Home / Thư Bề Trên-TLHT / Tài liệu học tập / Chủ đề sống tháng 5 & 6 năm 2025: GIÁO DỤC ĐỨC TIN SỨ VỤ ƯU TIÊN CỦA NỮ TU MÂN CÔI

Chủ đề sống tháng 5 & 6 năm 2025: GIÁO DỤC ĐỨC TIN SỨ VỤ ƯU TIÊN CỦA NỮ TU MÂN CÔI

Người nữ tu thường được coi là người cầu nguyện và dấn thân phục vụ. Đặc biệt ở lãnh vực giáo dục và mục vụ tông đồ, người nữ tu đồng hành với các tâm hồn trong việc làm tăng trưởng đời sống đức tin và hoàn thiện nhân cách làm người. Công việc đầy ắp hy vọng nhưng cũng không thiếu những thách đố vì sự tiến bộ không đồng đều giữa hai lãnh vực tinh thần và vật chất của con người hôm nay. Tuy nhiên, giáo dục là công việc của cõi lòng, từ con người đến con người, từ trái tim đến trái tim, và nghệ thuật giáo dục, theo ngôn từ Kitô Giáo, được coi như một sứ vụ, bởi nó không dừng lại ở mức độ thuần nhân loại, mà hướng con người đến chiều kích cao hơn, tâm linh và siêu nhiên, đó là trở nên “người” đích thực và nên con cái Thiên Chúa[1].

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16, 15). Lệnh truyền của Chúa Giêsu từ hơn 2000 năm vẫn còn vang vọng và luôn cấp bách, có giá trị cho mọi thời và mọi nơi. Vì thế, Giáo Hội, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những cách thức truyền đạt Lời Chúa một cách thích hợp, để cho Lời nhập thể vào cuộc sống. Việc loan báo Tin mừng được cụ thể hóa qua việc giáo dục đức tin và được Giáo Hội coi là nhiệm vụ ưu tiên[2], một bổn phận thiêng liêng[3]mối bận tâm hàng đầu [4]. Vì thế, các kiểu mẫu dạy giáo lý ra đời và đổi mới theo giòng thời gian để Tin Mừng Đức Kitô đã gieo vào trần gian được nẩy sinh và phát triển cách thích hợp trong lòng con người, với mục đích giúp con người đạt tới sự trưởng thành và vươn tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep 4, 13).

Đức tin là ân ban của Thiên Chúa và con người mở lòng đón nhận ân ban cao quý này. Không ai có thể tự tìm kiếm đức tin cho mình hay cho người khác, nhưng để đời sống đức tin được lớn lên mỗi ngày, Thiên Chúa ban cho con người những phương thế giúp cho đức tin được tăng trưởng và kiên vững. Châm ngôn Rwandais nói rằng:“Thật ra chỉ một mình Thiên Chúa mới hạ sinh, con người chỉ làm công việc giáo dục”.   Vậy, giáo dục đức tin là giúp người khác hiểu biết về đức tin, nuôi dưỡng và làm cho đức tin lớn lên, đạt tới mức trưởng thành để được thông hiệp sâu xa với Thiên Chúa, đồng thời giúp họ diễn tả đức tin của mình qua việc cử hành phụng vụ, sống đạo đức thánh thiện theo gương Chúa, biết cầu nguyện, sống tình hiệp nhất yêu thương với mọi người và trở thành chứng nhân Tin Mừng[5].

I. SỨ VỤ GIÁO DỤC ĐỨC TIN CỦA NỮ TU MÂN CÔI

Sứ vụ của người nữ tu Mân Côi được xác định trong Hiến Luật Dòng số 38.4: Trong sứ vụ tham gia vào việc tông đồ truyền giáo của Giáo Hội, chị em Mân Côi dấn thân trong các lãnh vực:

–   Giáo dục thanh thiếu niên trong lãnh vực đức tin, luân lý, nghề nghiệp và văn hóa.

–   Phục vụ giáo xứ, ưu tiên cho việc dạy giáo lý và phụ trách các hội đoàn thiếu nhi.

–   Loan báo Tin Mừng cho lương dân, dạy giáo lý dự tòng.

–   Tham gia công tác y tế, bác ái xã hội; đặc biệt hướng đến những người nghèo khổ, đau bệnh, bị bỏ rơi.

–   Thi hành các công tác tông đồ khác được trao theo đức vâng phục và theo Hiến Luật Dòng.

1. Đức Cha Tổ Phụ với việc giáo dục đức tin.

Với khẩu hiệu Giám mục: “In Omni Patientia et Doctrina: Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” (2 Tm 4, 2),

Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn đã dành trọn tâm trí chăm lo việc giáo dục, cách riêng việc giáo dục đức tin. Hai cuốn giáo lý nổi tiếng thời đó là Bổn Đồng Ấu, dành cho thiếu nhi được dùng khắp các địa phận và cuốn Thánh Giáo Thuyết Minh, dành cho người lớn, được sử dụng hàng nửa thế kỷ ở các địa phận dòng.

Đức Cha rất gắn bó với công việc giáo dục, cách riêng là việc dạy giáo lý và chăm sóc các hội đoàn. Ngài nhận định rằng: “Bởi đâu mà con chiên giáo hữu nhiều nơi còn kém cỏi về lẽ đạo và còn nguội lạnh khô khan, chẳng qua là thiếu lời giảng dạy”[6]. Chính vì thế, khi thành lập Hội Dòng Mân Côi, ngài đã đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin và luân lý, làm sao cho mọi người được giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Ngài nói với chị em: “Trong những trường chị em coi sóc, thì phải lấy việc dạy giáo lý và luân lý làm nền tảng. Bởi đó, trong chương trình dạy văn chương chữ nghĩa, thì mỗi ngày phải có giờ dạy đạo lý”[7]. Ngài xác định mục đích của Hội Dòng là dạy học tại các xứ đạo: “Mục đích riêng của Dòng Mân Côi, trước hết là dạy học ở các trường trong các xứ, các họ”[8]. Ngoài ra, việc loan báo Tin Mừng cho lương dân cũng là mục đích của Dòng: “Dạy bổn đạo mới cũng là một mục đích của Nhà Dòng”[9].

Đối với Đức Cha, việc thành lập một hội dòng để chăm lo việc giáo dục đức tin là một việc quan trọng và cần thiết cho giáo phận lúc bấy giờ. Hiểu được nỗi thao thức của Đức Cha Tổ Phụ trong việc giúp cho mọi người nhận biết Chúa và được lớn lên trong đời sống đức tin, chị em Mân Côi, cho tới hôm nay, vẫn tiếp tục duy trì và phát huy sứ vụ ấy, dành ưu tiên cho việc dạy giáo lý thiếu nhi, giới trẻ, các hội đoàn tông đồ và các anh chị em dự tòng.

2. Hội Dòng tiếp nối sứ mạng của Đấng Sáng Lập

Đặc sủng của Đức Cha Tổ Phụ cũng chính là đặc sủng của Hội Dòng. Do đó, chị em Mân Côi luôn trung thành với chủ tâm và ý định ban đầu của Đấng Sáng Lập là quan tâm đến việc rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin trong các lãnh vực thuộc sứ vụ của chị em.

Trong Bản Luật Dòng đầu tiên, ngài nhấn mạnh đến hai công việc sau đây:

Rao giảng Tin Mừng: Đức Cha Tổ Phụ lưu ý chị em về việc dạy giáo lý tân tòng tại các thí điểm truyền giáo như sau: Chị em ở nhà giáo phải học riêng về cách dạy bổn đạo mới như đã có sách. Lại ở đâu thì cũng chuyên một việc ấy thôi: ban tối dạy người lớn, ban ngày dạy trẻ con. Nếu trẻ con không đi học kinh thì mở lớp dạy vần, dạy nghề cho các trẻ bất luận lương giáo. Vì thế nên chị em chỉ đi đến những nơi có thể làm được việc ấy”[10].

Giáo dục đức tin: Song song với việc truyền giáo là việc giáo dục đức tin qua việc dạy giáo lý trong các nhà trường và giáo xứ: “Việc đi dạy trẻ ở các trường công giáo trong các xứ, các họ, ấy là một mục đích trọng thuộc về nhà dòng, cho nên chị em phải biết làm việc ấy cho hẳn hoi[11]. “… Lại phải học cho biết cách dạy vần, dạy bổn, và dạy bổn đạo mới…[12].

Vì thế, tại miền Bắc, vào những năm đầu khi mới được thành lập, Hội Dòng đã mở lớp học chữ cũng như giáo lý tại các nơi chị em phục vụ. Khi vào Miền Nam, đến lập cộng đoàn tại một giáo xứ nào, chị em luôn đảm nhận công tác tông đồ mục vụ tại đó và ưu tiên cho việc dạy giáo lý.     Từ năm 1975, nhờ việc phân tán đến những địa điểm khác nhau mà nhiều cộng đoàn được thiết lập do nhu cầu mục vụ tại các giáo xứ. Sau này, một vài cộng đoàn đã trở thành giáo xứ hoặc làm điểm xuất phát cho việc truyền giáo, giáo dục hay cơ sở bác ái xã hội.

II. NHỮNG ĐIỂM NHẤN TRONG SỨ MẠNG GIÁO DỤC ĐỨC TIN

Trong một xã hội đa tôn giáo và văn hóa, việc giáo dục đức tin thường gặp khó khăn là phải đối diện với những tư tưởng, những niềm tin khác biệt, và có cả những chống đối bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Nhưng với cái nhìn đức tin, sứ vụ giáo dục mang đến một niềm vui lớn lao, đó là được cộng tác với Giáo Hội trong việc đem Chúa đến với các tâm hồn; được góp phần nhỏ bé của mình trong việc đổi mới lòng con người cũng như được đổi mới chính bản thân mình. Trải qua bao thời đại, Giáo Hội luôn có những chỉ dẫn rõ ràng và cụ thể về cách thức truyền đạt Lời Chúa. Chị em Mân Côi theo sát đường hướng của Giáo Hội trong sứ vụ giáo dục đức tin và luân lý. Những chỉ dẫn này là kim chỉ nam định hướng cho sứ vụ, là gia sản chung của toàn thể Giáo Hội nhằm củng cố và nuôi dưỡng đời sống đức tin của toàn thể Dân Chúa.

Giữa biết bao lời giáo huấn thâm sâu của Giáo Hội. Trong bài học tập này, chúng ta chỉ nêu lên mấy điểm huấn luyện cần được lưu ý hơn trong hoàn cảnh xã hội tục hóa hôm nay, khi mà đời sống đức tin của người trẻ dường như thiếu độ sâu nên dễ bị nghiêng chiều về những chọn lựa xấu. Với những điểm huấn luyện này, hy vọng các em có thể dần lớn lên trong sự trưởng thành tâm linh, được kiên vững hơn trong đức tin để có thể vượt thắng những khó khăn và những tác động tiêu cực của xã hội.

1. Thiết lập mối tương quan cá vị với Đức Kitô

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã nói rằng: “Một cuộc sống quá bận rộn thường làm chai cứng tâm hồn, đánh mất đời sống cầu nguyện và nhu cầu Thiên Chúa”. Chúng ta đang sống trong một nền văn minh hướng ngoại và sôi động với những kết nối tiện nghi của mạng truyền thông. Cuộc sống như chỉ gắn liền với những công việc và bao mối bận tâm. Những ồn ào của nhịp sống vội vàng bên ngoài và cả những huyên náo của tâm trí do những suy nghĩ, những cảm xúc gây xáo động bên trong làm cho nội tâm bị nhiễu loạn không ngừng, khó giữ được sự yên tĩnh của cõi lòng và dường như bị thiếu rất nhiều những khoảng lặng để đi vào chiều sâu tâm hồn và để thiết lập mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa có một kế hoạch rất riêng tư cho từng người, và do đó, để hiểu biết và sống theo ý Chúa, cần thiết mỗi người cũng phải có mối tương quan cá vị và mật thiết với Chúa. Khi định hướng cho việc mục vụ giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Mục vụ giới trẻ nên thường xuyên tạo ra cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống”[13].

Để tiến tới sự trưởng thành trong đời sống kitô hữu, các em trẻ cần được hướng dẫn để đi vào sự thân quen với Chúa; biết thiết lập mối tương giao thân tình, riêng tư và ngày càng sâu sắc với Chúa; biết dành ra những khoảnh khắc gặp gỡ Chúa trong giờ cầu nguyện riêng, trong những phút hồi tâm, trong những biến cố xảy ra và trong niềm vui nỗi buồn của cuộc sống… Tất cả mọi hoàn cảnh và tình huống khác nhau ấy đều có thể giúp các em đi vào cuộc trò chuyện và kết hợp mật thiết với một Vị Thiên Chúa tình yêu, lòng kề lòng… Đây là những cơ hội khơi dậy và đào sâu kinh nghiệm đức tin nơi người trẻ từ những hoàn cảnh đời thường.

Các bạn trẻ hôm nay thường muốn tìm cho riêng mình một khuôn mẫu, một thần tượng, một con người lý tưởng. Các nhà giáo dục nên giới thiệu cho các em nhà thần tượng Giêsu, là khuôn mẫu đích thực và lý tưởng để các em trở thành những con người như Giêsu theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô với các bạn trẻ:“Hãy chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương Người”[14]. Vì thế, việc giáo dục đức tin cần tìm kiếm những cách thức và phương pháp thích hợp cho mỗi trình độ, mỗi lứa tuổi để trình bày cách sống động và phù hợp Con Người Đức Giêsu Kitô với vẻ đẹp, tình yêu và Tin Mừng của Người.

2. Nói về Chúa bằng chính Lời Chúa.

Tông huấn Lời Chúa số 73 khuyến khích những người có trách nhiệm làm mục vụ cho các hội đoàn, các phong trào trong giáo xứ hãy “linh hoạt các việc mục vụ bằng Lời Chúa”, giúp họ hiểu biết sâu xa hơn về Đức Kitô. Như vậy, việc học hỏi Lời Chúa phải trở thành một cuộc gặp gỡ sống động, có sức lôi cuốn và làm thay đổi đời sống. Tông huấn cũng quan tâm đến việc loan báo Lời Chúa cho các thành phần trẻ. Bởi vì, chỉ mình Thiên Chúa mới có những giải đáp đích thực cho những vấn nạn cuộc sống, định hướng ơn gọi và giúp họ có những chọn lựa đúng đắn cho đời sống.      Những người đồng hành cần giúp các em tiếp xúc với mảnh đất mầu mỡ là Lời Chúa, vì chính nơi đây, họ tìm được sự sống chân thật[15].

Những giáo huấn của Giáo Hội đã soi sáng cho sứ vụ của người rao giảng: không cách nào tốt hơn là dùng chính Lời Chúa để nói cho các em hiểu biết về Chúa. Điều này trước hết đòi hỏi chính người giáo dục phải là người hiểu biết và yêu mến Chúa, là người thấm nhuần Lời Chúa, có kinh nghiệm suy gẫm và đem ra thực hành. Người giáo dục đức tin không chỉ là người người truyền đạt những kiến thức về Thiên Chúa, nhưng phải là người truyền thông một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua Lời của Người. Nhờ đó, việc giới thiệu Chúa cho các em sẽ được thuyết phục hơn. Làm sao cho các em nhận thấy Lời Chúa là vẻ đẹp cuốn hút và chính là lời yêu thương của Thiên Chúa muốn ngỏ với mình?

Lời Chúa chính là sứ điệp Tin Mừng phải được thấm nhuần cách sâu xa trong mọi khía cạnh của giáo lý. Vì thế, người giáo dục đức tin không dựa vào những ý tưởng của riêng mình để trình bày giáo lý, nhưng lời dạy phải luôn được soi sáng và nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Lời Chúa trở thành nguyên tắc sống, thấm nhuần và chi phối mọi tư tưởng, tình cảm, lời nói và hành động của người dạy cũng như người học, để tất cả đều có được những “tâm tình như Đức Kitô” (Pl 2, 5). Ngoài ra, việc học hỏi Lời Chúa không chỉ đọng lại ở phần kiến thức, nhưng nhất thiết phải được nội tâm hóa và đi vào cuộc sống. Một bầu khí thánh thiêng và khoảng không gian lắng đọng trong giờ giáo lý sẽ giúp các em dễ cảm nhận từ chiều sâu của tâm hồn và đưa đến quyết tâm đổi mới.

3. Nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa.

Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý số 95 đã chỉ thị như sau: “Lời Chúa phải được toàn thể dân Chúa suy gẫm và học hiểu cách sâu xa bằng sự nhạy bén của đức tin và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội. Lời Chúa luôn được công bố, lắng nghe, nội tâm hóa và giải thích trong phụng vụ”.

Nội tâm hóa là chọn lựa, cảm nhận và lắng nghe sứ điệp Lời Chúa để tìm ra một ý nghĩa thiết thân nuôi dưỡng tâm hồn. Tiến trình từ bên ngoài vào nội tâm, nếu được ý thức sẽ tạo nên một cuộc nội tâm hóa có sức biến đổi lòng người. Có thể nói, mọi cuộc biến đổi đều khởi đi từ việc đã được cảm nhận trong nội tâm, mà những gì có trong nội tâm thường do tác động từ bên ngoài. Một biến cố, một thái độ, một mẫu gương, một câu nói, một trang sách được suy tư và phản tỉnh có thể đưa đến một thay đổi rất lớn cho con người.

Khi muốn nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa, người đồng hành giúp các em tiếp cận với Lời Chúa, đọc chậm rãi, đọc với sự chú ý, với lòng khao khát và thái độ lắng nghe để Lời Chúa chất vấn con người của mình. Khi có những câu nào đánh động hoặc đưa đến một cảm xúc thì cần dừng lại để suy gẫm và cầu nguyện. Vấn đề quan trọng là làm sao để Lời Chúa được vang vọng nơi tâm hồn, được hiện tại và cá nhân hóa, nghĩa là nhận ra Lời Chúa đang nói lúc này và nói riêng cho mình. Cần tạo nên một bầu khí thuận lợi cho việc nội tâm hóa, bằng sự lắng đọng, bằng suy tư và cầu nguyện. Thông thường việc nội tâm hóa sẽ giúp cho đời sống đức tin thêm trưởng thành và sâu sắc hơn, đưa đến một sự biến đổi thật sự.

4. Trở thành sứ giả Tin Mừng.

Việc giáo dục đức tin không những để nuôi dưỡng đời sống đức tin mà còn huấn luyện người tín hữu trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Kitô qua việc diễn tả đức tin, qua những kinh nghiệm sống và qua tình liên đới hiệp thông trong một thân thể duy nhất là Giáo Hội mà Đức Kitô là Đầu. Giáo Hội có nhiều sứ mạng, nhưng sứ mạng quan trọng, thuộc yếu tính của Giáo Hội, đó là truyền giáo. Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, đã thúc bách toàn thể Giáo Hội phải ý thức và dồn hết mọi nỗ lực của mình vào việc loan báo Tin mừng. Ngài mời gọi các tín hữu sau khi đã được nghe rao giảng, thì tới lượt mình, cũng phải rao giảng lại, “đó là sự trắc nghiệm của chân lý, là đá thử vàng của việc loan báo Tin Mừng. Không thể tưởng tượng được một con người đã tiếp nhận Lời và đã hiến thân cho Nước Trời mà lại không trở nên một người làm chứng và loan báo Tin Mừng”[16].

Theo định hướng trên, việc giáo dục đức tin cần được thực hiện trong ý hướng truyền giáo, để “mỗi người phải chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cách khác nhau tùy khả năng và theo hoàn cảnh. Tuy khác nhau nhưng cùng một sứ mạng duy nhất là làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng được giầu đẹp”[17]. Để được như thế, các bạn trẻ cần được hướng dẫn để học cách chiêm ngưỡng Đức Kitô, một nhà truyền giáo mẫu mực, đã để lại một tấm gương tuyệt hảo về cách thức loan báo Tin mừng qua lời nói, cử chỉ và thái độ đối với mọi người.

5. Nhẫn nhục và tận tâm trong việc giáo dục đức tin.

Đức Cha Tổ Phụ, với khẩu hiệu Giám mục: “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” (2 Tm 4, 2), đã để lại cho chị em tấm gương đáng kính phục về sự nhẫn nhục và tận tâm. Qua những lời giáo huấn dành cho Hội Dòng, Đức Cha dạy chị em phải luyện tập đức nhẫn nhục và tận tâm khi làm bất cứ việc gì, phải nhẫn nhục với mọi người và với cả bản thân nữa: “Làm việc phải đằm thắm, phải kiên nhẫn, không những với người khác mà còn đối với mình nữa. Phải tập tính sửa nết sao cho an vui hòa nhã luôn, làm việc với ai thì người ấy cũng thích tính mình, làm việc với ai thì cũng không có gì ái ngại” (GSD I, 539). Nhẫn nhục và tận tâm là hai đức tính giúp cảm hóa lòng người. Vì thế, ngay trong những công việc nhỏ bé, tầm thường, chúng ta cũng thực hiện bằng cả sự tận tâm và trách nhiệm của một người phục vụ như Đức Cha Tổ Phụ dạy: “Phải đặt mình làm gương sáng cho mọi người, yên ủi những người nhát đảm, nâng đỡ những người yếu đuối, nhẫn nại và tận tâm với hết mọi người” (GSD I, 623).

Đặc biệt trong lãnh vực giáo dục đức tin, chúng ta học nơi Chúa Giêsu thái độ thương cảm và bao dung để biết kiên nhẫn chờ đợi sự lớn lên của các tâm hồn. Khi sánh ví: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”(Mt 13, 31-32); hay “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men” (Mt 13, 33), Chúa Giêsu muốn chỉ cho thấy sự thành công trong tinh thần nhẫn nhục và tận tâm, không bao giờ được thất vọng về sự chậm chạp hay cứng cỏi trong đời sống đức tin của người khác, nhưng luôn biết tạo cơ hội cho hạt giống được nẩy mầm, lớn lên và đơm bông kết trái.

III. GỢI Ý THỰC HÀNH

Công việc giáo dục là hành động đặc trưng của Thiên Chúa và mọi người được chung phần với công trình của Người[18]. Khi thi hành sứ vụ này, chúng ta cần noi gương các tông đồ, khiêm tốn cầu xin với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Vì khi đức tin yếu kém, chúng ta không thể hoàn thành sứ mạng đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngoài ra, gương sống đức tin của các nhà giáo dục cũng là một chứng từ đáng thuyết phục. Điều này đòi hỏi chúng ta:

  • Đi sâu hơn vào mối tương quan thân tình với Chúa để dễ nói với người khác về Chúa hơn.
  • Sống đức tin cụ thể hơn để giúp người khác hiểu được cái vô hình trong cuộc sống đời thường.
  • Vui vẻ và thân thiện với người mình phục vụ hơn để dễ dễ đưa họ về với Chúa.
  • Nhẫn nhục và tận tâm nhiều hơn để biểu lộ lòng thương xót Chúa cách chân thực.

Lạy Chúa xin thêm đức tin và lòng mến cho chúng con để chúng con được vui sống và an tâm chu toàn trách nhiệm của mình. Xin Chúa dẫn dắt sứ mạng giáo dục đức tin của Hội Dòng chúng con, giúp chúng con luôn trung tín với Chúa và biết cách nói về Chúa với tha nhân cách xứng hợp. Maria Rosa Vũ Thị Loan, FMSR


[1] Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 2

[2] Tông huấn Dạy Giáo lý, số 15

[3] Tông huấn Dạy Giáo lý, số 14

[4] Tông huấn Loan Báo Tin Mừng số 1

[5] x. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý các số 80, 82 và 84

[6] Lm. PHẠM CHÂU DIÊN, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, 1996, tr. 13

[7] Gia sản Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, cuốn 1, tr. 106

[8] Gia sản Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, cuốn 1, tr. 531

[9] Gia sản Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, cuốn 1, tr. 117

[10] Luật phép Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, bản đầu tiên, số 182

[11] Luật phép Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, bản đầu tiên, số 170

[12] Luật phép Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, bản đầu tiên, số 124

[13] Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 214

[14] Thư chung HĐGMVN, 2019, số 7, trích dẫn Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống số 26-27

[15] x. Tông huấn Lời Chúa, số 104

[16] Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 24

[17] Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 66

[18] x. Giáo Dục, Huấn Luyện và Đồng Hành trang 14-15

Bài mới

Chủ đề sống Tháng 01 & 02 năm 2025: VỊ TRÍ CỦA ĐỨC MARIA TRONG LINH ĐẠO DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Đức Maria được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính, vì Mẹ là …