Chúng ta bước vào năm cuối cùng của nhiệm khóa 2019-2023 với chủ đề “Bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn hảo”. Trong ba năm vừa qua, chúng ta đã cùng nhau bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn hảo đời thánh hiến Mân Côi qua các chủ đề:
- Trung tín với kỷ luật đời thánh hiến Mân Côi
- Sống Tinh thần Đức Ái của Hội Dòng
- Hoàn thiện chân dung nữ tu Mân Côi
Năm nay, Hội Dòng chúng ta cùng nhau “BƯỚC ĐI TRƯỚC MẶT CHÚA VÀ SỐNG HOÀN HẢO CÁC MỐI TƯƠNG QUAN”. Đây là một chủ đề rất thiết thân với mỗi người, vì trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có nhu cầu tương quan và ai cũng đã từng có nhiều mối tương quan khác nhau trong cuộc sống. Hơn nữa, chúng ta chắc hẳn đã có kinh nghiệm về tương quan của mình với các đối tượng khác nhau, có khi rất lành mạnh và tốt đẹp, nhưng có thể cũng đã có nhiều trải nghiệm thấm thía về những tương quan chưa hoàn chỉnh, khập khễnh hoặc bị đổ vỡ.
Tương quan là một nhu cầu cơ bản của con người. Tương quan không chỉ là cận kề về mặt thể lý, nhưng còn là mối dây liên kết về mặt tâm linh và tinh thần. Bởi vì con người là một sinh linh có tính xã hội, không khép kín trong chính mình nhưng luôn mở ra với các đối tượng hiện hữu trong vũ trụ này, nên con người luôn khát vọng được “sống cùng, sống với và sống cho nhau”. Saint Exupéry đã nhận ra điều này khi nói: “Tôi chợt thấy mình giữa một đoàn thể, hồn mở rộng do khám phá những hồn khác bên mình, cùng nhìn nhau môi cười rộng rãi, như tên tù nọ được giải phóng đang ngây ngất nhìn mặt biển bao la”. Những cảm nhận này cho thấy con người có nhu cầu nối kết trong tương quan. “Cái tôi” phải hòa hợp với “những Cái khác tôi” để có thể đi tới sự hoàn chỉnh của một con người, và như thế, tương quan là điều bắt buộc giúp cho mỗi người có thể tiến tới sự hoàn thiện cả về mặt cá nhân cũng như cộng đoàn.
Từ khi bước vào cuộc đời cho đến lúc ra khỏi cõi đời, chúng ta luôn sống trong thế giới của các mối tương quan, nó chi phối và ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống chúng ta. Có những mối tương quan chân thật, phong phú và cũng có những mối tương quan hời hợt, giả tạo. Cái thực tế của những mối tương quan thật và giả luôn cận kề, đan xen với nhau làm chúng ta nhiều khi không phân biệt được đâu là những tương quan chúng ta phải xây dựng để trở nên một con người hiệp thông như lời mời gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Những người tận hiến được yêu cầu trở thành những chuyên viên thực sự về hiệp thông”[1]. Theo ngài, để trở thành chuyên viên hiệp thông, trước hết phải có cái nhìn của tâm hồn hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi đang ngự trong mình, đồng thời có khả năng thấy ánh sáng của Chúa chói ngời trên gương mặt của tha nhân, có khả năng nhìn thấy những điều tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như một hồng ân Thiên Chúa ban, biết dành một chỗ cho người khác và biết mang gánh nặng cho nhau[2].Đây cũng chính là nỗi khát mong của Chúa Giêsu khi Người dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17, 21).
Để trở thành con người của sự hiệp thông, chúng ta cùng nhau học hỏi và thực hành các chủ đề trong niên học 2022-2023 như sau:
- Tương quan với Thiên Chúa
- Tương quan với bản thân
- Tương quan với gia đình
- Tương quan với chị em trong cộng đoàn
- Tương quan với mọi người
- Tương quan với thiên nhiên và vũ trụ
TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN CHÚA
Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người và sự sống này luôn tuôn chảy trong mỗi chúng ta từ khi lãnh bí tích rửa tội. Chính sự sống này làm cho chúng ta khao khát hướng thượng và nỗ lực không ngừng để thiết lập mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa. Cũng như bóng đèn phải nối kết với nguồn điện để phát sinh ánh sáng, chúng ta cũng phải nối kết với Thiên Chúa là nguồn sự sống để duy trì và làm tăng trưởng sự sống đã được ban cho. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: “Con người mang trong mình một khát vọng sự vô tận, một nỗi nhớ nhung sự vĩnh cửu, một kiếm tìm vẻ đẹp, một ước mong tình yêu, một nhu cầu ánh sáng và sự thật. Tất cả những khao khát này đã đẩy con người đến với Đấng Tuyệt Đối: con người mang trong mình ước mong Thiên Chúa, và trong một cách thức nào đó, con người biết mình có thể hướng tới Thiên Chúa và cầu khấn Người”[3].
Như vậy, việc nối kết với nguồn sự sống đòi hỏi chúng ta không ngừng phát triển mối tương quan thâm sâu và cá vị với Thiên Chúa qua cầu nguyện. Vì lời cầu nguyện dạy chúng ta biết mình cần đến Thiên Chúa và giúp nâng cao tâm hồn lên tới Chúa để có thể thiết lập mối tương quan cá nhân với Người. Trong mối tương quan này, Thiên Chúa trao ban sự sống thần linh cho chúng ta và “dẫn đưa chúng ta tới chiều sâu cuộc sống, tới suối nguồn của sự sống, suối nguồn của Ơn Cứu Độ, để làm cho chúng ta vượt thắng sự hạn hẹp của mình và để mở rộng cho Thiên Chúa, cho tương quan với Đấng là Tình Yêu Vô Tận”[4].
- TƯƠNG QUAN VỚI BẢN THÂN
Bình yên và sóng gió là lẽ thường của đời sống con người. Cuộc sống thì muôn mặt và hành trình cuộc đời có hàng ngàn lối rẽ. Trước những hoàn cảnh trái chiều thường xuyên diễn ra trong cuộc sống, chúng ta dễ bị mắc kẹt trong sợ hãi và cảm thấy bế tắc. Điều này khiến chúng ta thật khó đi vào hành trình thống nhất đời sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta chấp nhận những thực trạng của đời sống thì dù không thay đổi được hoàn cảnh, chúng ta vẫn có thể tìm lại được sự cân bằng đời sống thông qua khả năng kiểm soát bản thân.
Để hội nhất bản thân, chúng ta cần biết mình là ai, thường xuyên khám phá bản thân cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực để có sự hiểu biết sâu sa con người của mình, biết đón nhận những thăng trầm của đời sống để rút ra những kinh nghiệm quý báu cho sự thăng tiến bản thân. Khi thường xuyên đón nhận bản thân, chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình và sẽ nhận ra các xu hướng trong cách suy nghĩ và hành xử của mình, đồng thời cũng can đảm đối diện với những “góc khuất” trong tâm hồn. Từ đó, chúng ta mới có thể phát triển những điểm mạnh cũng như tìm ra những điểm tích cực trong những điểm yếu để cải thiện. Việc đối diện cách chân thành với con người mình thường không dễ dàng vì chẳng mấy ai thừa nhận sự yếu kém của mình. Tuy nhiên, sự thành thực với bản thân không chỉ giúp soi sáng những mặt chưa hoàn thiện, mà còn giúp hoàn thành tiến trình hội nhất bản thân và giữ vững căn tính của mình trong khi mở ra với các tương quan khác.
- TƯƠNG QUAN VỚI GIA ĐÌNH
Ai trong chúng ta cũng có một gia đình, là nơi được đón nhận sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ, là điểm tựa vững chắc và thiêng liêng giúp chúng ta hoàn thiện bản thân cả về tư duy lẫn nhân cách, đồng thời cũng là trường học đầu tiên dạy các giá trị sống và phát triển đời sống đức tin. Mối tương quan gia đình là kết quả của tất cả những ảnh hưởng trên bản thân và cuộc sống của chúng ta cho tới khi biết tự lập.
Khi khôn lớn, để lựa chọn cho mình một con đường, thì cha mẹ cũng thường là động lực giúp chúng ta chọn lựa đời tu. Khi từ giã gia đình để bước chân vào nhà dòng, chúng ta mới cảm nhận rõ nét hơn mối dây ràng buộc rất chặt chẽ và thâm sâu với gia đình. Những ngày đầu tiên sống trong Hội Dòng, khi gặp những con người mới, những cách sống mới, chúng ta lại càng nhớ về gia đình. Và có thể nói, khi xa gia đình, trái tim chúng ta luôn khắc ghi hình ảnh thân thương của nôi ấm gia đình, và lúc đó, chúng ta mới nhận ra được hết các giá trị của gia đình trong cuộc đời mình. Mặc dù không còn sống chung với gia đình, nhưng thường thì mối tương quan của những người con đi tu càng ngày càng gắn bó và thắm thiết. Vì thế, mỗi chị em sẽ có những cách thế biểu lộ lòng hiếu thảo và biết ơn qua những hy sinh và kinh nguyện hằng ngày, qua lối sống tốt đẹp của mình, qua những lần gặp gỡ, những ngày nghỉ hoặc qua những biến cố buồn vui của gia đình. Nhất là trong những lúc gia đình gặp khó khăn, thì người con đi tu thường là chỗ dựa tinh thần và là sự nâng đỡ cho gia đình.
- TƯƠNG QUAN VỚI CHỊ EM TRONG CỘNG ĐOÀN
Khi quyết tâm theo Chúa, chúng ta rời bỏ gia đình huyết thống để bước vào một gia đình rộng lớn hơn là Hội Dòng. Với tất cả sự tự do, chúng ta đã quyết định chọn đời tu Mân Côi, để cùng chị em hoàn tất hành trình cuộc sống. Cộng đoàn gồm những chị em rất khác biệt nhau từ văn hóa, cá tính, quan điểm và khả năng, nhưng có chung một mục đích, một lý tưởng, và nhất là được Thiên Chúa kêu gọi để cùng đón nhận một dòng chảy sự sống là Tinh thần, Đặc sủng, Linh đạo và Sứ vụ của Hội Dòng. Chính trên nền tảng này, chúng ta đến với nhau và cùng nhau thiết lập mối tương quan chân thật và hiệp thông “như những bộ phận trong một thân thể” (Rm 13,5).
Khi trở thành một chi thể trong thân thể Hội Dòng, chúng ta cùng hiện hữu bên nhau, cùng sống cho nhau và vì nhau, bổ túc cho nhau trong nhiều góc độ và “thúc đẩy nhau sống yêu thương” (Dt 10, 24). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Cộng đoàn tu trì là trường dạy yêu mến, giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với chị em. Cộng đoàn là nơi làm cho con người được triển nở”[5]. Chính trên nền tảng tình yêu, mà chúng ta thiết lập tương giao với nhau một cách đúng nghĩa như những con người biết sống trọn vẹn cho nhau. Khi đã thực sự thuộc về nhau, chúng ta mới hiểu ra sự cần thiết của những khác biệt không phải là sự đối nghịch hay xung đột, nhưng là một sự bổ trợ cần thiết để làm phong phú cuộc đời của nhau.
- TƯƠNG QUAN VỚI MỌI NGƯỜI
Trong khi thi hành sứ vụ, chúng ta gặp gỡ biết bao con người với những văn hóa, độ tuổi, hoàn cảnh, môi trường và trình độ khác nhau. Chính những yếu tố khác biệt này đòi hỏi chúng ta một tấm lòng yêu thương rộng mở để thiết lập mối tương quan thân thiện và tạo được sự gần gũi với những người chúng ta phục vụ hay gặp gỡ, từ đó chúng ta mới dễ đối thoại, lắng nghe, hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ để có thể dấn thân phục vụ cách hữu hiệu.
Ngoài những người chúng ta trực tiếp phục vụ, còn biết bao người khác mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời hoặc có những người không bao giờ chúng ta gặp được họ. Dù cuộc gặp gỡ mau qua hay thường xuyên thì mối tương quan với mọi người cũng phải đặt trên nền tảng của lòng kính trọng và tình yêu thương, không phân biệt và không điều kiện, nhưng theo gương Chúa Giêsu, luôn ưu tiên cho người thấp bé và nghèo khổ.
Trong cuộc sống, chúng ta thực sự cần đến mọi người cùng với sự trợ giúp của họ. Vì thế, để đi vào tương quan với bất cứ ai, chúng ta cũng cần có một bước nhảy ra khỏi mình để đón nhận và liên đới với họ một cách chân thành. Đồng thời luôn nghĩ đến và làm cho họ những điều tốt nhất bao nhiêu có thể.
- TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN NHIÊN VÀ VŨ TRỤ
Khi nói về mối tương quan giữa con người với vũ trụ, Công Đồng Vaticanô II đã nói như sau: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục trái đất cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng, để rồi, khi nhìn nhận Thiên Chúa như Tạo Hóa của mọi loài, họ qui hướng chính bản thân cũng như muôn vật về Người: như thế, khi con người chinh phục vạn sự thì danh của Thiên Chúa được tôn vinh khắp địa cầu”[6]. Những trang đầu của sách Kinh Thánh đã cho thấy mối tương quan hài hòa giữa con người với thiên nhiên qua những hình ảnh và biểu trưng sống động: Thiên nhiên là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và là ân huệ Người ban cho con người. Chính Người đã tạo dựng vũ trụ từ hư vô, và khi nhìn lại từng tạo vật, “Người đều thấy nó tốt đẹp” (x. St 1,4…). Do đó, thiên nhiên chính là “cách thế biểu lộ chương trình yêu thương và sự thật”[7] của Thiên Chúa đối với loài người.
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một mẫu gương cụ thể: Khi Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, Người đã hòa mình vào giữa vũ trụ thiên nhiên. Người đã liên đới với dòng nước để thánh hóa tất cả vạn vật nhờ bản tính Thiên Chúa của Người. Chính Người thanh tẩy dòng nước, thanh tẩy vạn vật, để từ đó chúng ta dùng nước như dấu chỉ của bí tích rửa tội. Vì thế, vạn vật cũng là một dấu hiệu để loan truyền và chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa.
Khi chiêm ngắm vẻ đẹp và những điều kỳ diệu trong vũ trụ, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về quà tặng vô giá này bằng việc luôn yêu mến, chăm sóc và bảo vệ chúng, đồng thời biết cải thiện môi trường sống và sử dụng của cải vật chất với lòng trân trọng, biết ơn cùng với tinh thần trách nhiệm.
Kính thưa toàn thể chị em rất thân mến,
Khi nhìn về các mối tương quan trong đời sống một cách tỉnh thức, chúng ta thấy mình cần phải vượt ra khỏi cái vỏ ốc của của bản thân để hòa mình với các đối tượng tương quan cách chân thật và phong phú hơn mỗi ngày. Thiên Chúa, qua Đức Kitô, luôn sẵn sàng đồng hành và liên đới với chúng ta từng bước trong cuộc đời này, để nêu gương và khích lệ chúng ta đi vào dòng chảy tương quan trong sự liên đới yêu thương với mọi người, cùng với muôn vật và cả với chính bản thân mình. Khi chúng ta biết trân trọng và nuôi dưỡng mối tương quan với con người thì cũng có khả năng xây dựng mối tương quan trong phạm vi thiêng liêng. G. Marcel chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Những cuộc gặp gỡ đã giữ một vai trò chính yếu trong đời tôi. Tôi đã quen biết nhiều nhân vật và tôi cảm thấy nơi họ sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa”. Như vậy, càng gần gũi với tha nhân, chúng ta càng đến gần Thiên Chúa, và theo Đức Cha Tổ Phụ, “càng thân mật với Chúa thì càng thương mến chị em”[8]. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nghiệm xét lại các mối tương quan của mình. Chỉ khi nào chúng ta được triển nở trọn vẹn trong sự dấn thân, gặp gỡ, cảm thông, tôn trọng và yêu thương đối với các mối tương quan, chúng ta mới thực sự sống đầy đủ ý nghĩa và giá trị của mình.
Xin kính chúc toàn thể gia đình Hội Dòng luôn được tình yêu Chúa soi dẫn, để chúng ta lấy tinh thần đức ái làm nền tảng cho các mối tương quan của chúng ta. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sống thánh thiện để chúng ta trở nên khí cụ bình an và yêu thương của Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
M. Rose Vũ Loan, FMSR
[1] TH 46
[2] XP 29
[3] ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI trong bài giảng ngày 11-05-2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô
[4] nt
[5] HĐ 65.
[6] MV 34.
[7] Bài viết trích trong cuốn “Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo” của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, NXB Phương Đông, 2010
[8] GSD I, 253