Home / Tin Tức / Giáo Hội Thế Giới / Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 56

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 56

guồn: exaudi
Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Chỉ có nền hòa bình sinh ra từ tình yêu thương huynh đệ và vị tha mới có thể giúp chúng ta vượt qua những khủng hoảng cá nhân, xã hội và toàn cầu”.

Hôm nay, ngày 16 tháng Mười Hai năm 2022, Tòa Thánh đã công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 56, sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng Một năm 2023.

Sứ điệp có tựa đề “Không ai có thể được cứu một mình. Bắt đầu từ COVID-19 để cùng nhau vạch ra những con đường hòa bình” và được ký ngày 8 tháng Mười Hai, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, dâng những nhu cầu của toàn thế giới cho Mẹ của Chúa Giêsu và là Nữ Vương Hòa Bình.

Trong năm điểm, Đức Thánh Cha đề cập đến các vấn đề của thế giới ngày nay, bao gồm đại dịch coronavirus, những tác động của nó và các cuộc xung đột vẫn đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Sau đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha.

Không ai có thể được cứu một mình.

Chung tay đẩy lùi Covid-19, cùng nhau tiến bước trên con đường hòa bình

“Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (Thư thứ Nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica, 5:1-2).

1. Bằng những lời này, Thánh Tông đồ Phaolô khuyến khích cộng đoàn Thêxalônica giữ kiên định, tâm hồn và đôi chân vững vàng và cái nhìn của họ hướng về thế giới xung quanh và các biến cố của lịch sử, ngay cả khi họ chờ đợi sự trở lại của Chúa. Khi những biến cố bi thảm dường như chôn vùi cuộc sống của chúng ta, và chúng ta cảm thấy bị chìm trong một vòng xoáy đen tối và khó khăn của bất công và đau khổ, thì chúng ta được mời gọi mở lòng cho niềm hy vọng và tin cậy vào Thiên Chúa, Đấng hiện diện, đồng hành với chúng ta bằng sự dịu dàng, nâng đỡ chúng ta trong những lúc mệt mỏi, và trên hết, hướng dẫn con đường của chúng ta. Vì lý do này, Thánh Phaolô không ngừng khuyên cộng đoàn hãy tỉnh thức, tìm kiếm sự thiện, công bình và sự thật: “Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (5:6). Những lời của ngài là một lời mời gọi hãy luôn cảnh giác và đừng co cụm vào trong nỗi sợ hãi, buồn phiền hay cam chịu, hoặc để mình bị sao lãng hay nản chí. Thay vào đó, chúng ta hãy nên giống như những người lính canh gác và sẵn sàng nhìn thấy ánh bình minh đầu tiên, ngay cả vào giờ đen tối nhất.

2. Covid-19 đã nhấn chìm chúng ta trong đêm đen. Nó làm đảo xáo trộn cuộc sống hàng ngày của chúng ta, làm đảo lộn các kế hoạch và thói quen của chúng ta, đồng thời phá vỡ sự yên bình của cả những xã hội giàu có nhất. Nó tạo ra sự mất phương hướng và đau khổ và gây ra cái chết cho rất nhiều anh chị em của chúng ta.

Giữa vòng xoáy của những thách thức bất ngờ và đối mặt với một tình huống gây hoang mang ngay cả trên quan điểm khoa học, các nhân viên y tế trên thế giới đã được huy động để làm giảm bớt sự đau khổ to lớn và tìm kiếm các biện pháp khắc phục khả thi. Đồng thời, các giới chức chính trị phải thực hiện các biện pháp tổ chức và quản lý các nỗ lực ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Cùng với khía cạnh thể chất, Covid-19 đã dẫn đến tình trạng bất ổn chung nơi nhiều cá nhân và gia đình; thời gian dài bị cách ly và nhiều hạn chế khác nhau đối với quyền tự do đã góp phần gây ra tình trạng bất ổn này, với những tác động lâu dài đáng kể.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua những rạn nứt trong trật tự kinh tế và xã hội của chúng ta mà đại dịch đã phơi bày, cũng như những mâu thuẫn và bất bình đẳng mà nó mang đến. Nó đe dọa sự đảm bảo việc làm của nhiều cá nhân và làm trầm trọng thêm sự cô đơn ngày càng gia tăng trong xã hội của chúng ta, đặc biệt là đối với người nghèo và người túng thiếu. Chúng ta cần nghĩ đến hàng triệu lao động phi chính thức ở nhiều nơi trên thế giới không có việc làm và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào trong thời gian phong tỏa.

Hiếm khi các cá nhân và xã hội đạt được tiến bộ trong những điều kiện tạo ra cảm giác thất vọng và cay đắng, làm suy yếu những nỗ lực bảo đảm hòa bình trong khi kích động xung đột xã hội, tâm trạng thất vọng và nhiều hình thức bạo lực. Thật vậy, đại dịch dường như đã làm đảo lộn ngay cả những khu vực yên bình nhất trên thế giới, và phơi bày tất cả những hình thức mong manh.

3. Ba năm sau, đã đến lúc phải đặt câu hỏi, tìm hiểu, trưởng thành và cho phép bản thân được biến đổi với tư cách cá nhân và cộng đồng; đây là thời điểm đặc biệt để chuẩn bị cho “ngày của Chúa”. Tôi đã quan sát trong nhiều trường hợp thấy rằng chúng ta không bao giờ trở lại như cũ sau thời kỳ khủng hoảng: chúng ta trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Hôm nay, chúng ta đang được hỏi: Chúng ta đã học được gì từ đại dịch? Chúng ta nên đi theo những con đường mới nào để cởi bỏ xiềng xích của những thói quen cũ, để chuẩn bị tốt hơn, để dám làm những điều mới? Chúng ta có thể nhìn thấy những dấu hiệu nào của sự sống và hy vọng để giúp chúng ta tiến về phía trước và cố gắng biến thế giới của chúng ta thành một nơi tốt đẹp hơn?

Chắc chắn, sau khi trực tiếp trải nghiệm sự mong manh trong cuộc sống của chính mình và thế giới xung quanh, chúng ta có thể nói rằng bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Covid-19 là nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cần có nhau. Rằng kho báu lớn nhất nhưng cũng mong manh nhất của chúng ta đó là toàn nhân loại chúng ta là anh chị em, là con cái của Chúa. Và rằng không ai trong chúng ta có thể được cứu một mình. Do đó, chúng ta cần phải liên kết với nhau trong việc tìm kiếm và thúc đẩy các giá trị phổ quát có thể hướng dẫn sự phát triển tình huynh đệ nhân loại này. Chúng ta cũng biết rằng niềm tin mà chúng ta đặt vào sự tiến bộ, công nghệ và những kết quả của sự toàn cầu hóa không chỉ quá mức mà còn biến thành sự mê hoặc đối với chủ nghĩa cá nhân và mang tính tôn sùng, làm phương hại đến lời hứa về công bình, hòa hợp và hòa bình mà chúng ta đã hăng hái tìm kiếm. Trong thế giới với tốc độ quá nhanh của chúng ta, các vấn đề phổ biến về bất bình đẳng, bất công, nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội tiếp tục châm ngòi cho tình trạng bất ổn và xung đột, đồng thời tạo ra bạo lực và thậm chí là chiến tranh.

Đại dịch đã đưa tất cả những điều này lên hàng đầu, nhưng nó cũng có những tác động tích cực. Những tác động này bao gồm việc trở lại với sự khiêm nhường, suy nghĩ lại về những sự thái quá trong tiêu dùng, và một ý thức mới về tình đoàn kết đã khiến chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với nỗi đau khổ của người khác và nhiệt tình hơn trước những thiếu thốn của họ. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến những nỗ lực, mà trong một số trường hợp tỏ ra thực sự anh hùng, được thể hiện bởi tất cả những người đã làm việc không mệt mỏi để giúp mọi người thoát khỏi khủng hoảng và tình trạng hỗn loạn một cách tốt nhất có thể.

Kinh nghiệm này đã làm cho tất cả chúng ta nhận thức rõ hơn về sự cần thiết đối với tất cả mọi người, gồm các dân tộc và các quốc gia, để phục hồi lại từ “cùng nhau” vào vị trí trung tâm. Vì chỉ bằng cách cùng với nhau, trong tình huynh đệ và đoàn kết, chúng ta mới xây dựng được hòa bình, bảo đảm công bình và thoát khỏi những thảm họa lớn nhất. Thật vậy, những phản ứng hiệu quả nhất đối với đại dịch đến từ các nhóm xã hội, các tổ chức công và tư, cũng như các tổ chức quốc tế, họ đã gạt bỏ những lợi ích riêng của họ sang một bên và hợp lực để đối mặt với những thách thức. Chỉ có nền hòa bình xuất phát từ tình yêu thương huynh đệ và vô vị lợi mới có thể giúp chúng ta vượt qua những khủng hoảng cá nhân, xã hội và toàn cầu.

4. Mặc dù vậy, vào thời điểm khi chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch Covid-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến của Covid-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người. Cuộc chiến ở Ukraine đang mang đến những nạn nhân vô tội và gieo rắc sự bất an, không chỉ giữa những người bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn lan rộng và tràn lan đối với tất cả mọi người, kể cả những người ở cách xa hàng ngàn cây số cũng phải chịu những tác động phụ của nó – chúng ta nghĩ đến tình trạng thiếu ngũ cốc và giá nhiên liệu.

Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu Covid mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi. Cuộc chiến này, cùng với tất cả các cuộc xung đột khác trên toàn cầu, là một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại chứ không chỉ đối với các bên liên quan trực tiếp. Trong khi đã tìm ra vaccine cho Covid-19, các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho chiến tranh. Chắc chắn, virus chiến tranh khó khắc phục hơn virus làm tổn thương cơ thể chúng ta, bởi vì nó không đến từ bên ngoài chúng ta, nhưng đến từ bên trong tâm hồn con người bị tội lỗi làm băng hoại (x. Mc 7:17-23).

5. Vậy chúng ta đang được yêu cầu điều gì? Trước hết, hãy để tâm hồn chúng ta được thay đổi bởi kinh nghiệm của chúng ta về sự khủng hoảng, để cho Thiên Chúa biến đổi, vào thời điểm này trong lịch sử, các tiêu chí thông thường nhìn thế giới xung quanh của chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đến việc tạo không gian cho lợi ích cá nhân hoặc quốc gia của mình; thay vào đó, chúng ta phải suy nghĩ về ích chung, nhận ra rằng chúng ta thuộc về một cộng đồng lớn lao hơn, và mở rộng tâm trí và tâm hồn của chúng ta cho tình huynh đệ nhân loại phổ quát. Chúng ta không thể tiếp tục chỉ tập trung vào việc bảo toàn bản thân; đúng hơn, đã đến lúc tất cả chúng ta phải cố gắng chữa lành xã hội và hành tinh của chúng ta, đặt nền móng cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn, đồng thời nghiêm túc cam kết theo đuổi điều tốt đẹp thật sự cho mọi người.

Để làm được điều này và để có một cuộc sống tốt đẹp hơn sau đại dịch Covid-19, chúng ta không thể bỏ qua một thực tế cơ bản, đó là nhiều cuộc khủng hoảng về đạo đức, xã hội, chính trị và kinh tế mà chúng ta đang trải qua đều có mối liên hệ với nhau, và những gì chúng ta coi là các vấn đề riêng biệt thực sự là nguyên nhân và hậu quả của lẫn nhau. Do đó, chúng ta được kêu gọi đương đầu với những thách thức của thế giới chúng ta trong tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn. Chúng ta phải xem lại vấn đề bảo đảm sức khỏe cộng đồng cho mọi người. Chúng ta phải thúc đẩy các hành động cổ võ hòa bình và chấm dứt các cuộc xung đột và chiến tranh tiếp tục sản sinh ra nghèo đói và chết chóc. Chúng ta cần cấp thiết chung tay chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và thực hiện các biện pháp cụ thể và hiệu quả để chống biến đổi khí hậu. Chúng ta cần chiến đấu với virus bất bình đẳng và bảo đảm lương thực cũng như lao động đúng phẩm giá cho tất cả mọi người, hỗ trợ những người thậm chí không có được mức lương tối thiểu và đang gặp khó khăn lớn. Điều ô nhục của các dân tộc đang chịu đói kém vẫn còn là một vết thương hở. Chúng ta cũng cần phát triển các chính sách phù hợp để chào đón và hội nhập những người di cư và những người mà xã hội ruồng bỏ. Chỉ bằng cách quảng đại đáp lại những tình hình này, với một lòng vị tha được khơi gợi bởi tình yêu vô biên và nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mới và góp phần mở rộng vương quốc của Ngài, một vương quốc của tình yêu, công bằng và hòa bình.

Khi chia sẻ những suy nghĩ này, tôi hy vọng rằng trong năm mới sắp tới, chúng ta có thể cùng nhau bước trên hành trình, trân quý những bài học mà lịch sử đã dạy chúng ta. Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới những vị Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ, những Vị đứng đầu các Tổ chức Quốc tế và những nhà lãnh đạo của các tôn giáo. Tôi xin bày tỏ sự tin tưởng trong lời cầu nguyện cho tất cả những người nam nữ thiện chí rằng, trong vai trò là những nghệ nhân của hòa bình, họ có thể làm việc từng ngày để biến năm nay thành một năm tốt đẹp! Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm, Mẹ Chúa Giêsu và là Nữ Vương Hòa Bình, cầu bầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Viết từ Vatican, 8 tháng 12, 2022

PHANXICÔ

Bài mới

THOÁNG NHÌN VỀ HỘI DÒNG TRONG BIẾN CỐ 1954-1975