Trong bất kỳ ơn gọi nào, để có thể sống trọn vẹn tình mến Chúa và bác ái với anh chị em, chúng ta rất cần có động lực tình yêu mạnh đủ. Cách riêng trong đời sống sứ vụ, ta luôn có đó những đối tượng để yêu thương, những trách vụ phải chu toàn, hoặc những nhu cầu cần được đáp ứng, nên việc thực thi đức ái không thể không nói đến. Chính Thiên Chúa – Đấng “đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5, 5), luôn giúp ta biết cách đáp trả tình yêu của Người, và sẵn sàng sẻ chia tình yêu ta lãnh nhận cho người khác. Việc thực hành đức ái trong sứ vụ mời gọi ta sống tròn đầy hơn khả năng quy Thiên, hướng tha và siêu vượt.
- Quy Thiên
Khi chọn gọi và trao cho ta một sứ vụ nào đó ngang qua bề trên, Chúa Giêsu khao khát ta ra đi và sinh nhiều hoa trái trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, của Hội Dòng, như Ngài đã từng mong ước nơi các môn đệ: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Thế nhưng, để hoa trái có thể trổ sinh và tồn tại, đặc biệt là trao ban tình yêu Chúa cho người khác, ta không thể không ở lại trong Giêsu, Đấng đã khẳng định rõ rằng: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể và các giờ kinh nguyện cộng đoàn, chúng ta tiếp tục kín múc tình yêu và ân sủng Chúa – là suối nguồn đức ái cho tâm hồn và đời sống sứ vụ, bằng việc năng hồi tâm, hướng lòng về Chúa, dâng lời nguyện tắt, ý thức Chúa đang hiện diện, bước đi với Chúa trong mọi công việc lớn nhỏ ta làm… Nhờ gắn kết với Đức Ái trọn hảo, mà mỗi việc ta thực thi được “nên lành, nên tốt, làm sáng danh Chúa”, đồng thời tránh nguy cơ “làm vì ý hèn xác thịt, như cầu lợi ham danh” (I, 360)… Càng để lòng trí gắn kết với Chúa, thì Tình Chúa càng lớn lên trong tâm hồn và sứ vụ của ta. Tuy thâm tín rằng, Thiên Chúa luôn tuôn đổ Thần Khí tình yêu trong ta, nhưng ta vẫn cứ thầm thĩ nài xin ơn yêu mến, và xin Người dạy ta biết yêu thương trong từng trách vụ mình đang đảm nhận.
- Hướng tha
Nhờ hiệp thông trong Đức Ái là Giêsu trên mọi nẻo đường của đời tận hiến, ta không chỉ có thể thực thi đức ái như Ngài và với Ngài, nhưng còn lan tỏa tình thương trước hết với chị em đang cùng mình trên hành trình thi hành sứ mạng. Thánh Gioan Tông đồ đã viết rất rõ, “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20). Đây cũng là điều Đức Cha Tổ phụ nhấn mạnh, “Càng thân mật với Chúa, thì càng phải yêu mến chị em” (I, 253).
Để sống đức ái cách cụ thể với chị em trong đời sống sứ vụ, ta thận trọng hơn trong ngôn từ, nói tích cực với nhau và về nhau, hoặc khích lệ nhau vượt qua những đòi hỏi của công vụ; ra sức làm gương sáng cho nhau – về cung cách ứng xử, thái độ phục vụ, sự tự nguyện hy sinh san sẻ trách nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc sự cố nào đó; bởi lẽ, “yêu là hy sinh. Không hy sinh thì chưa gọi là yêu” (Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu). Vì mỗi chị em là một ngôi vị hoàn toàn khác biệt, nên ta cần tôn trọng những quan điểm và cách thức làm việc có thể rất khác nơi chị em; biết trân quý những khả năng Chúa ban riêng cho chị em, và lấy đức ái để tạo cơ hội cho chị em sinh lời những nén bạc ngay trong môi trường sứ vụ; không vì ghen tương, thiếu thiện cảm hoặc bất đồng quan điểm mà có thể “dập tắt Thần Khí” (1Tx 5, 19) luôn hoạt động trong chị em.
Ta cũng phải tin tưởng rằng, chị em đã và đang nỗ lực trong những việc do Dòng ủy thác. Nếu có những bất ổn hoặc khúc mắc giữa chị em trong sứ mạng, ngoài việc tìm kiếm ý Chúa, ta nên trao đổi trực tiếp để giúp nhau thông hiểu và giải gỡ vấn đề; ta nhắc nhở nhau đồng lòng hướng đến ích chung – nhằm mưu cầu hạnh phúc cho những đối tượng ta đang cùng nhau dấn thân phục vụ. Ta phải tỉnh thức và tuyệt đối xa tránh tính bè phái, vì “phe cánh là những vết thương nặng nhất của tu viện” (I, 645); nó đồng thời hủy diệt cách dễ dàng sứ điệp yêu thương mà ta có trách nhiệm sống và rao truyền trong cánh đồng truyền giáo.
Mặt khác, tình yêu sứ vụ trong Chúa và với chị em luôn thúc đẩy ta ra đi, đến với những linh hồn Chúa sai ta đến để hướng dẫn, dạy dỗ, chăm sóc, chia sẻ… Như Giêsu, và cũng theo ý hướng của Đấng Sáng lập, trong môi trường dấn thân hiện tại, ta đặc biệt lưu ý đến những con chiên lạc, những thành phần bên lề hay những con người nghèo khổ, yếu kém – về vật chất, thể lý, tâm lý, tinh thần… Không hẳn ta phải cho họ vật gì quý giá, nhưng với tấm lòng bác ái rộng mở, ta luôn có thể trao tặng họ nụ cười, ánh mắt cảm thông, lời chào thăm hỏi, lắng nghe nỗi lòng… và trên tất cả, đưa họ đến với suối nguồn của lòng thương xót là chính Thiên Chúa.
Theo Đức Cha Tổ phụ, ta “ở nhà dòng cốt nhất là để mở Nước Chúa, làm chị dòng cốt nhất để cứu linh hồn người ta, giúp việc Hội Thánh, làm cho Chúa được vinh danh” (I, 326). Và, “đối với kẻ khó khăn, người tật bệnh, chị em sẽ năng gặp dịp thực thi đức yêu thương” (I, 98). Riêng trong lãnh vực giáo dục, chị em “không những lấy lời dạy, lại phải lấy gương sáng mà huấn luyện học trò, hãy giữ mình cho khỏi tính hung hăng, nóng giận, bất nhẫn, nhất là đừng yêu riêng nghĩa thiết với trò nào, hay là nịnh ngọt với con nhà giàu” (I, 493)… Đức bác ái thúc đẩy ta sẵn sàng tiếp đón và nâng đỡ bất cứ ai đến với mình, đặc biệt là những kẻ bé mọn. Điều này Chúa Giêsu đã từng nói, “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ uống, dù chỉ một chén nước lã thôi…, thì người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Ga 10, 42).
- Siêu vượt
Agapé – tình yêu bác ái, tình yêu vị tha,thì luôn luôn đi xuống và dâng hiến. Tình yêu này chỉ có thể vươn lên tới Thiên Chúa và vươn đến với tha nhân khi chính ta dám bước ra khỏi phạm vi an toàn, vượt lên trên sự ích kỷ hoặc tính toán vốn luôn có sẵn trong cái tôi quy ngã, hầu có thể trao dâng trọn vẹn hơn. Việc thực thi đức ái trọn hảo trong sứ vụ thường nhật buộc ta phải sẵn sàng vượt lên trên vị trí ổn định hoặc cái tôi dễ bằng lòng với chính mình, để cho đi những gì mình được nhận lãnh hoặc được Thần Khí thúc đẩy… Càng cảm nhận mình được yêu thương cách nhưng không, ta càng có động lực sống đức ái cách quảng đại, không so đo.
Đức ái trong sứ vụ cũng luôn đòi bản thân ta cộng tác hết mình trong những việc chung, nhiệt tâm với những bổn phận được trao hoặc việc không tên, chu toàn công vụ cách sáng tạo và đầy trách nhiệm… Ta đồng thời phải thật sự biết mình, biết chấp nhận những giới hạn – khuyết điểm, để khiêm tốn học hỏi, mở lòng trước những gợi ý – nhận định, tự trau dồi thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng cần thiết, hoặc canh tân trách vụ mỗi ngày… Tất cả đều nhắm đến việc phục vụ sao cho đẹp lòng Chúa hơn, và giúp thăng tiến những chủ thể Chúa đặt để trong sứ vụ – về phẩm giá, đời sống luân lý cũng như đức tin của họ…
Vì đức ái là hành vi của con tim, nên ta rất cần làm chủ những tình cảm của mình. Không chỉ nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, hướng thượng và hướng tha, nhưng ta phải xin Ơn Chúa giúp thanh lọc những khát vọng, động cơ, ý muốn mỗi khi ta trao tặng hoặc chia sẻ bất cứ điều gì và với bất cứ ai. Ta có thể thực thi đức ái trọn hảo, bằng việc vượt qua chính mình trước những tư lợi, ham danh, chiếm hữu, lệ thuộc; những chỉ mong kiếm tìm điều tốt lành, khao khát mang hạnh phúc đến cho những tâm hồn ta yêu thương hoặc đồng hành!
Gợi ý thực hành
“Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6, 45). Đức ái chỉ có thể được hiện thực hóa khi tim ta đong đầy tình Chúa, tình người. Nếu đời sống sứ vụ của ta càng được xây dựng trên nền tảng agapé – tình yêu cho đi, tình yêu vị tha, thì việc thực thi đức ái đối với các linh hồn và các nhu cầu sẽ càng trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Tình yêu bác ái cũng giúp ta vượt lên cái tôi ích kỷ để hướng đến Đấng luôn yêu thương mình, và vươn tới với những ai Người đặt để trong hành trình sứ vụ. Khi hiểu rằng, tình yêu cho đi là tình yêu còn mãi, thì ta sẽ không ngần ngại để thực thi đức ái cho bất cứ ai hay với nhu cầu nào. Đây cũng là điều Đức Cha Tổ phụ đã nhắn nhủ: “Hãy thương yêu, thương yêu thật nhiều. Lòng thương yêu là sức mạnh, nó sẽ làm cho chị mang nổi trọng trách” (I, 577).
Ước mong mỗi chị em Mân Côi cùng nhìn lại cách thực thi đức ái trong trách vụ hiện tại, hầu có thể làm mới lại lửa mến trong việc làm sáng danh Chúa, mưu ích cho các linh hồn, và thánh hóa bản thân. Xin Mẹ Maria Mân Côi giúp chị em sống triển nở tinh thần đức ái của Dòng ngang qua những con người chị em đồng hành, hoặc những việc lớn nhỏ chị em làm mỗi ngày!
M. Emmanuel Thanh Đào, Fmsr