biết cách sống bề trong, luôn nhớ mình ở trước mặt Chúa, nhìn xem Chúa, nghe Chúa truyền, yêu mến, tưởng nhớ, và năng than thở với Chúa”[9].
– Nhìn xem Chúa: Nghĩa là lấy đức tin mà trông xem Chúa ở trước mặt ta luôn. Ta ở đâu, ta làm gì, thì hằng có Chúa ở bên ta như người bạn nghĩa thiết.
– Nghe Chúa truyền: Nghĩa là chăm chú nghe lời Chúa khuyên lơn, dạy bảo. Khi thì Người soi sáng chỉ dẫn bề trong, khi thì Người chỉ vẽ bề ngoài bởi một câu sách ta đọc, hoặc bởi một lời lành ta nghe trên tòa giảng, trong tòa giải tội, hay là bởi một người bạn.
– Mến yêu: Nghĩa là ta phải năng giục lòng mến yêu Chúa, và xin Chúa đốt lửa kính mến Chúa trong lòng ta, năng dùng những lời nguyện tắt mà xin sự ấy.
– Tưởng nhớ: Thường mến thương ai, thì năng tưởng nhớ đến kẻ ấy. Nếu ta năng giục lòng mến Chúa, tức nhiên ta cũng năng nhắc trí nhớ đến Chúa trong mọi việc ta làm.
– Cầu nguyện thở than: Mỗi lần nhớ đến Chúa, thì hoặc là cầu nguyện, hoặc là thở than cùng Chúa, như nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin giúp con làm việc này cho nên” hay “Lạy Chúa, xin làm phép lành cho con”.
Ngoài ra, muốn đạt đến sự sống thiêng liêng bề trong, muốn dễ dàng sống bề trong một cách tự nhiên thì ta phải dùng 8 phương pháp này[10]:
Lương tâm tinh sạch mọi đàng,
Lòng càng thanh tịnh, trí càng tinh anh.
Việc làm thảy phải ngay lành,
Tĩnh tâm khắc kỷ, ngôn hành hẳn hoi.
Tình thân với Chúa đừng nguôi,
Yêu mình cũng phải yêu người như ta.
Nhắc lại giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ để thấy rằng giáo huấn của ngài vẫn còn nguyên giá trị và cần thiết hơn đối với thời đại hôm nay. Việc dành thời gian để cầu nguyện, nhớ đến Chúa trong thời đại công nghệ thông tin là một công việc thật khó khăn. Chính vì vậy chúng ta càng cần phải quan tâm thực hành những lời dạy dỗ của Đức Cha để duy trì đời sống nội tâm: thiết lập mối tương quan với Chúa, gặp gỡ Chúa trong mọi sự kiện hay biến cố vui buồn, và nhớ đến Người trong từng khoảnh khắc đời thường.
KẾT LUẬN
Giữa một xã hội phát triển, phương tiện truyền thông hiện đại, cuộc sống của con người gắn liền với công nghệ thông tin, mọi nhu cầu của con người đều được đáp ứng qua mạng xã hội: từ mua sắm, học hành, giao tiếp, vui chơi, ăn uống, chữa bệnh… điều này rất tốt, mang lại cho con người một cuộc sống chất lượng, tiện lợi và thú vị; nhưng mặt trái của nó cũng tác hại không kém, nhất là đối với đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo: “Những thông tin và hình ảnh trực tiếp trên mạng xã hội rất dễ bị thao túng, dễ đánh lừa và lạc xa sự thật, không gì thay thế được việc có mặt và gặp gỡ trực tiếp”. Qua đó, chúng ta hiểu được tại sao ngài đã thực hiện các chuyến tông du mục vụ liên tiếp mặc dù tuổi đã cao và sức khỏe đã giảm. Chúng ta phải công nhận rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa gặp trực tiếp và những cách thức gián tiếp khác[11].
Cũng vậy, trong đời sống thiêng liêng, việc dành cho Chúa những thời khắc cầu nguyện chung và gặp gỡ riêng tư với Chúa rất cần thiết để nuôi dưỡng và phát triển đời sống nội tâm của mỗi người chúng ta. Mà cầu nguyện là gì nếu kkhông phải là một cuộc gặp gỡ, bày tỏ tâm tư nỗi lòng với Chúa, hoặc chỉ là thinh lặng và bình an trước sự hiện diện của Người. Những giờ phút ấy ghi lại trong tâm hồn chúng ta một kinh nghiệm riêng về Chúa, về thân phận yếu hèn của mình. Dư âm của những kinh nghiệm ấy khiến tâm hồn chúng ta khao khát Chúa, nhớ về Chúa trong khi làm việc cũng như trong mọi sinh hoạt của ngày sống. Với kinh nghiệm riêng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Cầu nguyện vừa là một thách đố vừa là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu ấy thú vị biết bao! Dần dần, Đức Giêsu giúp ta trân trọng sự cao cả của Người và kéo ta lại gần Người hơn. Việc cầu nguyện cho phép ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh trong đời sống mình, và an tâm nghỉ ngơi trong vòng tay của Người. Đồng thời, cầu nguyện giúp ta tham dự vào chính sự sống và tình yêu của Người. Khi cầu nguyện, chúng ta dành chỗ cho Người để Người có thể hành động, có thể đi vào, và có thể chiến thắng”[12].
ĐỀ NGHỊ THỰC HÀNH
1) NỘI TÂM HÓA:
– Lắng nghe và ghi nhận bằng con tim những gì xảy ra trong cuộc sống.
– Suy tư và phân định những giá trị.
– Chọn giá trị tốt nhất và quyết tâm thực hành.
2) CẦU NGUYỆN:
– Trung thành tham dự các giờ cầu nguyện chung một cách ý thức với động lực là tình yêu.
– Dành giờ cầu nguyện riêng để gặp gỡ thân tình với Chúa.
– Nhớ Chúa trong sinh hoạt hằng ngày.
Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, fmsr.
[1] x. Thư Chung TCH XXIV, 5
[2] x. GSD I, tr. 247-256
[3] ĐTC Phanxicô, Bài giáo huấn, ngày 28-04-2021
[4] ĐTC Phanxicô, Bài giáo huấn, ngày 24-10-2014
[5] x. Lc 2, 16-19
[6] GSD I, tr. 163
[7] HLD 31.1 ; x. CT 46
[8] GSD I, tr. 217
[9] x. GSD tr. 250-251
[10] GSD I, tr. 251
[11] Nguồn WHD, 21-05-2023
[12] ĐTC Phanxicô, Đức Kitô đang sống, số 155