Trong nửa niên học vừa qua, chúng ta đã tìm về nguồn gốc căn tính đời tu Mân Côi qua 3 chủ đề học tập :
1. Chân dung người nữ tu Mân Côi theo tinh thần Đức Ái của Dòng
2. Tinh thần Đức Ái Phúc Âm, chỉ nam của đời thánh hiến Mân Côi
3. Hướng dẫn thực hành Đức Ái theo Luật Dòng
Trong tháng này, chúng ta tìm hiểu và thực hành chủ đề: “Ý thức thuộc về, hệ quả tất yếu của việc sống Tinh thần Dòng”. Nói đến cảm thức thuộc về trong đời thánh hiến, chúng ta phải nói đến những yếu tố làm nên căn tính Hội Dòng. Đó là Bản chất, Đặc sủng, Tinh thần, Linh đạo, sứ vụ được tiếp nối từ Đấng Sáng Lập và được cụ thể hóa trong Luật Dòng[1]. Đây chính là điểm quy chiếu cho đời sống của tất cả chị em trong Hội Dòng. Theo tác giả Amedeo Cencini[2], “ý thức căn tính và ý thức thuộc về là hai trục căn bản và tiêu biểu của một tu sĩ trưởng thành”. Nếu có ý thức về căn tính mà không có ý thức thuộc về, thì sẽ bị rơi vào sự cô độc và lối sống ích kỷ theo cá nhân chủ nghĩa. Nếu có ý thức thuộc về mà không sống được căn tính Hội Dòng thì chúng ta không thể trưởng thành, vì luôn phải lệ thuộc vào người khác.
Một trong những thách đố của người tu sĩ hôm nay đó là sự thiếu vắng cảm thức thuộc về. Họ không đủ xác tín mình thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo Hội và Hội Dòng. Vì thế, cuộc sống của họ bị phân mảnh, không có định hướng và sự thống nhất, nên họ cảm thấy cô đơn lạc lõng và co cụm trong những cái tư riêng của mình. Trong tháng này, chúng ta cùng học hiểu và tập sống tinh thần thuộc về trong tương quan với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với Hội Dòng/Tỉnh Dòng/Cộng Đoàn.
- Ý THỨC THUỘC VỀ THIÊN CHÚA
Để sống ý thức thuộc về Thiên Chúa, trước hết chúng ta phải xác định ơn gọi của mình là một hồng ân phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa, đồng thời tình yêu ấy được đáp trả bằng việc hiến thân trọn vẹn cho Chúa và bước đi trong đường lối của Người. Theo Linh Đạo Mân Côi, việc đáp trả lời mời gọi của Chúa là họa lại cuộc đời Chúa Giêsu, để“nên đồng hình đồng dạng với Người”[3] trong việc sống các mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Chính tình yêu song phương “mời gọi” và “đáp trả” này nói lên sự hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Một khi được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, chúng ta thuộc về Thiên Chúa theo khuôn mẫu đích thực là Chúa Giêsu, Người đã sống sự thuộc về Thiên Chúa một cách tuyệt vời và hoàn hảo khi Người luôn quy hướng về Cha (Lc 18,19) đến nỗi Chúa Cha và Người chỉ là một (Ga 10,30); Người luôn gắn bó với Cha (Ga 17, 18) và nhất trí với Cha cũng như tìm cách làm đẹp ý Cha trong mọi sự (Ga 8, 29); Người không tự làm theo ý mình nhưng luôn theo những gì Chúa Cha muốn: “Lương thực Ta là thi hành ý của Cha”(Ga 4,34), vì thế Người đã khẳng định: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”(Ga 16,15).
Để sống tinh thần thuộc về Thiên Chúa, chúng ta phải đi vào Con Đường Giêsu, một con đường đơn sơ và cụ thể đã được mô tả trong các sách Tin Mừng. Chúng ta năng đọc và suy gẫm Tin Mừng trong tâm thế cầu nguyện (Lectio Divina), để cuộc sống của Chúa Giêsu thấm nhuần và từng ngày biến đổi con người chúng ta. Động lực căn bản trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu là tình yêu đối với Chúa Cha và nhân loại, và đây cũng phải là động lực sống của mỗi chị em Mân Côi. Ở cội nguồn sâu xa của tinh thần thuộc về là hình ảnh một con người mang vóc dáng tình yêu của Thiên Chúa. Vóc dáng này đã được Đức Cha Tổ Phụ gói ghém trong cụm từ “Kính Chúa ái nhân” theo mẫu gương của Chúa Giêsu:“Yêu như Thầy đã yêu” (Ga 15, 12-15). Do đó, con đường tuyệt hảo giúp cho mọi chị em Mân Côi sống cảm thức thuộc về là con đường yêu thương, con đường của Tinh Thần Dòng. Về phía Thiên Chúa, Người vẫn luôn trung tín và yêu thương. Vậy, đời sống của chúng ta có giá trị và ý nghĩa gì nếu chúng ta không sống tròn đầy tình yêu với một ý thức sâu xa mình thuộc về Thiên Chúa theo Tinh Thần của Hội Dòng?
- Ý thức thuộc về Giáo Hội
Ý thức thuộc về Thiên Chúa khai mở cho chúng ta ý thức thuộc về Thân Mình của Chúa Kitô là Giáo Hội. Cũng như đầu và thân thể nối kết và truyền thông sự sống cho nhau thế nào, Chúa Kitô và Giáo Hội cũng liên kết mật thiết với nhau như vậy. Đức Thánh Cha Phaolô VI nói rằng : “Có một sự tách biệt vô lý, đó là yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội, nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, ở với Chúa Kitô mà lại ở ngoài lề Giáo Hội. Đó là điều không thể có được”.
Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được gia nhập gia đình Giáo Hội, được lớn lên trong đời sống đức tin và được đón nhận bao phúc lành thiêng liêng qua Giáo Hội. Khi bước vào đời thánh hiến, cuộc đời chúng ta càng gắn bó với Giáo Hội hơn nữa, bởi vì chính “Giáo Hội không những phê chuẩn việc khấn dòng để đưa đời tu lên địa vị bậc sống theo giáo luật, mà qua việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội còn trình bày việc khấn dòng ấy như một bậc sống thánh hiến cho Thiên Chúa” [4]. Ngoài ra, với vai trò tác nhân huấn luyện, Giáo Hội còn soi sáng, khích lệ, hướng dẫn người tu sĩ họa lại nhân cách Chúa Kitô, gặp gỡ và lưu lại với Người để khám phá Người như Chân lý tròn đầy, Sự Sống viên mãn, Tình Yêu trọn vẹn và như Đường dẫn đến Sự Sống. Vì thế, Giáo Hội có được lan rộng và trở nên hình ảnh sống động của Chúa Kitô hay không, còn tùy thuộc vào tinh thần thuộc về Giáo Hội của chúng ta. Tinh thần này càng mạnh mẽ, chúng ta càng biểu lộ rõ nét chân dung Chúa Kitô bằng đời sống của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh 3 cột trụ của sự thuộc về Giáo Hội, đó là khiêm nhường, trung thành và cầu nguyện cho Giáo Hội. Ngài giải thích như sau:
- Cột trụ thứ nhất là khiêm nhường: “Một người không khiêm nhường, thì không thể đồng cảm với Giáo Hội. Khiêm nhường là ý thức rằng chúng ta là một phần nhỏ của một đại Dân Tộc, đang cùng mọi người tiến bước trên con đường của Chúa”.
- Cột trụ thứ hai là trung thành, gắn liền với lòng vâng phục.“Trung thành với Giáo Hội, với giáo huấn của Giáo Hội, trung thành với đạo lý của Giáo Hội và bảo tồn giáo lý ấy. Điều đó cho thấy mình là người của Giáo Hội, là người thuộc về Giáo Hội”.
- Cột trụ thứ ba là cầu nguyện cho Giáo Hội. “Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một sự thuộc về rất đặc biệt, một sự liên kết thánh thiêng với Giáo Hội”.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng : “Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này, để ngày càng đào sâu cảm thức chúng ta thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội” [5].
Là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bàn tay Giáo Hội, chúng ta sống tình con thảo với Giáo Hội bằng một cảm thức sâu sắc mình thuộc về Giáo Hội, để yêu mến và xây dựng Giáo Hội qua việc hăng say dấn thân trong những sứ vụ được trao.
- Ý thức thuộc về Hội Dòng/Tỉnh Dòng/Cộng Đoàn
Khi tuyên khấn, người nữ tu Mân Côi “quyết tâm tận hiến đời con cho Chúa và nguyện suốt đời bước theo sát Chúa Kitô”. Lời cam kết này là một lời tuyên xưng công khai: “Từ nay con bước theo Chúa Kitô với ý thức thuộc về một Hội Dòng”. Với ý thức này, chúng ta thấy mình có trách nhiệm với các chị em cùng chung sống dưới một mái nhà, nói cách khác là có trách nhiệm với Cộng Đoàn, với Tỉnh Dòng và Hội Dòng.
Hơn nữa, độiều chúng ta cảm nhận ngày càng sâu xa hơn trong ơn gọi dâng hiến là được cùng chung với nhau một Bản chất, một Tinh thần, một Đặc sủng, một Linh đạo và cùng nhau thi hành sứ vụ của Hội Dòng. Đây chính là gia sản tinh thần, là căn tính chung liên kết mọi chi em lại với nhau thành một gia đình mới. Căn tính chung này là nền tảng và là động lực mạnh mẽ thôi thúc các thành viên sống ý thức thuộc về, được thể hiện qua 4 thái độ sau đây :
- Hiểu biết gia sản tinh thần của Hội Dòng,
- Yêu mến và gắn bó với Hội Dòng,
- Tích cực tham gia các sinh hoạt chung của Hội Dòng.
- Dấn thân cho Hội Dòng.
- Sống tình gia đình phổ quát.
- HIỂU BIẾT GIA SẢN TINH THẦN CỦA HỘI DÒNG
Gia sản tinh thần là những điều quí báu, có giá trị cao, được mọi người trân quý và được gọi là những bảo vật mang dấu vết của Đấng Sáng Lập. Bộ Giáo Luật đã cô đọng giáo huấn của Công Đồng về gia sản của dòng tu trong điều 578 như sau :“Tất cả mọi người phải trung thành duy trì chủ tâm và ý định của Đấng Sáng Lập đã được nhà chức trách của Giáo Hội phê chuẩn về Bản chất, Mục đích, Tinh thần, Linh Đạo, sứ vụ , Đặc tính, những truyền thống lành mạnh, là tất cả những gì tạo nên gia sản của hội dòng.” Những yếu tố này thường được tìm thấy trong bút tích cùng những lời giáo huấn của Đấng Sáng Lập. Tất cả gia sản tinh thần này phải được lưu giữ cẩn thận trong Hiến Luật Dòng.
Vì thế, tất cả mọi phần tử trong Dòng có bổn phận học hiểu, bảo vệ gia sản của Dòng và làm cho gia sản này được sinh động trong cuộc sống mỗi chị em. Để gìn giữ, phát huy và lưu truyền gia sản của Hội Dòng, mỗi chị em cần ý thức về trách nhiệm làm cho gia sản này được lớn lên và vững mạnh theo với thời gian, cần có chung một cảm thức, một lòng mến, một tinh thần hướng về Hội Dòng. Việc thường xuyên tổ chức các giờ cầu nguyện, chia sẻ, học tập về Đấng Sáng Lập và các chị tiền bối, những người đã dày công xây dựng Hội Dòng có được như ngày hôm nay cũng là một cách bảo vệ gia sản Hội Dòng.
- YÊU MẾN VÀ GẮN BÓ VỚI HỘI DÒNG
Tình yêu chân thật phải được thể hiện bằng hành động. Lòng yêu mến Hội Dòng thúc đẩy mỗi chị em gắn bó với Hội Dòng qua việc trung tín với kỷ luật đời thánh hiến, gìn giữ, phát huy và lưu truyền gia sản tinh thần của Hội Dòng. Khi các thành viên gắn bó với Hội Dòng thì cũng được gắn bó với nhau. Sự gắn bó này giúp cho mỗi thành viên ý thức rằng Hội Dòng chính là nhà của mình và các chị em trong Hội Dòng là chị em trong gia đình của mình. Sự nhận thức đó giúp định hướng và điều chỉnh thái độ của chúng ta trong tương quan với chị em. Khi phải đối diện với những thái độ tiêu cực của chị em, chúng ta sẽ phản ứng như một người thân trong gia đình chứ không phải như người xa lạ. Sự gắn bó với nhau cũng thúc đẩy chị em trung thành với việc kiểm điểm huynh đệ hàng tháng, các dịp tĩnh tâm, các khóa thường huấn, dịp tưởng niệm Đấng Sáng Lập, các dịp gặp gỡ trong năm … là những cơ hội giúp chị em gắn bó với nhau hơn.
Với thời gian sống trong Hội Dòng, chúng ta cần tiếp tục khám phá những nét son, những mặt tốt, những điểm hay của Hội Dòng mình để có được thái độ thán phục, lòng biết ơn với Thiên Chúa, với Hội Dòng. Sự khám phá ấy cũng giúp chúng ta tránh được thái độ đòi hỏi, phê bình Hội Dòng, hoặc so sánh Hội Dòng mình với các hội dòng khác. Có tình yêu với Hội Dòng chúng ta mới cảm thông được những trăn trở của những người có trách nhiệm. Có yêu mến Hội Dòng chúng ta mới nhận ra được những nhiệm vụ cấp bách phải làm cho Hội Dòng. Tình yêu đối với Hội Dòng thúc đẩy chúng ta nhạy bén và có sáng kiến trong việc xây dựng Hội Dòng bằng nhiều cách thức khác nhau như: một đời sống chứng tá về sự thánh thiện, có trách nhiệm về sự lùi tiến của Hội Dòng, biết quý trọng các truyền thống tốt đẹp của Hội Dòng và cảm thấy được thôi thúc lưu truyền cho thế hệ mai sau những điều tốt đẹp. Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng: “Ta vào ở cùng nhau một nhà, ăn chung với nhau một bàn, đó chưa chắc đã hợp nhất. Phải có cả tinh thần bề trong, nhận nhau như con một nhà, vì hết thảy là con cái Đức Mẹ Mân Côi”.
Cảm thức thuộc về Hội Dòng còn được xây dựng trên chính sự tham gia của mình vào nếp sống chung. Nhờ việc tham gia vào các sinh hoạt chung của Hội Dòng mà các thành viên có sự gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, chia sẻ và thông cảm. Từ đó sẽ hiểu nhau hơn, dễ đón nhận, yêu thương và tạo mối dây liên kết bền chặt giúp nhau sống ơn gọi đời thánh hiến cách triển nở hơn.
Hiện nay chủ nghĩa cá nhân phát triển mạnh, có những người quá đề cao tự do cá nhân dẫn đến việc sống bên lề cộng đoàn. Khi sống trong Hội Dòng thì cuộc đời chúng ta gắn liền với những sự kiện tinh thần và vật chất của Hội Dòng. Tất cả những dịp sinh hoạt chung như lễ tết, bổn mạng, các khóa thường huấn, tĩnh tâm năm, các lễ hội trong năm… chị em quy tụ để chúc mừng, chung chia niềm vui. Tránh hết sức việc dựa vào những lý do không thuyết phục để ẩn mình tại cộng đoàn đang phục vụ, trốn tránh nhiệm vụ sinh hoạt chung với Tỉnh Dòng hay Hội Dòng. Mỗi chị em cần có tinh thần trách nhiệm của một người con trong gia đình Mẹ Dòng để tích cực tham gia các sinh hoạt chung, thể hiện tinh thần thuộc về Hội Dòng cách cụ thể. Nhờ vậy mà hình ảnh của Hội Dòng luôn có trong trí chúng ta, công việc Hội Dòng trong xương thịt chúng ta, sức sống Hội Dòng trong lòng chúng ta và sự thăng tiến của Hội Dòng nằm trong thao thức và lời cầu nguyện của chúng ta.
Ngoài ra, việc trung tín với kỷ luật, sẵn sàng đón nhận quyết định của các Cộng Hội, của Bề trên và thi hành với tất cả lòng yêu mến đều nói lên sự thuộc về Hội Dòng cách trọn vẹn. Theo Giáo Luật, gia sản của một hội dòng phải được thận trọng đưa vào trong bộ luật căn bản của mình tức là Hiến luật Dòng. Và theo Hiến luật của chị em Mân Côi 176.1 thì “Các Bề trên và mọi chị em đều phải trung thành tuân giữ luật Dòng, và mỗi ngày cố gắng vươn tới lý tưởng trọn lành như Chúa muốn”.
- DẤN THÂN CHO HỘI DÒNG
Nếu như sự gắn bó được thể hiện qua sự trung thành với Hội Dòng, thì sự dấn thân được thể hiện ở mức độ cao hơn. Dấn thân cho Hội Dòng là sự tận tụy,hết sức và hết lòng với Hội Dòng, luôn đặt lợi ích chung của Hội Dòng lên trên nhu cầu, sở thích của bản thân. Người nữ tu sống dấn thân cho Hội Dòng thì không chỉ chu toàn những việc bổn phận được giao phó nhưng họ luôn biết thao thức, suy tư, sáng kiến, nỗ lực để xây dựng và phát triển Hội Dòng trong vai trò của mình. Vì thế, sự dấn thân cho Hội Dòng có thể được xem là hoa trái của việc sống 3 Lời Khuyên Phúc Âm:
- Đức khiết tịnh làm cho trái tim chị em được rộng mở để sống cho Thiên Chúa, cho tha nhân. Tinh thần rộng mở, quảng đại ấy giúp chị em không bị dừng lại ở những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, nhưng có khả năng đối diện với những xung đột của đời sống chung để cởi mở, đón nhận và bao dung với chị em.
- Đức nghèo khó thể hiện ở việc không tích lũy, không vun vén cho mình nhưng luôn sống sự chia sẻ, trao ban thời giờ, sức khỏe, khả năng… của mình cho người khác.
- Đức vâng phục thể hiện ở tinh thần từ bỏ ý riêng, không nại lý do cá nhân, để sẵn sàng đảm nhận những sứ vụ được trao dù có khó khăn, nhiều thách đố.
- SỐNG TÌNH GIA ĐÌNH PHỔ QUÁT, CỤ THỂ HÓA Ý THỨC THUỘC VỀ
Khi bước vào đời thánh hiến Mân Côi, chị em có chung một Tinh thần, một Linh đạo, một Đặc sủng, một Luật Dòng, cùng theo đuổi một mục đích, một lý tưởng. Những yếu tố này làm nên mối tương quan thiêng liêng sâu sắc giữa các thành viên và là yếu tố làm nên cảm thức mình thuộc về một Gia Đình đoàn sủng. Sống tình gia đình phổ quát không nhất thiết phải sống gần nhau trên bình diện thể lý. Các thành viên cho dù có sống xa nhau ngàn dặm, hoặc rất lâu mới có dịp gặp nhau nhưng vẫn cảm nhận mình thuộc về nhau, có trách nhiệm về sự tăng trưởng của nhau, niềm vui nỗi buồn của chị em cũng là của mình, luôn được thôi thúc phải làm cho Hội Dòng ngày thêm phát triển hơn và luôn biết chạnh thương trước những gì làm tổn thương đến Đoàn sủng của Hội Dòng.
Khi tuyên khấn, người thánh hiến đã trao mình cho Hội Dòng và ngược lại, Hội Dòng cũng được trao phó cho họ. Và như vậy, ý thức thuộc về đòi hỏi người tu sĩ luôn tâm niệm mình phải tháp nhập vào thân mình Hội Dòng chứ không chỉ nơi một cộng đoàn nào đó. Trong thực tế, có người sau khi khấn, đảm nhận trách nhiệm nào đó qua một thời gian thì không muốn thay đổi. Thậm chí khi được đề nghị thay đổi công việc hay cộng đoàn thì người hữu trách phải hết sức vất vả để thuyết phục, đôi khi người chị em đó cũng bằng lòng thay đổi nhưng lại trở nên ù lì, không cộng tác, điều này cho thấy họ đã quên rằng một khi đã khấn, thì đời sống mình thuộc về cả Hội Dòng chứ không phải chỉ thuộc về một cộng đoàn nào đó mình ưa thích.
Khi yêu mến Hội Dòng, chúng ta nắm giữ bí quyết yêu mến và giữ gìn ơn gọi của mình. Một sự thật có thể gặp thấy nơi một số cộng đoàn hiện nay là có những thành viên chỉ sống cho chính mình và luôn bảo vệ quyền lợi của mình mà quên đi lợi ích chung của cộng đoàn. Hay cũng có trường hợp chỉ vun quén cho riêng cộng đoàn mình mà dửng dưng với các nhu cầu của Tỉnh Dòng hay Hội Dòng. Mỗi người cần ý thức mình thuộc về một cộng đoàn, nhiều cộng đoàn thuộc về một Tỉnh Dòng và nhiều Tỉnh Dòng thuộc về một Hội Dòng. Tinh thần thuộc về này làm cho người tu sĩ sống được tình yêu phổ quát, một tình yêu rộng mở và vươn xa đến nhiều người.
- Ý THỨC THUỘC VỀ NHỮNG NGƯỜI MÌNH PHỤC VỤ
Chúa Giêsu để lại cho chúng ta mẫu gương phục vụ hoàn hảo, Người luôn “chạnh lòng thương” đối với mọi người và đã dạy con người biết sống cho nhau bằng một tình yêu quên mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Bằng chính cuộc đời mẫu mực của mình, Chúa Giêsu đã đi tới tận cùng tình yêu thương ấy và dạy chúng ta một cung cách yêu thương trong khi phục vụ.
Việc thi hành sứ vụ với lòng hy sinh tận tụy và trách nhiệm thì luôn mang nặng một tình yêu. Một tình yêu chân thật cùng với khát vọng đem lại thiện ích cho người khác sẽ cho chúng ta cảm thức thuộc về những người mình phục vụ. Cảm thức này thôi thúc chúng ta dấn thân và sáng tạo trong việc tông đồ để phục vụ tốt hơn. Ngoài ra, với tình yêu thương, chúng ta còn có cái nhìn tích cực về sự hiện diện của họ trong đời sống của mình: họ chính là món quà Chúa gởi đến giúp chúng ta có cơ hội thực thi sứ vụ, được chu toàn trách nhiệm của một người thánh hiến. Vì thế, chúng ta luôn kính trọng và đón nhận những người chúng ta phục vụ như những hồng ân qúy báu Chúa ban. Họ là những người đang giúp chúng ta hoàn thiện ơn gọi của mình.
Trong khi phục vụ, Đức Cha Tổ Phụ nhắc nhở chị em: “Trong các việc phải thi hành, ta nên chú ý riêng đến sự tận tụy hằng ngày và sự quên mình đi, hy sinh vì kẻ khác”[6]. Vâng, đây là những đức tính hàng đầu của người tông đồ Mân Côi và cũng là phương thế giúp chúng ta vượt thắng được những khó khăn của trách nhiệm và hoàn thành tốt sứ vụ được trao.
- ĐỀ NGHỊ THỰC HÀNH : XÂY DỰNG CẢM THỨC THUỘC VỀ
Luyện tập sự thống nhất đời sống qua việc thực hành 4 chữ TRUNG của người tu sĩ [7]:
- Trung tín với Chúa Kitô và với Tin Mừng của Người.
- Trung tín với Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới.
- Trung tín với đời tu và đoàn sủng riêng của Hội Dòng.
- Trung tín với con người và thời đại.
Trong cuộc sống, ai cũng có nhu cầu tương quan để hoàn thành vận mạng cuộc đời mình. Mỗi người luôn có một nơi để thuộc về như lời khẳng định của cha Jean Vanier “Cộng đoàn là nơi thuộc về, là nơi người ta tìm gặp đất sống và căn tính của mình”[8]. Đối với những người thánh hiến, chúng ta ý thức mình chỉ sống đúng căn tính đời tu khi thuộc vềmộtcộng đoàn, một Hội Dòng, và rộng lớn hơn, chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Thiên Chúa.
Xin Chúa ban cho chúng ta luôn ý thức mình có một “Cội Nguồn”, để từ đó chúng ta được hiệp nhất với nhau trong một tinh thần, một đời sống. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta luôn biết yêu thương tất cả mọi người đã một lần đi qua trong cuộc sống chúng ta, để tấm lòng yêu thương ấy góp phần làm cho những gì thuộc về Chúa và thuộc về nhau được trở nên trọn vẹn như khuôn mẫu Giêsu.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
M. Rose Vũ Loan, FMSR
[1] HLD số 1, 2, 3, 4
[2] x. Amedeo Cencini. Tâm tình Chúa Con. Chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, OFM và Nguyễn Văn Khoan, OFM. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2012.
[3] TH. Đời Sống Thánh Hiến số 16
[4] Huấn thị Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn Luyện số 21
[5] ĐTC Phanxicô, bài giảng buổi sáng tại nhà nguyện Thánh Marta, ngày 30-1-2014
[6] GSD I, trang 670.
[7] Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn Luyện số 18
[8] Jean Vanier, Đời Sống Cộng Đoàn, trang 20, bản dịch 2002