Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến
Người ta cho rằng tinh thần chung sức làm việc hướng đến thành công là sức mạnh lớn nhất của con người, bởi vì muốn đạt được mục đích chung, cần phải huy động nhiều nguồn năng lực, cần phải có sự hỗ trợ lẫn nhau. Ở những công việc đơn giản, một cá nhân có thể hoàn thành và đạt được hiệu quả nhất định, nhưng đối với những công việc lớn, những vấn đề chung ảnh hưởng đến nhiều người, thì không cá nhân nào có thể hoàn thành một mình. Lúc đó tinh thần hợp tác là điều tất yếu đưa đến chất lượng và sự thành công. Có thể nói, tinh thần hợp tác là nguyên tắc sống còn để duy trì lợi ích cá nhân và tập thể, bởi vì khi làm việc chung với nhau, chúng ta kết hợp được những ý tưởng và kỹ năng tốt nhất của mỗi người. Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn không thiếu những người không đủ tinh thần hợp tác, thiếu ý thức về tình liên đới, họ quy về mình, lo cho mình mà không quan tâm đến lợi ích của cộng đoàn.
Có lẽ bài học đầu tiên của mỗi chúng ta khi bước chân vào môi trường tu viện là học sống cộng đoàn và làm việc chung với nhau, để nhìn nhận cộng đoàn như gia đình mình và chị em là người thân của mình. Tinh thần chung này đưa đến cảm thức gắn bó và sống tình hiệp thông với nhau. Làm việc chung, một nét đẹp thật đáng yêu của các cộng đoàn thánh hiến, bởi lẽ sự hiệp nhất nên một là bản chất của cộng đoàn. Làm việc chung để hướng đến sự hoàn hảo trong công việc, vì một người dù rất giỏi cũng không bằng nhiều người hợp lại; vì con số một thì quá nhỏ bé để tạo nên điều vĩ đại.
Tuy nhiên, con người hôm nay thường để ý nhiều đến cái “riêng tư”. Trong một số trường hợp, việc bảo vệ cái “riêng tư” có thể dẫn đến việc hạ thấp khía cạnh “thuộc về”, hoặc đưa đến chủ nghĩa dửng dưng với những gì được gọi là “của chung”. Trong một chuyên đề về nhân sự của VnResource[1], đã phân tích những rào cản làm người ta không hợp tác được với nhau như sau:
- Chứng tỏ cái tôi hay năng lực cá nhân: Thích chứng minh năng lực của mình nên hay phản đối và chỉ trích người khác.
- Biết nhiều nhưng không biết sâu: Những người này thường không tập trung sâu vào các lãnh vực mà thích biểu lộ về bề rộng của chuyên môn.
- Tiếp cận vấn đề theo triết lý thua- thắng: Họ thường tiếp cận vấn đề theo triết lý thua- thắng và đòi hỏi quyền lợi cá nhân nhiều hơn là quan tâm tới ích lợi của chung.
- Quên đi cái tổng thể mà tập trung vào chi tiết: Họ tập trung vào tiểu tiết thay vì đại cục. Thay vì tiếp cận hệ thống, họ lại tập trung vào những cái lặt vặt.
- Suy nghĩ cảm tính hơn là tư duy hợp lý: Những người này bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hơn là nhìn các vấn đề cách khách quan và hợp lý.
- Ngại đối diện với khuyết điểm: Họ ngại đối diện với những yếu kém của mình nên không dám nói đến hay không để cho ai đặt vấn đề, mà muốn mọi sự trôi đi cho qua chuyện.
- Không tách biệt vấn đề và con người: Khi mâu thuẫn xẩy ra, thường không tách bạch con người và vấn đề. Thay vì bàn luận vấn đề, lại thường chỉ trích cá nhân người có ý kiến đi ngược với mình. Thói quen này có thể là nguyên nhân rất trầm trọng làm giảm tính hiệu quả của tập thể.
- Không tuân thủ quy trình và các luật lệ chung: Không đủ nghiêm túc về các quy ước, luật lệ của tập thể mà thường nấn ná theo ý riêng mình.
- Giao tiếp không hiệu quả: Nói nhiều hơn nghe, truyền tải thông tin không đầy đủ, luôn luôn trả lời hiểu mặc dù chưa hiểu hết vấn đề.
- Khắc nghiệt với người khác và dễ dãi với bản thân: Thường khắc nghiệt với những người chung quanh trong công việc và cuộc sống khi nhận xét về những điểm thiếu sót, nhưng lại dễ dãi và cho phép bản thân mình có những thiếu sót trong công việc. Tính cách này tạo ra rất nhiều mâu thuẫn trong khi làm việc chung.
Với những điểm nêu trên, có lẽ ít nhiều chúng ta cũng có liên hệ. Để cuộc sống có nhiều nét đẹp, nhiều niềm vui và cùng nhau tận hưởng được những thiện ích của đời sống cộng đoàn mang lại, chúng ta nên dần dần khắc phục những trở ngại và mỗi người dám hy sinh “cái tôi” để hợp tác với nhau, điều này có thể tạo ra những điều kỳ diệu mà nhiều khi chúng ta không thể ngờ tới. Bill Bullard nói rằng: “Ý kiến cá nhân thật sự là loại hình thức thấp nhất của tri thức con người… Trái lại, hình thức tri thức cao nhất là sự hợp tác, vì nó đòi hỏi chúng ta phải tạm dừng phần của mình lại và sống trong thế giới của người khác. Mục đích cũng cao cả hơn nhiều so với phạm trù bản thân”. Hợp tác với người khác thực ra không phải là điều gì quá cao xa với khả năng của mỗi chúng ta. Mỗi người đều có thể đóng góp phần mình theo khả năng của mình, có thể đem những giá trị tốt đẹp cho nhau bằng cách sống có ích, sống tử tế. Những điều chúng ta góp phần làm cho cộng đoàn tốt đẹp hơn thì cũng làm cho bản thân mình sống hạnh phúc hơn.
Câu Lời Chúa hướng dẫn chúng ta sống tinh thần hợp tác trong cộng đoàn là: “Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhượng mà coi người khác hơn mình! Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Phil 2, 2-4). Những lời này cho chúng ta một bài học quan trọng là đời sống cộng đoàn phải có sự hợp tác, hoà thuận với nhau chứ không phải là tạo ra phe phái hoặc những ý tưởng chống đối nhau.
Một điều cũng cần thiết trong đời sống chung và nói lên được tinh thần hợp tác cách tế nhị, âm thầm, đó là quan tâm đến những việc không tên trong cộng đoàn. Chúng ta đều có một kinh nghiệm nào đó khi sống chung với nhau. Nếu cứ sống trong mức độ thô sơ, việc mình thì làm, việc người không cần để ý, việc chung cũng không cần biết đến, nếu không phân công cho mình thì kể như có người khác lo. Có lẽ một não trạng như thế không lột tả được tinh thần đức ái của một cộng đoàn thánh hiến. Một trong những phẩm chất của cộng đoàn thánh hiến là “một lòng một ý lo đến ích chung”. Dù có sự phân công mỗi người một việc, nhưng sẽ có những nơi hay những việc không thuộc riêng ai. Việc không tên của một cộng đoàn thì có rất nhiều nhưng thường bị xem nhẹ, ít ai quan tâm. Chỉ có lòng chung, sự tế nhị, hy sinh tận tụy và lòng yêu mến cộng đoàn thì mới nhận ra và sẵn sàng dấn thân vào những việc không tên này. Lo chu toàn bổn phận của mình là đếu rất tốt đẹp, nhưng cũng vẫn cần nhạy bén để nhận ra những việc không tên đang cần đến bàn tay của chúng ta, hoặc việc của chị em đang cần sự trợ giúp. Lòng chung là một dạng tình cảm xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm và tình yêu thương, được thể hiện khi ta biết quan tâm đến chị em và ngôi nhà chung của mình. Trong cộng đoàn, nếu thiếu lòng chung, nếu các thành viên không nhìn thấy trách nhiệm của mình đối với những công việc không tên thì gánh nặng của nó sẽ là rào cản đối với sự bình an và sự ấm cúng của cộng đoàn. Nhiều khi chúng ta không làm được những việc lớn lao, nhưng luôn có thể làm những điều nhỏ bé với một tình yêu thật lớn.
Một trong những khía cạnh chúng ta cần tự vấn khi sống chung với nhau là làm nổi bật “tính cộng đoàn” trong công việc. Nói chung, chị em hăng say và có trách nhiệm trong việc bổn phận của mình, nhưng lại ít quan tâm đến bổn phận của chị em hay công việc chung. Hiện tượng này có thể dẫn đến những khó khăn trong việc tổ chức cộng đoàn, gây ra sự phân tán, thiếu thống nhất, khó cộng tác với nhau và có thể đưa đến xung khắc giữa những người có trách nhiệm với các thành viên trong cộng đoàn.
Tinh thần luật Dòng cho thấy đời tu Mân Côi rất trân trọng sự hợp tác của chị em với nhau cũng như sự dấn thân hết mình cho nếp sống chung (x.HLD 27). Tinh thần cộng đoàn phải được gạn đục khơi trong để đưa tới mức độ tuyệt hảo là “hiệp thông trong một nếp sống”. Chị em chia sẻ với nhau những trách nhiệm, quan tâm đến nhu cầu nhau và một lòng một ý xây dựng tình chị em như một gia đình. Vì thế, tinh thần cộng đoàn, tính tập thể và đồng trách nhiệm là điều mà mỗi chị em Mân Côi cần phát huy, khi mà chủ nghĩa cá nhân càng ngày gắn liền với sự độc đoán và ích kỷ. Khi sống trong cộng đoàn, thì mọi sinh hoạt và công việc của cộng đoàn cũng là của mình. Khi đã chọn sống tinh thần đức ái hiệp thông, chúng ta không thể lơ là, coi thường hoặc dửng dung với công việc của chị em cũng như của cộng đoàn.
Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng,
Khi quan tâm đến nhau và cùng nhau chia sẻ mọi công việc, chúng ta sẽ có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Với tinh thần này, khi đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng thấy đó là nhà của mình. Cảm thức này giúp ta gắn bó với chị em và cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, đáng yêu. Đời sống hằng ngày cho ta nhiều cơ hội nghĩ đến nhau và sống cho nhau. Chỉ cần để ý một chút, hy sinh ít thời gian, thì cuộc sống sẽ chan hòa niềm vui, tâm hồn sẽ an bình và các mối tương quan sẽ hài hòa. Khi mang lại niềm vui cho người khác cũng chính là mang lại niềm vui và giá trị cho bản thân mình. Giá trị cuộc sống của mỗi chúng ta được tạo ra bởi nhiều cách khác nhau, mỗi cuộc sống là một sắc màu, và chỉ chúng ta mới có thể tạo ra những sắc màu tươi sáng cho chính cuộc sống của mình.
Người ta thường nói: Người hạnh phúc nhất là người biết đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất. Xin Chúa ban cho chúng ta luôn sống trong niềm vui của sự chung tay kiến tạo hạnh phúc cho nhau, để chúng ta được trở nên những con người hạnh phúc khi biết làm cho người khác được hạnh phúc. Xin kính chúc toàn thể gia đình Hội Dòng tiếp tục Mùa Chay thánh trong tinh thần tỉnh thức – cầu nguyện và bước vào Mùa Phục Sinh trong niềm hân hoan của một tâm hồn đã được đổi mới.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ mân Côi
M. Rose Vũ Loan, FMSR
[1] Nguồn: CareerLink.vn và quantrinhansu-online.com