Home / Hội Dòng / Đặc Sủng / CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 03 và 04-2022: CHÂN DUNG TÔNG ĐỒ

CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 03 và 04-2022: CHÂN DUNG TÔNG ĐỒ

(trong Sách CHÂN DUNG NỮ TU MÂN CÔI từ trang 153 đến 177)

Khởi đi từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi chị em Mân Côi đã được mời gọi làm phát ngôn viên của Đức Kitô. Song song với bổn phận nên thánh mỗi ngày, nghĩa vụ loan báo và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Ngài luôn gắn liền với đời sống thánh hiến khi chị em bước theo Đức Kitô sát hơn trong Ơn gọi Mân Côi. Với niềm xác tín bản thân đã được Thiên Chúa thánh hiến và sai đi, chị em cùng với Hội Dòng nhiệt tâm tham gia vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh theo Đặc sủng của Đấng Sáng lập. Qua “các hoạt động mục vụ giáo xứ, giáo dục, y tế, và bác ái xã hội” (HLD 38.2), chị em luôn cộng tác với Ơn Chúa để “tìm dịp đem Chúa đến cho người khác, nhất là cho người nghèo, cho lương dân, và trẻ em nguy tử” (NQD 90). Nhờ đó, chị em có thể làm chứng cho “tình yêu tự hiến” và “tình yêu vô hạn” của Đức Kitô[1] – Đấng là Trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Nhìn lại những nơi mà Hội Dòng, cộng đoàn hay bản thân thực thi sứ vụ, phải chăng tâm tình đầu tiên chị em cần có, là thầm tạ ơn Chúa về những con người đã hiện diện cùng nhiều biến cố đã xảy ra xuyên suốt hành trình chị em hoạt động tông đồ theo Đặc sủng, Tinh thần và Linh đạo Mân Côi? Chị em đồng thời cám ơn các bà, các chị – nhờ gắn kết với Tình Chúa, đã yêu mến và trung thành với những ý hướng ban đầu của Đức Cha Tổ phụ kính yêu. Trong sự quan phòng và lòng thương xót Chúa, dù bối cảnh Giáo Hội hay xã hội thăng trầm thế nào, dù Hội Dòng trải qua những chuyển biến ra sao, thì chị em Mân Côi vẫn luôn bước đi trong Ân sủng để nỗ lực góp phần bé nhỏ của mình trên những cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội – qua mục vụ tông đồ cho các tín hữu, Tân Phúc âm hóa cho những ai sống đức tin hời hợt, tái Phúc âm hóa cho tín hữu chối bỏ đức tin, hoặc truyền giáo cho anh chị em lương dân…

Tuy nhiên, trước những thay đổi không ngừng trong thế giới, con người dễ có xu hướng chạy theo những giá trị trần thế; kết cuộc là “những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa[2]. Đối diện với thực tế như thế, phải chăng nhu cầu truyền giáo và tái truyền giáo cho Giáo Hội và Hội Dòng như cấp thiết hơn? Và, để không lo sợ mình sẽ bị lạc lối khi bước tiếp cuộc hành trình sứ vụ đầy thách đố, ta thử cùng nhau nhìn lại bức chân dung tông đồ của nữ tu Mân Côi – một bức chân dung ẩn chứa những đặc nét như: đáp trả hồng ân, bước đi với Chúa, có Mẹ song hành, giáo dục và bác ái, đồng hành truyền giáo và khát vọng hoàn thiện – dựa theo Tin Mừng, Giáo huấn của Hội Thánh, ý hướng của Đức Cha Tổ Phụ và Luật Dòng.

  1. Người Đáp Trả Hồng Ân

Kinh nghiệm từ các ngôn sứ cho ta thấy rằng, tùy theo bối cảnh và hiện trạng của Dân Israel, mà Thiên Chúa đã chọn gọi và sai các ông đến với họ, để nói hoặc thực hiện kế hoạch của Người. Chẳng hạn, việc Thiên Chúa đã dùng ông Môsê để đưa dân ra khỏi Ai Cập và thiết lập dân riêng của Người, hay tiên tri Isaia loan báo về Đấng Cứu Thế và sứ mạng của Ngài là rao truyền tin mừng cho người nghèo khổ; ông cũng nhắc nhớ dân về tình yêu nhẫn nại Thiên Chúa luôn dành cho họ, trong khi tình yêu của họ chẳng “khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (Hs 6, 4)… Ngoài việc củng cố niềm tin yêu của dân riêng vào một Đấng rất mực thủy chung, những sứ điệp về công bình, bác ái hay sám hối được loan báo qua các ngôn sứ luôn nhằm giúp họ có thể nhận biết hoặc suy gẫm lại lòng Chúa xót thương mà quay trở về cùng Người.

Rõ ràng Thiên Chúa – Người luôn luôn khởi xướng – đã đi bước trước để chọn gọi, trao trách vụ cho những ai Người muốn, và sai họ ra đi để thực hiện kế hoạch của Người. “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6, 8) vẫn vang vọng hôm nay, mời gọi chị em lên đường mỗi ngày để tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô – Đấng đã “hoàn toàn phụng sự Chúa Cha trong tôn thờ, yêu mến và phó thác, đồng thời hoàn toàn xả thân lo công việc của Chúa Cha, tức là cứu độ thế giới[3]. Ơn gọi làm tông đồ cho Chúa quả thế vừa là đặc ân, vừa là nghĩa vụ cao quý dành cho những ai đã được Thiên Chúa thánh hiến và sai đi. Như Đức Kitô, chị em tự do đáp trả hồng ân sứ vụ với tất cả tình yêu và tín thác!

Nhờ tình Chúa thương âm thầm hoạt động nơi tâm hồn và trong từng bước chân trên hành trình sứ vụ, chị em tỉnh thức và sẵn sàng trở nên phát ngôn viên hay dụng cụ đắc lực cho Người trong từng môi trường hiện tại. Xuyên qua những bài sai ta được mời gọi đảm nhận từ Hội Dòng, chị em sống hết mình với vai trò là những sứ giả Tin Mừng của Đức Kitô trong những công việc tông đồ theo ý hướng ban đầu của Đức Cha Tổ phụ. Dù đó là trách vụ lớn nhỏ hay nhiệm sở gần xa, chị em ghi nhớ và hoàn tất mục tiêu tông đồ mình phải đạt đến: “làm cho Đức Kitô hiện diện”[4] ngay trong đời sống chứng tá của mình, bao gồm “lối sống, cách làm việc, sự trung thành với việc tông đồ của Dòng[5]. Chị em luôn cộng tác với Ơn Chúa để sống gương sáng, vì đó là “cách thức tốt đẹp nhất và hiệu nghiệm[6] để có thể giới thiệu Chúa cho tha nhân, đồng thời có sức thu hút các ơn gọi vào bậc tu trì. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Điều quan trọng hơn cả, không phải là những gì các tu sĩ ‘làm’, mà ‘là’ chính con người tận hiến cho Thiên Chúa nơi họ[7].

  • Người Bước Đi với Chúa
  • Nương theo Thần Khí Chúa

Để có thể đáp trả cách trọn vẹn hơn mỗi ngày ơn gọi tông đồ hay làm xướng ngôn viên của Chúa, ta cần phải nương theo năng động của Thần Khí – Đấng đã hiện diện ngay từ phút khởi đầu trong công trình sáng tạo vạn vật của Thiên Chúa. Ngài đã nhập cuộc trong biến cố Ngôi Lời nhập thể nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã chứng thực cho toàn dân biết Đức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha trong biến cố chịu phép rửa tại sông Giođan, và hoạt động liên lỉ trong sứ vụ công khai của Đức Kitô. Thần Khí Chúa sau đó được Đức Giêsu Phục sinh “thổi hơi” vào các môn đệ và trao ban cho các ông, và cũng là Đấng đã ngự xuống trên Đức Maria cùng các môn đệ vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhờ lãnh nhận tròn đầy Chúa Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân nước.

Đến lượt mình, chị em Mân Côi hiệp cùng với Giáo Hội – không chỉ mau mắn đáp trả lệnh truyền của Đức Kitô và tiếp bước sứ mạng của các Tông đồ, nhưng còn là việc mở rộng tâm trí để lắng nghe và đi theo thúc động của Thần Khí Chúa – Đấng được Đức Kitô sai đến từ Chúa Cha để “thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi[8]. Với niềm tin chính Chúa Thánh Thần đã khơi gợi và dẫn đưa mình đến với Linh đạo và Đặc sủng Dòng, chị em “luôn ngoan ngoãn để Thánh Thần Chúa hướng dẫn đến những nơi và đảm nhận những sứ vụ theo đức vâng phục, theo gương Chúa Giêsu và các môn đệ trong công cuộc cứu thế của Người” (HLD 37.2). Chị em đồng thời xác tín rằng, Chúa Thánh Thần – Đấng Bảo trợ và là sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, luôn đồng hành với mình trong đời sống sứ vụ thường nhật. Theo ĐGH Phanxicô:

Chúa Thánh Thần nâng đỡ và gìn giữ ta không bị vấp ngã; giúp ta nhớ lại và hiểu những điều Đức Giêsu đã dạy. Ngài thức tỉnh ta mỗi khi ta gặp Chúa hoặc xa rời Chúa. Ngài đưa ta trở về với ký ức ơn cứu độ, ký ức hành trình cuộc sống; hướng dẫn phân định điều ta phải làm ngay lúc này; chỉ cho ta con đường nào đúng, con đường nào sai. Ngài ở với ta mỗi ngày, giúp ta đưa ra những quyết định lớn nhỏ, dạy ta mọi điều, đưa ta vào mầu nhiệm…[9].

Khi thật sự xác tín sự hiện diện của Chúa Thánh Thần luôn cần thiết cho bản thân và sứ mạng, chị em duy trì việc bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài, hầu có thể chu toàn nghĩa vụ trong “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22 – 23). Khởi đi từ những ân huệ này, chị em cũng có năng lực làm trổ sinh hoa trái trên những mảnh đất tâm hồn và nơi mình đang phục vụ, đặc biệt trong một thế giới như ngày càng đề cao chủ nghĩa cá nhân và chuyển biến theo trào lưu tục hóa… Chị em cũng tha thiết nài xin Ngài đến trợ giúp, chỉ dẫn và đồng hành trong mọi công việc lớn nhỏ, đồng thời biết phản tỉnh trước những khơi gợi nhẹ nhàng hoặc thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn.

Tự bản chất, sứ mạng truyền giáo nằm trong kế hoạch cứu độ của Chúa. Do đó, chị em tập nhạy bén “với những dấu chỉ thời đại… để có thể ‘truyền đạt sứ điệp Ngôi Lời nhập thể bằng một ngôn ngữ mà thế giới có thể hiểu được’[10], đặc biệt là ngôn ngữ yêu thương. Khi nhận ra những thách đố hoặc nhu cầu của tha nhân, chị em biết lắng nghe và uyển chuyển theo những thúc đẩy của Thần Khí – Đấng là “nguyên lý hiệp thông và ban sự sống đổi mới thường xuyên[11], vì “trong những biến cố thường ẩn giấu tiếng Thiên Chúa mời gọi làm việc theo ý định của Người[12]. Tương tự, chị em cần cẩn trọng và để tâm hơn trước những thao thức của những người cùng làm việc hoặc đề nghị của ai đó, vì qua họ, “thỉnh thoảng Thiên Chúa vén mở… cái gì là điều tốt hơn cả[13]. Nhờ biết tôn trọng và tỉnh thức trước những ý tưởng hay sáng kiến mục vụ của nhau, ta không dễ dàng “dập tắt Thần Khí, nhưng nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt lành thì phải giữ lấy[14].

  • Nối kết với Đức Kitô

Hai từ “nối kết” nghe thật quen thuộc trong nhịp sống hôm nay, khi ta thường nối kết các phương tiện truyền thông với mạng xã hội. Thực tế việc đó cũng cần thiết, bởi nó giúp ta tăng thêm kiến thức và giải quyết được khá nhiều việc trong các lãnh vực mục vụ tông đồ… Tuy nhiên, nếu nó lấn át việc ta nối kết với Đức Kitô – “Đấng là nguồn mạch đời hiến dâng và phục vụ của chị em” (HLD 39.1), thì e rằng nhân cách tu sĩ cũng như đời sống sứ vụ của ta có thể có những tác hại hoặc khiến ta dần xa rời Thiên Chúa… 

Đối lại, khi ta mặc lấy tâm tình và cung cách ứng xử của Nhà Truyền Giáo Giêsu – trước, trong và sau bất kỳ bổn phận hay công việc nào qua đời sống cầu nguyện, thì “ngọn lửa thắp lên trong tâm trí nhờ chiêm niệm sẽ lan tỏa trọn vẹn trong hành động” của chị em. Việc “hằng nhớ Chúa đi với mình, làm với mình” (GSD I, 97) sẽ giúp chị em duy trì sự thống nhất giữa những ngôn từ, thái độ, tâm tình cùng với những công việc trong ngày. Nhờ đó, chị em có thêm ân sủng và nghị lực để “đương đầu với những sứ mạng khó khăn nhất”; trái lại, nếu thiếu sự gắn bó với Đức Kitô, chị em “luôn có nguy cơ bị suy sụp bên trong, hoang mang và chán nản[15]. Khi kinh nghiệm sâu xa điều này, cùng với ý thức bản thân như những chiếc bình sành dễ vỡ, ta thấy rằng việc nương theo Thần Khí để ở lại trong tương quan thân tình với Đức Kitô là điều phải thao thức và quan tâm trước hết của mỗi nhà truyền giáo, hầu bước đi với Chúa cách xác tín hơn từng ngày trong cả ơn gọi tận hiến và sứ vụ.

Theo lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô Tông đồ, một khi chị em “sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5, 25). Chị em vì thế luôn khấn xin ơn Chúa Thánh Thần giúp mình bước đi với Vị Tông Đồ tuyệt hảo Giêsu trên mọi nẻo đường dấn thân phục vụ. Chính Ngài đã tuyển chọn và sai chị em ra đi; do đó, để có thể bình tâm và sinh nhiều hoa trái trong công việc hay môi trường mục vụ tông đồ, ta cần gắn bó liên lỉ với Ngài – Đấng “hiện diện và hành động trong thế giới, để cứu độ nhân loại[16]; không kết hợp với Ngài, chị em sẽ chẳng thể làm được gì.

Khi càng ý thức rằng, ơn gọi truyền giáo “đòi hỏi phải sống kết hợp mật thiết với Chúa, để có thể truyền thông sứ điệp của Ngôi Lời nhập thể[17], chị em không chỉ “quý trọng cầu nguyện và phải năng cầu nguyện” – với cộng đoàn hay riêng tư, nhưng còn là “những chuyên viên về cầu nguyện[18] trong mọi hoàn cảnh đang khi cộng tác với sứ mạng của Ngài. Đây cũng chính là con đường truyền giảng Phúc âm của Chúa Giêsu – luôn duy trì nền tảng vững chắc cho hoạt động tông đồ là sự gắn bó mật thiết với Chúa Cha. Trước khi bắt đầu hay kết thúc một ngày bận rộn với bao công việc – rao giảng, giáo huấn, chữa bệnh, trừ quỷ, gặp gỡ, thậm chí đối đầu với những kẻ ưa bắt bẻ hoặc chống đối Ngài…, Đức Giêsu đã tự nguyện rời bỏ thế sự để tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện trong cô tịch; Ngài chủ động rút lui khỏi những hoạt động và cũng chẳng bận tâm “mọi người đang tìm Thầy” (Mc 1, 35 – 37)…

Noi theo Đấng đã sai mình, chị em khi bắt đầu sứ vụ của Ngài mỗi ngày, luôn ý thức và tích cực ở lại với Chúa, đặc biệt nơi bí tích Thánh thể, để được “củng cố hồn tông đồ và nhiệt thành với việc đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (HLD 39.1). Như các môn đệ xưa, sau mỗi ngày hoàn tất những trách vụ được giao, chị em cùng Ngài “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 30 – 32). Giữa những bận rộn của trách vụ, sự trung thành và lắng đọng trong đời sống cầu nguyện chắc hẳn là một thách đố không nhỏ, vì theo kinh nghiệm của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, ta dễ có cám dỗ để chọn việc của Chúa hơn là chọn chính Chúa và thánh ý Ngài.

Chị em vì thế tập dành thêm giờ ở lại với Chúa nơi cô tịch, để lắng nghe và bày tỏ tình thương mến Ngài, tâm sự về những buồn vui trong bổn phận, giãi bày những khắc khoải hoặc băn khoăn, “nghe được những nhu cầu và những khát khao sâu thẳm nhất của mình” về sự hạnh phúc của những đối tượng ta đang phục vụ. Nhờ thinh lặng cầu nguyện, ta có thể “nhìn sâu hơn vào thế giới để khám phá ra nơi đang cần đến tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cách cấp thiết nhất[19]. Dẫu chưa thể làm gì được, nhưng chí ít ta không vô cảm trước những nhu cầu của con người thời đại, để hiệp thông với họ sâu xa hơn trong kinh nguyện, đan xen với những khó nhọc trong trách vụ thường nhật; vì tin rằng lời cầu nguyện luôn có sức biến đổi. Đây cũng là tinh thần truyền giáo của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu dù sống trong bốn bức tường của Tu viện.

  • Người Có Mẹ Song Hành

Khi cùng nhau xướng lên mỗi ngày: “Với tinh thần Đức Ái trọn hảo, chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người” (HLD 4), chị em như được nhắc nhớ việc cùng Mẹ Maria Mân Côi suy gẫm và sống các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, trước khi ra đi truyền giảng cho người khác về những gì mình cảm nghiệm được. Nơi Mẹ Maria – Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, ta không chỉ cậy nhờ Mẹ để đến với Chúa, hoặc xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho những ai ta cưu mang họ trong khi thi hành sứ vụ, nhưng còn là việc suy ngắm và bắt chước nơi Mẹ các nhân đức, để có thể trở thành những nhà tông đồ đẹp lòng Thiên Chúa.

Chắc hẳn, mỗi khi hồi tưởng về Mẹ như một nhà truyền giáo, trong ta sẽ đọng lại những hình ảnh thật nữ tính nhưng đậm chất nhiệt thành của Mẹ. Trong biến cố Truyền Tin, Đức Trinh Nữ Maria đã khiêm hạ thưa tiếng xin vâng để đón nhận Đấng Cứu Thế theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Lòng tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đức Maria nhanh nhẹn lên đường, vượt qua những miền đồi núi để đưa Đấng Cứu Độ đến với gia đình chị họ Elizabeth; ở lại đó, Mẹ Maria cùng với Hài Nhi Giêsu phục vụ trong âm thầm và yêu mến. Sau khi lặng lẽ đối diện và vượt qua những khó khăn trong việc hạ sinh Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã âm thầm giới thiệu Ngài cho những con người đương thời: các mục đồng, Ba Vua, Cụ già Simêon, Bà Anna… Mẹ hoàn thành mọi việc phải làm trong thinh lặng và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng về những biến cố xảy ra.

Tại Tiệc cưới Cana, Đức Maria ôn tồn can thiệp ngay sau khi nhạy bén nhận ra sự cố của nhà đãi tiệc; Mẹ khấn xin Chúa Giêsu cứu giúp họ, và Mẹ mách bảo họ chạy đến với Ngài. Trong sự hiện diện của một nữ tỳ khiêm tốn, Mẹ cùng nhịp bước với Người Con khi thi hành sứ vụ công khai; đỉnh cao của sự hiệp thông sứ vụ này được ghi dấu tại đỉnh đồi Golgotha, khi Mẹ Maria ở lại với Đấng Cứu Độ trần gian trong sự thinh lặng vâng phục và tín thác. Vẫn những cung cách tế nhị và bé mọn ấy, Đức Maria đồng lòng với các Tông đồ để mở rộng tâm trí đón nhận Thần Khí Chúa vào ngày Lễ Ngũ Tuần, đồng thời hiệp thông với các ngài trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Người Con.

Trong niềm cậy trông vào Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, chị em thầm tin rằng Mẹ Maria hằng dõi bước và cầu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp chị em trên những bước đường rao giảng Tin Mừng. Trong mọi cảnh huống khi tham gia sứ mạng cứu độ của Giáo Hội và Hội Dòng, chị em học nơi Mẹ: sự khiêm tốn xin vâng và thinh lặng dò tìm Thánh Ý, sự hiện diện yêu thương và giúp đỡ âm thầm… Chị em bắt chước Mẹ việc thể hiện “những chân tính người phụ nữ như Thiên Chúa đã tạo dựng: bén nhạy, tận tâm, đầy tình người[20].

Ngoài ra, chị em xác tín rằng vũ khí cho nhà tông đồ chính là Tràng chuỗi Mân Côi; dù ở giai đoạn hay đảm trách nghĩa vụ nào, thậm chí khi đau yếu hoặc nghỉ hưu, thì vũ khí này luôn dễ dàng sử dụng để cầu nguyện cho việc truyền giáo của Dòng. Qua những lời kinh thật “ý tứ thâm trầm” (GSD I, 149), chị em cùng Mẹ suy ngắm các mầu nhiệm cứu độ; cảm nghiệm lòng từ mẫu của Mẹ luôn nâng đỡ; nhận ra sự song hành của Mẹ khi vui hay buồn trong hoạt động; cậy trông vào sự chuyển cầu của Mẹ trước những thử thách hay cám dỗ luôn trực chờ… Cách riêng, dựa vào những truyền thống đạo đức tốt đẹp của Hội Dòng, cùng với những cảm nghiệm và xác tín cá vị về các mầu nhiệm cứu độ, chị em đắc lực truyền bá Kinh Mân Côi cũng như việc sống các mầu nhiệm ấy cho những đối tượng chị em phục vụ. Tất cả vì “Vinh Danh Thiên Chúa, Hiển Danh Mẹ Maria, thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn” (HLD 2).

  • Người Giáo Dục và Bác Ái

Theo ý hướng và giáo huấn của Đức Cha Tổ phụ, mục đích riêng và cũng là trọng tâm sứ mạng Dòng – chị em chuyên lo “việc giáo dục và việc bác ái” (GSD I, 156). Đối tượng chị em phục vụ trong lãnh vực giáo dục là các trẻ Công giáo và lương dân, đặc biệt là các trẻ con, cùng các trẻ nghèo hoặc các trẻ có gia cảnh khó khăn. Vì việc giáo dục trẻ con không dễ, nên chị em cần phải khiêm nhường và cậy dựa vào Ơn Chúa để uốn nắn tâm trí chúng. Như Đức Cha Tổ phụ cắt nghĩa, giáo dục bao gồm hai việc: “chỉ dạy cho biết chữ nghĩa văn chương, cho thông cổ kim sự lý” và giúp cho “khôn lớn trong đàng ngay nẻo chính, trong nết tốt thói lành” (GSD II, 113-114). Trong trách vụ này, chị em phải coi trọng việc dạy giáo lý và luân lý, như giúp học trò giữ đạo cho nên và dạy “cho nết giỏi thói hiền” (GSD III, 406).

Để công tác giáo dục có hiệu quả đích thực, chị em tích cực sống gương sáng cho học trò. Học trò nên người hay không phần lớn đến từ cung cách sống của người dạy, không phải chỉ lời dạy hay lý thuyết suông; “thầy hay, trò cũng hay; thầy lếu, trò cũng lếu” (GSD III, 409). Hơn nữa, là một nhà giáo dục có tâm và có tầm, chị em ý thức rằng nhân cách học trò tương lai thế nào tùy thuộc rất lớn vào việc giáo dục hiện tại. Nhờ lãnh thụ việc giáo huấn của chị em, “trẻ con sẽ nên một người giáo hữu nhiệt tâm, một đứa con trung hiếu, một học trò thành thân, một tên dân thuần hậu, một người thợ giỏi giang” (GSD II, 121). Riêng về tư cách của một người thầy, chị em dựa theo Lời Đức Cha Tổ phụ để thực hành một số đặc nét sau:

  • Bản thân phải có tư cách do việc “dồi mài tập luyện” (GSD II, 116);
  • Siêng năng học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn;
  • Chu toàn trách vụ hẳn hoi, năng giữ luật và “giữ mình cho khỏi cheo leo” (GSD I: 116, 118);
  • Bộ diện tuy nghiêm trang nhưng phải tươi cười, vui vẻ;
  • Giọng nói rõ ràng, minh bạch, chậm rãi, khoan thai và không quá rậm lời;
  • Giao tiếp lịch sự, tử tế; không để người khác năng lui tới hoặc chuyện trò quá lâu;
  • Tính tình nết na, hiền lành, vui vẻ, chịu khó, nhịn nhục, siêng năng, ân cần;
  • Khiêm tốn, hiền từ, đức hạnh, kiên tâm, nhẫn nhục, ôn hòa, bác ái;
  • Trưởng thành tình cảm, tương giao thận trọng và khôn ngoan; Không yêu riêng hoặc vị nể, đặc biệt với phụ huynh và trẻ nhà giàu;
  • Giữ mình khỏi tính hung hăng, nóng giận, bất nhẫn…

Khi nói đến nghĩa vụ lo việc bác ái, Đức Cha Tổ phụ dạy chị em: Năng gặp dịp thực thi đức yêu thương cho kẻ khó khăn, liệu đến làm ơn cho người đau yếu, tỏ nét mặt vui tươi đối với kẻ liệt, tìm dịp nói đến sự đạo cho người liệt ngoại giáo và đến giờ lâm chung liệu sao cho họ được rửa tội… Và, “đối với tôi tớ, người nhà hay người ngoài, đều phải yêu thương thật tình, nết na thanh tịnh, trong lời nói, trong bộ diện tỏ đức thương yêu” (GSD I, 98). Càng thực thi đức ái phổ quát trong khi phục vụ – “chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của con người”, chị em càng “hòa mình vào thế giới và xã hội như men và muối” (HLD 36.1). Bên cạnh đó, Đức Cha Tổ phụ cũng rất lưu tâm đến tư cách của người lo việc bác ái. Với ngài, chị em không chỉ trau dồi và thực hành một số đức tính của người lo việc giáo dục, đặc biệt là tính hiền từ và nhịn nhục, nhưng cần phải có lòng đạo đức trước khi lo việc phúc đức – cũng là bổn phận trọng yếu khác trong sứ mạng Dòng. Lòng đạo đức giúp người thi hành trách vụ sống “yêu mến, tận tâm, khiêm nhường, bác ái và chịu đựng mọi sự” (GSD I, 453), đồng thời là một gương sáng cho những ai chị em đang trực tiếp dấn thân phục vụ.

Xa hơn nữa, khi hoạt động trong lãnh vực giáo dục và bác ái hôm nay, chị em có lẽ nhận ra nhu cầu tư vấn mục vụ, việc đồng hành hay giúp phân định ngày càng đa dạng; đặc biệt cho thanh niên thiếu nữ – là những đối tượng luôn cần được hỗ trợ trong việc tìm ra ơn gọi, sống niềm tin vào Đức Kitô, hoặc nhận biết và theo đuổi những giá trị đích thật… Theo ĐGH Phanxicô, để có thể đồng hành và giúp người trẻ phân định đường đời hay ơn gọi của họ, thì “điều tối quan trọng là khả năng lắng nghe”, và ta cũng “phải là người đầu tiên đi trên hành trình đó[21]. Thực tế, ta chỉ có thể chia sẻ cho người khác những gì bản thân đã trải nghiệm và xác tín, đặc biệt những “điều mà trước đó mình đã sống trong tình thân với Chúa[22]; đây cũng chính là ý nghĩa của việc truyền giảng hay tái truyền giảng Tin Mừng. 

  • Người Đồng Hành Truyền Giáo

Trong môi trường thực thi sứ vụ hôm nay, chị em thấy rõ mình đang bước đi trong một xã hội được biết đến như là: thế giới phẳng, văn hóa kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, mạng lưới toàn cầu… Không phủ nhận rằng bộ mặt xã hội và cuộc sống con người có nhiều chuyển biến tích cực nhờ thế giới công nghệ và thông tin này. Thế nhưng, cũng không thiếu những tác hại trầm trọng liên quan đến chính phẩm giá nhân vị hay đời sống đạo đức, luân lý, tâm lý và tinh thần của con người do tình trạng lạm dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội – từ trong gia đình, nơi xứ đạo, trong giáo phận, ngoài xã hội, cho đến trong các dòng tu, nơi thành thị hoặc thôn quê…

Trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội với những hiện trạng tích cực, tiêu cực, hoặc nhiều bất ổn hơn thế, phải chăng ta rất cần tinh thần “các môn đệ truyền giáo đồng hành với các môn đệ truyền giáo[23]?

Khi Chúa Giêsu mời gọi các Tông đồ ra đi đem Tin Mừng đến với các làng mạc, Ngài đã “sai đi từng hai người một” (Mc 6, 7). Điều này cho thấy, chị em nhất thiết phải thiết lập tình huynh đệ và liên đới với những nhà truyền giáo khác – là chị em Mân Côi, các vị Giám mục và Linh mục, nam nữ tu sĩ thuộc các dòng bạn, hoặc anh chị em tông đồ giáo dân…. Tuy có nhiều hoạt động và đặc sủng khác nhau, nhưng sứ mạng duy nhất của Giáo Hội luôn là “trình bày Chúa Giêsu cho nhân loại, để giúp mọi người gặp được Chúa Giêsu vì Ngài là nguồn sống và là Đấng cứu độ của nhân loại[24].

Như thế, chị em đảm nhận công tác tông đồ không chỉ vì đó là bổn phận được trao riêng cho mình, nhưng luôn đồng hành sát cánh với chị em, nhân danh Hội Dòng và hiệp thông với Giáo Hội, để cùng nhau là hiện thân của Tình thương Chúa cho thời đại. Mãi mãi là thế, “nhân loại luôn khát vọng một đời sống thân ái hơn giữa người với người[25]. Bởi đó, chính “tình huynh đệ không biên giới[26] giữa các nhà tông đồ Mân Côi với nhau và với các nhà truyền giáo khác, đặc biệt những vị cùng hiện diện trong môi trường mục vụ của giáo xứ hay giáo phận, phải là lời rao giảng và chứng tá cần thiết hơn hết cho những con người và trong những gì ta đang đảm trách. Trải qua bao thế hệ, Giáo Hội vẫn hằng nhìn nhận “các nữ tu mỗi ngày mỗi trở nên một dấu chỉ sáng lạn về Giáo Hội trung tín, cần mẫn và phong phú trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa[27]; đồng thời biết ơn những người nữ tận hiến tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng, đặc biệt việc sống đời tận hiến “viên mãn và vui tươi, trở nên dấu chỉ của lòng âu yếm Thiên Chúa dành cho loài người[28].

Khi đồng lòng trong những mục vụ tông đồ giáo xứ, giáo dục, hoặc y tế và bác ái xã hội – để cùng Mẹ Mân Côi đem Chúa đến với cả tín hữu và lương dân, ngoài việc phải trở nên gương sáng cho tình yêu hiệp nhất ngay trong cộng đoàn cũng như môi trường ta đang thi hành sứ mạng, thì trong mỗi việc chị em làm đó “phải liệu sao cho nên việc lành, việc tốt; hãy làm cho sáng danh Chúa. Chớ làm vì ý hèn xác thịt, như cầu lợi ham danh” (GSD I, 360). Chị em đồng thời thực hiện những điều Đức Cha căn dặn: “giữ con mắt và ý trong sạch, hăng hái làm những việc Đức Giám Mục bản quyền yêu cầu, giúp việc địa phận trong phạm vi việc bổn phận phải tùy quyền cha xứ, chớ xen mình vào việc gì trong xứ ngoài những việc luật đã cho phép rõ ràng (x. GSD I: 432, 435, 491, 492)…

Chắc hẳn, việc đổi mới và “tìm lại sinh khí mới” luôn cần thiết trong khi hoạt động tông đồ, nhưng cơ bản vẫn phải là: “Trung thành với con người và với thời đại, trung thành với Đức Kitô và với Tin Mừng, trung thành với Giáo Hội và với sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới, và trung thành với đời tu và với đoàn sủng riêng của Dòng[29]. Như vậy, để việc canh tân và thích nghi được hữu hiệu hơn trong các công tác tông đồ, ngoài việc giữ bốn thái độ trung thành này, thì đối thoại – một “danh hiệu mới của Đức Ái[30], là việc không thể thiếu khi chị em đang cùng nhau thực thi sứ mạng của Giáo Hội và Hội Dòng.

Lời Đức Cha Tổ phụ đã căn dặn: Năng bàn hỏi và đó là người khôn; “thà hỏi để biết cho minh, chẳng làm thinh mà cả đời chịu dốt” (GSD III, 423); vì thế, chị em “đừng làm một việc gì mà không suy xét hay bàn hỏi” (GSD I, 608), đặc biệt với những chị em đang song hành với mình trong những bổn phận và mục tiêu chung. Kinh nghiệm cho thấy, dù luôn tồn tại những sự khác biệt về nhiều mặt giữa các ngôi vị, nhưng chính tình hiệp nhất huynh đệ, lòng yêu mến chân thành, nỗ lực sống gương sáng, và cùng hướng về mục tiêu chung sẽ giúp chị em dễ dàng ra khỏi mình, có sự bình tâm và trở nên những chứng tá vui tươi trong những trách vụ. Nhờ đó, chị em có thể truyền cho nhau lửa nhiệt tâm hay hồn tông đồ, tích lũy năng lực hoặc tăng thêm óc sáng tạo…; đồng thời giúp nhau “thanh thản vượt qua những khó khăn thử thách, những vất vả mệt nhọc khi thi hành sứ vụ” (HLD 40.6).

  • Người Khát Vọng Hoàn Thiện

Khát vọng này đòi hỏi mỗi chị em cần phải biết mình và biết con tim của mình, trước khi ra đi đến với những con tim của người khác. Thật vậy, lòng tràn đầy niềm vui và sự an bình sẽ giúp chị em gieo rắc Tin Mừng Bình An của Chúa Giêsu Phục sinh cho con người. Điều này đòi hỏi nơi chị em luôn bảo dưỡng sự trưởng thành thiêng liêng, nhân bản và tâm cảm khi thi hành sứ vụ; trong đó, tâm cảm thường là “cốt lõi chi phối biểu hiện nhân bản[31] cũng như đời sống tâm linh của mỗi ngôi vị.

Khi nhận thức bản thân phải là dấu chỉ Tin Mừng của Đức Kitô trong cộng đoàn và môi trường sứ vụ, chị em không ngừng sống chứng tá vui tươi và bình an nơi chính mình, bằng việc tự làm chủ và điều chỉnh những xúc cảm bên trong – là những tác động rất dễ chi phối lên tâm tình, thái độ, lời nói, cung cách ứng xử hoặc những chọn lựa và quyết định – không chỉ cho bản thân, nhưng cả trong tương tác và công việc thường ngày. Đức Cha Tổ phụ quả có lý khi căn dặn chị em việc làm chủ cảm xúc, như “tập tính đằm thắm, bình tĩnh, mặt mũi phải tươi cười”; dù chuyện gì xảy ra thì “cũng cứ một mực an vui”, vì “sốt la chẳng được ích gì, rầy rà càng thêm rối trí” (GSD I, 100). Ngài cũng dạy mỗi chị em phải trau dồi đức khiêm nhường, vì nó “rất cần cho một chị dòng chuyên việc giáo dục và việc bác ái” (GSD I, 156): “khiêm trong nết ở, khiêm trong lời nói, khiêm trong việc làm” (GSD II, 127). Việc biết mình, hiểu mình và đón nhận mình chắc hẳn sẽ giúp ta đi đến sự hòa hợp trong chính mình trước; bằng việc năng thực hiện phút hồi tâm như Đức Cha chỉ dạy, biết đọc lại và nhận diện những cảm xúc diễn tiến bên trong, hoặc “thường xuyên tự vấn và canh tân dưới ánh sáng Lời Thiên Chúa”[32].

Năng lượng tâm cảm tích cực và hài hòa nơi bản thân cũng giúp cho việc dấn thân phục vụ thẫm đẫm tình yêu hướng thượng và hướng tha. Đây là hai yếu tố cần thiết khác trong khát vọng hoàn thiện của nhà tông đồ Mân Côi. Trước hết, tâm tình hướng về trời cao để tìm vinh danh Chúa và làm theo Ý Cha đã là tình yêu và lẽ sống của Chúa Giêsu khi thi hành sứ mạng cứu độ nhân loại. Noi gương Chúa Giêsu, Đức Cha Tổ phụ căn dặn chị em “tập thói quen mỗi khi bắt đầu làm việc gì, than thở của Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, con xin làm việc này vì lòng mến Chúa, xin Chúa thêm đức mến vào lòng con” (GSD I, 188). Thực hiện lời nguyện tắt này sẽ nhắc nhớ chị em, rằng tuy ta phải trầm mình trong thế giới công việc và tương quan vì sứ vụ, nhưng không vì thế mà bị nhận chìm trong những danh vọng hay thành công trần thế; bởi tâm trí ta vốn đã khởi sự và mong muốn hoàn thành công việc trong sự chúc lành của Thiên Chúa.

Ngoài ra, khát vọng hoàn thiện trong sứ vụ thúc đẩy bản thân thao thức việc làm sao để mình có thể chu toàn tốt nhất trách vụ được Dòng trao phó. Lời Đức Cha Tổ phụ ghi rõ: “Mục đích riêng của Dòng trước hết là sự dạy học. Chị em không những phải học hành cho thông các khoa học mình phải dạy, còn phải biết cách dạy và cư xử với học trò” (GDD I, 531). Quả thật, mỗi chị em không chỉ cần được Phúc âm hóa nhờ sống gắn kết với Chúa, cũng như được trang bị kiến thức nền tảng hoặc kỹ năng chuyên môn liên quan đến mục vụ tông đồ và nghiệp vụ theo Đặc sủng Dòng, nhưng còn phải “biết tự học hỏi, có tinh thần cầu tiến để làm giàu kiến thức và cải tiến phương pháp làm việc cho hữu hiệu” (HLD 40.2); đặc biệt, chị em tự tìm hiểu thêm và ứng dụng tiến trình phát triển tâm lý vào việc giáo dục đức tin, hầu đắc lực trợ giúp đời sống đức tin cho những đối tượng chị em phục vụ theo độ tuổi thích hợp của họ.

Mặt khác, chị em tích cực và nội tâm hóa sau khi tham dự các khóa bồi dưỡng do Dòng hay Giáo hội địa phương tổ chức, cũng như gia tăng thói quen đọc sách hoặc tra cứu tài liệu liên quan đến mục vụ tông đồ trên Internet… Qua thế giới mạng, ta không chỉ tìm tòi và ứng dụng hiệu quả những kỹ thuật truyền thông trong việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng cho con người thời đại, nhưng còn phải ý thức cao độ và thực sự trưởng thành trong khi tiếp cận với môi trường và văn hóa kỹ thuật số này. Có thể nói, ta phải là chứng nhân đích thực và có thể nên thánh trong lãnh vực sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, vì chúng vốn luôn hấp dẫn nhưng cũng không thiếu những cạm bẫy, đặc biệt trong môi trường mục vụ tông đồ hôm nay[33]. Điều này đòi hỏi mỗi chị em ý thức việc “tự đào tạo cho mình một lương tâm ngày thẳng trong việc sử dụng các phương tiện đó[34].

Khát vọng hoàn thiện còn là việc khao khát ơn cứu độ cho bản thân. Theo tinh thần của Thánh Phaolô, ta phải cảm thấy “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16); nhưng ta cũng phải “biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2, 12). Cách cụ thể, một đàng ta cộng tác hết sức với Ơn Chúa để hạnh phúc chu toàn những trách vụ được trao; đàng khác, ta luôn “ý thức sống trung thành với đời thánh hiến của mình, tuân giữ các lời khấn, tôn trọng Luật Dòng, kỷ luật cộng đoàn, nhất là luật nội vi và giao tiếp” (NQD 83). Nếu như “tất cả mọi chọn lựa đều là một từ bỏ”[35], thì việc phân định để thực thi sứ mạng mang ơn cứu độ vừa cho người và vừa cho mình là sự chọn lựa luôn cần thiết nhưng không giản đơn; tuy nhiên, mọi sự đều có thể nếu bản thân thật sự khao khát Chúa và uốn mình theo Tiếng Ngài.

Sau tất cả, mỗi nhà tông đồ Mân Côi xác tín mạnh mẽ: chính Thiên Chúa đã thánh hiến và sai ta ra đi, tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô trong lòng Giáo Hội theo đặc sủng riêng của Dòng. Như ý hướng ban đầu Đức Cha Tổ phụ đã vạch rõ, chị em “ở nhà dòng cốt nhất là để mở Nước Chúa, làm chị dòng cốt nhất để cứu linh hồn người ta, giúp việc Hội Thánh, làm cho Chúa được vinh danh” (GSD I, 326). Khi ý thức sâu xa rằng, để có thể trung thành đáp trả hồng ân sứ vụ Dòng trong Đức Ái, cũng như cùng Mẹ Maria Mân Côi đem Chúa đến cho các tín hữu và lương dân, chị em nhất thiết phải nương theo năng động của Chúa Thánh Thần – Đấng hằng giúp ta bình tâm ở lại và gắn bó mật thiết với Đức Kitô trong mọi hoạt động tông đồ, đặc biệt việc giáo dục và bác ái. Nhờ đó, hồn tông đồ của ta luôn được hun đúc và canh tân.

Với những ân huệ của Chúa Thánh Thần, như Mẹ Maria – Nữ Vương Các Thánh Tông đồ, chị em đồng hành với các nhà tông đồ Mân Côi để nối gót Đấng đã sai mình lên đường mỗi ngày, trở thành hiện thân của Tin Mừng Tình Thương – Niềm Vui – Hy Vọng và Bình An, trước hết trong cộng đoàn sứ vụ mình đang sống; sau đó là lan tỏa đến bất cứ ai chị em gặp gỡ, tiếp xúc và dấn thân phục vụ. Hơn nữa, dù chị em đang ở hậu phương hay tiền tuyến trên cánh đồng truyền giáo, chị em luôn nuôi giữ tinh thần hiệp thông sứ vụ trước Thánh Thể, trong kinh nguyện và tràng chuỗi Mân Côi.

Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria và Đức Cha Tổ phụ, chị em xin Ơn Chúa cho nhau để ai nấy được bình an, hạnh phúc và được Phúc âm hóa trước tiên[36], trong sự gắn bó liên lỉ và kinh nghiệm cá vị Tình Yêu Giêsu – một yếu tố nền tảng cho bất kỳ ơn gọi và sứ vụ nào. Nếu Đức Giêsu đã từng chất vấn Thánh Phêrô về Tình yêu trước khi Ngài trao cho ông sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, nay Ngài có lẽ vẫn khắc khoải với mỗi nhà tông đồ Mân Côi: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21, 17), và theo Đức Cha Tổ phụ, “Lòng thương yêu là sức mạnh, nó sẽ làm cho (ta) mang nổi trọng trách” (GSD I, 577). Chị em đồng thời ghi nhớ điều Giáo Hội dạy: “Việc tông đồ của mọi tu sĩ trước tiên hệ tại ở chứng tá đời sống thánh hiến của họ mà họ có bổn phận phải gìn giữ bằng lời cầu nguyện và bằng việc sám hối” (GL. 673).

Chắc hẳn, khi tiếp tục chia sẻ những nỗi niềm với Nhà Truyền Giáo Giêsu – Đấng đã từng thổn thức trước cảnh đoàn người “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34), chị em ôm ấp những thao thức và khát vọng cho những sứ vụ chung Dòng, nhưng cũng không quên trách vụ hiện tại để bình an chu toàn tốt nhất những gì Hội Dòng tin tưởng trao phó. Chị em đồng thời phản tỉnh: Đức Giêsu quyền năng là thế mà Ngài cũng chẳng làm gì hơn ngoài việc cầu xin Cha trên trời, và nhắc nhở các môn đệ ra sức khấn nguyện: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 36). Như thế, một đàng ta cộng tác với Ơn Chúa để cùng chị em sống ơn gọi thánh hiến và sứ vụ; đàng khác, ta “đừng xôn xao lo lắng việc bề ngoài quá. Việc ta phải làm, ta cứ làm hết sức vì Chúa, còn kết quả thế nào thì mặc thánh ý Chúa, đừng tưởng đi tưởng lại mà sinh ra buồn tiếc” (GSD I, 360). Thật vậy, ta luôn được mời gọi “phải tin cậy vào Thiên Chúa như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Người, đồng thời phải hết mình hoạt động như thể tất cả tùy thuộc vào ta[37].

Trước khi bức Chân dung Tông đồ Mân Côi được cuộn lại, em có một chút gợi ý nhỏ xin được gửi đến Chị Em – những nhà tông đồ đang nhiệt tâm với sứ vụ Dòng trên các vùng miền truyền giáo trong và ngoài miền đất mẹ: Nên chăng ta tự vẽ lên cho mình một chân dung tông đồ, dựa vào những đặc nét Đức Cha Tổ phụ đã tâm huyết khắc họa ngay từ những bước đầu thành lập Hội Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi – dưới sự soi dẫn của Thần Khí và Tình yêu quan phòng của Thiên Chúa?

M. Emmanuel Thanh Đào, Fmsr


[1] x. CT 53

[2] TH 85

[3] YT 23

[4] TH 72; NQD 90

[5] x. YT 34 – 36

[6] CT 55; x. TH 85

[7] YT 33

[8] TG 4

[9] ĐGH Phanxicô, “Chúa Thánh Thần làm tăng trưởng Đức Tin”. 11.05.2020. Vatican News.

[10] YT 24; CT 9

[11] TH 62

[12] TH 73

[13] Anselm Grun. Hoa Trái Thinh Lặng. An Nguyễn chuyển ngữ. 2007, tr. 37.

[14] LH 41

[15] x. TH 74

[16] TH 72

[17] CT 9; x. YT 24

[18] DT 6; LH 16

[19] Lm. Quirico T. Pedregosa, JR., OP. Tình Yêu Chính là Sứ Vụ. Nt. Anna Nguyễn Thị Diệp, OP chuyển ngữ. 2011, tr. 43.

[20] x. LH 49

[21] TH “Đức Kitô Hằng Sống”, số 291 & 298

[22] TH 81

[23] TH “Niềm Vui của Tin Mừng”, số 173

[24] Gm. Giuse Đinh Đức Đạo. “Thuyết trình Liên hiệp Bề trên Thượng cấp”. Tu viện Don Bosco K’Long, 4.6.2014.

[25] CT 52

[26] TH 85

[27] LH 49, GH 46c

[28] TH 57

[29] YT 25; TT 13

[30] TH 74

[31] Lm. Michae Trương Thanh Tùng, SJ. Khía Cạnh Tâm Lý trong Ơn Gọi & Huấn Luyện Đời Tu. 2006, tr. 163.

[32] TH 85

[33] x. TH “Đức Kitô Hằng Sống”, số 86 – 90

[34] SL “Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội”, số 5

[35] Thánh Tôma Aquinô

[36] x. TH 81

[37] TH 73

Bài mới

TÂM THƯ THÁNG 10.2024

Ave Maria Kính thưa các bà và toàn thể chị em, Tháng 10 – tháng …