Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến,
“Khắc kỷ tu thân” là cụm từ mà Đức Cha Tổ Phụ nhắc đến khá nhiều trong các bài giáo huấn dành cho chị em Mân Côi, đặc biệt trong phần nói về các nhân đức phải luyện tập. Theo Đức Cha, vào Dòng là để tu thân, mà tu thân thì trước hết phải sửa chữa tính xấu, khước từ những ý muốn hoặc sở thích theo xu hướng tự nhiên. Hơn nữa, tu thân còn là sự luyện tập kiên trì các nhân đức, là tu dưỡng đạo đức bản thân đến mức hoàn thiện. Nhờ vậy, mà chị em mới có thể giúp người khác nên người và sống tốt. Nhưng, để tu thân thành công thì trước hết phải có khắc kỷ. Khắc kỷ là làm chủ bản thân, là hãm mình, hy sinh từ bỏ những ước muốn không phù hợp với bậc sống mình. Vì theo Đức Cha Tổ Phụ,“có những sự đối với người thế gian vốn không tội, nhưng đối với bậc nhà dòng thì không hợp, nên phải cất đi… phải biết hãm mình” (GSD I, 239). Như vậy, vào nhà dòng thì phải tu thân bằng nếp sống khắc kỷ, biết chế ngự bản thân để tiến đến sự hoàn hảo. Người biết khắc kỷ tu thân là người có sức mạnh tinh thần cao độ và có khả năng đương đầu với những sóng gió cuộc đời, biết kiên trì luyện tập để chiến thắng bản thân, biết sống nghiêm túc để có được sự tiến bộ trong cuộc sống.
Trong giáo huấn về đời sống tu trì, Đức Cha Tổ Phụ thường nhắc đến việc khắc kỷ tu thân như một điều kiện để sống hạnh phúc và trung thành với ơn gọi: “Không có sự hy sinh hãm mình, người ta không thể nào được hạnh phúc… và cũng dễ bất trung với ơn kêu gọi” (GSD I, 455.457). Bước vào đời sống tu trì, cần phải có sự hy sinh hãm mình cả bề ngoài lẫn bên trong, nghĩa là biết chế ngự những đòi hỏi không cần thiết và vô độ của thân xác, ngũ quan để tu tâm dưỡng tính cũng như để dễ thăng tiến trong đời sống tinh thần và tâm linh, biết điều chỉnh nếp sống cho trật tự, quân bình và phù hợp với ơn gọi của mình: “Cách ăn nết ở phải đoan trang, đằm thắm, cái gì bất cập thì thôi thúc, cái gì thái quá thì hãm lại” (GSD I, 243).
Theo Đức Cha Tổ Phụ, sống khắc kỷ tu thân không phải là cách thức con người nghĩ ra, nhưng có nền tảng từ lời dạy của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Tôi” (Mc 8, 34 ). Bỏ mình, bỏ ý riêng mình và đón nhận thập giá đời mình, đó là việc hãm mình tuyệt hảo[1]. Như vậy, việc khắc kỷ tu thân là con đường hy sinh từ bỏ, con đường thập giá dẫn chúng ta đạt đến mục đích của đời thánh hiến là nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Việc nên giống Đức Kitô là một hành trình chiến đấu với chính con người của mình qua việc hy sinh và khổ luyện để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Con đường khắc kỷ tu thân được khơi nguồn từ mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Vì thế, khi đáp lại lời mời gọi “vác thập giá mà theo Thầy”, chúng ta đón nhận một lối sống từ bỏ và tự nguyện bước vào “con đường hẹp”, để noi gương Chúa Giêsu, trọn đời uốn mình trong thánh ý Chúa Cha với niềm vui và sự bình an.
Vào thời Đức Cha Tổ Phụ, việc khắc kỷ tu thân rất được đề cao. Đó là biểu hiện không thể thiếu nơi một người đi theo Chúa cũng như nơi một người được gọi là thánh thiện. Người ta cho rằng, không thể có sự thánh thiện nếu không biết từ bỏ ý riêng, chế ngự tính mê nết xấu, gìn giữ ngũ quan và hãm dẹp những đòi hỏi của xác thịt,… Khi chiến thắng được những điều này, người ta mới có thể tiến bộ trong đời sống thiêng liêng và nên thánh. Quan điểm này cũng rất phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu khi dạy chúng ta phải khổ chế hy sinh, nghiêm túc với chính mình, cho dù phải hy sinh một phần thân thể để được cứu độ. Người dạy nếu tay hoặc chân của ta làm cớ sa ngã thì chặt nó đi, thà có một tay, một chân mà vào Nước Trời còn hơn là có đủ cả hai mà phải sa hoả ngục. Hoặc nếu mắt ta làm cớ sa ngã thì móc nó đi, vì thà mất một mắt mà được vào Nước Chúa còn hơn là có đủ cả hai mà bị ném vào hoả ngục (x. Mc 9, 43-47).
Tuy nhiên, ngày hôm nay, quan niệm về khổ chế đã ít nhiều thay đổi khi các khuôn thước tôn giáo và xã hội được nới rộng; đời sống và thân thể con người được coi trọng hơn; kỷ luật đời tu cũng thoáng rộng hơn nên nhiều người không coi việc khắc kỷ tu thân như một phương thế giúp nên hoàn thiện. Từ đó, một số tu sĩ đã bị quá đà, để mình cuốn vào lối sống hưởng thụ, dễ dãi và tiện nghi, nên có vẻ ngán ngẩm khi phải đối diện với từ bỏ hy sinh và coi việc sống tinh thần khổ chế như một cực hình, thậm chí còn xem đó như một lối sống thiếu tiến bộ và không phù hợp với thời đại văn minh.
Thật ra, Thiên Chúa không ép chúng ta đi theo Người, nhưng khi đã tự nguyện từ bỏ mọi sự để theo Chúa, chúng ta phải đáp ứng những điều kiện của Người thì mới có thể trở nên môn đệ đích thực như ý muốn của Người. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần dung hòa những quan điểm khác biệt xưa và nay, để chọn một hình thức khắc kỷ tu thân cho phù hợp với hoàn cảnh sống hôm nay. Về điều này, Giáo Hội nêu lên một số hướng dẫn như sau: “Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: Phải biết mình, khổ chế tuỳ theo hoàn cảnh, tuân giữ các giới luật của Chúa, thực hành các nhân đức và chuyên cần cầu nguyện”[2].
- Biết mình là có khả năng hiểu biết những giá trị bản thân, cái tốt và cái xấu; kiểm soát và làm chủ được mọi hành vi của mình; Hiểu biết nguyên nhân của cảm xúc và biết điều chỉnh chúng, không để chúng điều khiển mình.
- Khổ chế tùy theo hoàn cảnh: Trong đời tu có nhiều dạng thức khổ chế khắc nhau nhằm để xa lánh dịp tội cũng như để tiến tới sự trọn lành và để nên giống Chúa Kitô hơn, cụ thể được diễn giải trong luật Dòng. Tất cả đều được thực hành trong ánh sáng của lòng mến và do lòng mến thúc đẩy. Vì thế, mỗi người sẽ tìm ra những cách thức khổ chế tùy theo bậc sống và hoàn cảnh của mình.
- Tuân giữ giới luật của Chúa: Mọi giới luật của Chúa đều quy về hai điều: Mến Chúa và yêu người. Khổ chế là một sự cam kết dấn thân trong tình bác ái, là cách chứng thực tình yêu cách cụ thể và rõ nét nhất đối với Thiên Chúa và tha nhân.
- Thực hành các nhân đức: Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn trợ giúp và đồng hành với chúng ta trong việc thực hành các nhân đức siêu nhiên cũng như tự nhiên. Các nhân đức phải được thủ đắc cách cá nhân và bền vững bằng việc thực hành liên lỉ điều thiện. Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải luôn để tâm thực hành các nhân đức: “Những gì là chân thật, cao quý; những gì là chính trực, tinh tuyền; những gì là đức hạnh, đáng khen thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4, 8). Người nhân đức luôn hướng về điều thiện và quyết tâm thực hiện bằng những hành động cụ thể.
- Chuyên cần cầu nguyện là cầu nguyện luôn mãi, là biến cuộc sống thường ngày trở thành một đời sống cầu nguyện để tinh thần của Chúa Giêsu trở thành tinh thần của mình. Khi chuyên cần cầu nguyện, chúng ta sẽ được chìm sâu trong ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần.
Kính thưa toàn thể chị em rất thân mến,
Những hướng dẫn của Giáo Hội trên đây giúp chúng ta thực hành việc khắc kỷ tu thân một cách cụ thể, nhằm chế ngự bản thân và làm thăng hoa đời sống về mọi phương diện. Việc khắc kỷ tu thân luôn hướng đến sự hoàn thiện và vì hạnh phúc của tha nhân. Chính trong việc tự nguyện sống khổ chế mà chúng ta minh chứng cách cụ thể tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa. Ước mong chúng ta luôn yêu mến và tích cực thực hành tinh thần khắc kỷ tu thân để cuộc sống chúng ta được triển nở luôn mãi trong tình yêu thương và tinh thần phục vụ. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của chúng ta. Xin Mẹ Maria Mân Côi giúp chúng ta luôn biết trổ sinh những hoa trái tốt lành thánh thiện bằng chính đời sống hy sinh từ bỏ, hết lòng gắn bó với Chúa, để mỗi ngày chúng ta được nên giống Chúa hơn, biết sống cho hạnh phúc của tha nhân một cách thanh thoát và an vui.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
M. Rose Vũ Loan, FMSR
[1] GSD I, 240
[2] Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo số 2340