Home / Thư Bề Trên-TLHT / Tài liệu học tập / Chủ đế sống tháng 01 & 02-2021 : Một vài gợi ý sống đức ái theo luật Dòng

Chủ đế sống tháng 01 & 02-2021 : Một vài gợi ý sống đức ái theo luật Dòng

Theo tinh thần của Giáo luật, luật Dòng không chỉ là những quy tắc luật lệ mang tính pháp lý, nhưng còn là những hướng dẫn đậm tính nhân văn, thần học, và giúp chúng ta sống đúng bản chất của người được thánh hiến, bởi vì luật căn bản được dựa trên tinh thần Phúc Âm, giáo huấn của Giáo hội và ý hướng của Đấng sáng lập (HL 157). Theo đó, luật Dòng Mân Côi là phương thế giúp ta diễn tả bản chất của đời sống thánh hiến, nghĩa là bước theo Đức Kitô trên con đường của tình yêu, vốn được diễn tả qua tình yêu sâu xa dành cho Thiên Chúa và tha nhân.

Trong phạm vi giới hạn, bài viết sẽ trình bày một số điểm sau đây:

  1. Đức kính Chúa: sự sống bề trong
    1. Ý thức cần Chúa
    1. Thái độ tích cực trong đời sống thiêng liêng
  2. Đức ái nhân:
    1. Đức ái với chị em: cùng nhau sống lời khấn và xây dựng sự hiệp thông cộng đoàn
    1. Đức ái dành cho tha nhân: cư xử công bằng và bác ái

ĐỨC KÍNH CHÚA: SỐNG SỰ SỐNG BỀ TRONG

Sự sống bề trong, theo Đức Cha Tổ Phụ, là luôn nhớ mình ở trước mặt Chúa, nhìn xem Chúa, nghe Chúa truyền, yêu mến, tưởng nhớ và năng than thở với Chúa (HL 20.2). Để có được đời sống nội tâm sâu xa này, ta luôn ý thức mình cần Chúa và có thái độ tích cực trong đời sống thiêng liêng (x. HL 15.1).

  1. Ý thức cần Chúa

Ý thức đầu tiên là sự nhận thức rằng ta cần đến Chúa. Chính Chúa khởi sự ơn gọi trong ta, và chỉ trong Chúa ta có thể tiến bước trong ơn gọi thánh hiến. Ta chỉ là thân phận mỏng giòn mà Chúa dùng để chứa đựng Ơn Thánh. Vì thế, càng sống trong đời tu, ta càng cảm nhận được thế nào là cám dỗ, là thất bại hoặc thế gian và ma quỷ. Chỉ có Chúa mới có thể giúp ta sống thuộc về Chúa cả xác hồn. Ta rất cần đến ơn của Người để sống những đòi hỏi của Phúc Âm; không có Chúa, ta chẳng làm được gì! Nhờ ý thức này, ta nhận ra những việc thiêng liêng và giờ thiêng liêng rất cần thiết cho mối tương quan giữa Chúa và ta được lớn lên. Thật vậy, khi cầu nguyện, người Kitô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô[1]. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “cầu nguyện tốt là nghiêm túc đặt mình trước mặt Chúa, tôn thờ Chúa và khiêm tốn cảm nhận mình cần Chúa[2]. Do vậy, những giờ cầu nguyện không phải là một gánh nặng hay bổn phận, nhưng là một nhu cầu thiết yếu giúp ta lớn lên trong tương quan với Chúa.

Luật Dòng còn mời gọi ta trách nhiệm mang Chúa từ thời khắc cử hành phụng vụ vào đời sống thường ngày (HL 16.3). Đó là tâm tình ta nối dài việc thờ phượng Thiên Chúa, mang Chúa đến với từng người ta gặp gỡ, và trong bất cứ công việc nào, ta cũng có thể kết hợp với Người. Đức Cha Tổ Phụ đã dạy: “Ta đi đâu, ở đâu, ta cũng hằng nhớ Chúa ở trước mặt luôn (GS I,217). Sống tâm tình gắn kết với Chúa, ta thật sự hạnh phúc (GS I, 434). Mối tương quan này đồng thời diễn tả tâm tình kết hiệp mật thiết và một đời sống nội tâm sâu xa nơi ta với Thiên Chúa. 

  • Thái độ tích cực trong đời sống thiêng liêng

Sống sự sống bề trong còn được biểu lộ qua việc tích cực trong các bổn phận thiêng liêng, bằng việc tham dự sốt sắng và trung thành các giờ phụng vụ, nhất là Thánh lễ. Với sự khao khát những ơn ích thiêng liêng, ta hiện diện trước mặt Chúa lúc này và tại đây với tất cả tâm hồn và thể xác. Do đó, sự linh động trong việc cử hành như miệng đọc lòng suy giúp ta hiểu và nếm cảm tất cả những gì ta muốn thưa với Chúa, và lắng nghe những gì Chúa muốn nói với ta. Theo Đức Cha Tổ phụ, ta hãy “làm các việc thiêng liêng cho cẩn thận ý tứ” (GS I, 439). Ngược lại, một số biểu hiện thiếu tích cực khi tham dự các giờ phụng vụ, như uể oải, thiếu linh động, hay kém phần sốt sắng, đôi khi đã làm cho những giờ cầu nguyện chỉ là hình thức, hoặc làm cho xong và thiếu tâm tình yêu mến. Hậu quả là ta không cảm nhận được nhiều ơn ích cho tâm hồn. Chắc hẳn trong đời sống thiêng liêng, ta không thiếu những giây phút thiếu sự sốt mến. Thế nhưng, nếu tình trạng biếng trễ này kéo dài trong tâm hồn, ta cần phản tỉnh và có những chấn chỉnh kịp thời, hầu có thể làm mới tâm tình mến yêu!     

Trung thành trong các giờ thiêng liêng là sự kiên trì giữ những bổn phận thiêng liêng theo luật định. Một mặt, khi tâm hồn ta khô khan, chán nản và không muốn cầu nguyện, ta cần cố gắng hết sức. Và sự trung thành được thể hiện qua tâm tình kiên tâm, bền chí: “Hãy làm mọi việc hằng ngày cho hẳn hoi, sốt sắng và bền bỉ luôn” (GS I, 197). Mặt khác, ta phải cố gắng hết sức trong sự sắp xếp thời gian, hoặc chính ta cần phân định đâu là điều tôi cần phải làm trước hết (x. HL 16.4). Với kinh nghiệm của các Thánh và của Đức Cha Tổ Phụ, ta xác tín rằng việc thiêng liêng phải được đặt lên hàng đầu (x. HL 15.1).

  • ĐỨC ÁI NHÂN

Khởi đi từ tình yêu được cảm nếm và hun đúc trong đời sống nội tâm, hay sự sống bề trong, mỗi chị em Mân Côi được mời gọi để yêu thương chị em mình, đặc biệt là những chị em cùng sống chung dưới một mái nhà. Tình yêu này không đơn thuần là tình yêu nhân loại, nhưng là tình yêu được cắm rễ sâu nơi Đức Kitô.    

  1. Đức ái với chị em 

Trong môi trường cộng đoàn, chị em được lớn lên trong đời sống thánh hiến, cùng nhau sống lời khấn và canh tân chính mình, để cùng xây dựng tình hiệp thông huynh đệ.       

  • Cùng nhau sống lời khấn

Ba lời khấn được các tu sĩ khấn giữ với Chúa, nhưng lại được thực thi ngay trong cộng đoàn. Nơi đây, sự quan tâm và nâng đỡ của chị em giúp ta quy hướng tình yêu về Thiên Chúa và cho tha nhân. Nơi ấy, ta được phát triển toàn diện và trưởng thành trong tình cảm để sống tròn đầy đời độc thân khiết tịnh (HL 8.1).

Bên cạnh đó, lời khấn khó nghèo không chỉ giúp ta ra khỏi những bận tâm về quyền sở hữu riêng tư mà còn làm phong phú cộng đoàn[3]. Cụ thể, với một tâm hồn cởi mở và siêu thoát, chị em được mời gọi trình bày nhu cầu của mình và an lòng với những gì cộng đoàn chu cấp (NQ 20, 22). Ta được mời gọi sống thanh thoát, giảm bớt chi tiêu không cần thiết và đóng góp vào quỹ chung những của cải vất chất (HL 10.2). Như thế, ta đang sử dụng tài sản vào đúng mục đích là để chăm lo cho các thành viên, cho việc đào tạo, và thực thi sứ vụ Dòng (HL 141.1). Lối sống này vừa thể hiện tinh thần siêu thoát và sống đúng với tinh thần đức ái của Dòng là nghĩ đến ích chung, vừa xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn bởi khi chia sẻ của cải, ta sẽ lớn lên trong tình thân. Lối sống đơn sơ, giản dị và sẻ chia cũng giúp xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, thấp hèn hoặc sang trọng giữa chị em trong cộng đoàn.

“Đức vâng phục vì tình yêu là nền tảng cho tất cả đời sống và sự phục vụ của Giáo hội cũng như của các Kitô hữu” (HL 12.1). Theo giáo huấn của Giáo hội, sự vâng phục là một sự đối thoại cởi mở; trong đó, bề trên và “bề dưới” cần có sự phân định ý Chúa trong mọi quyết định chung ngang qua việc đối thoại. Với cái nhìn đức tin, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bề trên, vì các chị đại diện Chúa hướng dẫn Hội Dòng (HL 12.4, 15.3). Sự vâng phục như thế vừa cần thiết trong đời sống tâm linh, vừa là điều kiện thiết yếu giúp thống nhất ý chí và đường lối hoạt động, trong việc thực thi sứ vụ của Hội Dòng (HL 12.4). Và như thế, đức vâng phục liên kết chị em Mân Côi vào cùng một chứng tá và cùng một sứ mạng trong lòng Giáo hội[4]

  • Canh tân và xây dựng sự hiệp thông cộng đoàn

Đời sống thánh hiến là một hành trình đầy tình yêu và sáng tạo, nên ta được mời gọi canh tân và làm cho mình trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày. Do đó, ta được mời gọi vào tiến trình thay đổi chính mình, nhằm đạt tới tầm mức viên mãn của Đức Kitô (HL 47.3). Và bởi vì “sự trọn lành chẳng phải là một ngày, đó là một việc làm trọn đời. Người ta bước đi từng bước, người ta tấn tới một cách không xem thấy” (GS I, 428). Đức Hồng y João Braz de Aviz khẳng định điều tương tự khi nói: “Sự huấn luyện không thể dừng lại ở một giai đoạn nhất định trong cuộc sống. Toàn thể cuộc sống, từ khi sinh ra cho tới lúc chết, đều là thời kỳ huấn luyện[5]. Vậy cụ thể ta phải làm gì?

Trước tiên, ta được mời gọi canh tân tâm – trí – lòng. Ta được mời gọi tự rèn luyện bản thân qua việc tự học hỏi, suy tư với những biến cố vui buồn trong cuộc sống, với sứ vụ và trong tương quan với chị em. Hơn nữa, ta không an phận với những gì mình có, nhưng cần trau dồi thêm những kiến thức chuyên môn để có thể giúp ích cho con người thời đại (HL 62.4). Cuối cùng, tấm lòng ta dành cho Hội Dòng thật sự là việc ta thấm nhuần tinh thần cũng như gia sản thiêng liêng của Dòng mỗi ngày một hơn. Ta thường xuyên tham gia vào các buổi thường huấn như cơ hội để nhìn lại đời mình dưới ánh sáng Tin Mừng (x. HL 63). Trong việc canh tân này, luật Dòng gợi lên cho chúng ta một cách thức hữu hiệu, đó là việc đồng hành. Bổn phận này Hội Dòng lưu ý với các bề trên (NQ 121), thế nhưng với tình bác ái, ta được mời gọi lắng nghe, thấu hiểu, khuyến khích, và đôi khi chỉ ra cả điều sai trái nơi một chị em với mục đích giúp chị nên tốt hơn. Nếu không có người đồng hành tốt, ta có thể đi tìm một bạn đồng hành xấu![6].

Thứ đến, ta được mời gọi tích cực xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn. Sự xây dựng cộng đoàn đích thực mời gọi ta thể hiện bằng lời nói và việc làm tích cực. Bằng cách nói lời tích cực, mang tính xây dựng, ta có thể khuyến khích chị em sống đặc sủng và làm tốt những bổn phận được trao trong cộng đoàn. Khi chị em gặp những khủng hoảng trong tương quan, trong công việc hoặc nơi một biến cố xảy ra, ta có thể ần cần và sẵn sàng giúp đỡ cho chị em bằng những lời ủi an chân thành. Hoặc ngay cả khi ta nhận ra những điểm không hài lòng nơi chị em, ta cũng có thể trao đổi trong tình bác ái và không làm tổn thương nhau. Trong mọi hoàn cảnh, ta được mời gọi sống bình tâm, chịu đựng những giới hạn của nhau, đối thoại và tha thứ cho nhau (x. HL 27.1). Thái độ cần có trước hết khi ta nóng giận và muốn nói gì đó để lên án một chị em là thinh lặng[7] và cầu nguyện[8]. Hơn nữa, bằng những hành động tích cực, ta làm cho tình huynh đệ cộng đoàn thêm phong phú. Với lối sống đơn sơ và chân thành, ta nghĩ đến ích chung của cộng đoàn. Việc tôn trọng các giờ chung cũng giúp ta cố gắng sắp xếp thời gian biểu sao cho phù hợp với kế hoạch chung của cộng đoàn. 

  • Đức ái dành cho tha nhân

Linh đạo của Hội Dòng nêu rõ tính hiệp thông trong tình yêu: Chị em Mân Côi sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Thật vậy, đức ái phổ quát mời gọi ta sống với tha nhân như men và muối trong khi phục vụ (x. HL 36).      

Trước tiên, đức ái phổ quát kêu mời ta dành ưu tiên cho việc thăm hỏi và giúp đỡ những gia đình chị em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, để chị em an tâm tu luyện và phục vụ (x. HL 36.2). Trong mọi hoàn cảnh, ta có thể thông cảm cho những bận tâm của chị em về gia đình. Đồng thời, ta lắng nghe những tâm sự của chị em. Đó là điều ta có thể đồng hành cùng chị em. Vì sự lo lắng cho gia đình không thể tách rời tâm trí một người, nên đôi khi ta thông cảm và cầu nguyện cho chị em cũng là việc bác ái cần thiết.  

Thứ đến, luật Dòng lưu tâm việc chị em có thái độ niềm nở, đầy tình bác ái và tận tâm đón tiếp các vị khách đến với cộng đoàn. Làm thế nào đó để cách ta đón tiếp họ như là ta đón tiếp chính Chúa (x. HL 36.5). Thực tế, nhiều cộng đoàn mở rộng vòng tay để đón tiếp những người thân của chị em trong những hoàn cảnh bức bách, hoặc đột xuất “lỡ đường” và cần tá túc qua đêm, hoặc những lần tiếp đón khi họ đến thăm chị em. Trong tinh thần bác ái, khi chị em đón tiếp với thái độ niềm nở, vui vẻ, và chân thành, chắc chắn ta đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong tâm hồn những người thân yêu của chị em. Đây cũng là cơ hội để người thân của chị em biết đến Hội Dòng, cảm nhận được tình thương Hội Dòng dành cho họ; mặt khác, chính chị em cũng cảm thấy nơi đây như “nhà của mình”.  

Cuối cùng, cách cư xử của ta dành cho những người thợ, những người làm công cần phải công bằng và đầy tình bác ái (x. HL 36.6). Thiết tưởng, phần đa các cộng đoàn của Dòng đều có những cô giáo cộng tác với ta trong việc giáo dục các em nhỏ. Trong tinh thần làm chứng cho Chúa, ta được mời gọi có những cư xử tinh tế, đượm tình người, để họ cảm thấy việc họ cùng làm với ta trong cộng đoàn, không chỉ vì cơm ăn áo mặc, mà còn mang một ý nghĩa cao cả là được cộng tác giáo dục những mầm non của Giáo hội và xã hội. 

TÓM KẾT

Luật Dòng gợi lên trong ta lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với tha nhân như hai mặt của một thực tại không thể tách rời nhau. Tình yêu mến ta dành cho Thiên Chúa qua sự sống bề trong là một tương quan thân mật với Chúa. Do đó, ý thức ta cần đến Chúa để xây dựng mối tương quan thân tình với Ngài và tích cực trong đời sống thiêng liêng là phương tiện nền tảng giúp ta diễn tả tâm tình yêu mến ta dành cho Thiên Chúa. Và qua đó, ta cũng nhận được tràn đầy ơn ích thiêng liêng trong tâm hồn. Từ sự hiệp thông sâu xa với Chúa, ta được mời gọi sống đức ái hoàn hảo trong tương quan với tha nhân, nhất là với chị em trong cùng cộng đoàn.

Thật vậy, chính tại môi trường cộng đoàn ta được mời gọi giúp nhau sống những lời khuyên Phúc Âm và giúp nhau triển nở về ơn gọi thánh hiến, qua việc canh tân tâm hồn, trau dồi tri thức và đào sâu đặc sủng Dòng. Đặc biệt, lời mời gọi xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn đòi ta phải điều chỉnh đời sống của mình cho phù hợp với lợi ích chung của cộng đoàn, và luôn nói lời tích cực mang tính xây dựng. Cùng với việc sống đức ái với chị em trong cộng đoàn, Chúa mời gọi ta sống chan hòa tình mến với những người ta gặp gỡ. Đặc biệt, luật Dòng lưu ý đến cách cư xử công bằng và bác ái với những người giúp việc trong từng cộng đoàn. Ta đồng thời sống tinh thần hiếu khách với những người thân của chị em, hoặc  những vị khách nào đó đến với chúng ta.         

  • THỰC HÀNH:

Mỗi người chúng ta dừng lại để phản tỉnh về tinh thần giữ luật Dòng, đặc biệt hai điểm về sự sống bề trong, tức đời sống nội tâm sâu xa, và đức bác ái với tha nhân được gợi ý trong bài viết. Cụ thể, chúng ta dành ra mỗi tháng một phần để phản tỉnh và chọn cho mình một điều cần thiết để thực hành. Xin được đưa ra 3 câu hỏi nhằm giúp chúng ta dễ dàng suy tư hơn:  

  1. Để tương quan của Chúa và tôi được triển nở hơn mỗi ngày, tôi thường ý thức mình cần Chúa và tích cực trong đời sống thiêng liêng như thế nào?
  2. Tôi sống đức ái với chị em trong cộng đoàn cách thiết thực ra sao, qua việc nâng đỡ sẻ chia với chị em, hoặc xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn bằng lời nói và hành động tích cực? 
  3. Tôi đã đối xử bác ái và công bằng thế nào với những cộng tác viên trong cộng đoàn hoặc khi họ làm cho tôi? 

Maria Tố Oanh, fmsr


[1]GLHTCG số 2564.

[2] ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Sức Mạnh Của Ơn Gọi, tr. 76.

[3] x. Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn , số 44 .

[4] x. VC 92.

[5] ĐHY. JOÃO BRAZ DE AVIZ, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, Chia sẻ ngày 28/07/2020. x. website: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-08/dhy-joao-braz-de-aviz-bo-cac-dong-tu-on-goi-dan-vien.html.

[6]x. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Sức Mạnh Của Ơn Gọi, tr. 89.

[7]x. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Bài giảng Thánh Lễ tại Santa Marta ngày 03.09.2018. 

[8]x. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Tiếp kiến chung thứ tư, ngày 17/06/2020.

Bài mới

Chủ đề sống Tháng 03 & 04 năm 2025: HỌC THEO “PHONG CÁCH MARIA” TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO.

Giáo Hội đòi buộc “thành viên các tu hội thánh hiến […] phải hoạt động …