Home / Thư Bề Trên-TLHT / Thư Bề Trên / Tâm thư tháng 01-2022: CỘNG ĐOÀN MÂN CÔI SỐNG TINH THẦN GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Tâm thư tháng 01-2022: CỘNG ĐOÀN MÂN CÔI SỐNG TINH THẦN GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Kính thưa quý Bề trên và toàn thể chị em quý mến,

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi toàn thể Giáo Hội suy gẫm chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2023: “Hướng tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Thượng Hội Đồngđược diễn tiến theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn I, từ đầu Mùa Vọng cho đến tháng 08-2022 tại các Giáo phận.
  • Giai đoạn II, từ tháng 9-2022 đến tháng 3-2023, diễn ra ở cấp châu lục.
  • Giai đoạn III, từ tháng 3-2023 đến tháng 10-2023 diễn ra ở cấp Giáo Hội hoàn vũ, với Đại hội thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vatican vào tháng 10-2023.

Hiệp hành là cùng chung tâm tình, chung nhịp bước với Giáo Hội. Chị em Mân Côi cùng với Giáo Hội bước vào giai đoạn I của tiến trình Thượng Hội Đồng bằng việc tham gia vào các sinh hoạt của giáo phận. Riêng trong nội bộ của Hội Dòng, chúng ta sống chủ đề của Thượng Hội Đồng bằng việc “HOÁN CẢI LIÊN TỤC, CANH TÂN LỐI SỐNG để tìm một ý nghĩa cụ thể cho đời sống cộng đoàn dựa trên 3 điểm: “HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ”.

  1. HIỆP THÔNG

Hiệp thông trong tình yêu là ý muốn của Thiên Chúa khi dựng nên con người. Hiệp thông cũng chính là niềm khát mong của Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Khuôn mẫu và nền tảng của cộng đoàn tu sĩ chính là Tình yêu Ba Ngôi, mà đặc tính của tình yêu Ba Ngôi là sự hiệp thông trong tình yêu. Khi diễn tả sự hiệp thông, Thánh Phaolô đã nói đến sự đa dạng của một thân thể với các bộ phận và chức năng khác biệt nhưng chỉ là một thân thể duy nhất (x.1Cr 12, 12-30). Sự đa dạng và khác biệt của các chi thể chính là yếu tố để duy trì sự hiệp nhất trong một thân thể, bởi vì có khác biệt mới cần đến sự hiệp nhất. Cộng đoàn thánh hiến tự bản chất là một cộng đoàn hiệp thông với Chúa và với nhau. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến đã nói lên niềm mong đợi của Giáo Hội đối với các tu sĩ là muốn họ trở thành “những chuyên viên của sự hiệp thông”.

Sự hiệp thông này được biểu lộ cách cụ thể qua đời sống cộng đoàn. Các phần tử trong cộng đoàn tuy có nhiều khác biệt, nhưng cùng theo sát Đức Kitô trong một đặc sủng, một tinh thần, một truyền thống, một luật lệ, một nếp sống. Tất cả đều gắn bó với nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn và cùng mang lấy gánh nặng cho nhau. Trong cộng đoàn hiệp thông, con tim của mỗi phần tử được mở ra cho mọi người, không trừ một ai. Nói cách khác, mọi người đồng tâm nhất trí với nhau, không ngăn cách cũng không loại trừ. Nếu có sự khác biệt và đa dạng giữa các thành viên, thì đó chính là lý do để cộng đoàn hỗ trợ lẫn nhau, làm phong phú cho nhau và tạo nên sự hiệp nhất trong tình yêu.

Nét đẹp chân thật và rất đáng yêu của đời sống cộng đoàn là mối tương quan hướng thiện, cảm thông, lành mạnh, kính trọng và thuận thảo giữa chị em với nhau. Những đặc tính này diễn tả một cộng đoàn thánh thiện mà Đức Cha Tổ Phụ gọi là hình bóng Nước Thiên đàng:“Nhà dòng nào giầu đức thương yêu thì đó là nhà dòng bình an, vui vẻ, cùng là hình bóng Nước Thiên Đàng”[1]. Cộng đoàn sẽ trở thành hình bóng thiên đàng nếu trong đó,mọi chị em được bình an, hạnh phúc, hiểu biết lẫn nhau và cầu nguyện cho nhau; trong đó không có chỗ cho sự ích kỷ, lạnh lùng, giận hờn, hoặc những lối hành xử thiếu lành mạnh; và trong đó, “sự hiệp thông chính là luật sống”[2]. Vì thế, nhiệm vụ tích cực và có tính cách gương sáng của mọi chị em là làm sao tạo được tinh thần hiệp thông trong cộng đoàn và cùng nhau tiến bước trong tình yêu. Thái độ tôn trọng, ân cần, cởi mở, dễ thương, vui tươi, thân thiện… là những biểu lộ cụ thể của tình yêu. Với một bầu khí yêu thương, an bình, cộng đoàn sẽ là “nơi chốn sống tình hiệp thông; nơi đó, các mối tương quan sẽ bớt hình thức hơn; nơi đó, việc chấp nhận và hiểu biết nhau sẽ có điều kiện thuận lợi hơn; nơi đó, các thành viên sẽ khám phá được các gía trị thần thiêng và nhân bản của việc quảng đại chung sống với nhau trong tình huynh đệ, và chia sẻ cả những giây phút nghỉ ngơi cũng như giải trí chung với nhau như những môn đệ chung quanh Đức Kitô Vị Thầy”[3].

  • THAM GIA

“Ơn riêng Thiên Chúa ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4, 10). Những lời này giúp chúng ta xác tín rằng tất cả những ơn được ban tặng không chỉ vì lợi ích cá nhân, mà trên hết vì lợi ích của cộng đoàn. “Tham gia” chính là cách chúng ta đem hết khả năng, sức lực và những gì mình đã lãnh nhận để phục vụ chị em và cộng đoàn.

Tông huấn Ta Sẽ Ban Cho Các Ngươi Vị Mục Tử nói đến một cộng đoàn đáng yêu và đầy sức hấp dẫn khi mọi phần tử được lớn lên trong cầu nguyện và hiệp thông để nên một lòng một ý, sống bác ái huynh đệ, đón nhận và chia sẻ cho nhau, bao dung với nhau, khiêm tốn học hỏi lẫn nhau, nên gương sáng cho nhau, phục vụ lẫn nhau, và như vậy, càng ngày sức sống và tình yêu của Đức Kitô càng chiếu tỏa trên họ[4]. Kết quả này tùy thuộc vào phẩm chất và sự tham gia của các thành viên trong cộng đoàn. Nếu mọi người biết dùng tất cả nguồn lực, tài năng và phẩm chất để tham gia vào tiến trình cùng lên kế hoạch, cùng lấy những quyết định và cùng nhau thực hiện, thì chắc chắn cộng đoàn sẽ là hình bóng chốn thiên đàng.

Trong cộng đoàn, mỗi chị em đều có một sứ vụ cụ thể là bổn phận được trao, mỗi người một vai trò, một chỗ đứng, một trách nhiệm, một cảm thức về sự tham gia của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cộng đoàn. Vì thế, một thái độ bất hợp tác, không tham gia cộng tác sẽ làm cho kế hoạch của Thiên Chúa bị tan vỡ. Một lối sống chỉ vun quén cho riêng mình mà dửng dưng với các nhu cầu của cộng đoàn, hoặc chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng mình mà quên đi lợi ích chung, chắc chắn cộng đoàn sẽ khô cằn và không hạnh phúc. Trong ý nghĩa này, chị em Mân Côi tích cực tham gia vào mọi sinh hoạt cộng đoàn, hợp tác chung với nhau trong mọi việc và hoàn thành vai trò của mình cho phù hợp với đặc sủng đã lãnh nhận.

SỨ VỤ

Đời sống thánh hiến luôn được diễn tả qua hai hành vi “Thánh hiến và Sứ vụ. Thánh hiến hệ tại việc trở thành môn đệ Đức Kitô và bước theo Người; Sứ vụ hệ tại việc biểu lộ tình yêu cứu độ của Chúa cho nhân loại bằng cách họa lại đời sống của Người qua lối sống của mình. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến nhấn mạnh: “Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, đời thánh hiến hoạ lại cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo Hội lối sống mà Đức Giêsu, Đấng đầu tiên được Chúa Cha thánh hiến và sai đi phục vụ Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu mời các môn đệ đi theo Người cũng sống như Người đã sống” [5]. Do đó, nếu chúng ta sống đời thánh hiến mà không diễn tả được tình yêu Chúa qua đời sống và sự phục vụ của mình, thì đời tu của chúng ta sẽ khập khễnh và mất ý nghĩa.

Sứ vụ của chị em Mân Côi là mọi trách vụ lớn nhỏ của đời sống thường ngày, bao gồm cả đời sống cầu nguyện, đau bệnh và hy sinh. Theo Đức Cha Tổ Phụ thì sự hiện diện của chị em cũng là một sứ vụ. Khi hiện diện ở đâu, chị em cũng là những “chuyên viên hiệp thông” trong tính cách, trong lời nói và trong mọi hoạt động của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta phải sống thế nào để cuộc đời luôn chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin Mừng cũng như việc đi theo Đức Kitô[6], nghĩa là luôn sống và hành động theo kiểu mẫu của Chúa Giêsu để trở thành nhân chứng cho tình yêu của Người.

Khi trở thành nữ tu Mân Côi, chị em đã thấm nhuần tinh thần đức ái của Hội Dòng và trở thành một người “loan báo tình yêu”. Chính “Tình yêu của Đức Kitô thôi thúc chúng ta” (2Cr 5, 14) và dẫn bước chúng ta trên con đường phục phụ tha nhân. Như vậy, yêu thương chính là sứ vụ của chị em Mân Côi. Sứ vụ này nối kết chúng ta nên một thân thể là Hội Dòng và cũng là động cơ thúc đẩy chúng ta đến với tha nhân.

Kính thưa quý Bề trên và toàn thể chị em quý mến,

Để sống tinh thần hiệp hành, Giáo Hội dạy chúng ta sử dụng 3 phương thế, đó là gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Chúng ta cũng áp dụng 3 phương thế này trong cộng đoàn của mình.

GẶP GỠ: Để trở thành một cộng đoàn hiệp thông, chị em noi gương Chúa Giêsu trên đường Emmaus, sống tinh thần gặp gỡ, chia sẻ và đối thoại chân thành trong cộng đoàn. Mục đích của gặp gỡ luôn tạo nên những mối tương quan tốt đẹp và lành mạnh. Vì thế, cần thiết phải loại bỏ những thái độ cứng cỏi, bảo thủ, độc đoán, lạnh lùng và tiêu cực để có thể thấu hiểu, thông cảm, yêu thương, chờ đợi và dấn thân cho nhau. Nhờ vậy, chị em tạo nên sự phong phú cho cộng đoàn mình, như kinh nghiệm của Gabriel Marcel: “Gặp gỡ là sự hiệp thông… gặp gỡ là điều kiện để tạo thêm sự phong phú cho nhau và cho nhiều người…. Khi có sự gặp gỡ chân thành, chị em mới duy trì được bầu khí thân thiện và hiệp thông bền chặt với nhau trong cộng đoàn.

LẮNG NGHE: Cuộc sống hôm nay có quá nhiều tiếng ồn cùng những lo toan bận rộn làm chúng ta mất đi khả năng lắng nghe chính mình, lắng nghe nhau và lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe, trước hết là lắng nghe bản thân, lắng nghe tiếng nói của lương tâm để có kinh nghiệm lắng nghe và sống hòa hợp với Thiên Chúa cũng như với chị em. Vì thế, mỗi ngày chúng ta nên tập thói quen rời xa những tiếng động, giảm bớt những thiết bị công nghệ truyền thông để có những giây phút tĩnh lặng, rộng mở tâm trí và cõi lòng cho việc lắng nghe tiếng Chúa, thấu hiểu bản thân và thấu hiểu chị em bằng cả con tim và trí óc của mình.

PHÂN ĐỊNH: Phân định trong cộng đoàn là cùng nhau xác định một cách rõ ràng, cụ thể những biến cố lớn nhỏ hay những sự kiện đời thường dưới ánh sáng của Lời Chúa, để nhận ra ý Chúa và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Trong cộng đoàn, chị em cùng nhau đi tìm ý Chúa với tâm tình yêu mến và khiêm tốn để có thể chọn và thực hiện điều tốt hơn. Khi cộng đoàn có thói quen cùng nhau phân định,  thì cho dù vẫn còn đó sự đa dạng và khác biệt, đời sống chị em sẽ được thống nhất theo một định hướng chung. Sự phân định bao gồm 2 thái độ: “chọn lựa và từ bỏ”. Khi chọn lựa rồi, chúng ta có thể phải đối diện với sự tiếc nuối, giằng co và hy sinh. Nhưng có như thế, chúng ta mới thực sự “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33). Khi cùng nhau chọn lựa và bước đi đúng ý Chúa, cộng đoàn mới thực sự được bình an, hạnh phúc và được tăng trưởng về mọi phương diện.

Với 3 phương thế gặp gỡ, lắng nghe và phân định, chúng ta sẽ cùng với Giáo Hội bước vào hành trình “HOÁN CẢI LIÊN TỤC và CANH TÂN LỐI SỐNG cho phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Xin Thiên Chúa biến đổi Giáo Hội ngày càng trở nên “xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (x. Ep 5,25-27). Xin Thiên Chúa cũng biến đổi cộng đoàn chúng ta thành nơi thông hiệp, trong đó, chị em luôn yêu thương nhau, chân thành hợp tác với nhau trong tinh thần “cùng chung và liên kết”, để cộng đoàn thật sự là một thân thể thấm nhuần sự “hiệp nhất trong tình yêu”, đáp ứng được khát vọng của Chúa Giêsu là “xin cho họ nên một”.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

M. Rose Vũ Loan, FMSR


[1] Gia Sản DòngChị Em Con Đức Mẹ Mân Côi, cuốn I, trang 222

[2] Huấn thị Phát Xuất Lại Từ Đức Kitô số 28

[3] Huấn thị Phát Xuất Lại Từ Đức Kitô số 29

[4] Tông huấn Ta Sẽ Ban Cho Các Ngươi Vị Mục Tử số 60

[5] Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến số 22

[6] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 1

Bài mới

ĐTC ban hành tông huấn “Laudate Deum”, kêu gọi ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu

Ngày 4/10/2023, Đức Thánh Cha đã ban hành tông huấn “Laudate Deum” – Hãy ngợi …