Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi thân mến,
Mỗi người chúng ta khi sinh ra trong cuộc đời này đều có một sứ vụ kèm theo và phải thực hiện nó với tất cả tâm sức của mình. Khi chọn “bước theo Đức Kitô” trong đời thánh hiến Mân Côi, chúng ta có chung sứ vụ của Hội Dòng là tham gia việc tông đồ truyền giáo của Giáo Hội. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến khẳng định ý nghĩa của việc truyền giáo nằm ngay trong đời thành thánh hiến: “Ý nghĩa truyền giáo nằm ngay trong lòng mọi hình thức đời tận hiến. Những người tận hiến sẽ trở thành những nhà truyền giáo trước tiên bằng việc thường xuyên ý thức sâu xa rằng họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa, nên họ phải quy hướng và dâng hiến cho Người toàn thể cuộc đời và tất cả những gì họ có, bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại làm trì trệ việc đáp trả trọn vẹn trong tình yêu. Như thế họ sẽ trở thành một dấu chỉ trung thực về Đức Kitô trong thế giới. Lối sống của họ phải phản ánh lý tưởng họ tuyên xưng, khi xuất hiện như là những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù họ thường im hơi lặng tiếng”[1].
Thánh hiến và sứ vụ là hai chiều kích thánh thiêng của ơn gọi tu trì. Cả hai liên kết chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy, sự hoàn thiện của ơn gọi thánh hiến đòi chúng ta phải sống trọn vẹn cả hai chiều kích này. Bởi vì chúng ta được thánh hiến là để thi hành sứ vụ và sứ vụ của chúng ta là con đường tiếp nối và thể hiện đời sống thánh hiến. Sự gắn bó mật thiết của hai chiều kích ơn gọi này nhắc nhở chúng ta không thể sống đời thánh hiến của mình một cách chung chung, nhưng phải sống cách trọn vẹn và thâm sâu thì mới có thể thi hành sứ vụ cách nhiệt tình và hiệu quả. Vì thế, chúng ta cần khắc phục tình trạng song hành giữa căn tính đời thánh hiến và hoạt động tông đồ. Nếu chỉ chọn một trong hai, đời sống tu của chúng ta sẽ khập khễnh và mất ý nghĩa.
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo trong bài thuyết trình cho Liên Hiệp các Bề trên thượng cấp năm 2014 đã nhấn mạnh mối tương quan chặt chẽ này như sau: “Thánh hiến là sứ vụ trong ngọn nguồn, còn sứ vụ là thánh hiến trong hành động. Vì vậy, sức linh động và kết quả tông đồ của các tu sĩ tùy thuộc vào khả năng nối kết hai yếu tố “thánh hiến” và “sứ vụ” với nhau. Làm sao để đời thánh hiến phải chảy tràn lan qua công tác tông đồ, còn công tác tông đồ phải phát xuất từ đời sống thánh hiến. Đây phải là điểm đầu tiên cần được chú ý và duyệt xét cách rất cụ thể trong đời sống và sứ vụ của các tu sĩ. Khi công tác tông đồ không phát xuất từ đời thánh hiến thì trong thực chất, đó không phải là công việc tông đồ. Có vỏ mà không có ruột! Còn đời thánh hiến mà không diễn tả ra qua thao thức tông đồ thì sẽ trở nên gánh nặng, biến người thánh hiến thành một người máy”.
Để thực hiện được tinh thần này, chúng ta cần tìm về với Cội Nguồn trước tiên, duy nhất và vững bền của mình là chính Thiên Chúa. Người là đỉnh cao Chân-Thiện-Mỹ, là nguyên thủy, vô chung, toàn diện và rất thánh. Ngài là “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 15). Vì thế, muôn vật muôn loài và mọi hoạt động trong vũ trụ này đều phải quy hướng về Ngài. Đấy là lý do tại sao chúng ta phải nên một với nhau trong khi thi hành sứ vụ. Khi kêu gọi chúng ta vào trong gia đình Hội Dòng, Chúa muốn chúng ta thi hành sứ vụ của mình trong tinh thần hiệp thông liên đới với Hội Dòng và toàn thể Giáo Hội. Chúng ta là một phần tử trong một gia đình rộng lớn là Hội Dòng và hơn nữa là Giáo Hội, nên chúng ta đảm nhận ơn gọi và sứ vụ của mình cùng với các chị em khác, nên một lòng một ý với nhau trong việc làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
Tuy nhiên, trong khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải đối diện với một thách đố là khó vượt qua được những tác động của một xã hội tự do và cá nhân chủ nghĩa: thích khẳng định bản thân, muốn ghi dấu ấn trên thành quả công việc và coi đó là giá trị bản thân. Khoản 27 trong Thư Chung Tổng Công Hội 23 khuyên chị em khi thi hành sứ vụ truyền giáo, phải chú ý đến “vai trò của Chúa Thánh Thần trong công cuộc loan báo Tin Mừng, sao cho chị em ý thức được sứ vụ của mình là góp phần vào công cuộc của Giáo Hội qua Đặc Sủng của Hội Dòng, và nhân danh Hội Dòng. “Tính cộng đoàn” trong việc thi hành sứ vụ cần được nhấn mạnh, để mọi hoạt động của chị em không bị phân tán, và nhất là nói lên vai trò ngôn sứ trong sứ vụ của chị em”. Đây là lời mời gọi chị em ý thức sống tinh thần “nên một trong sứ vụ”. Sứ vụ mà chị em lãnh nhận là sứ vụ của chính Chúa Giêsu trao phó cho Giáo Hội, chúng ta cộng tác vào công cuộc của Giáo Hội với Đặc Sủng của Hội Dòng cùng với nét đặc thù của mỗi người. Vì thế, “mỗi công tác tông đồ dù do cá nhân đảm nhiệm, đều là công việc chung Dòng, phải được thực hiện trong sự hiệp thông với Giáo Hội, nhân danh Giáo Hội và với sự ủy nhiệm của Giáo Hội”[2]
Khi làm việc tông đồ, nếu chúng ta để ý nhiều đến cái “riêng tư” và đề cao sự thành công cá nhân, chúng ta có thể hạ thấp khía cạnh “thuộc về”, hoặc đưa đến chủ nghĩa dửng dưng với những gì được gọi là “của chung”. Tinh thần luật Dòng cho thấy đời tu Mân Côi không có việc nhân danh cá nhân phục vụ nhưng là phục vụ nhân danh cộng đoàn. Tuy cá nhân đảm nhận trách vụ được trao nhưng chính là toàn thể Hội Dòng thi hành trách vụ ấy trong một sứ vụ “cùng chung và liên kết”. Tinh thần cộng đoàn phải được gạn lọc để đưa tới mức độ tuyệt hảo là “Nên một trong sứ vụ”. Khi hiệp thông trong sứ vụ, chị em chia sẻ với nhau những trách nhiệm đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội Dòng. Vì thế, tinh thần cộng đoàn, tính tập thể và đồng trách nhiệm trong cộng đoàn là điều mà mỗi chị em Mân Côi cần ý thức và nỗ lực phát huy.
Để có thể thực hiện được khát vọng này, chúng ta trở về với tinh thần của Tin Mừng, với điều cốt yếu của đời tu và với những gợi hứng từ Đặc Sủng và Linh Đạo của Đấng Sáng Lập. Việc thẩm thấu những giá trị Tin Mừng và những truyền thống tốt đẹp sẽ giúp chúng ta luôn giữ được vẻ đẹp của chân tính Hội Dòng mà không bị đồng hóa với thế giới, không bị tục hóa, cũng không dễ lao vào những công việc theo sở thích hay chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình. Đức Cha Tổ Phụ đã căn dặn: “Đừng nói phô ra giọng sai khiến, cũng đừng nói gì tỏ bộ khoe tài. Hãy nhớ rằng mình là giống không không, có chi đi nữa cũng là của Chúa”[3], nên “Mỗi việc ta làm phải liệu sao cho nên việc lành, việc tốt, hãy làm cho sáng danh Chúa”[4].
Vậy, món quà đẹp nhất mà người tông đồ Mân Côi có thể trao tặng cho mọi đối tượng phục vụ của mình là phục vụ với cung cách và tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu,“không tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 4). Đồng thời luôn gắn bó và nên một với nhau, một lòng một ý tìm vinh danh Chúa để xây dựng Giáo Hội. Đây là một chứng từ không thể thiếu hay mờ nhạt của nữ tu Mân Côi. Bởi vì khi rao giảng Tin Mừng yêu thương mà chúng ta không chứng minh được lời rao giảng qua việc diễn tả tình thương với nhau và với mọi người, thì đó là điều thật vô nghĩa.
Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng,
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ được nên một với nhau như “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21) cũng là điều Chúa mong đợi nơi chúng ta là những người tiếp nối sứ mạng của các tông đồ. Qua lời cầu nguyện này, chúng ta thấy được mối ưu tư của Chúa Giêsu về một thế giới đang bị phân tán và chia rẽ. “Xin cho họ nên một” là điều tốt đẹp nhất mà Chúa muốn chúng ta diễn tả được khi ra đi rao giảng Tin Mừng. Nên một trong tình yêu, nên một trong sứ vụ, đó là một yếu tố quan trọng để có thể nói về tình thương và dung mạo của Thiên Chúa, là cách chúng ta làm cho khuôn mặt của Giáo Hội ngày càng đáng yêu và rạng ngời vẻ đẹp thánh thiện.
Xin Mẹ Maria, người nữ truyền giáo đầu tiên đã vội vã lên đường mang Tin Mừng khi vừa được sứ thần Gabriel loan báo đến cho người Mẹ gặp gỡ. Xin Mẹ giúp chúng ta được nên một với Chúa, hiệp nhất với nhau, hăng say dấn bước trên đường sứ vụ để đón lấy tha nhân vào cuộc đời mình và yêu thương họ bằng chính tấm lòng mục tử mà Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
M. Rose Vũ Loan, FMSR
[1] TH 25
[2] HLD 40.4
[3] GSD I, 99
[4] GSD I, 360