(GSD I, 278)
Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng rất thân mến,
Chúng ta bước vào tháng Mân Côi, Giáo Hội kêu mời các tín hữu thực hành truyền thống đạo đức đã có từ xa xưa, đó là việc tôn kính Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Đối với Hội Dòng, đây là thời gian đặc biệt nhằm củng cố nơi chị em mối liên hệ thân tình của những người con hiếu thảo đối với Mẹ Bề Trên của mình. Đức Cha Tổ Phụ đã nhấn mạnh đến một trong những việc chị em phải làm để tôn sùng Mẹ Maria là lần hạt và suy gẫm những mầu nhiệm Mân Côi cách ý tứ thâm trầm. Ngoài ra, Đức Cha còn căn dặn chị em trong những ngày lễ về Đức Mẹ, hãy mừng lễ cách sốt sắng, chọn các bài hát phù hợp, và trong cuộc sống, luôn nhắc nhở nhau noi gương các nhân đức của Mẹ như: khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục, luôn giữ gìn nết na và sống theo cách ăn nết ở của Mẹ[1]. Vì thế, ngay từ những ngày Hội Dòng mới thành lập, việc lần chuỗi Mân Côi và lòng tôn sùng Mẹ Maria của chị em đã có một sắc thái riêng và là một phần thực hành trong đời sống thiêng liêng của chị em. Những tràng chuỗi Mân Côi chung hay riêng dâng kính Mẹ mỗi ngày, như một phương thế để bày tỏ lòng yêu mến và tình con hiếu thảo đối với Mẹ, để nhờ Mẹ dẫn đến với Chúa Giêsu.
Để đón nhận được những lợi ích của kinh Mân Côi, chúng ta phải thực hành việc đạo đức này với tất cả tâm tình và ý hướng. Đối với một số người, việc lần chuỗi Mân Côi dễ rơi vào thói quen đưa đến nhàm chán, hoặc có khi chỉ quan tâm đọc được nhiều mà lơ là trong việc áp dụng vào cuộc sống. Thánh Louis De Montfort nói: “Đọc ít kinh mà sốt sắng còn hơn đọc rất nhiều mà lòng hững hờ”. Thiên Chúa cần tấm lòng yêu mến hơn là số lượng những kinh ta đọc, Người muốn nghe tiếng lòng chứ không muốn nghe tiếng ngoài miệng mà lòng chẳng chút tâm tình.
Đức Cha Tổ Phụ dạy chị em: “Đọc kinh lần hạt sao cho có tinh thần, có ý vị bề trong”. Đọc kinh có tinh thần và ý vị bề trong là để cho từng lời kinh chúng ta đọc, từng mầu nhiệm chúng ta suy, thấm nhập vào tư tưởng và tuôn chảy xuống tâm hồn. Khi miệng đọc kinh, tay lần hạt, trí suy gẫm, tâm hồn yêu mến và kết hợp với Chúa qua các mầu nhiệm đời Chúa và Đức Mẹ, thì chúng ta mới đón nhận được những giá trị tinh thần của kinh Mân Côi, là làm cho cuộc sống ăn khớp với lời kinh ta đọc và những mầu nhiệm ta suy niệm. Lúc đó kinh Mân Côi mới thực sự làm lay động tâm hồn, đồng thời, nuôi dưỡng và biến đổi đời sống chúng ta nên giống Chúa mỗi ngày. Đọc kinh có tinh thần thì phải gắn bó với cái hồn của kinh Mân Côi, nghĩa là suy niệm và đặt vào đó tâm tình yêu mến đối với Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Những mầu nhiệm được suy niệm sẽ soi tỏ cho chúng ta thấy rõ con người của mình, giúp tìm ra những quyết tâm phù hợp với bản thân trong hoàn cảnh hiện tại nhằm đổi mới đời sống theo Tin Mừng. Khi nào việc đọc kinh Mân Côi trở thành một nhu cầu tâm linh, một thói quen thiêng liêng, chúng ta mới dễ dàng cảm nhận được những “ý vị bề trong” và đời sống thiêng liêng của chúng ta mới thực sự nên phong phú.
Kinh nghiệm của chúng ta mỗi khi đọc kinh Mân Côi là giữ cho tâm trí lắng đọng, bình an, để các mầu nhiệm đời Chúa và những lời kinh lặp đi lặp lại sẽ chạm sâu vào tâm hồn. Mỗi chục kinh đều tôn vinh một mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ, để qua đó, chúng ta xin ơn thực hiện được nhân đức tương ứng với mỗi mầu nhiệm, hoặc xin một ơn nào cho mình hay cho người khác. Với một tâm hồn khao khát được nên hoàn thiện, chúng ta sẽ dần dần hấp thụ được những nhân đức mà kinh Mân Côi chứa đựng. Nhân đức là một thói quen tốt được lặp đi lặp lại, thì kinh Mân Côi chính là phương thế tuyệt hảo cho người muốn tập luyện những nhân đức theo gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Trong cuốn sách Hướng Dẫn Đọc Kinh Mân Côi, cha John Protor đã giải thích kinh Mân Côi “vừa là một thầy dạy, vừa là nhà giảng thuyết. Với tư cách là người thầy, kinh Mân Côi dạy chúng ta biết những điều phải tin; với tư cách là nhà giảng thuyết, kinh Mân Côi dạy chúng ta biết điều phải làm… Kinh Mân Côi dẫn con người đến sự hiểu biết cuộc đời Chúa Giêsu để sống theo Người và thực hành các nhân đức của Người”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng dạy rằng: Việc lặp đi lặp lại lời kinh Mân Côi nuôi dưỡng chúng ta ước muốn nên giống Chúa Kitô trọn vẹn hơn, cho đến khi đạt tới tầm mức thánh thiện thực sự[2]. Như vậy, khi suy niệm một mầu nhiệm Mân Côi được kèm theo một nhân đức luyện tập, chúng ta học được những nhân đức của Tin Mừng và ước muốn họa lại những nhân đức ấy trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, mỗi chúng ta cũng cần tự vấn về hiệu quả của kinh Mân Côi trong đời sống của mình. Có khi chúng ta lần chuỗi nhiều, nhưng lời kinh chưa biến thành cuộc sống; có thể chúng ta mới chỉ đọc theo bổn phận, theo thói quen mà chưa thẩm thấu tâm hồn nên chưa có sức biến đổi; hoặc chúng ta lần hạt chưa có tinh thần, chưa có ý vị bề trong, nên chưa có tác dụng. Qua sáu lần hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ luôn nhắc đến ba mệnh lệnh: Lần hạt Mân Côi, cải thiện đời sống và tôn sùng trái tim Mẹ. Nếu chúng ta lần chuỗi Mân Côi mà không kèm theo việc cải thiện đời sống thì cũng chưa thể hiện được lòng tôn sùng Mẹ. Theo kinh nghiệm của các thánh, kinh Mân Côi có khả năng biến đổi con người từ bên trong, một cách từ từ, tiệm tiến. Bởi vì chúng ta được tiếp xúc với hai khuôn mẫu tuyệt vời của sự thánh thiện là Chúa Giêsu và Mẹ Người, đồng thời, hai khuôn mẫu thánh thiện này trở thành luật sống cho chúng ta.
Kính thưa toàn thể chị em rất thân mến,
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần kêu gọi các tín hữu tái khám phá chỗ đứng của kinh Mân Côi trong đời sống. Đặc biệt trong Tông thư về Kinh Mân Côi số 43, ngài đã viết: “Kinh Mân Côi, một lời kinh quá dễ nhưng lại rất phong phú đáng được các cộng đoàn Kitô giáo khám phá lại. Tôi muốn nói với toàn thể anh chị em thuộc mọi bậc sống, mọi gia đình Kitô giáo, những người bệnh và cao tuổi, những người trẻ: Hãy cầm lại chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Thánh Kinh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày”. Đáp lời mời gọi này, chúng ta ý thức hơn mỗi khi đọc kinh Mân Côi, những lời kinh được miệng đọc, trí suy, tâm hồn cảm nhận và yêu mến, thì hồng ân sẽ thấm sâu vào linh hồn, và cuộc sống chúng ta trở nên thánh thiện.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có dịp sống lại những chặng đường mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã đi qua bằng việc lần chuỗi Mân Côi chung với cộng đoàn, khi một mình, lúc đi đường hoặc khi làm việc, lúc nghỉ ngơi hay đau bệnh, để liên kết niềm vui, nỗi buồn, những thành công, thất bại, những hy vọng và khổ đau của đời sống thành những chuỗi kinh Mân Côi sống động. Trong tháng này, chúng ta chăm chỉ cầm lấy vòng chuỗi thánh thiện như một cuốn Tin Mừng rút gọn để soi dọi đời mình trong mẫu gương thánh thiện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúng ta trân trọng và yêu mến tràng chuỗi Mân Côi như một di sản thiêng liêng của Hội Dòng, vì đây là sợi dây thắt chặt đời chúng ta vào đời Chúa Giêsu và đời Mẹ. Xin Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trong từng lời kinh Mân Côi, để qua Mẹ, chúng ta được kết hợp với Chúa và cũng được nối kết với mọi người.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
M. Rose vũ Loan, FMSR
[1] x. Gia Sản Dòng I, 149
[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Kinh Mân Côi, số 26