Kỷ Niệm
140 năm ngày sinh của đức cha Tổ Phụ Đôminico-Maria
70 năm thành lập Hội Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng hồng ân của Hội Dòng. Toàn thể chị em trong Dòng khắp nơi đều biết rằng năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Dòng. Cả hai Tỉnh Dòng đều đã long trọng cử hành khai mạc năm thánh lập dòng. Mỗi Tỉnh Dòng đều đã có chương trình cho việc mừng lễ, làm thế nào để từng chị em có thể đón nhận những ơn ích tinh thần và thiêng liêng đích thực trong việc tổ chức những sinh hoạt kỷ niệm trong năm nay.
Hơn nữa, ngoài việc kỷ niệm 70 năm lập Dòng, năm nay còn có những kỷ niệm trùng hợp đặc biệt và thật đẹp khác nữa: đó là kỷ niệm 140 năm ngày sinh của đức cha Tổ Phụ Đôminicô-Maria HỒ NGỌC CẨN, (ngài sinh năm 1876), và kỷ niệm 80 năm ngài nhậm chức Giám Mục giáo phận Bùi Chu (năm1936).
Vì thế, trong số những hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc mừng 70 năm lập Dòng, thiết tưởng thật là thích hợp và hữu ích khi chúng ta dành những trang này để tưởng nhớ Đấng Sáng lập, đức cha Tổ Phụ Đôminicô-Maria kính mến của chúng ta.
Trước hết, để học tập về đời sống, sự nghiệp và tinh thần của đức cha, thì tốt nhất là xin mời gọi tất cả các chị em, ít là một lần trong năm nay, chúng ta mở lại tiểu sử và sự nghiệp của ngài, tài liệu của Dòng viết, được in trong cuốn “GIA SẢN DÒNG”, phần TIỂU SỬ ĐỨC CHA TỔ PHỤ ĐÔMINICÔ MARIA HỒ NGỌC CẨN, từ trang 8 đến trang 74. Ngoài ra, chúng ta cũng nên đọc lại những tài liệu rất có giá trị là cuốn “TƯỞNG NIỆM VÀ TRI ÂN ĐỨC CHA ĐÔMINICÔ MARIA HỒ NGỌC CẨN – 50 NĂM NGÀY QUA ĐỜI”, do Hội Dòng biên sọan và phát hành năm 1998. Và cuốn “ĐỨC CHA HỒ NGỌC CẨN”, do cha cựu bề trên Giuse Phạm Châu Diên biên soạn năm 1990.
Như vậy, ở đây chúng ta chỉ ghi lại tóm tắt những niên biểu chính trong tiểu sử của ngài, để chị em có thể nhớ thuộc lòng những ngày tháng và sự kiện đáng nhớ trong đời sống đức cha. Mục đích của chúng ta ở đây là làm sáng lên trong tâm trí chị em hình ảnh người cha già rất thân yêu, một đấng Tổ Phụ tài đức và đáng kính phục, để những thế hệ con cái non trẻ Mân Côi biết thêm về ngài, xác tín hơn những gì đã học biết về ngài, để gương sáng đời sống và giáo huấn của ngài trở nên ngọn đèn, soi sáng dẫn dắt chúng ta trên hành trình sứ mạng ngài mời gọi chúng ta nối bước ngài.
1) Tóm tắt tiểu sử Đức cha Đôminicô-Maria
Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn hồi nhỏ được đặt tên là Đôminicô Hồ Ngọc Ca; sinh ngày 3-12-1876 (nhằm ngày 18-10 Âm lịch năm Bính Tý), tại làng Ba Châu, giáo xứ Ngọc Hồ, tỉnh Thừa Thiên. Ngài chỉ có một em trai tên là Hồ Ngọc Vịnh.
Thân sinh là ông cố Giuse Hồ ngọc Thi, làm nghề dạy học và chữa bệnh; nguyên quán tại Quảng Trị. Có tài liệu cho biết họ nội đức cha không theo Công Giáo (theo giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, trong “Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Một Nhà Văn Hóa Giáo Dục Lớn Của Tiền Bán Thế Kỷ XX”).Thân mẫu là bà cố Anna Nguyễn Thị Đào (có tài liệu viết là Trần thị Đào- Nam Kỳ Địa phận số 1351, ngày 16-5-1935), nguyên quán tại Kim Long, Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên, là giáo dân họ Trường An, giáo xứ Thợ Đúc. Ông cố mất sớm, bà cố đưa 2 con trai về quê ngoại tại Thừa Thiên (Kim Long, Huế) sinh sống.
– Năm 1888 : được cha già Thường, cha Sở họ Trường An nhận làm con để đi tu.
– Năm 1889 : nhập Tiểu Chủng viện An Ninh.
– Năm 1890 : cha già Thường “trối” ngài lại cho cha Allys (sau là giám mục Huế, thường gọi là đức cha Lý). Năm sau, cha già Thường qua đời.
– Năm 1896 : nhập Đại Chủng viện Phú Xuân.
– Năm 1898 : chịu phép cắt tóc. Dịp này ngài đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn.
– Năm 1899 : chịu bốn chức nhỏ.
– Tháng 12-1900 : chịu chức Năm.
– Ngày 02-02-1902 : chịu chức Phó tế
– Ngày 20-12-1902 : chịu chức Linh mục.
– Năm 1903 – 1906 : phó xứ Kẻ Văn (Quảng Trị)
– Năm 1907 – 1910 : chánh xứ Kẻ Hạc (Vạn Lộc- Quảng Bình)
– Năm 1910 : giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh
– Năm 1923 : cha Sở họ Trường An, kiêm việc gầy dựng dòng Thánh Tâm, Huế đang được đức cha Lý thành lập.
– Năm 1924 : làm bề trên tiên khởi dòng Thánh Tâm.
– Ngày 19-05-1935 : nhận được tin Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó Bùi Chu (Sắc phong do ĐGH Piô XI, ký ngày 12-3-1935).
– Ngày 29-06-1935 : được tấn phong Giám mục, hiệu tòa Zenobia, tại nhà thờ Phủ Cam Huế, do Đức Khâm sứ Colomban Dreyer.
– Ngày 01-08-1935 : rời Huế đi Bùi Chu, nhận trách nhiệm Giám mục phó Bùi Chu.
– Ngày 17-05-1936 : nhận chức Giám mục chánh địa phận Bùi Chu, do Đức Cha Trung (Munagorri) trao quyền. Ngày 17-6-1936, Đức Cha Trung qua đời, chính thức nắm quyền cai quản địa phận.
– Ngày 08-09-1946 : tuyên sắc lập dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu.
– Ngày 27-11-1948 : qua đời tại Tòa Giám Mục Bùi Chu, và được an táng tại nhà thờ chánh tòa Bùi Chu.
2) Đức cha Đôminicô Maria có một đời sống đạo đức thánh thiện
Qua các sử liệu, ông bà cố thân sinh đức cha là những giáo dân tốt, thuộc các giáo xứ có truyền thống sống đạo sốt sắng. Cả hai đều đạo đức ân cần sốt sắng, và nuôi dậy con cái sống đức tin vững chắc.
Còn nhỏ, ngài được cha già Thường nhận làm nghĩa tử cho đi tu. Cha già Thường từng bị bắt và giam tù trong thời cấm đạo. Chắc chắn ngài đã được thừa hưởng một đức tin sống động và mạnh mẽ từ vị nghĩa phụ thánh thiện này.
Cha cựu BT Phạm Châu Diên, trong sách viết về đức cha Đôminicô Maria, đã nói đến những đức tính tốt của đức cha mà chúng ta có thể tóm tắt qua những tiểu mục trong sách của ngài: đức cha có lòng nhẫn nại (tr 68); có tính vui vẻ (tr 74); là một thầy dòng không tu phục: thanh bần, thanh khiết, phục tùng (tr 77 tt); có tính siêng năng cần mẫn (tr 80); có đức khôn ngoan chân thật (tr 82); có lòng khiêm nhường hiền từ (tr 85); và có lòng kính mến Thánh Tâm trong Thánh Thể (tr. 87). Cha cựu bề trên chứng thực: “…xin nhắc đến một vài đức nổi hơn: mạnh tin, phó thác, khó nghèo, trong sạch, phục tùng, nhẫn nhục, cương quyết, vui tươi…”.
Xin nhắc lại: đặc biệt ngài có lòng sùng mộ cách riêng đối với Trái Tim Chúa Giêsu và Đức Mẹ Mân Côi. Người ta có thể nhận ra điều đó khi nhìn vào phù hiệu giám mục của ngài: hình Thánh Tâm Chúa Giêsu chiếu ánh sáng ra hai bên, một bên là sông Hương núi Ngự, một bên là nhà thờ Bùi Chu, phía dưới là cuốn sách với tràng hạt Mân Côi. Có thể chính do lòng sùng mộ sâu xa này mà ngài đã đưa vào linh đạo của Hội Dòng lòng sùng mộ đặc biệt đối với Trái Tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria Mân Côi.
Có thể nói Mẹ Maria là gương mẫu và là Đấng bảo trợ cuộc đời ngài, nhất là trong chức vụ giám mục. Trong bài phát biểu đầu tiên trước đức giám mục và các đấng bậc trong địa phận nhân dịp đón mừng ngài tại Bùi Chu, ngài đã công khai bày tỏ: đời giám mục của ngài xin được nên giống đời sống của Mẹ Maria: xin được trở nên người tôi tớ khiêm hạ như Đức Mẹ: Ecce; xin thưa lời xin vâng như Đức Mẹ để thi hành sứ vụ đã được trao phó: Fiat; và xin chung lời với Mẹ để mỗi ngày hát ngợi khen Thiên Chúa: Magnificat…
Ngài thể hiện một đời sống đức tin, cậy, mến thật sâu xa đối với Chúa. Một trong những lời giáo huấn đặc biệt của đức cha cho các Tập sinh tiên khởi của dòng là phải sống tinh thần đức tin và lòng mến đối với Chúa: “Ta đi đâu, ở đâu, ta cũng hằng nhớ Chúa trước mặt… Dù không ai thấy, ta cũng bảo mình có Chúa thấy..”… Ta muốn đi đàng giọn lành, thì tiên và phải tập đức mến Chúa; và trong mọi việc ta làm, mọi lời ta nói, mọi sự ta lo, thì hãy làm, nói, lo chỉ vì lòng mến Chúa mà thôi” (trích trong Vào Nhà Tập làm gì, GSD trang 213, 216). Điều này hẳn mỗi chị em Mân Côi đều rất thông thuộc, bởi vì đây cũng là lời dậy cốt thiết của đức cha, được ghi trong các bút tích ngài soạn riêng cho chị em Mân Côi.
3) Đức cha Đôminicô là người khôn ngoan, tài đức, được nhiều người kính nể
Đức cha khi còn là linh mục trẻ đã được tiếng là người đức độ, khôn ngoan, sâu sắc, tài giỏi. Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, ham học, có ý chí kiên trì. Báo Nam Kỳ Địa Phận số 1351, ra ngày 16-5-1935 kể lại những ngày đầu theo đuổi đời tu của ngài như sau: “Qua năm 1889, lúc học trò trường La-tinh về nghỉ, cha bề trên nhà trường, tức là cha Girard (cố Hòa), ghé thăm cha già Thường. Lúc trò truyện, thì cố bề trên hỏi cha già: ‘năm nay ngài có học trò gởi vào trường La-tinh chăng?’ Cha già đáp: ‘Tôi có một học trò coi bộ sáng trí, mà chưa có học chi để dọn vào trường…’. Vì theo luật lúc bấy giờ, trò nào muốn vào trường, thì phải biết đọc quốc ngữ, La-tinh, biết viết và phải biết mẹo 5 declinationes, mà trò Ca chỉ mới biết đọc quốc ngữ thôi. Cố vì kính tuổi già cha, nên ưng chuẩn cho vào, dẫu chưa biết đủ đều theo luật dậy… Vậy năm ấy Đôminicô được nhập trường La-tinh An Ninh.
Khi hạch tuyển học trò đặng cho vào, thì cố Y (cha Izarn) là giám khảo, ngài định loại Đôminicô về; song cố bề trên Hòa lãnh lấy mà để cho học, vì người đã có lời hứa với cha già Thường. Ba bốn tháng ở nhà trường, thấy chú Ca tấn tới cách phi thường, vượt qua chúng bạn, và từ đó học lực càng bữa càng gia tăng, đứng thứ nhứt luôn luôn… Qua năm 1891, cha già Thường qua đời, từ đó cố Lý tiếp tục lo lắng mọi việc cho Đôminicô… Cũng một năm ấy, cố bề trên nhà trường thấy chú Ca thông minh đặc sắc làm vậy, thì đã cho lên lớp trên; mà khi đã lên lớp trên, cứ đứng thứ nhứt mãi; anh em nỗ lực đua tranh mà thấy bất cập thì đều chịu phép…” (tr 291).
Nhất là sau khi làm linh mục, trong các trách nhiệm mục tử, ai nấy đều kính phục quý mến nhân cách và đức độ của ngài. Cha Phêrô Nghĩa, một linh mục ở Huế sống cùng thời với ngài đã không tiếc lời khen ngợi tài đức của ngài như sau: ”Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn vốn là một đấng đức độ cao thâm, thông minh uyên bác, xưa nay danh tiếng ngài đã phưởng phất khắp ngoài trong, làm cho mọi người giáo lương thảy đều mến yêu ca tụng…” (Supplément du NKDP, p.5). ”… ngài là một đấng tài đức kiêm toàn, học thức uyên thâm, tánh tình khoan hậu, dưới trên đều mến phục, trong ngoài vẫn nghe danh…” (tr 311).
Tưởng cũng nên ghi lại ở đây một tài liệu quý báu: khi nhận được tin Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục phó địa phận Bùi Chu, tòa soạn báo Sacerdos Indosinensis đã có một bài viết chúc mừng ngài, mà chúng ta rất vui để đăng lại như sau:
CHÚC MẦNG ĐỨC TÂN GIÁM MỤC PHÓ ĐỊA PHẬN BÙI CHU,
BỬU HIỆU ĐÔMINICÔ HỒ-NGỌC-CẨN
Từ Người thọ phong linh mục cho đến đây, Người đã tận tình giúp việc địa phận Huế, đa phen gánh vác nhiều công việc nặng nề như là làm giáo sư trường nhỏ Latinh, khỉ công gầy dựng dòng Anh Em nhỏ mọn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, không kể những lúc tân toan lo bề giáo hữu thì các công nghiệp Người đã cao dầy. Qua đầu năm nay, Người đã lãnh làm Chủ-bút báo Sacerdos Indosinensis, thì chúng tôi thấy công trình Người sắp đặt cho tạp-chí đạt đến mục đích cho thỏa lòng các vị khán báo.
Rày Đức Giáo Tông bàu Người làm Giám-mục Phó địa phận Bùi-Chu, là địa phận ở giữa dân ngoại giáo mà đặng thắng số bổn đạo hơn các địa phận khắp cả hoàn cầu, thì chúng tôi hết lòng vui mừng chúc cho Người được lo lắng coi sóc địa phận ấy cho khả kham hầu làm sáng danh Chúa cùng mở mang đạo thánh một ngày một hơn, xin hiệp mầng cùng các cha dòng thánh Đôminicô và các linh mục bổn quấc cùng giáo hữu địa phận Bùi Chu đặng phước gặp một Giám-mục Việt-Nam xem sóc là một vị thông thái, khôn ngoan, am tường đời đạo mọi đàng. Xin ơn Trên gìn giữ Người sống lâu phúc hạnh cho Địa-phận Bùi-Chu được nhờ.
S.I.
Khi lên làm giám mục, ngài thể hiện nhiều đức tính rất đáng kính phục: kiên nhẫn, khó nghèo, khôn ngoan, cần cù nhẫn nại trong mọi công việc. Cha Chính Phạm Văn Lục, cha quản lý làm việc sát cánh với ngài trong gần suốt thời giám mục của ngài đã nói về ngài như sau: “Từ khi đến chức Năm đã mắc bệnh ho suyễn, nên hằng năm đến mùa lạnh thì chứng bệnh hoành hành làm ngài ho hen đàm suyễn mệt nhọc. Nhưng cuộc đời linh mục cũng như giám mục, là cuộc đời hành động về tinh thần mà không biết mệt mỏi”. Trong những năm tháng mới chấp chánh, địa phận gặp nhiều khó khăn về kinh tế, ngài thường an ủi các cộng sự phải kiên nhẫn, và khuyên bảo: “… đừng kêu túng, kẻo họ cười!” Ngài sống nghèo khó và quảng đại, không giữ lại gì cho mình. Trong một trường hợp cha quản lý lúng túng vì địa phận không còn tiền, ngài… “đứng dậy vào buồng lục lọi mãi, đưa ra một gói: “này đây 200 đồng chẵn của các cha địa phận mừng tôi khi ra đây năm ngoái, có vậy thôi, không còn một xu nào khác!” (trích trong tập hồi ký của cha Chính Phạm Văn Lục, bản viết tay năm 1956 ).
Cha Bùi Đức Sinh, nhà sử học lỗi lạc dòng Đa Minh, khi viết về các giáo phận Bắc Việt, đã nhận định về nhân đức và sự khôn ngoan của đức cha khi phải đối phó trong hoàn cảnh khó khăn đó như sau: “Đức cha Hồ Ngọc Cẩn lên kế vị đức cha Munagorri Trung… Tuy nhiên chủ chăn mới đã không khỏi gặp nhiều khó khăn về tài chánh sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế thế giới, khó khăn về việc phân chia nhân sự và ruộng nương tài sản, khi tách Thái Bình ra khỏi Bùi Chu. Nhờ lòng đạo đức và sự khôn ngoan hiếm có, đức cha đã giải quyết những vấn đề gai góc ấy một cách ổn thỏa” (Lm Bùi Đức Sinh, OP, M.A Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, cuốn III, tr 270). Chúng ta biết được là theo chiếu thư của Đức Giáo Hoàng Piô XI ký ngày 9-3-1936, địa phận Thái Bình được thành lập, tách khỏi địa phận Bùi Chu. Ngày 17-6-1936 đức cha Trung qua đời, đức cha Đôminicô chính thức lên chấp chính, thì ngày 1-8-1936 các cha Tây bàn giao các công việc và rút hết sang địa phận mới Thái Bình.
4) Đức cha là một nhà thông thái uyên bác
Hầu như hết mọi người biết về ngài hay viết về ngài, đều phải nói đến ơn ban đặc biệt này nơi đức cha.
Năm 1910, ngài là linh mục Việt Nam đầu tiên được cử vào dậy học trong trường Tiểu Chủng viện An Ninh, trước đó các giáo sư đều là các cha Tây, người ngoại quốc. Báo Nam Kỳ Địa Phận ghi lại: “Vốn từ trước, trong trường Latinh Huế, chưa có linh mục bổn quốc nào làm giáo sư, mới khỉ sự đầu tiên là cha Hồ Ngọc Cẩn. Người lãnh bổn phận mới nầy, thì càng thêm rạng ngời danh tiết: vì cha bề trên Hòa cùng các đấng khác ở nhà trường đều phục tài cao đức cả. Việc giáo hóa học trò được phấn khởi tỏ tường. Khắp địa phận đều kính phục mến thương, mừng cho tiền đồ giáo sĩ bổn quốc.” (báo Nam kỳ địa phận số 1351, tr 295)
Đặc biệt, khi còn là linh mục ở Huế, ngài được chọn đi họp Công đồng Đông Dương tại Hà Nội năm 1934 cùng với các nghị phụ giám mục và một số linh mục, với chức vụ là chuyên viên soạn thảo văn kiện bằng La ngữ cho Công Đồng.
Trong dịp Đại hội Thánh Thể lần thứ 33, diễn ra từ ngày 3 đến mồng 7 tháng 2 năm 1937 tại Manila, trong số các giám mục diễn thuyết bằng nhiều ngôn ngữ khác, ngài được cử phát biểu trước toàn thể đại hội nhân danh Giáo hội Việt Nam. Báo Nam Kỳ Địa Phận có ghi lại toàn bản văn bài phát biểu của ngài, và kể lại như sau: “Quý hóa biết bao, cảm động biết bao! giám mục Việt Nam xen hàng giám mục vạn quốc. Đức cha nhà ta cũng dạn dĩ, kê miệng vào máy truyền thinh, giọng nói chậm rãi rõ ràng dễ nghe lắm. Nhưng có mình người Annam hiểu mà thôi, kỳ dư chả hiểu, nhưng cũng vỗ tay khen ngợi. Ấy là hiểu ngầm!” (NKĐP, tháng 2 năm 1937; tr 168).
Cha Chính Lục cũng khen ngợi ngài: “Có điều này, ai cũng phải chịu ngài tài giỏi: Những thư từ can hệ đến đâu, cả những bản quy luật cho các Dòng phải đệ Tòa Thánh, có bản dài đến 100 trang đánh máy, dù bằng tiếng Việt Nam, tiếng Latinh, tiếng Pháp thì ngài chỉ viết hoặc đánh máy lấy một lần, không phải ráp ra hay là dùng thơ ký nào! Họa hoằn mới bảo cha thơ ký trả lời giúp 2, 3 thơ không can hệ mà thôi. Lại hết các thơ từ giấy má can hệ thì điều lưu công hàm bản đúp có thứ tự lớp lang cả… Ngài khôn ngoan, kiên nhẫn, thâm trầm, đạo hạnh, xả kỷ, vị tha, lại thông lọt các luật đạo luật đời, biết mỗi việc nào thuộc quyền Thánh Bộ nào bên Tòa Thánh; lại lý sự can tràng, nhất là ban đầu mới chia địa phận…”
Về cách thức làm việc của ngài, cha Chính Lục kể tiếp: với Tòa Thánh và các cha dòng Đa Minh, nhất là ban đầu, và với người đời, nhiều thư từ tờ bồi phải viết đi viết lại hoặc phải trả lời rất là can hệ, vì thế suốt ngày đêm, trừ lúc ăn, lúc ngủ, còn là cứ làm việc một mình nơi bàn giấy; lúc vào giường còn cầm sách đọc cho tới khi rời tay mới tắt đèn. Hễ không ngủ được lại dậy làm việc, mà ban ngày không có ngủ bù”. (Gia sản Dòng, tr 737)
Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng trong tài liệu đã dẫn trên cũng viết: “Ngài là một nhà thông thái tại Đông Dương (Việt, Miên, Lào) thời bấy giờ. Cách đây hơn 100 năm mà ngài đã viết sách, viết báo, làm tự điển, soạn sách dậy về khoa học… Ngài có tài làm thơ, viết văn, diễn thuyết, có khi cao hứng thì đọc cả bài thơ lục bát thật dài…. Ngài rất thích dậy học và giảng giải bình dân, dễ hiểu nên học trò rất thích, nhất là các môn triết học, thần học, giáo lý… ngài giảng giải rất rõ ràng. Ngài giỏi cả Hán văn, Pháp văn, Latinh…; đọc sách đọc báo nhiều nên kiến thức của ngài rất uyên bác…“.
Nhiều người cho rằng số các đầu sách ngài trước tác phải nói đến con số 100. Trong số hơn 100 tác phẩm ấy, tại thư viện của Hội Dòng, chúng ta còn lưu giữ được khoảng 60 đầu sách, một số là bản in gốc, nhưng phần nhiều là bản photocopy và một vài cuốn chép tay.
Ngoài những tác phẩm được ấn hành, ngài còn là cộng tác viên xuất sắc cho các tờ báo như Nam Kỳ Địa Phận, Sacerdos Indosinensis, Vì Chúa. Ngài còn sáng lập tờ Đa Minh bán nguyệt, lập nhà in Thánh Gia và nhà sách Đa Minh. Soạn giả Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, trong cuốnMục Lục Phân Tích Nam Kỳ Địa Phận, xuất bản năm 2003, nguyên chỉ kê khai đầu đề các bài viết của đức cha trong báo Nam Kỳ Địa Phận từ năm 1913 đến năm 1944, cũng phải mất hơn 7 trang giấy với tên Hồ Ngọc Cẩn; và mất 5 trang nữa với những bút hiệu khác như Ngô Đồng Hành, Ngô Ký Ẩn, Ngô Ký Vãng, Ngô Tri Dược, Ngô Trí Lễ, Ngô Tương Ái…!
5) Đức cha nhiệt thành hiến thân cho việc mở mang và rao giảng Nước Chúa
Một điều ai nấy đều ghi nhận là, trong bất cứ trách nhiệm nào của đời sống phục vụ Giáo hội, ngài cũng đều nhiệt thành và tận tụy hy sinh cho công việc, cho các linh hồn, đặc biệt qua việc giáo huấn và giảng dậy. Đấy cũng là châm ngôn sống của ngài, nhất là từ khi làm giám mục, với khẩu hiệu: “In omni Patientia et Doctrina”, hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn.
Trong khoảng thời gian hơn 40 năm linh mục và giám mục, ngài làm được rất nhiều việc cho Giáo hội và Nước Chúa. Cha Bùi Đức Sinh ghi nhận: “Đức cha đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo hàng giáo sĩ, không những đạo đức thánh thiện, mà còn được nâng cao văn hóa thức thời. Người thường nói với các chủng sinh: “Các chủng viện là một nửa công việc giám mục của cha. Chúng con cố luyện văn tu đức, tương lai địa phận ở trong tay chúng con đấy!”. Ngay từ năm 1937, trường Thử Latinh được 3 sư huynh Lasan đến giảng dậy. Tiểu Chủng viện Ninh Cường dậy thêm khoa học, văn chương. Đức cha đích thân dậy La văn cho nhiều lớp, chủ tọa cuộc khảo hạch tất niên”. ( Sđd, tr 271).
Cha Chính Lục cũng đã viết: “Về hàng đạo đức trong địa phận, ngài hay khuyên răn hoặc viết thư khuyên răn về sự thương yêu nhau, hợp nhất với nhau; chỉ lượt làm lễ, chầu Thánh Thể, ăn chay cầu cho nhau thánh hóa; lập lệ cấm phòng tháng (cứ 3 tháng một lần) cho các cha trong mỗi hạt, chính ngài dọn bài ngắm, bài đọc và bài xét mình mỗi kỳ phòng tháng cũng như mỗi kỳ phòng năm, in ra rồi gửi cho các cha, các hạt được cứ một lối và bổ ích; đôi khi chính ngài đến dự cấm phòng tháng với các cha hạt nọ hạt kia. Với giáo dân, đừng kể các thứ phải khuyên răn, truyền dậy khi cần, ngài còn giữ mực mỗi năm kỳ tết nguyên đán và kỳ mùa chay, ngài viết thư chung hỏi thăm, chúc tuổi, răn cấm tội lỗi như rượu chè, cờ bạc, trai gái, thuốc xái, thúc giục dùng ơn mùa chay để thống hối….
Ngài còn sửa lại, hoặc lập ra các dòng, lập ra các hội đoàn Công giáo trong các xứ các họ cả địa phận, và tập luyện lễ nhạc phụng vụ cho các cha, các học sinh, và răn dậy sự ở lặng trong nhà thờ. Chỉ 1-2 năm sau chấp chánh, địa phận thay đổi bộ mặt mới cả về mọi phương diện, làm cho ai cũng ngạc nhiên suy phục” (Gia sản Dòng, tr. 737-738).
Giáo sư Lê Ngọc Bích, trong cuốn Nhân vật công giáo Việt Nam đã viết: ”Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là một nhà giáo dục, là một cây bút hoạt động văn hóa phong phú đa dạng và rất Việt Nam, luôn đề cao văn hóa dân tộc” (tr 137). “…Thời còn là linh mục phụ trách các giáo xứ giáo phận Huế, ở đâu ngài cũng chăm lo việc học hành cho trẻ em nhằm nâng cao dân trí ở một mức độ nhất định trong hoàn cảnh khó khăn hạn chế thời bấy giờ” (tr 71). ”…Là một nhà giáo đào tạo chủng sinh, ngài viết nhiều sách giáo khoa, sách khảo cứu… Là một nhà truyền giáo, giám mục Hồ Ngọc Cẩn viết rất nhiều sách tu đức, sách giáo lý… Những sách của giám mục Hồ Ngọc Cẩn viết có đến cả trăm cuốn, đa dạng…(tr 73). Về mặt xã hội, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn có những hoạt động mưu cầu lợi ích cho giáo dân và đồng bào, phát xuất từ tinh thần bác ái công giáo và từ tinh thần yêu nước…” (tr 73).
Cha cựu bề trên của Dòng, Linh mục Vũ Đình Trác, trong cuốn Công giáo Việt nam, trong truyền thống văn hóa dân tộc (Orange, California 1996, tr 115) cũng ghi nhận: ”Khi làm giám mục Bùi Chu, ngài đã cao niên và bị bệnh suyễn, tuy vậy vẫn tiếp tục viết văn, để lập ngôn, lập đức cho linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân… Từ khi làm linh mục, ngài đã thăng tiến cả một hàng ngũ tu trì, canh tân các chủng viện để đào tạo linh mục. Khi làm giám mục, với sự khôn ngoan thông thái, ngài am hiểu nhân tâm và hoàn cảnh mọi người mọi nơi, nên đã thành công khai hóa và xây dựng cho cả một miền duyên hải Bùi Chu. Việc đạo việc đời đều quán xuyến, đức giám mục đã để lại sự nghiệp lớn lao cho nhân sinh” (LM Vũ Đình Trác, sđd, tr 119).
Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng cũng còn cho chúng ta biết: “…Ngài thành lập bệnh viện Thánh Tâm Bùi Chu, cô nhi viện (sở dục anh, sở cô nhi) ở Bùi Chu. Ngài thân hành chăm sóc, tận tay cơm nước cho các cô nhi…”; “Từ khi còn là linh mục, ở xứ nào, ngài cũng đem lại cho dân chúng một nếp sống mới, một không khí hoạt động vui tươi; chăm lo việc học hành cho trẻ em, nâng cao dân trí..” (tài liệu đã dẫn, tr 3).
Trong Nam Kỳ Địa Phận số ra ngày 16-5-1935, tác giả Huỳnh Công cũng có một nhận định về đức cha: ”…Việc giảng đạo lý cho con chiên thì ngôn từ thông thạo, lý giáo phân minh, dẫu người lương nghe qua cũng phục tình, chịu là bậc thông minh uyên bác… Nói tắt rằng: hễ cha Đôminicô ở đâu, thì ở đó đặng một vẻ tươi tỉnh lại về tinh thần cùng hình thức cách bất ngờ, làm cho trí khôn người ta thay đổi, dường bằng gặp một phong trào cải cách vậy” (tr 295).
Sự nghiệp của ngài không những được Giáo hội tri ân, mà ngoài xã hội ngài cũng được biết đến và tưởng thưởng: ngài được chính phủ Pháp trao tặng “Ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh”; ngày 26-3-1942, toàn quyền Decoux nhân danh Thủ tướng Pétain đến gắn huy chương cho ngài (theoNam Kỳ Địa Phận, số 1704, ngày 8-4-1942). Ngài cũng được chính phủ Nam triều của Việt Nam tặng “Nam Long Bội Tinh” đệ tam hạng (x. NKĐP số 1703, ngày 1-4-1942 và 1707, ngày 29-4-1942). Ngoài ra cũng cần nói tới là đã có một ngôi trường trung học công lập tại Gia Định trước năm 1975 mang tên ngài: trường trung học Hồ Ngọc Cẩn, tọa lạc tại đường Lê Quang Định; và hai con đường tại khu vực Trung Chánh và Bảy Hiền còn mang tên ngài: đường Hồ ngọc Cẩn, mặc dù có thể ngày nay, hai tên đường này đã được thay bằng tên khác.
6) Đức cha Đôminicô lập Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi
Một trong những thao thức của đức cha khi lên làm giám mục là canh tân bậc tu trì trong địa phận, nhất là việc cải tổ các nhà phước lên bậc nhà dòng. Ý tưởng này manh nha có từ khi ngài đi dự Công đồng Đông Dương tại Hà Nội năm 1934, và khi lên làm giám mục, lại càng thúc bách ngài hơn khi nhận thấy trong địa phận ngài có nhiều nhà phước chưa được cải tổ như ý Công đồng muốn. Về việc lập dòng Mân Côi, chị em đã được nghe và học tập nhiều trong những khóa học hỏi về gia sản và linh đạo Dòng. Ở đây chúng ta chỉ nhắc sơ qua một vài chi tiết nhỏ liên quan đến đức cha chúng ta.
Điều trước hết, chúng ta không thể không nghĩ đến những gian nan vất vả đức cha chúng ta phải chịu trong việc lập Dòng. Đã có rất nhiều thử thách và đau khổ. Ngài kiên nhẫn chịu đựng, âm thầm cầu nguyện, nhưng vẫn khôn ngoan bình tĩnh ứng xử trong các hoàn cảnh khó khăn. Chính ngài đã kể lại một trong những khó khăn ấy trong cuốn lịch sử dòng như sau: “Thật ban đầu, khi nghe tin đức cha đã được phép Tòa Thánh lập một Dòng…, thì ai nấy cũng hoan nghinh, có nhiều chị em bởi các nhà cũng đã bàn đến việc vào Dòng, không nghe ai phản đối gì. Hay đâu cách ít lâu nghe bàn tán …. Có kẻ nói dại rằng ‘đức cha cố phá những nhà phước để đem tiền của ruộng nương các nhà về nhà Trung Linh hết!’ Họ bàn tán như thế là vì họ không đọc đến sách Công đồng Đông Dương, họ không xem đến mặt đơn đức cha đã làm mà tâu Tòa Thánh xin phép lập dòng là thế nào… Nếu đáng trách như thế thì Tòa Thánh trách trước hết. Song Tòa Thánh chẳng trách gì, lại ban phép lập dòng mới, có tên mới, để sửa lại hai dòng cũ vào lề lối nhà dòng chính thức…” (Trích Gia Sản Dòng, tr. 694-696, và những trang tiếp theo). Và dĩ nhiên còn rất nhiều gian chuân vất vả khác nữa.
Trước những “lời bàn tán”, và cả những chống đối công khai, ngài vẫn kiên nhẫn chịu đựng và tin tưởng nơi Chúa. Theo lời kể của các chị cao niên tiên khởi của Dòng, mỗi khi đức cha sang thăm các chú trường Thử Trung Linh, thì ngài – đức cha cũng sang thăm các chị em bên nhà Phước Trung Linh ngay bên cạnh, là nơi đã được chuẩn bị để lập dòng. Đôi khi ngài cũng hay đi ghé sang Liên Thủy, gồm nhà Liên Nội và Liên Ngoại nằm gần tòa giám mục. Ngài thường an ủi khuyến khích các chị đừng nản lòng, đừng lo lắng, cứ vững tâm trông cậy vào Chúa… “nếu các con nghe thấy vị nào nói ngược nói xuôi về dòng thì đừng nản chí, một phải cứ an tâm tu trì, vì cha là người rất mực chịu đựng… cha chịu đựng thay cho chúng con” (Tưởng niệm và Tri ân, tr 158); rồi ngài giải thích cho các chị hiểu về bậc dòng khác với nhà phước thế nào, về mục đích của dòng mới… Ngài thường nói với các các chị: “Thầy chỉ tạ ơn Chúa vì hồng ân Chúa ban. Những gì con cái trong nhà hay bên ngoài có phê bình chỉ trích thì không lạ, phải có vậy mới có ngày vinh quang. Phải có đau khổ mới có triều thiên. Các con cứ tin như vậy…” (trích Tưởng Niệm và Tri ân,1998, tr 145). Các chị kể lại : mỗi lần ngài sang thì cả nhà họp lại, ngồi xung quanh đức cha, “đám bé học trò được ngồi chiếu dưới chân đức cha mà không được xì xèo động đạc gì…!”
Về vật chất, để chuẩn bị, ngài cho xây ngôi nhà tầng. Công việc khởi sự vào năm 1942, đến cuối năm 1943 mới xong. Đức cha định ngày 16-7-1944 thì làm phép khánh thành nhà mới.
Nói đến các cha đã góp công sức về tinh thần và vật chất và tiếp tay với Đức Cha vào những ngày ban đầu lập dòng thì phải kể: “… Khi ấy có cha Tràng Cung, hiện khi ấy ngài làm bề trên tràng Thử và cũng coi nhà phước dòng Ba ở Trung Linh… vốn người đã nhiệt thành về sự ấy (việc lập dòng)…, nên khi người biết đức cha đã làm đơn tâu xin Tòa Thánh lập dòng nữ, thì người cho chị em Trung Linh hay. Chị em nghe vậy thì lấy làm mừng và mong chóng được, thì chị em cũng xin vào dòng hết… Khi ấy cha Vận coi xứ Trung Linh… cha Vận cũng cùng một lòng như cha Cung… Cha già Hội hứa cho nhà dòng một cái chuông, thợ Kiên Lao đúc. Đức cha cho cha Hoàn làm giáo sư tràng Thử cùng làm cha linh hồn cho chị em dòng luôn thể. Đến tháng 8-1945, đức cha đặt cha Vận làm bề trên tràng Thử, thì cho cha Hưởng làm cha xứ Trung Linh. Cha Hưởng đối với nhà dòng chẳng kém gì cha Vận…” (Gia sản Dòng, tr 686-687).
Trong khi đó, ngài soạn luật dòng, các sách cần thiết để huấn luyện các chị bước vào bậc dòng. Thường ngài viết tay, trao cho bà Tập lúc ấy là bà dòng Mến Thánh Giá bên Phát Diệm ngài xin sang giúp. Bà Tập đọc cho các chị em chép trong những giờ học… Khi có dịp, ngài sang dậy và cắt nghĩa rộng thêm cho các chị.
Và đến ngày giờ Chúa đáp ứng nỗi chờ mong và lời nguyện cầu của đức cha. Ngài kể: “May thay, Tòa Thánh vừa nhận được thư đức cha thì phúc thư lại mà rằng: Chiếu theo bức thư Đức Thầy gửi ngày mồng 10 Juniô mà xin phép lập một dòng nữ như ý thỉnh cầu.. Đức Cha nhận được thư ấy một ngày kia trong tháng Aout, khi đã chiều tối, thì đưa tin cho chị em biết ngay mà mừng. Ai nói cho xiết, chị em nhà Trung Linh khi được tin Tòa Thánh ban phép lập Dòng, thì ai nấy vui mừng biết là chừng nào… Vậy đức cha định ngày mồng 8 tháng Septembre sẽ làm lễ tuyên sắc lập Dòng.” (Gia sản Dòng, tr 690) “Và chắc chắn là niềm vui mừng “ai nói cho xiết” của chị em nếu kể là 1, thì của đức cha phải hiểu là 10!”.
Đức Cha kể tiếp: “Ngày mồng 6, đức cha sang tràng Thử Trung Linh giúp các cậu cấm phòng khai tràng, thì luôn tiện cũng giảng giúp chị em cấm phòng tháng ngày mồng 7 để dọn mình vào dòng chánh thức ngày mồng 8 sau khi đã rao sắc lập dòng. Cả đêm ngày mồng 7 rạng ngày mồng 8 mưa to gió lớn, ra như Chúa bảo chị em nhớ lại: Khi xưa Chúa sắp rao lề luật trên núi Sinai, thì Chúa làm sấm sét vang trời dậy đất, cho dân tỉnh ngộ. Khi Chúa Thánh Thần toan hiện xuống thì cũng khiến gió thổi mạnh, để đánh thức các thánh Tông đồ càng dọn mình chăm chỉ hơn nữa. Trận bão này cũng bảo chị em như vậy. Nhưng sang ngày mồng 8 bớt mưa bớt gió. Đức cha sang được bên Dòng bằng yên, không gì ngăn trở. Đức cha đã làm lễ, giảng, rồi rao sắc lập Dòng “Con Cái Đức Bà Mân Côi Bùi Chu” tại nhà nguyện Dòng ở Trung Linh. Sáng ấy là đúng ngày Chúa Nhật…” (Gia sản Dòng, tr 692).
Và ngay sau đó, ngày 21-11-1946 có lớp tập đầu tiên gồm 17 chị, phần đông thuộc nhà Trung Linh, và một vài chị nhà Kiên Lao và Bùi Chu. Chính đức cha sang khảo hạch cho 17 chị vào nhà Tập; đồng thời có 13 chị vào Dự tu. Đức cha soạn thảo các sách huấn luyện các chị bước vào bậc dòng. Lớp nhà Tập này sau được 7 chị khấn lần đầu vào ngày 7-12-1947, cũng do chính ngài sang khảo khấn. Trong số 7 chị tiên khởi của Dòng ấy, đứng đầu là bà Catharina Nguyễn Thị Huệ, sau làm Mẹ bề trên tiên khởi của dòng. 7 chị khác được dự định cho khấn vào ngày 21-11-1948. Nhưng vào ngày đó, đức cha đã mệt lắm rồi, không sang khảo khấn và nhận lời khấn cho các chị được, vì ngày 27-11-1948, một tuần sau, ngài được Chúa gọi về.
7) Đức cha Đôminicô Maria qua đời
Nói về sự ra đi của ngài, cha Bùi Đức Sinh đã viết: “Sau 12 năm cai quản một giáo phận đông đúc, nhưng thiếu nhân tài vật lực, đức cha Hồ bắt đầu suy nhược, lại mắc chứng suyễn kinh niên, nhất là về mùa đông thánh lạnh…”. (sđd, tr 274)
Quả thật chúng ta cũng được nghe nói nhiều về những vất vả gian nan của đức cha trong những năm coi sóc địa phận. Nhiều cha già sống gần đức cha cũng cho biết ngài chịu nhiều đau khổ, nhất là những năm cuối đời, và cả trên giường hấp hối. Đức cha qua đời vào tuổi 72 không kể được là thọ, nguyên do một phần tại bệnh tật của ngài, nhưng cũng có thể nói được rằng còn do những đau khổ tinh thần, những khó khăn phải chịu vào một thời điểm có nhiều biến chuyển, cả trên thế giới cũng như tại đất nước Việt Nam, và trong địa phận lúc bấy giờ.
Theo cha cựu bề trên Phạm Châu Diên viết trong sách của ngài, thì đức cha trở bệnh nặng từ đầu mùa đông năm ấy, năm 1948. Những cơn ho kéo dài làm ngài mệt nhọc kiệt sức. Ngài chỉ bỏ làm lễ trước khi qua đời 3 ngày, nhưng vẫn ngồi tham dự thánh lễ. Ngày hôm trước, tức ngày 26-11-1948, đức cha Nguyễn Bá Tòng là người bạn thân thiết đến thăm, ngài tỉnh lại khỏe khoắn, hai vị nói chuyện lâu hằng giờ… Nhưng sau đó ngài kiệt sức, lịm đi. Chiều tối ngài tỉnh lại và chịu bí tích Xức Dầu cách tỉnh táo và sốt sắng. Đức cha từ trần lúc 0g27 phút ngày 27-11-1948 tại tòa giám mục Bùi Chu, và được an táng trong thánh đường chính tòa Bùi Chu cho đến ngày nay.
Trên tấm bia phần mộ của ngài tại nhà thờ chánh tòa Bùi Chu, có ghi tóm tắt sự nghiệp, công ơn và tài đức của đức cha bằng những hàng chữ như sau:
“THÔNG THÁI SIÊU QUẦN, TRƯỚC TÁC LINH TRĂM CUỐN SÁCH, SÁNG LẬP DÒNG RẤT THÁNH TRÁI TIM HUẾ (1923) VÀ DÒNG MÂN CÔI BÙI CHU (1946), CHÚA CHIÊN SỐT SẮNG, PHONG 80 LINH MỤC; CHUYÊN LUYỆN CHỦNG SINH, TU SĨ; LẬP HỘI CẦU NGUYỆN VÀ CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH TRÊN BA VẠN; CỔ VÕ HỌC ĐẠO LÝ VÀ CHỊU CÁC BÍ TÍCH… TRÌNH ĐỘ GIÁO DÂN ĐÃ NÂNG CAO GẤP 10 LẦN”
8) Đức cha mời gọi con cái
Viết và đọc đến đây chúng ta như vừa được xem một khúc phim sống động về chân dung người cha kính mến của mình. Ở đây chúng ta không có ý liệt kê tất cả các tài liệu, hay sưu tầm đầy đủ những chi tiết về tiểu sử và sự nghiệp của ngài, nhưng như ở trên đã nói, chúng ta chỉ muốn tô đậm hình ảnh của Đấng Tổ Phụ trong tâm khảm từng người con Mân Côi của ngài, để hình ảnh sáng đẹp ấy trở nên lời mời gọi mạnh mẽ sâu sắc cho những người con, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của cha và cả của con…
140 năm qua đi, nhìn lại đời sống và sự nghiệp của đức cha, chúng ta nhận ra ý định và sự chuẩn bị của Thiên Chúa nơi cuộc đời của đức cha. Chúa Quan Phòng đã phú bẩm nơi ngài những tư chất, phẩm hạnh và tài năng, mà ta gọi là đặc sủng riêng, để sau này trao phó cho ngài những sứ mạng đặc biệt phục vụ Giáo Hội, mở mang Nước Chúa, và đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Lúc này chính đức cha đang muốn nói với từng người chúng ta nhiều điều, là những người con được ngài cưu mang và sinh ra từ những lời cầu nguyện khẩn thiết, từ những khổ đau và bao nhiêu công lao khó nhọc, những người con cùng tham dự đặc sủng với ngài, và chọn tiếp nối sứ mạng của ngài trong linh đạo Mân Côi, …Đời sống, gương sáng và những lời giáo huấn rất tình nghĩa cha-con của ngài là một lời mời gọi sống động cho chúng ta.
Có thể chúng ta không được phú bẩm sự thông minh tài trí và những khả năng vượt trội như ngài, không làm được những công trình lớn lao như ngài, nhưng chúng ta được mời gọi cần cù kiên nhẫn trong mọi công việc, trong các bổn phận nhỏ bé khiêm tốn hằng ngày, và thi hành những việc đó cách siêu nhiên: “chỉ vì lòng mến Chúa mà thôi”. Chúng ta được mời gọi dấn thân không nề quản trong các trách vụ tông đồ, chấp nhận những hy sinh khó nhọc trong sứ mạng rao giảng chân lý Tin Mừng để đem ơn cứu độ đến cho mọi người cách có hiệu quả. Chúng ta được mời gọi để sống kiên nhẫn, khiêm tốn, nhịn nhục, vâng phục như ngài trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những lúc gặp khó khăn, thử thách, kể cả những khi bị chỉ trích, chống đối vì việc lành. Chúng ta được mời gọi sống đời sống thánh đức như ngài, đặc biệt qua đời sống đức tin, đức cậy, đức ái, được thể hiện cách sống động qua việc “luôn sống trước sự hiện diện của Chúa; ở đâu, đi dâu, làm việc gì thì cũng luôn nhớ có Chúa ở với mình, kết hợp liên lỉ với Chúa”, và luôn “sống tinh thần bề trong trong hết mọi việc”. Đặc biệt, noi gương ngài tôn sùng Đức Mẹ Mân Côi, với việc sống và siêng năng đọc kinh Mân Côi hằng ngày. Và dĩ nhiên, với cái nhìn rất sâu thẳm và trìu mến, ngài tha thiết khuyên chúng ta phải luôn đoàn kết và thương yêu nhau, như chị em trong một gia đình, “phải hợp nhất cả tinh thần bề trong, nhận nhau như con một nhà, vì hết thảy là con cái Mẹ Mân Côi”.
Kỷ niệm 70 tuổi dòng thì chúng ta đã có 68 năm mồ côi cha. Đức cha ra đi quá sớm đối với một công trình ngài phải chờ đợi đến 6 năm mới được thực hiện. Trước khi ngài mất, một số nhân vật không tán đồng việc ngài lập dòng, đã tưởng rằng: “Mai kia đức cha chết, dòng Mân Côi cũng sẽ chết theo”. Sở dĩ nghĩ thế, là vì các vị ấy không nghe được lời trối của đức cha với con cái vào những giờ phút gần lâm chung: “Chúng con đừng lo lắng thái quá, hãy cầu nguyện nhiều và hãy sống thánh thiện. Cứ an tâm, Thầy chết rồi Thầy cũng vẫn làm việc… và làm việc nhiều hơn” (Tưởng niệm và tri ân, tr 157 và 156). Chúng ta xác tín rằng, trên Thiên Đàng ngài vẫn luôn làm việc cho con cái, để Hội Dòng có thể sống sót, tồn tại, lớn lên và trưởng thành như ngày hôm nay.
Chúng ta tâm thành dâng lên ngài niềm tri ân cảm tạ, và mỗi người tự biết mình phải làm gì đối với chính mình cũng như đối với Hội Dòng để thể hiện niềm tri ân ấy.
Thân lạy đức cha khả kính,
Cùng với tất cả mọi chị em Mân Côi khắp nơi, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của cha và cả của chúng con, chúng con xin kính trình với đức cha rằng:
“ Vườn Hồng Cha đây, bao nhiêu nước mắt, mồ hôi ươm trồng,
Ngày nay trổ sinh muôn sắc hoa, hương trời ngát bay.” (Nt Trầm Hương FMSR)
Xin đức cha cùng tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria Mân Côi với chúng con.
Nt MC Vũ Thị Thanh FMSR