Home / Thư Bề Trên-TLHT / Tài liệu học tập / Chủ đề sống Tháng 11 và 12. 2024: NHẪN NHỤC VÀ HẾT LÒNG TỎA SÁNG TINH THẦN DÒNG

Chủ đề sống Tháng 11 và 12. 2024: NHẪN NHỤC VÀ HẾT LÒNG TỎA SÁNG TINH THẦN DÒNG

  1.  TINH THẦN LÀ GÌ?
  2.  Tinh thần ngay lành: 

Tinh thần là yếu tố vô hình phát xuất từ bên trong tâm hồn mỗi người, “nhưng được cụ thể hóa trong cuộc sống qua cách ứng xử, nói nên thương hiệu riêng của mình.”  Thương hiệu này có thể thuộc về một hội dòng, cơ quan, hay công việc…[1]  Tinh thần biểu lộ lòng xác tín về giá trị, lý tưởng và hoặc mục đích.  Ta có thể diễn tả tinh thần như “siêu lực” hay một sức mạnh từ bên trong khiến một tâm hồn có thể hy sinh và dấn thân vì lý tưởng, vì đất nước, vì dân, vì người thân (trường hợp tình cha mẹ cho con cái). Tinh thần là một thứ tuy vô hình, nhưng nó được biểu lộ ra bên ngoài rất mãnh liệt và sống động.  Thậm chí, đương sự có thể hy sinh cả cuộc đời hay sự sống của mình để bảo vệ giá trị hoặc thể hiện lý tưởng của mình.  Ta có thể thấy rõ điều này qua đời sống của các thánh tử đạo. Hay gần hơn trong đời sống hàng ngày, ta thường khen chị A chị B có “tinh thần” bởi nguồn lực bên trong giúp chị biết vượt khó và có thể dấn thân trong an bình và quảng đại.  Riêng đối với chị nữ tu Mân Côi, chị  dâng hiến cả cuộc đời để dấn thân vì vinh danh Thiên Chúa, hiển danh Mẹ Maria và phần rỗi linh hồn của chính mình và anh em nhân loại[2]. Khi trong cuộc sống, chị chiếu tỏa lý tưởng này, người đời thường cho rằng chị có “chân tu”, nghĩa là  có một “tinh thần” tu thật mạnh mẽ.

  •  Tinh Thần ảnh hưởng bởi sự dữ: 

Tuy nhiên, tinh thần cũng có thể phát xuất từ thế lực của thần dữ, bởi sức mạnh dấn thân và  sự từ bỏ của nó cũng không kém tinh thần đến từ lòng mến Chúa yêu người. Biểu lộ rõ rệt nhất là sự ghen ghét. Nó có thể khiến con người đánh mất lý trí, coi thường lòng tự trọng và vô tâm với nhân phẩm của tha nhân.  Thậm chí đương sự có thể làm rạn nứt các mối tương quan với người thân nhất như cha mẹ, con cái, anh em, hay vợ chồng.  Sức mạnh của tiền tài, danh vọng và hưởng thụ cũng có thể làm cho con người quay cuồng, trở thành nô lệ cho chính những hứa hẹn hạnh phúc chóng qua và ảo tưởng này.  Khuynh hướng “quy tất cả về cho mình, chỉ có lợi ích cá nhân của mình là quan trọng.[3] đã được ĐTC Phanxicô miêu tả rõ trong Thông Điệp Fratelli Tutti. Sự thu hút của nó mạnh đến nỗi  “Con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ.”[4].

Do đó, ta dễ dàng loại trừ những thành phần gây phiền muộn hoặc bất lợi như các em bé còn trong bụng mẹ, hoặc không còn hữu dụng như những người già, kẻ khuyết tật, người nghèo…Nếu không tỉnh thức, trái tim ta có thể bị “lờn”, trở nên vô cảm trước những sự bất công, kỳ thị, và nghèo nàn về tinh thần lẫn vật chất của những anh em trong chính khu xóm của mình. Và nếu không phản tỉnh, chị em chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm sống này.  Vì thế, để tỏa sáng tinh thần đức ái, chị em phải lội ngược dòng suy tư và lối sống của thời đại mà mình đang bị dòng đời lôi cuốn.

  1. TỎA SÁNG TINH THẦN HỘI DÒNG QUA THÁI ĐỘ SỐNG.
  2. Thái độ sống.

Chúa Giêsu dạy rằng, “Lòng đầy miệng mới nói ra”.  “Nhìn quả thì biết cây.”  Để có thể tỏa sáng tinh thần Dòng trong cuộc sống cụ thể hàng ngày, ta cần xét xem mình có thật sự xác tín các giá trị Tin Mừng và các giá trị của đời thánh hiến Mân Côi không? Nếu trong ta chưa thâm tín lời mời gọi thờ kính đối với Thiên Chúa và yêu thương đối với tha nhân, thì làm sao ta có thể tỏa sáng tinh thần Dòng qua cung cách và qua các lựa chọn cụ thể được?  Vì cung cách ứng xử và những lựa chọn hướng về Thiên Chúa phát xuất từ thái độ của tâm hồn (inner disposition of one’s heart)  mà  Đức Cha Tổ Phụ gọi là tư cách phần hồn và tư cách tấm lòng. Đối với Tư cách phần hồn, ta “cần phải có tận trong lòng, lòng thảo mến Chúa, đức tin vững chắc và mạnh mẽ.”  Ngài cũng nhấn mạnh ta phải yêu mến bậc nhà dòng, thích tịch mạc, cầu nguyện và học hỏi về các điều về Chúa.  Còn đối với tư cách tấm lòng,  Đức Cha Tổ Phụ khuyên trong các mối tương quan với tha nhân, chị em phải “giàu từ tâm, có bằng yên hòa thuận, biết phép lịch sự.”[5] .

  •  Tư cách phần hồn: Chị em cần xác tín những nguyên lý sau:
  • Tình Yêu đối với Thiên Chúa phải là động lực chính:  Trước khi trao sứ vụ làm đầu  Giáo Hội cho Thánh Phêrô, Tình Yêu là điều kiện duy nhất Chúa Giêsu yêu cầu nơi thánh nhân.  Ngài hỏi Thánh Phêrô ba lần, “Phêrô anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-19). Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa mới có đủ sức mạnh giúp ta kiên trì và trung thành phát huy tình bác ái huynh đệ. Bất cứ lý do nào khác chỉ nhất thời, có thể bị lu mờ và biến dạng theo thời gian và hoàn cảnh, bởi con người bị giới hạn trong thời gian và không gian. Kiến thức sẽ giảm;  danh vọng có thời;  tiền bạc có hạn;  sức khỏe thì mỏng manh. Các động lực phù vân đó không cấp cho ta đủ sức mạnh nội tâm để kiên trì vượt khó. Khi chu toàn sứ vụ, Chúa Giêsu luôn mặc tâm tình yêu mến và hiếu thảo đối với Chúa Cha: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.  Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 28-29).  Thánh Phaolô cũng đã xác quyết điều này khi ngài tuyên bố: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 37-39).

Quả thực, chỉ qua niềm xác tín và niềm tin vững mạnh vào tình yêu của Thiên Chúa, ta mới có thể đứng vững giữa những ào ạt của sóng đời và yếu ớt của bản năng. 

  • Lòng xác tín về Tinh Thần Dòng được biểu lộ qua thái độ sống.

Chị em cam kết sống đức ái trọn hảo là kính Chúa ái nhân khi công khai và long trọng tuyên khấn trong tay bề trên, là đại diện Thiên Chúa[6] .

Hằng ngày, chị em có thể rất chân thành tuyên xưng đức tin qua Kinh Tin Kính và nhắc lại lời cam kết với Thiên Chúa mỗi khi cùng nhau đọc kinh Tận Hiến bằng tấm lòng thành, nhưng những giá trị đó chưa hẳn là niềm xác tín nếu chúng chưa trở thành thái độ sống  hoặc quan điểm sống của mình. Vì thế, hàng ngày ta cần xin được ơn mến Chúa yêu người.  Khi ta kiên trì và tha thiết cầu xin, chắc chắn Chúa sẽ nhận lời. Với ơn thánh và lòng muốn, quan điểm sống về tinh thần đức ái sẽ dần thấm nhuần tâm hồn ta. Các giá trị in sâu trong tâm làm nên niềm xác tín.  Niềm xác tín trở thành quan điểm (trạng thái của tâm hồn) được biểu lộ ra bằng những lựa chọn cụ thể. Thái độ hay quan điểm sống được thể hiện qua cách tự nhiên hoặc ý thức, khi ta chọn theo giá trị đã được xác tín từ trong tâm hồn mình. Chính qua thái độ sống này mà Tinh Thần Dòng được tỏa sáng.

  •  TƯ CÁCH TẤM LÒNG: Giàu lòng từ tâm, bằng yên hòa thuận và biết phép lịch sự.
  • Tất cả mọi người bất kể giai cấp, sắc tộc, giàu nghèo hay tốt xấu điều là anh em của ta và ta có trách nhiệm với họ (giàu lòng từ tâm):

Khi một người Do Thái hỏi Chúa Giêsu “Ai là người thân cận của tôi?” Ngài trả lời bằng một câu chuyện của người Samari Nhân Lành (Lc 10, 29-37). Người thân cận đó chính là người Do Thái bị cướp bóc mà người Samari nhân lành dừng chân giúp đỡ. Trong cái nhìn của người Do Thái, người Samari là người tội lỗi, không xứng  được ơn thánh.  Vậy mà người này có thể vượt lên trên quan điểm của xa hội để giúp một nạn nhân được xem như kẻ thù của mình. Người Do Thái và người Samari tuy đều là gốc Do Thái nhưng  không nhận nhau là anh em vì người Samari sống với dân ngoại, lập gia đình với họ và ít nhiều  đã sống theo tập quán và tôn giáo của dân ngoại.  Vì thế, cả hai bên thường không tiếp xúc với nhau và coi nhau như kẻ thù[7]. Quan điểm này đã in sâu vào phong tục và truyền thống của họ. Chúa Giêsu muốn đánh đổ bức tường ngăn cách này và mời họ sống với nhau như anh em. Thay đổi định kiến là bài học Chúa Giê su đã dùng để răn dạy người Do Thái.  Đây cũng chính là lời mời gọi Ngài danh cho chúng ta trong thời đại hôm nay.  Bởi lối suy nghĩ kỳ thị về giai cấp, sắc tộc, giầu nghèo, tốt xấu… không phù hợp với giới luật yêu thương của Thiên Chúa và vì tất cả mọi người là con của một Cha Trên Trời (Mt 6,9–13). Đức Thánh Cha Phanxicô trích lời của Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyeb như sau: “Thiên Chúa đã tạo dựng nhân loại. Tất cả đều bình đẳng với nhau về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, đồng thời đã kêu gọi họ cùng chung sống với nhau như anh em[8].

Trong tư cách giàu từ tâm, ngoài những người thân theo huyết thống hoặc theo tình nghĩa, ta còn có trách nhiệm với anh em đồng loại, bất kể họ là ai. Điều này được xác định qua dụ ngôn ngày phán xét khi Chúa khen thưởng những ai giúp đỡ anh em nghèo khổ, tù đày…và phạt những người không làm như thế (Mt 25, 31-46). Một thái độ sống khác mà Chúa Giêsu mời gọi ta kiểm điểm lại là thái độ sống dửng dưng,  nghĩa là không làm phiền ai và cũng chẳng quan tâm gì đến người nào. Câu chuyện của anh Lazarô nghèo khó và người phú hộ giàu có cho ta thấy, dù người phú hộ kia chẳng miệt thị gì người ăn xin trước cổng nhà  mình, nhưng vì thái dửng dưng vô cảm trước sự túng quẫn của người khác, đã khiến ông phải trả lẽ trước mặt Chúa. Qua hai dụ ngôn trên, Chúa Giê su dẫn chúng ta đến với thái độ: 

Có một trái tim rộng mở, nhạy cảm với những nỗi khốn quẫn của người khác. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Anh em hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Một khi trái tim chúng ta mang lấy thái độ này thì chúng ta có khả năng đồng hóa mình với người khác, chẳng kể người đó sinh ở đâu hoặc đến từ nơi nào.  Khi đi vào tiến trình này, cuối cùng chúng ta sẽ cảm nghiệm được người khác là “anh em cốt nhục” của mình (Is 58,7).”[9].

  • Nơi đâu không có công bình (justice), ở đó không thể có bằng yên hòa thuận.

Công bình là trả lại cho người những gì là của họ. Công bình là công chính, là công bằng, là điều đúng, là không thiên vị[10]. Ở đâu có bất công, ở đó không thể có đức ái. Vì bất công là xúc phạm đến quyền lợi của người khác, là tước đi những gì thuộc về họ. Quyền lợi có thể thuộc phạm vi tinh thần như danh dự, sự tôn trọng, lòng yêu thương, hay vật chất như tiền bạc, đất đai, sức lực, thời gian… Chính vì sự bất công mà con người không thể sống hòa thuận với nhau.  Người bị đối xử bất công thường sẽ chống lại.  Từ đó gây chia rẽ và bất hòa.  Bản năng tự nhiên của con người, nếu không kiểm soát, thường sẽ vơ quén về cho mình phần tốt hơn với cái giá người khác phải hứng chịu. Nhiều khi vô tình hay hữu ý, ta dễ dàng lấn sang quyền lợi hoặc bóc lột sức lực của người khác.  Thử hỏi xem có bao nhiêu nhà đại gia hoặc nhà chức trách dám sống ở nơi  nguồn nước bị ô nhiễm?  Vậy mà họ không hề ngần ngại thải chất độc vào các sông ngòi nơi dân cư. Để có thể chiếu tỏa tinh thần đức ái, chị nữ tu Mân Côi phải rất tỉnh thức để cảnh giác mình khỏi khuynh hướng tự nhiên này. Qua tiên tri Iasiah, Chúa dạy, “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Isaiah 1:17). Tiên tri Mi-kha biểu lộ lòng ước mong của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài, “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn:  đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mi-kha 6:8). Yêu là muốn điều tốt cho người mình yêu.  Trong sự bất công không có tình yêu là vì bản chất của nó là ưu tiên phần lợi về cho mình dù phải ngang qua việc chiếm đoạt, thiên vị, hay những hành vi thiếu công bằng khác.

“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. ” (Lc 11:42). Qua đoạn kinh thánh này, Chúa Giêsu khẳng định giá trị của đức công bìnhlòng mến Thiên Chúa.  Ngài phẫn nộ với những người lãnh đạo vì thái độ “sao nhãng” liên quan đến đức công bình và không chấp nhận được lối suy tư và cách ứng xử lệch lạc này, nhất là khi nó đến từ những nhà lãnh đạo đại diện Thiên Chúa.

Khi nói đến bất công, ta thường liên tưởng đến các nhà chức trách của chính phủ. Họ ăn hối lộ, lách lối và có khi lừa gạt để mang những lợi phẩm về cho mình. Hoặc họ cũng có thể đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của những người không có tiếng nói trong xã hội.  Vì thế, những người “thấp cổ bé họng” phải hứng các “cặn bã” ấy.  Trong thực tế, dưới mức độ nhỏ hơn, có khi nào lối ứng xử của cũng mang mầm mống của sự bất công qua những điều cụ thể như: 

  • Tôn trọng người có học, biết cách ăn nói hơn là một công nhân mù chữ và nghèo nàn?
  • Thương riêng, dành ưu tiên cho những bé ngoan hiền, bố mẹ giầu?
  • Vu khống, dèm pha, xúc phạm đến danh dự của người khác vì bất cứ lý do nào?
  • Cũng cùng một thiếu sót đó, ta đối xử khoan hồng hơn với người này mà khó chập nhận đối với người kia.
  • Ta có tế nhị trong những tình huống hàng ngày hầu không lỗi đức công bằng về thời gian, sức lực, quền lợi, hoặc danh dự của người khác? Thí dụ như ta thường không thích ai lấn hàng, đến sau nhưng lên trước, nhưng nơi bệnh viện hay để giải quyết một công việc, một cách vô tình, ta nhờ người quen dẫn vào hoặc giúp đỡ để khỏi phải chờ lâu? 
  • Ta có dừa việc?  Để việc nặng, việc khó cho người khác?
  •   Biết phép lịch sự

Phép lịch sự là yếu tố thứ 3 Đức Cha Tổ Phụ liệt kê trong phần “tư cách tấm lòng”.   Ngài nói chị em phải “BIẾT phép lịch sự”.  Ứng xử lịch sự là cách cụ thể nhất để ta chiếu tỏa Tinh Thần Dòng. Tất cả những giá trị tiềm ẩn trong tâm ta chỉ có thể lộ diện ra bên ngoài qua cách ứng xử và lựa chọn trong tình liên đới với tha nhân. Vì thế, ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của phép lịch sự.  Đức Cha Tổ Phụ nhấn mạnh chị em phải “BIẾT phép lịch sự”, có nghĩa là ngài khuyên chúng ta phải chú tâm thao luyện, không nên coi thường.  

“Lịch sự  có nghĩa là “xử thế hoàn hảo”, là những hình thức, lễ phép, do con người trong một xã hội thiết lập và công nhận, nhằm đối xử với nhau cách tôn trọng và làm êm dịu cuốc sống chung.” Vì phép lịch sự là thái độ bên ngoài biểu lộ lòng kính trọng có sẵn từ bên trong cho nên cần phải có hồn của lịch sự là lòng chân thành. Điều này nói lên thái độ đẹp phát xuất từ bên trong tỏ hiện qua cung cách lịch sự ở bên ngoài.  Nếu không có lòng chân thành, phép lịch bên ngoài suông có thể đưa đến hành vi giả hình và nịnh bợ. Ngoài ra, đức Công Bằng và Bác Ái, hai nhân đức đã được triển khai trên, cũng là hai nhân đức được cha Francois Việt khẳng định là nền tảng của lịch sự:[11].

Công bằng:  Vì phép lịch sự dạy ta biết tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của người khác, cũng như ta muốn người khác tôn trọng ta.  Lịch sự là một thứ kỷ luật bản thân để  khỏi xâm phạm đến tự do người khác.

Bác Áivì muốn lịch sự với người khác, ta phải dẹp bỏ tính ích kỷ, chế ngự tính nóng nẩy, thái độ thô tục…Và tích cực hơn, ta muốn tạo bầu khí vui tươi, làm hài lòng người khác.  Lịch sự cũng là một sự cho đi.  Có người nói:  “Lịch sự là đóa hoa của đức ái”. 

  1.  KẾT

Để các giá trị và niềm tin tuyên xưng trên đầu môi trở thành thái độ sống chiếu tỏa tinh thần đức ái của Dòng, ta phải đi trên lộ trình thao luyện kéo dài cả đời.  Ta phải hết lòng nhẫn nhục mới đạt được thành quả. Đầu tiên, ta cần kiên nhẫn với chính mình vì không phải lúc nào ta cũng hào hứng dấn thân, sẵn sàng tha thứ hay quảng đại từ bỏ. Sự yếu đuối té quỵ trên đường luyện tập là điều không thể tránh. Điều quan trọng là ta trở nên khiêm nhường và dễ thương hơn sau mỗi lần vấp phạm. Thứ đến, trong ngôn ngữ Đức Ái, không có danh từ “cân bằng” hay “thước đo”, mà khuynh hướng tự nhiên của con người là so đo, cân nhắc. Vì thế, tinh thần Dòng kêu gọi ta phải hết lòng nhẫn nhục yêu thương và chờ đợi dù tình thường trao ban của mình có được đền đáp hay bị coi thường. Chúa Giêsu nêu rõ quan điểm này trong câu chuyện người Cha Nhân Hậu, mong chờ người con hoang đàng trở về. Người Cha đã sẵn sàng phục hồi quyền làm con cho người con thứ dù anh đã bất hiếu phung phí hết phần gia tài của mình trước khi trở về với Cha (Lc 15, 1-3. 22-32). Ta mong sao tâm ta chớm nở mỗi ngày tốt hơn tư cách phần hồn như Mẹ Maria, luôn đặt trọng tâm vào niềm tin và tình yêu nơi Thiên Chúa, để trong mọi hoàn cảnh, ta có thể chiếu sáng tình thần đức ái hoàn hảo. Trong tư cách tấm lòng, Đức Cha Tổ Phụ khuyên ta phải có lòng từ tâm, phải biết sống hòa thuận và biết phép lịch sự trong cách ứng xử.  Thánh thiện thay, khi thái độ sống của chị nữ tu Mân Côi phát xuất từ hai tư cách phần hồn và tư cách tấm lòng này.

  1. ĐỀ NGHỊ THỰC HÀNH
  2.  Hằng ngày chân thành xin ơn mến Chúa yêu người
  3. Hằng ngày nhắc nhở mình rằng, “Tôi có trách nhiệm thực thi tình thần đức ái Phúc Âm.”
  4. Với tấm lòng chân thành và dựa trên hai đức công bằng và bác ái, thao luyện một phép lịch sự nào mình còn thiếu sót.

Nt. M. Martine Thiên An, fmsr


[1] Tinh Thần Đức Ái Của Nữ Tu Mân Côi Theo Đức Cha Tổ Phụ 2020, Tr. 6

[2] Hiến Luật Dòng 2019, số 2

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô (3.10.2020) Thông Điệp Fratelli Tutti về Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội, số 19

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô (3.10.2020) Thông Điệp Fratelli Tutti về Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội, số 18

[5] Gương Mẫu Chị Tập Đoạn I, 3,7; GSI 2011 tr. 328,330

[6] Nghi Thức Khấn Dòng 2019, tr. 9

[7] Pat McCloskey, OFM (May 16, 2020) The Rift between Jews and Samaritans, retrieved July 12, 2024,

from https://www.franciscanmedia.org/ask-a-franciscan/the-rift-between-jews-and-sam, aritans/

[8] Thông Điệp Fratelli Tutti về Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 2020, số 5

[9] Thông Điệp Fratelli Tutti về Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 2020, số 84

[10] Meriam Webster Dictionary, retrieved July 26, 2024,  from https://www.merriam-webster.com/dictionary/justice

[11] Lm Francois Viêt, Giáo Dục Nhân Bản,  2002 , Tr. 8

Bài mới

Chủ đề sống Tháng 03 & 04 năm 2025: HỌC THEO “PHONG CÁCH MARIA” TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO.

Giáo Hội đòi buộc “thành viên các tu hội thánh hiến […] phải hoạt động …