ĐƯỢC SINH RA KHÔNG DO Ý MUỐN CON NGƯỜI, KHÔNG BỞI SỰ HẤP DẪN CÁ NHÂN, CŨNG KHÔNG BỞI ĐỘNG LỰC NHÂN LOẠI, NHƯNG BỞI THIÊN CHÚA[1]. CHÚNG TA ĐẾN VỚI NHAU KHÔNG DO MỤC ĐÍCH PHÀM TRẦN, KHÔNG DO MỘT LỢI LỘC NÀO, NHƯNG DO LỜI MỜI GỌI CỦA THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA KÊU GỌI, CHÚNG TA ĐÁP LỜI, VÀ… CỘNG ĐOÀN ĐƯỢC KHAI SINH!
Đó là nguyên lý hiện hữu của các cộng đoàn tu sĩ, của cộng đoàn Mân Côi.
Tình yêu Thiên Chúa đã quy tụ chúng ta thành một gia đình. Tình yêu này khiến chúng ta nhận ra nhau là chị em, mời gọi chúng ta và cho chúng ta sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, mọi dị biệt, để đón nhận và yêu thương nhau, xây dựng thành một Cộng đoàn Đức Ái qua việc thực thi đức ái trong đời sống.
I. YẾU TỐ LÀM NÊN CỘNG ĐOÀN
Khi nói về đời sống cộng đoàn, Giáo Luật cũ (1917) nhấn mạnh đến yếu tố bên ngoài, một lối sống đồng nhất về của ăn áo mặc, về các phương tiện sử dụng trong cuộc sống. Giáo Luật mới (1983) nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng, đến tình yêu thương, đến đức ái là mối dây hiệp nhất tâm hồn. Thực ra đời sống cộng đoàn bao gồm cả hai yếu tố trên[2]:
– Đời sống chung trong một nhà, theo một chương trình, tham gia các hoạt động và công tác.
– Sự hiệp thông do đức ái thúc đẩy qua những tương quan với nhau trong cùng một linh đạo và một sứ mạng.
Thực vậy, “Cộng đoàn vừa có ý nghĩa là một cộng đồng huynh đệ các tu sĩ, vừa chỉ nơi ở của các tu sĩ. Mỗi chị em đều phải thuộc về một cộng đoàn do Bề trên ấn định. Chị em ân cần gắn bó với cộng đoàn được sai đến, và tích cực dấn thân để xây dựng và phát triển cộng đoàn về mọi mặt”[3].
Qua đó, chúng ta thấy rõ nếp sống chung với những sinh hoạt hay sứ vụ là hình thức bên ngoài, là bề mặt của cộng đoàn; còn tình yêu hay đức ái mới chính là con tim là sức sống của cộng đoàn. Do đó, không thể nói đến cộng đoàn mà không đề cập đến đức ái, bởi không có đức ái thì không làm nên cộng đoàn. Những yếu tố khác của cộng đoàn như: cơ sở vật chất, nhân sự, các sinh hoạt, một chương trình, một mục tiêu nhắm tới… tất cả những yếu tố đó gom lại mà thiếu đức ái thì không thể gọi là cộng đoàn; đó có thể là một nhóm bạn hữu, một công ty, một câu lạc bộ, một tổ chức hay hiệp hội. Còn cộng đoàn là hồng ân của Thiên Chúa, mối dây liên kết trong cộng đoàn cũng chính là Ngài, Đấng Tình Yêu. Thực vậy, đời sống cộng đoàn nhắm đến một chủ đích, trong đó có sự hiệp thông, liên kết với nhau, thuộc về nhau, và có trách nhiệm với nhau.
Như vậy, chúng ta thấy rõ tình yêu hay đức ái là xi măng gắn kết tất cả mọi yếu tố khác biệt nơi cộng đoàn, để xây dựng nên một đời sống hiệp nhất yêu thương “bắt nguồn từ sự hiệp thông tuyệt diệu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng thời phản ánh chiều sâu và sự phong phú của chính Thiên Chúa”[4].
Đối với cộng đoàn Mân Côi, đức ái là điểm then chốt, là linh hồn của cộng đoàn, Đức Cha Tổ Phụ đã xác định “Bác Ái” chính là tên gọi của chị em Mân Côi: “Bà phải tập cho các học trò mình trong sự thực hành kỷ luật chung và những nhân đức riêng của các chị em dòng Bác Ái Con Đức Mẹ Mân Côi”, ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Phải dạy các chị về tinh thần dòng là tinh thần bác ái”[5]. Bởi vậy, không chỉ trong đời sống cộng đoàn mà trong mọi chiều kích của đời sống thánh hiến và sứ vụ, “Tinh thần sống của chị em Mân Côi là thực hành Đức Ái hoàn hảo: mến Chúa yêu người theo tinh thần Phúc Âm và theo Linh đạo Dòng”[6]. Có thể nói đời tu Mân Côi được hình thành và xây dựng trên đức ái.
Ở đây, qua giáo huấn của Giáo Hội, của Đức Cha Tổ Phụ và nhất là qua Hiến Luật Dòng, chúng ta triển khai về đời sống cộng đoàn, để từ đó tìm ra một số điểm thực hành đức ái cách cụ thể và thiết thực trong đời sống chị em Mân Côi, phác họa “Chân dung Cộng đoàn Đức Ái”, một yếu tố làm nên đời tu Mân Côi như Hiến Luật Dòng một lần nữa xác định: “Đời sống cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu của đời sống tu trì… Chính tại môi trường cộng đoàn, chị em thực thi cách cụ thể và sung mãn đức ái hoàn hảo: yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân trọn vẹn, đó là tinh thần sống của chị em”[7].
II. CHÂN DUNG CỘNG ĐOÀN ĐỨC ÁI
Đời sống tu dòng được Giáo Hội đặt tên là “Đời sống Thánh hiến” hay còn gọi là “Đức Ái hoàn hảo”, nghĩa là chúng ta được mời gọi để sống một cuộc đời thánh thiện, mà sự thánh thiện ở đây chính là thực thi đức ái. Thiên Chúa là Đấng Thánh cũng đồng nghĩa với Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúng ta được Thiên Chúa quy tụ thành một cộng đoàn, để qua đời sống đức ái trong cộng đoàn, chúng ta làm chứng cho tình yêu của Người. Hơn nữa, tinh thần của chị em Mân Côi chính là sống đức ái, nên đức ái chi phối đời sống và tất cả mọi hoạt động của chị em. Mục tiêu mà cộng đoàn hướng tới chính là nên hoàn thiện trong tình yêu, vì “cộng đoàn tu sĩ là gia đình đoàn tụ nhân danh Chúa, nơi mà tự bản chất của nó, kinh nghiệm về Thiên Chúa phải đạt được mức độ sung mãn và phải thông truyền cho người khác”[8]. Điều này, Hiến Luật Dòng đã xác định rõ ràng: “…Qua việc khấn dòng, chị em được Đức Kitô quy tụ để liên kết với nhau, xây dựng một cộng đoàn đức ái trong đời sống chung huynh đệ. Trong nếp sống đó, chị em có được kinh nghiệm về Thiên Chúa và sự hiện diện của Người để làm chứng cho tình yêu vĩnh cửu giữa lòng thế giới”[9].
Trong vai trò chứng tá, đức ái cộng đoàn không chỉ là lý thuyết suông hay là sự xác tín được nêu lên qua những khẩu hiệu, những quyết tâm, mà nhất thiết phải thể hiện ra bên ngoài trong tất cả sinh hoạt của cộng đoàn, để qua đó mọi người đọc ra được điều mà cộng đoàn muốn loan báo. Vì vậy đời sống cộng đoàn Mân Côi phải làm nổi bật những nét cơ bản của ĐỨC ÁI:
1. Đức ái đưa đến sự hiệp thông
Như Giáo Hội thời sơ khai, chỉ có một trái tim và một tâm hồn, ngay từ ban đầu, đời sống thánh hiến đã nói lên sự hiệp thông khởi đi từ lời mời gọi của Chúa Giêsu. Người đã gọi đích danh từng người một để họ hiệp thông với chính Người và với nhau[10]. “Noi gương các tín hữu sơ khai, tất cả đều ‘đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với Mẹ Maria’, ‘luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng’, các cộng đoàn Mân Côi luôn đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm đời sống cộng đoàn. Qua sự dẫn dắt của Mẹ, chị em gắn bó mật thiết với Chúa để cộng đoàn được lớn lên trong tình yêu, và lan tỏa tình yêu ấy đến cho mọi người như một chứng từ của đời thánh hiến”[11].
Trong cộng đoàn, chị em Mân Côi thể hiện tình yêu qua sự hiệp thông liên kết với nhau, cùng hợp tác, làm việc, cầu nguyện và lao động. Có một kỷ luật và chương trình chung để duy trì sự hiệp nhất. Cùng chung một sứ vụ, chị em thực hiện trong sự hiệp thông và nhân danh cộng đoàn[12]. Chúng ta được kêu mời cùng nhau làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu thương nhau. Về điểm này Hiến Luật Dòng quy định: “Chị em phải giữ đời sống chung, cùng chia sẻ những bổn phận cũng như sứ vụ của cộng đoàn, tham gia các sinh hoạt chung, nhất là các giờ thiêng liêng, và giữ kỷ luật cộng đoàn”[13]. Nội Quy 59 giải thích rõ hơn: “Luật sống chung đòi chị em cùng chia sẻ một nếp sống với nhau trong cộng đoàn, cùng có bổn phận tuân giữ lời khấn cũng như kỷ luật cộng đoàn. Chị em cùng có bổn phận tham dự các giờ chung như cầu nguyện, làm việc, hội họp, những sinh hoạt cộng đoàn, kể cả việc nghỉ ngơi hay giải trí”.
2. Đức ái hiệp nhất thành một gia đình
Tình gia đình trong cộng đoàn Mân Côi luôn được Đức Cha Tổ Phụ quan tâm, ngài khuyên dạy mọi chị em chia sẻ với nhau từ những công việc, những sinh hoạt thường ngày đến sự hiệp nhất thành một gia đình thiêng liêng của những người con cùng một Mẹ, cùng chia sẻ một đặc sủng và sứ mạng:
“Bà bề trên trong nhà như cha mẹ ta hằng xem sóc cho ta trăm việc hồn xác như cha mẹ ta vậy; và chị em trong nhà như một gia đình, chung cùng nhau trong hết mọi việc: hằng đọc kinh nguyện ngắm với nhau, ăn uống, truyện trò với nhau, học hành với nhau, hằng chia vui sẻ buồn cùng nhau”[14]. Tuy nhiên, “Ta vào ở cùng nhau một nhà, ăn chung với nhau một bàn, đó chưa chắc là hợp nhất; phải có cả tinh thần bề trong, nhận nhau như con một nhà, vì hết thảy là con Đức Mẹ Mân Côi”[15].
Khi bước vào ơn gọi Mân Côi, sống chung một cộng đoàn là trở thành một gia đình, là người nhà với nhau, “Chị em sống đoàn kết yêu thương nhau, vì tất cả đều là ‘con Mẹ Mân Côi’, cùng chia sẻ những gia sản thiêng liêng cũng như những nhu cầu vật chất, mọi sự may rủi cũng như vui buồn, như chị em ruột thịt trong gia đình. Chị em luôn nhớ cầu nguyện cho nhau, nhất là những khi gặp khó khăn thử thách”[16].
3. Đức ái chu toàn mọi lề luật
Tất cả mọi lề luật đều gồm tóm lại trong điều răn mới: thực thi đức ái. Chúa Giêsu đã xác định: Thầy đến không phải là để hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn. Chúa kiện toàn bằng cách thổi vào lề luật tinh thần của lòng mến. Thánh Phaolô khẳng định: “yêu mến là chu toàn lề luật”[17].
Quả thực, “cốt lõi của lề luật là đức ái. Việc giữ luật một cách cứng nhắc, câu nệ, vụ hình thức hoặc ngược lại tìm cách né tránh hay lách luật chẳng bao giờ đưa đến sự hoàn thiện là đức ái. Chúa Giêsu đã đến để kiện toàn lề luật bằng một tình yêu lớn nhất, bằng tự nguyện hiến dâng và đi đến cùng của lề luật tức đi đến cùng của tình yêu: hủy mình ra không và chấp nhận chết ô nhục trên thánh giá. Do đó, điều kiện làm cho việc giữ luật nên trọn hảo là tự do và tình yêu”[18].
– Thực thi đức ái là chu toàn lề luật: Thánh Giuse đã đón nhận Đức Maria vô điều kiện. Ngài tin vào lời của thiên thần, và hành động theo con tim mách bảo chứ không theo quy định của lề luật. “Điều cao quý nơi trái tim của Thánh Giuse, đó là ngài đặt luật lệ phụ thuộc vào đức ái. Ngay cả dù ngài không hiểu toàn thể câu chuyện rộng lớn hơn, ngài vẫn quyết định bảo vệ thanh danh, phẩm giá và sự sống của Đức Maria. Trong khi ngài do dự chưa biết hành động thế nào tốt nhất, thì Thiên Chúa đã giúp soi sáng cho sự phán đoán của ngài”[19].
– Chu toàn lề luật với lòng mến: Lề luật chính là con đường chắc chắn và bảo đảm nhất dẫn đưa chúng ta đến nguồn mạch Đức Ái là chính Thiên Chúa. Việc giữ luật một cách tự nguyện với lòng yêu mến làm cho con tim chúng ta được giải thoát, hoàn toàn tự do để yêu mến và đi vào kế hoạch của Thiên Chúa trong kỷ luật đời sống thánh hiến cũng như kỷ luật đời sống cộng đoàn, yếu tố làm nên đời sống của chúng ta.
Các luật lệ trong Dòng đều nhắm đến việc thực thi đức ái và củng cố đời sống thánh hiến của chị em Mân Côi[20]:
+ Luật nội vi: Nội vi Tu viện là dấu chỉ sự tách biệt với thế gian, là môi trường nuôi dưỡng và phát triển những tâm tình thờ phượng và bác ái của người thánh hiến…
+ Luật thinh lặng: Thinh lặng là yêu sách của tình yêu… Một sự thinh lặng đầy sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ củng cố đời sống nội tâm, làm gia tăng đức ái, và giúp chị em mở rộng lòng trước những nhu cầu của tha nhân.
+ Luật về tu phục: Tu phục là dấu chỉ của người đã từ bỏ thế tục hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa, và nói lên tinh thần hiệp nhất giữa chị em trong Hội Dòng.
+ Luật hy sinh khổ chế: Đức Cha Tổ Phụ nhắc nhở chị em phải thực hành sự hãm mình khổ chế thường xuyên trong đời sống, như của lễ hy sinh hiến dâng Thiên Chúa.
Vì thế, với lòng yêu mến, chị em trung thành tuân giữ mọi kỷ luật đời thánh hiến cũng như kỷ luật hằng ngày, vì “Kỷ luật trong Dòng là phương thế giúp chị em trung thành với đoàn sủng, củng cố nếp sống cộng đoàn, và bảo vệ đời sống thánh hiến của chị em. Chị em tự nguyện sống theo kỷ luật, chấp nhận những hy sinh từ bỏ với niềm vui và tự do nội tâm, như một cách thức biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa, và như một hành trình cứu độ theo Linh đạo Dòng”[21].
4. Đức ái tha thứ tất cả
Chúng ta được Chúa mời gọi bước đi theo Người, sống chung với nhau trong một cộng đoàn là để chúng ta yêu mến nhau, đó là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Chính qua niềm tin và sự tha thứ, chúng ta cam kết ở lại với nhau để làm chứng cho tình yêu đang hình thành và lớn lên giữa những chông gai và thập giá. Một tình yêu chiến thắng tất cả, “một tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”[22].
Thực sự cuộc đời này quá ngắn ngủi không đủ để chúng ta thể hiện tình yêu thương nhau, nên chúng ta đừng lãng phí thời giờ cho những buồn giận, bực tức, ghen tương, hận thù; Vả lại, trên đời không có gì là to tát đến mức không thể bao dung tha thứ được, mức độ nghiêm trọng tùy vào cách nhìn nhận của bản thân mỗi người. Tha thứ không thay đổi được quá khứ nhưng thay đổi được tương lai.
Vì thế, tha thứ không chỉ là cho ai đó một cơ hội làm lại, mà cũng là cho bản thân mình một trải nghiệm mới, một chân trời mới.
Trong cộng đoàn, “không gì khốn nạn và sinh nhiều dịp tội cho bằng kẻ ở một nhà cùng nhau, năng gặp nhau mà để lòng không ưa nhau. Không hợp nhau cũng khốn thay, huống hồ là ghét nhau thì vô phúc dường nào?”[23].
Cộng đoàn là nơi học tha thứ, bởi vì chúng ta đều là con người giới hạn, chưa hoàn thiện, chúng ta còn nhiều khiếm khuyết và yếu đuối, nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta không thể sống với nhau được. Quả thế, mặc dù chúng ta tín nhiệm nhau đến đâu, vẫn không thể tránh những lời nói làm buồn lòng nhau, những thái độ làm tổn thương nhau. Do đó, sống chung là cùng vác thánh giá, cùng liên lỉ cố gắng, cùng tha thứ cho nhau hằng ngày. Vậy “đã gọi nhau rằng chị rằng em, thì hãy yêu nhau xứng em, xứng chị; vui vẻ cùng nhau, hòa nhã với nhau; rủi nhỡ miệng, làm mất lòng nhau, thì dong thứ cho nhau tức thì”[24].
5. Đức ái kiện toàn trong nguyện cầu
Kinh nguyện là nguồn mạch sự sống của đức ái cộng đoàn, trong cầu nguyện chúng ta củng cố và đổi mới tương quan với Thiên Chúa và với nhau, trong cầu nguyện nhịp sống chung được duy trì và đức ái được nuôi dưỡng để lớn lên. Công đồng Vatican II đã xác quyết: “Đời sống chung phải được duy trì bằng cầu nguyện, tinh thần đức ái phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng Phụng Vụ và nhất là bằng bí tích Thánh Thể”[25]. Tình yêu nối kết chị em trong cộng đoàn phải được thể hiện qua cầu nguyện, bởi khi cùng tham dự phụng vụ với nhau là chúng ta cùng hướng về Thiên Chúa và chúng ta gặp nhau trong Người.
Hơn nữa, cầu nguyện là một nhu cầu của cộng đoàn để nuôi dưỡng đức ái với Thiên Chúa và với nhau. Trong cầu nguyện chúng ta được chìm sâu trong tình yêu của Thiên Chúa, đó là thời khắc Thiên Chúa hiện diện cách sống động và gần gũi với từng người, cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Người, và tình yêu ấy sẽ chữa lành mọi thương tích nơi tình yêu hữu hạn của chúng ta đồng thời làm mới lại tình yêu của chúng ta. Thật vậy, đức ái của chúng ta chưa hoàn hảo, sự khiếm khuyết của đức ái nơi chúng ta không bao giờ được chữa lành cho đến khi gặp được Đấng Tình Yêu.
Cách riêng chị em Mân Côi còn có Mẹ Maria luôn đồng hành, hướng dẫn, để có được một tình yêu tinh ròng như tình yêu Mẹ dành cho Chúa. Mẹ sẽ hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng đưa chúng ta đến với Chúa Cha, nguồn mạch tình yêu. Vì vậy, chúng ta cần đón nhận Mẹ vào ngôi nhà nội tâm, vào đời sống của mình, “để được Mẹ uốn nắn dạy dỗ chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn”[26]. Từ đó chúng ta có được đôi mắt đức ái, con tim đức ái mà nhận ra Chúa nơi chị em của mình.
III. CÙNG NHAU HOÀN THIỆN CHÂN DUNG CỘNG ĐOÀN ĐỨC ÁI
Đời sống thánh hiến với trách nhiệm huấn luyện liên tục và tự rèn luyện, chúng ta vẫn thường có những dự tính những chương trình cho hành động của mình, hay những quyết tâm nào đó trong cuộc sống hằng ngày, đó chính là những mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn mà chúng ta nhắm tới. Dù mục tiêu nào đi nữa thì chúng ta cũng phải xác định một cách cụ thể, và tìm cho mình một cách thức để thực thi, cách thức đó dựa vào những gì chúng ta đang có, dựa vào khả năng của mình, vào hoàn cảnh cụ thể chung quanh. Ngoài ra, cũng phải dự phòng những bất trắc, những cản trở bên trong cũng như bên ngoài; để vượt qua, chúng ta phải đề ra những quy tắc đối phó với những bất trắc, những cản trở đó.
Thí dụ, thay vì: “Tôi quyết tâm sống bác ái với chị em” để xây dựng một cộng đoàn yêu thương hạnh phúc, thì tôi phải xác định “tôi quyết định thực hành đức ái về điểm nào: lời nói, thái độ, suy nghĩ hay hành vi cụ thể, bao nhiêu lần mỗi ngày”; có thể xác định rõ đối tượng nào hay cụ thể công việc gì. Rồi phải đưa ra một quy tắc để bảo đảm việc thực thi điều quyết tâm của mình: giữa ngày cần nhìn lại để còn kịp điều chỉnh nếu chưa thi hành… Mục tiêu phải có tính cụ thể, khả thi, có phương cách thích hợp, và có những quy tắc hỗ trợ việc thực hành thì mới mong đạt kết quả.
Rất nhiều khi chúng ta bỏ qua những điều có thể làm được, những điều trong tầm tay của mình để tìm tòi hay cố gắng nhắm đến một điều cao siêu hơn, khó hơn; chúng ta nghĩ rằng những điều cao siêu đó mới xứng đáng cho chúng ta nhắm tới, cho chúng ta thực thi, để rồi suốt một đời chúng ta chỉ là những người đi tìm những cái không thể tìm, cố làm những điều không bao giờ làm được. Trong khi đó, cuộc sống mà chúng ta đang sống đều được xây dựng từ những điều nhỏ nhặt, những điều xảy ra trong đời thường; mỗi biến cố là một lời mời gọi để chúng ta đáp trả, một gợi ý để cho chúng ta lên đường. Nếu bỏ qua những dấu chỉ ấy, dần dần chúng ta sẽ mất đi sự nhạy bén, mất đi trực giác để cảm nhận, và cuối cùng thế giới này không còn là một khám phá, cuộc sống này không còn là một sự đáp lời.
Vậy để xây dựng cộng đoàn đức ái, chúng ta hãy đi từ những đòi hỏi nhỏ nhất, gần gũi nhất, vừa tầm tay chúng ta nhất: Tôi không thể thay đổi người khác, nhưng tôi có thể chấp nhận được người khác. Tôi không có khả năng bắt người khác làm theo ý mình, nhưng tôi có thể làm theo ý họ. Tôi không thể khiến người khác sống đức ái, nhưng tôi có thể tập luyện sống đức ái. Tôi không thể bắt chị em yêu mến tôi, nhưng tôi có thể yêu mến chị em.
Đời sống cộng đoàn tự bản chất là đời sống đức ái, “Chị em được mời gọi sống hòa hợp gắn bó với cộng đoàn, giúp nhau tăng trưởng những đặc sủng và khả năng mỗi người. Với tình yêu thương, lòng biết ơn và sự tha thứ, mỗi chị em sống gắn bó với cộng đoàn, đón nhận nhau như hồng ân Thiên Chúa, giúp nhau thanh luyện và tích cực xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn”[27], vì thế những đặc tính của đức ái phải bao trùm toàn bộ đời sống cộng đoàn.
Như đã nói ở trên, những điều thực hành đức ái rất nhiều, chi phối mọi khía cạnh đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, ở đây chỉ nêu lên một số điểm cụ thể, những điểm này cần thiết trong đời sống thực tế, để vẽ nên chân dung đích thực của một cộng đoàn mà nếu thiếu nó khuôn mặt cộng đoàn chưa thể rõ nét và chân dung cộng đoàn cũng chưa hoàn chỉnh.
1. Đơn sơ chân thành
Sự chân thành được thể hiện không chỉ ở lời nói, hành vi bên ngoài mà phải từ sâu xa trong đáy lòng. Người đơn sơ chân thành sống thật thà, không dối trá, hai mặt, họ là người lương thiện, hành động bên ngoài và suy nghĩ bên trong nhất quán như nhau. Bên cạnh người chân thành, chúng ta dễ dàng bộc lộ chính con người thật của mình, xóa tan mọi hoài nghi ngờ vực để sống trong tự do và sự thật.
Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta phải đơn sơ chân thành trong suy nghĩ, lời nói, thái độ và hành động. Sự đơn sơ chân thành là hoa trái của đức ái, giúp chị em chung sống cảm thấy an vui và hạnh phúc, không lo lắng đề phòng hay dè dặt sợ hãi. Một lời nói thiện ý, một thái độ chân thành mang lại cho nhau niềm vui phấn khởi, có thể xây dựng một ơn gọi. Người xưa nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông; lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Sự chân thành, lòng nhân hậu trong đời sống cộng đoàn có thể chữa lành những thương tích, hàn gắn những mối quan hệ hầu như tan vỡ; bởi sự chân thành sẽ mang những thông điệp từ trái tim đến với trái tim, và lòng nhân hậu sẽ mang lại sự bình an cũng như tái tạo niềm tin trong cuộc sống.
Tóm lại, “Sự giao tiếp giữa chị em trong cộng đoàn phải thành thực, đơn sơ và đầy tình bác ái. Chị em hết lòng thương yêu, đón nhận nhau, thông cảm, nâng đỡ và làm gương sáng cho nhau trong việc nên thánh và giữ luật Dòng”[28].
2. Đón nhận nhau
Mỗi chị em gia nhập cộng đoàn đều mang theo những đức tính, những ân huệ, cũng như những khuyết điểm và những vết thương. Chúng ta cần đón nhận nhau để giúp nhau phát triển những ân huệ, đồng thời chữa lành những vết thương nơi người chị em, bằng tình yêu thương chia sẻ và hiệp thông, bằng sự quan tâm đón nhận họ đi vào cuộc đời mình, vào nhịp sống cộng đoàn. Điều này không dễ, bởi khi đón nhận người khác vào cuộc đời mình là chấp nhận một sự rầy rà, một mối phiền phức, một nguy cơ bất ổn luôn sẵn chờ; nhưng đồng thời cũng mang lại cho chúng ta những niềm vui mới, những cảm nghiệm về tình yêu và nhiều sự bất ngờ thú vị!
Tình yêu là điều kiện thiết yếu để con người lớn lên một cách quân bình. Trong cộng đoàn cũng vậy, tình yêu gắn bó với Chúa phải làm cho chúng ta biết chấp nhận, kính trọng và yêu mến nhau. Chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi được thuộc về Hội Dòng, về cộng đoàn, nơi mà mình đã chọn, đã được sai đến. Vì thế đừng để một người nào trong cộng đoàn trở thành một con số, bị bỏ quên một góc hay đứng bên lề cộng đoàn, vì đó là nỗi bất hạnh, một sự cô độc, khiến chị em trở nên khép kín, lo âu và suy sụp. Để có thể đón nhận người khác, chúng ta cần có tâm hồn lạc quan, một cách nhìn tích cực về mọi người và mọi sự.
– Suy nghĩ tích cực: Chúng ta cần có cái nhìn tích cực, nghĩ tốt về nhau. Thánh Têrêsa Avila nói: “Những phán đoán độ lượng là những phán đoán gần sự thật nhất. Tốt hơn là đừng xét đoán, không xét đoán ngay trong tâm ý, hoặc nếu có thì hãy xét đoán một cách khoan dung thực tình”. Bởi vậy, khi nhìn người khác, chúng ta phải nhìn bằng con mắt hiền hậu nhất. Hãy để cho Thiên Chúa nhân lành xét xử, bởi ai trong chúng ta dám quyết rằng một chị em nào đó hôm nay đầy khuyết điểm và yếu đuối, ngày mai họ vẫn y như thế!
– Tâm hồn lạc quan: Người có tâm hồn lạc quan nhìn mọi sự qua lăng kính đức ái, khi đó chúng ta có khả năng giản lược những khuyết điểm có thực hay không có thực, và phóng đại những đức tính tốt của chị em. Nếu có vì thế mà đôi khi chúng ta sai lầm cũng chẳng sao, vì sự sai lầm ấy không bao giờ gây hậu quả tai hại. Sai lầm vì đoán ý ngay thì tốt hơn sai lầm vì đoán ý xấu.
Do đó, “Khi nghe ai chê trách người nào việc gì thì hãy tìm lẽ chữa mình cho kẻ ấy. Lại khi thấy ai làm điều gì lỗi thì hãy xét ý ngay lành cho kẻ ấy; huống nữa là khi chưa rõ, thì không nên xét ý trái cho ai bao giờ”[29].
3. Giúp nhau thi hành sứ vụ
Trong cộng đoàn, mỗi người đều có một cái gì đó để chia sẻ, để góp chung với cộng đoàn. Sự thành công của một tập thể, một cộng đoàn là nhờ sự góp mặt của từng chị em. Sự cộng tác đòi hỏi phải quên mình. Thực vậy, trong thành công chung, người ta không nhìn thấy bóng một cá nhân nổi bật mà thấy một tập thể đoàn kết, nhiều khả năng được cộng lại. Nếu tôi muốn mình được tuyên dương, được nổi bật, thì chắc chắn có người chị em khác bị dìm xuống hoặc có người khác đang âm thầm đứng bên cạnh làm cho tôi được nổi bật. Vì thế, dù chúng ta đóng vai chính hay vai phụ, chúng ta phải đóng tròn vai của mình. Chúng ta cần chia sẻ giúp đỡ nhau trong đời sống cũng như khi thi hành sứ vụ:
– Về vật chất: Của cải, tài sản, đồ dùng, các phương tiện làm việc, máy móc, đồ văn nghệ, dâng hoa, giỏ hoa, nến, thẻ thi đua… không ai có thể sắm đủ thứ cho công việc của mình, nhưng khi cần thì đã có chị đặc trách từng công việc có thể chia sẻ cho nhau, chị em giúp nhau thành công.
– Về tinh thần: Từ những tài năng điêu luyện về mỹ thuật như đàn hát, ca múa, nấu ăn, khéo tay trang trí; đến những đức tính tự nhiên như sự vui tươi, óc khôi hài, trí nhớ về các vấn đề, khiếu kể chuyện, tính hoạt bát, nói năng lịch sự dễ thương; suy tư sâu sắc, sự chu đáo cẩn thận… Khi cộng đoàn có nhu cầu là tự nhiên nghĩ ngay đến chị đó, và mỗi người tùy theo ân lộc Chúa ban mà phục vụ nhau, xây dựng cộng đoàn.
Đức ái cần tỏ ra bằng việc làm cụ thể, “chị em yêu nhau không những thật tình bề trong lại phải thi hành bề ngoài nữa”. Hơn nữa, “tinh thần đức yêu người cũng dạy ta sẵn sàng giúp đỡ chị em… Càng làm được nhiều việc đỡ cho chị em, càng lấy làm sung sướng”[30].
4. Ân cần quan tâm đến nhau
“Sống trong xã hội hiện đại, chúng ta thành hàng xóm láng giềng với nhau, nhưng không làm chúng ta trở thành anh chị em của nhau; một xã hội toàn cầu hóa thống nhất thế giới, nhưng chia rẽ các dân tộc và các quốc gia. Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới đang bùng nổ chóng mặt, nó thúc đẩy tư lợi, nhưng làm suy yếu tính cộng đồng của đời sống”[31].
Thực vậy, các phương tiện truyền thông: internet và mạng xã hội tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Nhưng thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, thao túng, có thể khiến con người bị lệ thuộc, và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế, cản trở sự phát triển các mối quan hệ đích thực giữa người với người. Những tiện ích của phương tiện truyền thông dễ dàng phát tán tin tức sai lệch, giả mạo, đồng thời nuôi dưỡng thành kiến và lòng hận thù. Tình trạng này biểu hiện của một nền văn hóa đã mất ý thức về sự thật. Danh dự của nhiều người bị đe dọa qua những cuộc xét xử sơ sài trực tuyến trên mạng[32].
Mặt trái của phương tiện truyền thông này ảnh hưởng không ít trên đời sống cộng đoàn. Trong thực tế, có những hiện tượng, tuy chưa nhiều nhưng đáng chúng ta lo ngại: chị em ít dành giờ cho nhau, cho cộng đoàn. Mối bận tâm và niềm vui của chị em được tìm trong “thế giới ảo”. Điều này đưa đến lối sống cá nhân chủ nghĩa, sống vô tâm; biết hết mọi chuyện xảy ra trên thế giới, ngoài xã hội, mà chuyện cộng đoàn thì lại không biết, không quan tâm. Tệ hơn nữa, dùng phương tiện truyền thông để phê bình chỉ trích hạ bệ nhau; thư nặc danh cũng xuất hiện và phát tán khiến chị em bị tổn thương, và đức ái không còn chỗ đứng nơi cộng đoàn.
Hơn bao giờ hết, đức ái cộng đoàn cần được củng cố bằng những khoảnh khắc quây quần bên nhau để cảm thấy mình thật là chị em một nhà. Giờ Thánh Lễ, giờ cầu nguyện chung, chia sẻ kinh nghiệm sống, lao động; những bữa ăn thân mật trò chuyện với nhau trong cộng đoàn, những buổi tối quây quần sinh hoạt chia sẻ với nhau sẽ giúp chúng ta khám phá về nhau, hiểu nhau hơn. Chúng ta biết rõ về nhau: những khả năng, sở thích, thói quen, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, những giới hạn và những khó khăn thử thách chị em đang gặp. Từ đó chúng ta quan tâm đến nhau, có những hành vi cụ thể và tế nhị dành cho nhau:
– Quan tâm đến nhau: Dành cho chị em một chỗ ngồi thuận tiện, một công việc phù hợp với sức khỏe, hỗ trợ chị em trong công tác khi họ bận rộn, dành phần ăn khi chị em vắng mặt, âm thầm giúp đỡ khi chị em quên sót, một lời động viên khi thấy chị em vui hoặc buồn, một câu thăm hỏi khi thấy chị em mạnh khỏe hoặc xanh xao gầy ốm. Những hành vi nhỏ ấy tạo nên những kỷ niệm, và những kỷ niệm trở thành chất keo liên kết chúng ta trong tình thân.
– Một nơi an toàn để tìm về: Trong một cộng đoàn đức ái, chúng ta được chia sẻ sự phong phú của nhau, được có những gương sáng khi yếu đuối, được cảm thông khi lầm lỡ, được ủi an khi buồn phiền, được nâng đỡ khi nản chí, được khích lệ khi hoàn thành nhiệm vụ, được tán dương khi thành công, được xoa dịu khi thất bại, được chia sẻ khi đau khổ, được đồng tình khi có niềm vui hạnh phúc, và được yêu thương khi là chính mình.
Tình yêu đích thực này sẽ theo chúng ta đến cuối cuộc đời, khi mọi người, mọi sự đã rời bỏ chúng ta, mọi mối tương quan đã đi vào quên lãng thì chỉ còn cộng đoàn là nơi cưu mang chúng ta, là dấu chỉ tình yêu nhân hậu của Chúa dành cho chúng ta, được thể hiện qua việc quan tâm chăm sóc và ân cần nâng đỡ chúng ta về mọi mặt[33].
Thực vậy, cụ thể trong cộng đoàn chúng ta được yêu thương chăm sóc không những về mặt thể lý với những nhu cầu vật chất hay những lúc đau bệnh, mà còn được tận tình nâng đỡ trong suốt hành trình dâng hiến, từ lúc chập chững bước vào đời tu, qua những thăng trầm thử thách, những vấp ngã yếu đuối. Cộng đoàn luôn đồng hành bên cạnh, nâng bước giúp chúng ta đi hết hành trình và hoàn tất Lễ Dâng trong niềm vui, bình an và thánh thiện[34].
5. Tha thứ và cầu nguyện cho nhau
Đời sống thiêng liêng và cầu nguyện phải được duy trì và coi trọng, vì đó là động lực, là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua những yếu đuối, chán nản, thất bại trong đời sống cộng đoàn.
Những sinh hoạt thiêng liêng giúp cộng đoàn gặp gỡ chính Chúa, đặc biệt trong Lời Chúa và bí tích Thánh Thể. Những buổi họp mặt chia sẻ chân thành, những giờ phút cầu nguyện chung với nhau và nhất là cầu nguyện cho nhau sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, thông cảm và tha thứ cho nhau hơn. Khi có Chúa hiện diện, Người sẽ chữa lành những thương tích của chúng ta và quy tụ chúng ta trong trái tim nhân hậu của Người. Để việc cầu nguyện của chúng ta thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả tích cực, chúng ta cần làm hòa với nhau, tha thứ cho nhau trước khi đến với Chúa.
– Tha thứ: Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta đừng để lòng thù hận, hãy tha thứ. Một chị em nào đó chúng ta không ưa, có thể do tính tự nhiên không hợp hay do hiểu lầm, dù bất cứ trường hợp nào thì theo tinh thần đức ái chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau, không được để lòng buồn giận, ghen ghét hoặc tránh xa nhau. “Ở cùng nhau một nhà, dù thánh thiện mấy cũng không phải là thiên thần. Ai nấy cũng còn mang tính xác thịt như cái vỏ giòn, dễ động chạm nhau. Vậy nếu không biết kiên nhẫn mà dung thứ cho nhau, thì chỉ sinh dịp tội cho nhau biết là mấy phen”[35].
– Làm hòa: “Rủi theo tính yếu đuối buồn giận ai, hay là làm cho ai buồn giận, thì làm hòa lại tức thì”[36], vì càng để lâu càng khó làm hòa. Có nhiều cách làm hòa như xin lỗi, đối thoại, tỏ thiện chí qua thái độ tôn trọng người chị em mình, lắng nghe và tán đồng những ý kiến hay, nói tốt về nhau, khen ngợi nhau. Khi chưa thể gặp gỡ nói chuyện với nhau, có thể dùng những ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ của đức ái, như quan tâm, âm thầm giúp đỡ, tích cực cộng tác, và nhất là cầu nguyện cho nhau[37].
Tìm giải quyết mọi vấn đề trong giờ chia sẻ thiêng liêng và cầu nguyện giúp chúng ta gặp gỡ được nhau. Khi chúng ta cùng hướng về một tâm điểm là Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhìn thấy nhau, dễ tha thứ, dễ đón nhận nhau hơn. Nhất là khi có những mối bất hòa hay hiểu lầm không thể nói, thì ngôn ngữ của cầu nguyện sẽ hóa giải những khác biệt, những buồn giận. Khi đi vào cầu nguyện, tâm hồn chúng ta sẽ lắng dịu nhìn rõ mình hơn và biết mình phải làm gì, đồng thời đủ nghị lực để thực thi điều được soi sáng. Thực vậy, khi chúng ta cầu nguyện với nhau và cho nhau, chắc chắn phép lạ và những điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Vì thế, “Mỗi ngày, chị em cùng cầu nguyện cho nhau, những chị em còn sống cũng như đã qua đời… Trong giờ kinh chung, chị em cầu nguyện cho các Bề trên. Mỗi sáng, chị em hát chung bài ca Bác Ái vào lúc thích hợp”[38].
KẾT LUẬN
Sau Cách Mạng tháng 10 Nga (1917), Nicolas Lenin nắm giữ quyền lực tại nước Nga. Khi cuộc đấu tranh và chém giết kết thúc, Lenin đã phát biểu một bài diễn văn với nội dung nuối tiếc, vì Cách Mạng thành công đối với ông như trải qua một cơn ác mộng khi đã gây ra những cuộc chém giết đẫm máu, máu của vô số nạn nhân không thể đếm được. Ông xác định một điều là quá khứ đó không thể thay đổi, nhưng điều thực sự cần để thay đổi nước Nga là cần 10 vị thánh giống như Thánh Phanxicô Assisi!
Nếu như cần 10 vị thánh như Thánh Phanxicô Assisi để thay đổi nước Nga vào thời của Lenin, vì thời đó đầy những mâu thuẫn, hận thù chia rẽ giai cấp, đấu tranh và bạo lực, nên cần 10 vị thánh có tinh thần hòa bình, nhân hậu, sống nghèo khó và khiêm nhường, một vị thánh đứng vào giai cấp vô sản tự nguyện, không đấu tranh, không đòi quyền lợi… thì bây giờ cần bao nhiêu vị thánh như thế để đổi mới bộ mặt xã hội, để canh tân đức ái cộng đoàn?
Chính mỗi người chúng ta là nhân tố cho công cuộc canh tân này. Thời nay cần nhiều vị thánh khác nhau để làm nên một xã hội đa dạng, một cộng đoàn phong phú mà từng thành viên đều có bổn phận, có trách nhiệm góp phần. Thiếu một vị thánh nào trong số các thánh trong cộng đoàn, thì chân dung cộng đoàn vẫn chưa hoàn chỉnh, vẫn còn méo mó, vì mỗi người đều có chỗ đứng trong cộng đoàn, đều phải tham phần vào công cuộc đổi mới canh tân.
Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng sở dĩ cộng đoàn tôi chưa thánh thiện, chưa bác ái yêu thương, còn nhiều vấn đề, là do chính tôi chưa sống thánh, chưa chu toàn trách nhiệm xây dựng cộng đoàn, chính tôi còn theo cá nhân chủ nghĩa, còn muốn thỏa mãn ý riêng mình, nhiều tự ái, ích kỷ, cố chấp, thụ động; chúng ta hay đổ lỗi cho người khác, cho bề trên, cho người này người kia, chị đó chậm chạp, không dấn thân, ích kỷ, chị đó không có tinh thần trách nhiệm, không có lòng chung; bề trên thiếu sáng suốt, thiếu quan tâm… Thế còn tôi thì sao, tôi đã hoàn thiện tới đâu! Tôi đã đóng góp gì cho việc xây dựng cộng đoàn, cho sự thánh thiện của cộng đoàn!
Chúng ta đã được Chúa quy tụ lại nơi đây trong một cộng đoàn, mặc dù mỗi người chúng ta có những nét khác nhau về nguồn gốc gia đình, về quê quán, về cách suy nghĩ, về tài năng, về tính cách và sở thích… Tuy nhiên, những điều đó không phải là lý do để chúng ta mất đi sự hiệp thông để rồi xa cách nhau. Trái lại, mỗi người với những khác biệt đó, như những nốt nhạc có cao độ và trường độ khác nhau, mà chính Chúa Thánh Thần là nhạc sĩ tài ba đã góp nhặt và liên kết lại, dệt nên một BẢN TÌNH CA tuyệt vời để cùng nhau chúc tụng tình yêu khôn lường của Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có rất nhiều điểm chung: cùng chọn Chúa làm lý tưởng, cùng là con Mẹ Mân Côi. Mỗi ngày chúng ta cùng được nuôi dưỡng bởi chính Mình Máu Thánh Người, được đồng bàn với nhau trong sự hiệp thông và niềm vui. Chúng ta có chung một gia sản do Mẹ Dòng để lại qua các thế hệ nối tiếp; chúng ta cùng chung một đặc sủng và sứ vụ cũng như tinh thần, cùng chọn bước đi trong một linh đạo. Ngoài ra, trong cuộc sống đời thường, chúng ta còn có biết bao nhiêu điều ràng buộc gắn kết với nhau khi cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng vui buồn, cùng vinh dự vì thành công của một người chị em, cùng cảm thông và sẻ chia khi một chị em gặp thất bại. Cùng chung trách nhiệm xây dựng Hội Dòng trong nỗi lo âu và niềm hy vọng.
Với bao nhiêu điểm chung mà chúng ta được chia sẻ và thừa hưởng trong gia đình Mân Côi, thì một chút khác biệt có là gì nếu chúng ta nhìn ra được sự hiện diện và ý muốn của Chúa trên cuộc đời mỗi người chúng ta.
Mỗi chị em Mân Côi là một nốt nhạc, một nốt nhạc đã được Chúa chọn lựa và đặt vào đúng chỗ trên dòng nhạc của bài ca CỘNG ĐOÀN. Một nốt nhạc đơn độc không thể tạo nên giai điệu, nhưng trong bản hòa âm thì một nốt nhạc lại rất cần thiết không thể thiếu. Vì thế, đừng bao giờ chúng ta tự ý chọn một chỗ đứng cho mình, tự ý thay đổi “trường độ” của mình mà làm hỏng “Bản hòa tấu” mà Chúa đã sáng tác cho riêng cộng đoàn, để chúng ta cùng hát mỗi ngày.
Ước gì chị em Mân Côi từng ngày biết thanh luyện bản thân, vượt lên những khác biệt, đơn sơ chân thành đón nhận và tôn trọng nhau bằng chính tình yêu tha thứ, biết quảng đại chia sẻ và ân cần phục vụ nhau. Nhất là biết thành tâm cùng nhau cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau, để chung nhịp bước đi vào chính cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi, một Cộng đoàn Đức Ái hoàn hảo, nơi chỉ có niềm vui và hạnh phúc, nơi Tình Yêu tròn đầy.
Nt. M. Gaudentia Xuân Huệ, fmsr.
[1] Ga 1, 13; x. HĐ 1
[2] x. HĐ 3
[3] NQ 53; GL 608
[4] x. TH 41
[5] NVBT: Đoạn II, 9; GSD I, tr. 150
[6] HLD 3
[7] HLD 26.1
[8] x. HĐ 20
[9] HLD 26.2
[10] x. HĐ 10
[11] HLD 26.3
[12] x. HLD 40.4
[13] HLD 28.1a; GL 608
[14] VNTLG: Đoạn V, 4; GSD I, tr. 222
[15] VNTLG: Đoạn II, 6; GSD I, tr. 192
[16] HLD 27.2
[17] Rm 13, 10
[18] Thư chung TCH XXIII, 44
[19] ĐGH. Phanxicô,Tông Thư“Trái Tim Người Cha”, số 4
[20] x. HLD 30-33
[21] HLD 29
[22] 1Cr 13, 7
[23] VNTLG: Đoạn V, 4; GSD I, tr. 222
[24] HP ĐCTP 1: khoản 18; GSD I, tr. 98
[25] DT 49
[26] x. “Kinh Tận Hiến” của nữ tu Mân Côi
[27] HLD 27.1
[28] HLD 27.4
[29] VNTLG: Đoạn V, 4; GSD I, tr. 225
[30] VNTLG: Đoạn II, 3; GSD I, tr. 189, 223
[31] ĐGH Phanxicô, Thông điệp “Tất cả anh em”, số 12
[32] x. ĐGH Phanxicô, “Đức Kitô sống” số 87, 88, 89; x. HĐ 34
[33] x. HLD 34.1
[34] x. HLD 34.3
[35] VNTLG: Đoạn II, 7; GSD I, tr. 193
[36] VNTLG: Đoạn V, 4; GSD I, tr. 224
[37] x. BTND: 2; GSD I, tr. 400
[38] NQ 54; x. HLD 25