Home / Thư Bề Trên-TLHT / Thư Bề Trên / TÂM THƯ THÁNG 08-2022 : GIẢM NHỮNG ĐIỀU VÔ ÍCH, NHỮNG SỰ KHÔNG CẦN (I, 197)

TÂM THƯ THÁNG 08-2022 : GIẢM NHỮNG ĐIỀU VÔ ÍCH, NHỮNG SỰ KHÔNG CẦN (I, 197)

Trong bài giáo huấn về tinh thần hy sinh, Đức cha Tổ Phụ dạy chị em phải “giảm những điều vô ích, những sự không cần, vì tuy không giảm thì cũng không có lỗi gì, nhưng có những nố như vậy thì cũng là muốn cho thỏa ý riêng”[1]. Điều Đức Cha Tổ Phụ mong muốn là chị em trở thành một “nữ tu hy sinh”, biết tự nguyện và an lòng từ bỏ ý riêng, từ bỏ những điều mình thích mà không cần thiết, nhất là trong lãnh vực vật chất.

Có người nhận xét rằng: con người hôm nay như “cắm đầu phô trương và hưởng thụ”. Điều này muốn nói đến một nền văn hóa coi trọng vật chất đang phổ biến trong xã hội. Não trạng hưởng thụ đang len lỏi vào mọi tầng lớp cuộc sống và không loại trừ đời tu. Mặc dù người tu sĩ không còn thuộc về thế gian nhưng vẫn đang sống giữa thế gian, nên vẫn còn bị ảnh hưởng mức độ nào đó của những trào lưu thế tục. Trong bầu khí này, chúng ta thường muốn có nhiều thứ, mà những thứ thật sự có nhu cầu có khi lại rất ít. Nhu cầu được hiểu là sự cần thiết, một đòi hỏi, một nguyện vọng, một khát khao về lãnh vực tinh thần và vật chất để tồn tại và phát triển. Khi nói đến nhu cầu, dù cá nhân hay tập thể, thì nó cũng rất đa dạng và chi phối mạnh mẽ đến tâm lý cũng như hành vi của con người, nên nó thường thúc đẩy con người tìm kiếm để được thỏa mãn.  

Cuộc sống hôm nay có quá nhiều thứ để sở hữu, quá nhiều việc để làm, nhưng lại quá ít ý nghĩa để sống. Điều nghịch lý này làm cho con người bị phân tán và trở nên mơ hồ, không phân biệt đúng mức được lợi ích thực sự của những vật dụng, những phương tiện và cũng không xác định được mình có cần đến chúng hay không? Thoreau trong cuốn sách Walden-Một mình sống trong rừng, đã viết như sau: “Mỗi ngày chúng ta đều nỗ lực hết sức cho cuộc sống, nhưng lại không nhận ra bản thân đang mất dần đi những giá trị, khi mà chúng ta chỉ thích mua thêm những thứ vật chất mà những điều cần thiết cho tâm hồn lại chẳng quan tâm”. Đúng vậy, xã hội tiêu thụ hôm nay có nhiều thứ mới lạ xuất hiện, từ sự giầu có và phong phú của những mặt hàng hóa tiêu dùng cho đến những loại hình giải trí, vui chơi, cả những kiểu cách tương quan hằng ngày và nỗi ám ảnh với việc ôm đồm muốn làm mọi thứ và làm quá nhiều. Tất cả đều có sức hấp dẫn nào đó khiến chúng ta tìm hết cách để có, nhưng một lối sống hướng về những giá trị tinh thần cao đẹp lại không đủ sức thu hút sự quan tâm, bởi chúng ta thường nghiêng chiều về những gì dễ dãi, làm thỏa mãn đời sống vật chất hơn là hướng về sự tăng trưởng tinh thần và tâm linh. Để vượt thắng những cám dỗ đang ngày đêm mời mọc, chúng ta cần đến sự trợ giúp của ân sủng Chúa và một sự quyết tâm kiên trì của bản thân mỗi người.

Cổ nhân có câu: “Mọi việc càng đơn giản càng tốt” hay “càng sống giản dị càng hạnh phúc”. Đối với người sống đời thánh hiến, hai chữ giản dị nghe rất quen thuộc vì đã được tập luyện ngay từ khi bước chân vào nhà dòng. Giản dị là điều gì đó thật đơn giản, nhẹ nhàng, không xa hoa, cầu kỳ, vô ích. Sống giản dị là sự thân thiện, dễ hòa nhập, không phức tạp, rắc rối. Sự giản dị biểu hiện ở nhiều lãnh vực khác nhau: từ thái độ, thói quen, phong cách, sự giao tiếp đến trang phục và việc sử dụng những nhu cầu cho một cuộc sống đơn giản. Người giản dị chú tâm đến ý nghĩa cuộc sống và mục đích của công việc hơn là những phương tiện bên ngoài; biết sử dụng cách khôn ngoan những vật dụng theo đúng nhu cầu và luôn ý thức kìm hãm ước muốn hưởng thụ hay những chi tiêu không cần thiết để cuộc sống được cân bằng, tự do, thanh thoát về tâm hồn và trí tuệ.

Đối với các tu sĩ, so với thời gian trước đây, chất lượng cuộc sống đã được nâng cao, cả về lãnh vực vật chất, xã hội và tinh thần. Chúng ta có đủ phương tiện sinh sống, học hỏi và làm việc. Tuy nhiên, khuynh hướng tự nhiên muốn có mọi thứ và nhu cầu mua sắm đang len lỏi vào đời sống, khiến chúng ta khó phân biệt đâu là nhu cầu chính đáng, đâu là nhu cầu ảo, nên dễ chạy theo vẻ bề ngoài hào nhoáng và dần đưa đến lối sống theo một tiêu chuẩn nào đó không phù hợp với ơn gọi của mình. Thánh Augustinô đã chia sẻ sự lệch lạc của mình như sau: “Con thật hư hỏng khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp. Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con mà con lại không ở với Chúa. Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa, trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa”. Kinh nghiệm của thánh Augustinô cho thấy những gắn bó lệch lạc do ảnh hưởng của lối sống thế gian, làm chúng ta khó nhận ra Thiên Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng và luôn mới mẻ.

Khi tự nguyện bước theo Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận lời mời gọi: “Hãy qua cửa hẹp mà vào Nước Trời, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7.13-14). Lời mời gọi này đặc biệt dành cho những người sống đời thánh hiến khi họ tự nguyện theo sát Chúa Giêsu qua việc thực hành ba lời khuyên Phúc Âm và luật Dòng, là những yếu tố định hình người thánh hiến nên giống Chúa Giêsu. Khi sống gắn bó thân mật với Chúa, chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để nên giống Người, sẽ nhận ra điều gì phù hợp với tinh thần của đời thánh hiến, cụ thể qua việc thu nhận hay sử dụng những phương tiện sống một cách đúng mức, thích hợp với tinh thần khổ chế theo ý Đức Cha Tổ Phụ:chị em phải thực hành sự hãm mình khổ chế thường xuyên trong đời sống, như của lễ hy sinh hiến dâng Thiên Chúa… Chị em thực hành khổ chế bằng việc kiên trì tập luyện các nhân đức, sống khắc kỷ tu thân, đón nhận những hy sinh và điều trái ý cực lòng, từ bỏ ý riêng, sẵn lòng chừa cải những khiếm khuyết sai lệch, giảm bớt những sự không cần thiết, và an lòng trước mọi hoàn cảnh[2]. Với tinh thần khắc kỷ tu thân, chúng ta sẽ coi nhẹ của cải vật chất, làm chủ được những đam mê và có khả năng biện phân chính xác những gì phù du để khước từ và những thực tại vĩnh cửu để gắn bó trong suốt hành trình sống ơn gọi của mình.

Châm ngôn người Nhật nói rằng: “Mỗi lần bạn sở hữu trong tay những gì hơn mức cần thiết, là mỗi lần bạn đánh mất tự do của chính mình”. Không quá chú trọng đến vật chất sẽ giúp chúng ta biết dành thời gian và tiền bạc cho những điều khác quan trọng hơn trong cuộc sống. Can đảm khước từ những thỏa mãn vật chất và không rập theo não trạng thế tục là một quyết định giúp chúng ta có được sự tự do nội tâm để cõi lòng được thanh thoát mà theo đuổi “cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Thái độ này giúp chúng ta chú tâm vào những lãnh vực tinh thần và tâm linh, như một sự chuẩn bị cần thiết dẫn đến sự hoàn thiện.

Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng,

Đức Thánh Cha Phanxicô dạy các tu sĩ: “Đừng rập theo thói đời, đừng hành xử theo thói đời, đừng nghĩ theo cách thế tục, bởi những điều đó chỉ thấy được cái mà thế gian mời chào, và nó sẽ cướp đi sự tự do của bạn [3]. Sự buông bỏ những quyến rũ của thế tục là điều phù hợp với thánh ý Chúa. Mỗi ngày buông bỏ một chút, từ cái nhỏ đến cái lớn, sẽ giúp chúng ta giải thoát được những dính bén, sẽ không mất thời giờ, sức lực cho những thứ chẳng mang lại ích lợi và ý nghĩa gì cho mình. Tinh thần đơn giản giúp chúng ta đừng có thêm gì khi thực sự không cần hoặc không làm giầu cho đời sống tinh thần và tâm linh của mình. Để giữ được một tâm thế tích cực và sự kiên định giữ vững lập trường của mình, trước hết chúng ta cần đến sức mạnh của ân sủng để có thể vượt thẳng chính mình như kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Bởi vì tự sức mình, chúng ta khó thoát khỏi những gọi mời và quyến rũ của thế gian. Xin Chúa giúp chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, can đảm loại bỏ những gì không cần thiết, để những gì thực sự cần thiết được quan tâm và phát triển.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

M. Rose Vũ Loan, FMSR


[1] GSD  I, 197

[2] x. HLD 33.1; GSD I, tr. 195

[3] ĐTC PHANXICÔ, bài giảng ngày 29-05-2018 tại nhà nguyện Thánh Martha.

Bài mới

Chủ đề sống Tháng 01 & 02 năm 2025: VỊ TRÍ CỦA ĐỨC MARIA TRONG LINH ĐẠO DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Đức Maria được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính, vì Mẹ là …