Khi dựng nên con người đầu tiên là Ađam, Thiên Chúa đã đặt ông giữa biết bao muông thú và thiên nhiên xinh đẹp, nhưng ông vẫn khắc khoải vì cảm thấy lẻ bóng cô đơn giữa vườn địa đàng cho đến khi gặp được người bạn là Evà. Điều này cho thấy con người cần đến sự hiệp thông nhân vị, và việc sống các mối tương quan là một nhu cầu độc đáo và không thể thiếu giữa con người với nhau. Tự bản tính, con người là hiệp thông và sự hiệp thông sẽ đạt đỉnh cao khi mọi người nên một với nhau. Vì con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, nên nhân vị con người cũng mang tính tương quan như Thiên Chúa “Ba Ngôi nhưng là một Chúa”. Do đó, con người không thể lớn lên và sống đúng nghĩa như một con người nếu không có sự hiệp thông với người khác.
Trong đời sống cộng đoàn, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về một nếp sống chung có nhiều khó khăn trở ngại do khác biệt về sở thích, lối sống, tính tình, quan điểm… Nhưng cộng đoàn cũng là một thực tại siêu nhiên, nên cần phải có cái nhìn đức tin, để mọi sinh hoạt cũng như các mối tương quan giữa các thành viên với nhau được đặt nền trên một giá trị thánh thiện và cao quý nhất, đó là sự tham dự vào đời sống siêu nhiên. Gabriel Marcel nói đến kinh nghiệm về sự hiệp thông trong cái nhìn đức tin: “Những cuộc gặp gỡ đã giữ vai trò chính yếu trong đời tôi. Tôi đã quen biết nhiều người và tôi cảm thấy nơi họ sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa”. Đó là sự hiệp thông trong phạm vi thiêng liêng: nhận ra Thiên Chúa trong tha nhân, và ngược lại, tha nhân cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân không thể tách rời nhau nhưng luôn bổ túc cho nhau: “Càng thân mật với Chúa thì càng yêu mến chị em” (GSD I, 253). Với con mắt đức tin, chúng ta có được một sự nhạy bén thiêng liêng để nhận ra mối tương quan của chúng ta với tha nhân ra sao thì đó cũng là tình yêu tế nhị mà chúng ta muốn tỏ bày với Thiên Chúa.
Khi có cái nhìn đức tin, chúng ta sẽ không còn thấy những khó khăn và bất toàn nơi chị em hay trong cộng đoàn là một trở ngại, nhưng đó là một nhân tố làm phong phú hóa đời sống của nhau. Những khác biệt sẽ trở thành kỳ diệu khi chúng ta nhận ra đó là những điều đang thiếu nơi mình, để có thể bổ khuyết và luyện tập những đức tính cần thiết, mà khi có va chạm chúng ta mới nhận ra. Một hành vi tốt hay xấu đều có thể dạy chúng ta những bài học hữu ích nếu chúng ta biết đón nhận bằng cái nhìn siêu nhiên và tích cực. Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng: “Qua điều dở, trở điều hay; lấy hay thay dở, có ngày nên thân” (GSD I, 208). Nếp sống chung có nhiều cọ sát thường làm chúng ta khó chịu; những khiếm khuyết, giới hạn của chị em khiến chúng ta muốn nhanh chóng loại trừ, nhưng triết lý của tình liên đới dạy chúng ta phải khôn ngoan và khiêm tốn hơn, vì khi chối bỏ tha nhân là đánh mất chính mình; hòa hợp với tha nhân, dù bất cứ họ là ai, đó là điều tất yếu đưa đến sự thành toàn bản thân. Người ta thường nói: cái ngọt của đường và cái chua của chanh làm nên ly nước thơm ngon. Nếu chỉ nguyên đường hoặc chỉ nguyên chanh thì chẳng mấy ai ưa thích. Khả năng đón nhận được những khác biệt dường như là điều bắt buộc trên đường hoàn thiện bản thân và mang lại thành công trong cuộc sống.
Một hình ảnh rất đẹp trong đời sống cộng đoàn là sự cộng sinh, bổ trợ lẫn nhau để làm phong phú đời sống của nhau. Một cộng đoàn đúng nghĩa sẽ không làm mất tính cách độc đáo của mỗi cá nhân, nhưng mỗi cá nhân sẽ được hoàn thiện nhân cách khi sống chung với người khác. Bởi vì sống tương quan là điều bắt buộc trong tiến trình làm tăng trưởng bản thân cũng như cộng đoàn. Khi mỗi thành viên tự ý thức đi vào dòng chảy tương quan để tìm nơi chị em những điều cần bổ khuyết cho bản thân mình, lúc đó cộng đoàn trở thành mảnh đất nảy sinh sự thánh thiện, cho dù còn nhiều yếu đuối và vấp ngã. Thiên Chúa thường đặt bên chúng ta những dấu chỉ hữu hình là cuộc sống của những con người đang cùng sánh bước bên nhau, để giúp nhau nên hoàn hảo, hoặc để giúp ta học cách giải quyết những vấn đề nẩy sinh, làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn. Benjamin Franklin đã nói: “Những gì gây đau đớn cho ta đều giúp ta nên khôn ngoan hơn”. Đó là lý do mà nhiều người không sợ hãi trước những cọ xát, nhưng biết lợi dụng chúng như cơ hội để rèn luyện bản thân. Những khó khăn một khi được nhận biết và khắc phục, luôn là nguồn phong phú cho sự tiến bộ.
Khi phản tỉnh về những khó khăn trong đời sống cộng đoàn, chúng ta phải chân nhận một điều là phần lớn các vấn đề trong cuộc sống đều tùy thuộc vào cái nhìn và phán đoán của chúng ta. Mặc dù trong cộng đoàn vẫn có những người trái tính, bất ổn và nhiều giới hạn, nhưng một thái độ cảm thông và yêu thương, cùng với lời cầu nguyện, chúng ta có thể khám phá thêm những giá trị nơi người chị em để trân trọng, giúp chị em khắc phục thiếu sót và nên hoàn thiện hơn, đồng thời cũng nhờ đó mà chúng ta có thể nhận ra những bóng tối của mình để sửa sai. Khi sống chung bên nhau, chúng ta hiểu rằng không ai hoàn toàn dở và cũng không ai tuyệt đối hoàn hảo; bên cạnh những mặt xấu vẫn có những điểm ưu việt; mỗi người đều có những đức tính tốt đẹp pha lẫn những lầm lỗi, nhưng tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương cứu độ và tất cả đều là “người con đáng yêu của Thiên Chúa”. Vì thế, sự cảm thông và tình yêu thương mời gọi chúng ta ôm ấp tất cả và không bao giờ để cho ai bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống hay ra khỏi tương quan của mình. Yêu thương là chìa khóa kỳ diệu giải quyết được mọi vần đề cuộc sống.
Một điều không nên tồn tại trong một cộng đoàn thánh hiến là sự phê phán, nhận định về nhau theo dư luận, theo thành kiến hoặc theo cái nhìn chủ quan của mình. Điều này đưa đến sự việc đáng tiếc là có những chị em không vượt qua được vòng lý luận, đưa đến mối tương quan chỉ là nguyên tắc và khô cứng; và hơn thế, có những mối tương quan bị gẫy đổ, bị gián đoạn hay vĩnh viễn rời xa vì thiếu yêu thương, chân thành và đối thoại. Ngoài ra, một thái độ khác cũng không nên có trong đời sống chung, đó là muốn yên phận. Có người không muốn gặp những rắc rối hay va chạm, thường rút lui vào tư phòng, sống với cõi riêng của mình, viện cớ để tránh đi những phiền toái. Tất cả những điều này làm mất đi những ân huệ của đời sống cộng đoàn, mất đi cơ hội làm triển nở những phẩm chất cao đẹp và mất luôn cả tình liên đới là điều tất yếu cho sự thành toàn bản thân.
Đời sống cộng đoàn là sáng kiến của Thiên Chúa, là một ân ban và là yếu tố cơ bản của đời thánh hiến. Ai trong chúng ta cũng có những kinh nghiệm về tình chị em thật dễ thương, ấm áp và mặn nồng khi sống chung với nhau, nhưng cũng không thiếu những lúc căng thẳng và đổ vỡ. Cộng đoàn luôn có sự pha trộn giữa tích cực và tiêu cực, giữa thánh thiện và bất toàn… Mặc dù cộng đoàn là như thế, nhưng chúng ta cũng không nên để cho những điều mà chúng ta xem là một trở ngại, làm mất đi khả năng đón nhận những ân sủng được ban qua đời sống chung. Đã gọi là cộng đoàn thì phải cùng chung nếp sống, chung vui buồn, chung số phận, chung ân huệ… Chỉ cần có hai người sống bên nhau, cũng sẽ có những điều người này thấy mà người kia không thấy; có những cái người này chấp nhận mà người kia phản đối. Vì thế, chúng ta không nên để cho những khác biệt về quan điểm, về kinh nghiệm, ngay cả về cách định mức giá trị trở thành những vật cản cho đời sống chung, nhưng nên xem đó là những yếu tố làm giầu thêm và hoàn thiện hơn cho chính mình và cho cộng đoàn. Khi sống chung, ta cũng có phần trách nhiệm về những thái độ và hành vi của chị em, vì cùng chung một mái nhà, chung một nếp sống, chung một lý tưởng nên sẽ có những ảnh hưởng tương tác trên nhau. Bởi vậy, khi một người chị em có hành vi sai trái, nguyên nhân cũng có thể khởi đi từ một tác động nào đó của chúng ta. Trong cộng đoàn, nhân cách mỗi người được dệt nên từ những tương quan. Vì thế, thái độ của chúng ta phải thế nào để người sống bên cạnh có được những phản ứng tốt, lành mạnh và tích cực?
Kính thưa toàn thể chị em quý mến,
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mô tả: “Cộng đoàn là nơi chốn sống tình hiệp thông; nơi đó, các mối tương quan sẽ bớt hình thức hơn; nơi đó, việc chấp nhận và hiểu biết nhau sẽ có điều kiện thuận lợi hơn; nơi đó, các thành viên sẽ khám phá được các gía trị thần thiêng và nhân bản của việc quảng đại chung sống với nhau trong tình huynh đệ, và chia sẻ cả những giây phút nghỉ ngơi cũng như giải trí chung với nhau như những môn đệ chung quanh Vị Thầy là Đức Kitô” [1]. Những lời của Đức Thánh Cha vừa là lời mời gọi, vừa là lời chất vấn, giúp chúng ta phải nhìn lại tương quan của mình với chị em trong cộng đoàn.
Chỉ khi nào trái tim có đủ yêu thương, chúng ta mới có thể yêu nhau với một ý nghĩa cao đẹp và đầy đủ. Khi yêu thương, chúng ta nhìn chị em như một con người đáng mến; thiếu yêu thương, người ta dễ dàng trở thành kẻ thù của nhau. Xin Chúa ban cho chúng ta một trái tim yêu thương giống Chúa, để chúng ta sống xứng đáng với phẩm vị của một con người được Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa. Xin Mẹ Maria Mân Côi giúp chúng ta có được một tâm hồn hiền hậu và đáng yêu như Mẹ, để chúng ta biết tận dụng mọi hoàn cảnh và ngay cả những thách đố trong cuộc sống như một cơ hội để nên người và nên thánh.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
M. Rose Vũ Loan, FMSR
[1] Huấn thị Phát Xuất Lại Từ Đức Kitô, số 29