Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi quý mến,
Chúng ta bước vào tháng Mân Côi, là tháng thứ hai của Năm Thánh Tri Ân. Hội Dòng chúng ta dành riêng tháng này để dâng kính và tri ân Mẹ Maria. Theo truyền thống của Hội Dòng, tháng 10 luôn mang một ý nghĩa đặc biệt và thân thương đối với chị em Mân Côi, vì đây là thời gian chị em dành riêng để học hỏi, yêu mến và chiêm ngắm Mẹ trong các mầu nhiệm Cứu độ. Với tâm tình yêu mến và biết ơn Mẹ, chị em tôn nhận Mẹ là Bề Trên của Hội Dòng và xác tín Mẹ luôn hiện diện và hướng dẫn lịch sử của Hội Dòng trong suốt 75 năm qua như Hiến luật Dòng đã xác định: “Khi tôn nhận Mẹ Maria Mân Côi là Mẹ Bề Trên của Dòng, Hội Dòng được đặt dưới sự phù hộ và hướng dẫn đặc biệt của Mẹ. Chị em đặt niềm tin tưởng cậy trông và cầu khẩn Mẹ dìu dắt trong bước đường hiện tại và tương lai của Dòng” (HLD 64.4). Vì thế, chị em sống tâm tình tri ân Mẹ bằng cách để cho Mẹ có toàn quyền trong đời sống Hội Dòng và của từng người chúng ta. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng:“Hãy để cho Mẹ có toàn quyền trong nhà của đời sống chúng ta, và nhìn nhận vai trò từ mẫu của Mẹ, nghĩa là, nhiệm vụ của Mẹ như người hướng dẫn, cố vấn, khích lệ, và ngay cả như một sự hiện diện trong thinh lặng mà vẫn có thể giúp chúng ta can đảm mà vượt thắng những khó khăn”.
Với niềm xác tín rất căn bản này, chị em Mân Côi sống tâm tình biết ơn Mẹ bằng việc phó thác cho Mẹ ơn gọi cũng như sứ vụ của mình và nhìn nhận Mẹ như một mẫu gương, một người huấn luyện:“Chị em Mân Côi còn có Mẹ Maria là tôn sư tuyệt hảo, vì Mẹ không chỉ như một mô phạm, một nhà giáo dục đời sống thiêng liêng cho mỗi Kitô hữu, nhưng Mẹ còn là người mẹ của những tâm hồn thánh hiến, mẹ của những người môn đệ Chúa Giêsu” (HL 43. 2).
Khi nói về vai trò mẫu gương và nhà huấn luyện của Mẹ Maria đối với những người sống đời thánh hiến, Tông huấn về Huấn Luyện Dòng Tu số 20 đã diễn giải như sau: “Đức trinh nữ Maria là người tận hiến cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và hoàn hảo nhất. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, tình yêu hôn nhân của Mẹ đã đạt đến đỉnh cao trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã bồng ẵm Chúa Kitô trong tay, đồng thời Mẹ cũng đã trả lời cách hoàn hảo hơn hết cho lời mời gọi “Hãy theo tôi”. Mẹ bước theo Con của Mẹ như đi theo một tôn sư về trinh khiết, thanh bần và vâng phục. Nếu Mẹ là mẫu gương thứ nhất cho toàn thể Hội Thánh, thì Mẹ càng phải là gương mẫu thứ nhất cho các thành viên và cho các cộng đoàn tận hiến trong lòng Hội Thánh. Mỗi tu sĩ được mời gọi làm tươi trẻ lại đời tận hiến theo kiểu mẫu thánh hiến của Mẹ Thiên Chúa. Các tu sĩ gặp thấy nơi Đức Maria không chỉ như một gương mẫu, mà còn như một người Mẹ”.
Những diễn giải trên đây giúp chúng ta ý thức được chỗ đứng của Mẹ trong cuộc đời mình. Mẹ vừa là vẻ đẹp rạng ngời về sự dâng hiến trọn vẹn, vừa là người dấn thân hoàn toàn cho Thiên Chúa. Chúng ta nhìn lại thái độ của Mẹ trong một vài biến cố để thấy Mẹ đã sống ơn gọi thánh hiến một cách tròn đầy và đã trở nên mẫu gương sống động cho đời dâng hiến của chị em:
- Ngay từ khi Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa trong đền thánh, ân sủng Chúa đã làm cho cuộc đời Mẹ tỏa sáng vẻ đẹp thần linh nên Mẹ đã được Chúa yêu thương và tuyển chọn để thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa đối với loài người.
- Trong ngày truyền tin, trước thánh ý nhiệm mầu của Chúa, dù chưa hiểu gì, Mẹ cũng đã mau mắn thưa tiếng “xin vâng”, đã gắn bó với thánh ý Chúa và để Chúa làm chủ toàn bộ cuộc đời của Mẹ với một tấm lòng tin tưởng phó thác và đầy tình yêu. Mẹ đã hy sinh mọi dự tính riêng tư để chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện.
- Sau khi được truyền tin, Mẹ vội vã lên đường viếng thăm bà Elisabeth. Tình yêu đối với tha nhân khiến Mẹ quên đi sự vất vả của riêng mình. Mẹ ra đi phục vụ người chị họ trong một ngôi nhà nhỏ bé với những công việc đơn sơ thường ngày. Thái độ của Mẹ đã gây một ấn tượng sâu sắc thúc đẩy mọi người hăng say với sứ vụ đem Chúa đến cho mọi người.
- Trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã hiện diện bằng sự quan tâm chu đáo và đầy tinh tế. Mẹ đã hiểu được những khó khăn của gia đình chủ tiệc và can đảm ngỏ lời với Chúa Giêsu. Lời căn dặn của Mẹ: “Người bảo gì, hãy cứ làm theo” (Ga 2, 5) cho thấy Mẹ là người luôn lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi chúng ta cần đến Mẹ. Những lời này như một chìa khóa mở ra nẻo đường tốt nhất và hoàn hảo nhất để giải quyết những khó khăn mà chúng ta đang phải đối diện.
Câu chuyện cuộc đời Mẹ không được kể lại nhiều, những lời Mẹ nói cũng ít ỏi, nhưng qua một vài biến cố nêu trên, chúng ta nhận thấy nơi Mẹ, từ khởi đầu hành trình cuộc sống cho đến khi kết thúc, là một tâm hồn luôn yêu mến và thiết tha với thánh ý Chúa. Mẹ nhạy bén nhận ra tiếng Chúa, suy đi gẫm lại trong lòng và đem ra thực hành. Đó là đặc nét của người vừa có tâm hồn cầu nguyện vừa có tình yêu phục vụ đối với tha nhân. Thái độ của Mẹ cho chúng ta thấy Mẹ là một người nữ hiến dâng, đã nêu gương và dạy chúng ta sống thuần phục thánh ý Chúa như đỉnh cao của đời thánh hiến.
Là những người con của Mẹ, chúng ta vui sướng đặt hết niềm tin tưởng và noi theo kiểu mẫu của Mẹ trong việc hiến thân trọn vẹn cho Chúa và thiết tha mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Việc chúng ta sống thân thiết với Mẹ và học theo mẫu sống thánh thiện của Mẹ nói lên tấm lòng yêu mến và biết ơn của những người con muốn dành cho Mẹ chỗ đứng ưu tiên trong cuộc đời mình. Và đặc biệt hơn, khi cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ, chị em Mân Côi được mời gọi sống tình hiếu thảo và biết ơn của một người con, là “rước Mẹ về nhà mình” (Ga 19, 27). “Rước Mẹ về nhà mình” là đưa Mẹ vào cuộc đời của mình, để được cùng Mẹ sống Linh đạo Dòng một cách hoàn hảo. “Rước Mẹ về nhà mình” đểđược Mẹ uốn nắn nên giống Chúa trong từng suy tưởng, lời nói, thái độ và mọi việc làm thường ngày, vì Mẹ là nhà huấn luyện tuyệt vời có thể tạo hình hài cho những người con của mình được nên giống Chúa Giêsu. “Rước Mẹ về nhà mình” để cùng với Mẹ theo Chúa Giêsu trên đường sứ vụ, cùng Mẹ ra khơi, thả lưới và đem các tâm hồn trở về với Chúa.
Kính thưa toàn thể chị em,
Mẹ Maria luôn có cách làm cho Chúa Giêsu được lớn lên trong tâm hồn chúng ta. Để nhìn nhận vai trò của Mẹ như mẫu gương và người huấn luyện của mình, chúng ta để cho Mẹ có “toàn quyền trong nhà đời sống” của mình. Nếu mục đích đời thánh hiến là thống nhất đời mình trong Đức Kitô, thì Mẹ Maria là người đầu tiên mà chúng ta phải bắt chước, vì Mẹ là người hoàn hảo nhất trong việc nên giống Chúa Giêsu. Nếu đời thánh hiến là theo Đức Kitô loan báo Tin Mừng, thì Mẹ Maria đã là người loan báo Tin Mừng đầu tiên và đã trung thành theo Chúa trong suốt hành trình dương thế. Do đó, hơn ai hết, bằng chính đời sống gương sáng của mình, Mẹ chính là nhà huấn luyện, là đấng bảo trợ và là người đồng hành của mỗi chị em.
Trong NĂM THÁNH TRI ÂN, và đặc biệt trong tháng 10 này, chúng ta sống tâm tình biết ơn Mẹ bằng những tràng chuỗi Mân Côi sốt sắng và thâm trầm hơn, bằng những sáng kiến và năng động riêng của mình qua những việc đạo đức phù hợp và đặc biệt hơn, đồng thời có những quyết tâm cụ thể trong việc luyện tập các nhân đức, nhất là tâm tình sám hối và quyết tâm sống thánh thiện. Đức Cha Tổ Phụ dạy chị em hãy năng cầu xin Đức Mẹ giúp cho chị em biết khử trừ nết xấu để nên thánh: “Hãy xin Đức Mẹ chỉ dẫn cho ta biết dùng mọi phương pháp mà trừ tuyệt tính hư nết xấu, cùng tập tành mọi nhân đức”(GS I, trang 285). Đây là lời tạ ơn đẹp nhất, bởi vì lời tạ ơn chân thật, làm vui long Mẹ hơn cả là một đời sống thánh thiện phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
Xin kính chúc toàn thể gia đình Hội Dòng luôn an vui sống theo mẫu gương thánh thiện của Mẹ, biết soi chiếu đời mình với đời của Mẹ. Mẹ là người huấn luyện chúng ta trong đức tin và trong ơn gọi, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong suốt hành trình dâng hiến và giúp chúng ta luôn sống trung thành với Chúa và nên giống Chúa mỗi ngày một hơn.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
M. Rose Vũ Loan, FMSR