Kính thưa hai Chị Tân Giám Tỉnh, các bà và toàn thể chị em,
Hiệp hành cùng Giáo Hội, chúng ta đang trong những tháng cuối của Năm Chuẩn Bị để bước vào Năm Thánh “Lữ hành trong hy vọng” 2025. Năm Thánh là năm hồng ân, hòa giải, hoán cải và canh tân. Phải chăng muốn lãnh nhận được hồng ân của Chúa thì chúng ta phải cộng tác bằng sự hoán cải, canh tân. Theo định hướng của Tổng Công Hội XXIV, chị em Mân Côi đang cùng nhau “nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn”. ‘Giáo huấn’ ở đây không chỉ theo nghĩa giáo dục, dạy dỗ người khác, mà trước tiên là giáo huấn chính mình, hoán cải, canh tân chính mình.
Trong năm học 2024-2025, chị em chúng ta sẽ cùng nhau giáo huấn chính mình sống sao cho tròn hơn mãi ơn gọi thánh hiến trong Đặc sủng Mân Côi mà Chúa đã ban tặng. Đặc sủng Mân Côi bao gồm mục đích, tinh thần, linh đạo, sứ mạng và cả những truyền thống tốt đẹp kết tinh của 79 tuổi Dòng làm nên gia sản tinh thần của Hội Dòng. Cùng chung lòng, chung sức, chúng ta hãy “TRÂN QUÝ VÀ BẢO TỒN GIA SẢN TINH THẦN CỦA HỘI DÒNG”.
Chủ đề chung này sẽ được triển khai từ tháng 09.2024 đến tháng 08.2025 thành 6 chủ đề chi tiết như sau :
- Kiên trì tiến tới đích điểm đời tu Mân Côi.
- Nhẫn nhục và hết lòng tỏa sáng tinh thần Dòng.
- Vị trí Mẹ Maria trong linh đạo Mân Côi
- Học theo “phong cách Maria” trong sứ vụ truyền giáo.
- Giáo dục đức tin : sứ vụ ưu tiên của chị em Mân Côi.
- Phát huy vẻ đẹp trong những truyền thống tinh thần của Hội Dòng.
- Kiên trì tiến tới đích điểm đời tu Mân Côi.
“Mục đích đời sống chị em Con Đức Mẹ Mân Côi là làm vinh danh Thiên Chúa, hiển danh Mẹ Maria, thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn”. (HLD 2) Từ khi bước chân vào đời tu Mân Côi, chúng ta đã được học đến thuộc lòng mục đích của Dòng. Mục đích này phải được thể hiện từng giờ, từng ngày đến suốt cuộc đời. Nó phải trở thành mục tiêu cho từng hành vi, lời nói và ý hướng của chúng ta. Vì thế, phải nhẫn nại, kiên trì nhắc nhớ chính mình về cái ý hướng từ sâu thẳm lòng mình trong mọi hoạt động, nghĩ suy. Nếu không tận tâm, tận lực điều chỉnh cái đích nhắm của đời tu, thì cái tôi với danh, với lợi sẽ lập tức chiếm chỗ của Danh Chúa, của các linh hồn.
- Nhẫn nhục và hết lòng tỏa sáng tinh thần Dòng.
“Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12) Giới răn yêu thương là giới răn lớn nhất và được chính Chúa Giê-su truyền dạy và nêu gương cho chúng ta dưới nhiều hình thức. Đức Cha Tổ Phụ đã lấy chính giới răn này làm tinh thần sống của chị em Mân Côi. “Tinh thần sống của chị em Mân Côi là thực hành Đức Ái hoàn hảo : mến Chúa, yêu người, theo tinh thần Phúc Âm và theo Linh đạo Dòng.” (HLD 3) Tinh thần đức ái này phải thấm nhập vào tất cả mọi mặt của đời sống chị em. Quả là một thách đố đòi hỏi sự nhẫn nhục và quyết tâm để đạt tới Đức Ái hoàn hảo, hay ít là nỗ lực mãi để vươn tới, để tỏa sáng tinh thần Dòng. Tuy nhiên, nếu thiếu đức ái, không có lòng mến, thì giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. (x. 1 Cr 13,3)
- Vị trí Mẹ Maria trong linh đạo Mân Côi.
Một trong những nghĩa vụ của người tu sĩ được đề cập đến trong Giáo luật số 663 §4 là “phải đặc biệt tôn kính Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, là mẫu gương và là Đấng bảo trợ đời thánh hiến, nhất là bằng việc lần chuỗi Mân Côi.” Nghĩa vụ ấy chắc chắn phải gắn chặt hơn với chúng ta khi nhận mình là chị em con Đức Mẹ Mân Côi, và thân thương nhận Mẹ là Mẹ bề trên của Hội Dòng. Đức Cha Tổ Phụ khi lập Dòng đã căn dặn chị em : “cậy nhờ Đức Mẹ phù hộ cho mà theo gương Đức Mẹ, càng lớn lên thì càng thêm nhân đức giọn lành”. (GSD I, tr. 40) Thật vậy, Mẹ Maria giữ một vị trí quan trọng trong linh đạoMân Côi nhưmột mẫu gương, một Đấng Bảo trợ : “Với tinh thần đức ái hoàn hảo, chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người.” (HLD 4)
Khi “cùng với Mẹ” sống mầu nhiệm cứu độ của Chúa trong đời mình, chị em Mân Côi kiên trì noi gương các nhân đức của Mẹ, đặc biệt là đức tin và đức ái, và cậy nhờ sự chuyển cầu đắc lực của Mẹ trên mọi bước đường lữ thứ.
Kinh Mân Côi với các mầu nhiệm cứu độ sẽ cho chúng ta chiêm ngắm sự cộng tác trung thành và tích cực của Mẹ trong chương trình cứu độ của Chúa, như mẫu gương sống tròn đầy linh đạo Mân Côi.
- Học theo “phong cách Maria” trong sứ vụ truyền giáo.
Giáo hội đòi buộc thành viên các tu hội thánh hiến […] phải hoạt động cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, theo thể thức riêng của Hội Dòng. (x. GL 783) Chị em Mân Côi suốt hành trình 79 năm qua, đã, đang và mãi tiếp tục cùng với Mẹ Maria mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium, số 288, đã chỉ ra cho chúng ta một ‘phong cách Maria’ trong sứ vụ truyền giáo. (un style marial dans l’activité évangélisatrice) Đó là :
- Tạo sức mạnh qua sự dịu dàng và lòng trìu mến,
- Hằng ôm ấp Lời Chúa trong lòng & suy đi gẫm lại
- Luôn chiêm niệm để đọc ra trong từng biến cố lớn nhỏ dấu ấn Thánh Thần của Mầu nhiệm Thiên Chúa.
- Cầu nguyện và hoạt động, sẵn sàng ra đi đến với tha nhân…
- Giáo dục đức tin : sứ vụ ưu tiên của chị em Mân Côi.
Ngay từ khi lập Dòng, Đức Cha Tổ Phụ đã xác định rằng việc giáo dục giữ địa vị quan trọng và chính yếu trong các bổn phận tông đồ của Dòng. (GSD I, tr. 531). Trong thực hành, việc giáo dục bao gồm việc dạy văn hóa và dạy đức tin. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả các môn, ý hướng của chúng ta vẫn là giáo dục đức tin : gieo mầm đức tin cho các em nhỏ, cho anh chị em chưa biết Chúa, và giúp củng cố, nuôi dưỡng đức tin cho các tín hữu. Bởi vì“mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là giáo dục đức tin” (x. Gravissimum Educationis (GE) số 4).
Đối với chị em Mân Côi, nhẫn nhục và tận tâm trong việc giáo dục là một trong những phương tiện để chị em “hiến thân cho việc truyền giáo” theo sứ mạng của Dòng. Thật vậy, Tuyên ngôn về Giáo dục (GE số 8) đã chỉ rõ “phận vụ các giáo viên đang thi hành chính là một việc tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiệt cho thời đại chúng ta…”
- Phát huy vẻ đẹp trong những truyền thống tinh thần của Hội Dòng
Gia sản tinh thần của Dòng không chỉ bao gồm mục đích, sứ mạng, tinh thần, linh đạo, mà còn bao hàm cả những thói lệ hay tập quán lành mạnh, những nề nếp kết tinh từ chiều dài lịch sử của Hội Dòng, cả những kỹ năng ứng xử trong các lãnh vực, đặc biệt là những giáo huấn của Đấng Sáng Lập. Những điều này làm nên truyền thống tinh thần đặc thù của Dòng chúng ta. Giáo hội không ngừng mời gọi chúng ta lưu giữ cái tinh túy trong những truyền thống ấy sau khi đã canh tân để thích nghi với môi trường và con người theo từng giai đoạn lịch sử. (x. Perfectae Caritatis, số 3). Thật vậy, phải trung thành bảo tồn và tích cực phát huy những vẻ đẹp trong những truyền thống tinh thần của Hội Dòng vì những đặc nét đó là những dấu ấn của Thánh Thần luôn hiện diện và đồng hành với chị em Mân Côi qua các thế hệ.
Kính thưa các bề trên, các bà và toàn thể chị em,
Được Chúa gọi và chọn vào đời sống thánh hiến Mân Côi, được thuộc về Hội Dòng này, chúng ta được thừa hưởng trọn vẹn khối gia sản tinh thần của Dòng. Sự trân quý đối với gia sản ấy là nghĩa vụ của chúng ta đối với các thế hệ đi trước. Sự bảo tồn và phát huy cái gia sản được thừa hưởng chính là trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ hậu sinh. Mỗi chị em Mân Côi sẽ chu toàn trách nhiệm ấy khi hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn chính mình qua các chủ đề sống đã được gợi ý triển khai.
Các chủ đề, các điểm gợi ý có thể quá quen thuộc, hay có phần trùng lập với những ý tưởng đã được đề cập đến trong những năm đã qua. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức sự yếu đuối, dễ trì trệ của thân phận con người, thì sự nhắc nhở thường xuyên mà Chúa gởi đến cho chúng ta qua các trung gian dưới mọi hình thức, vẫn mang lại nhiều hiệu quả cho người nữ tu Mân Côi khiêm hạ trong hành trình nên thánh.
Cùng hiệp thông trong Chúa và Mẹ Mân Côi, Maria Têrêsa Tịnh Khiết, FMSR