Home / Thư Bề Trên-TLHT / Tài liệu học tập / Đề tài học tập tháng 09 và 10-2021: CHÂN DUNG THÁNH HIẾN

Đề tài học tập tháng 09 và 10-2021: CHÂN DUNG THÁNH HIẾN

CHÂN DUNG THÁNH HIẾN

Khi một hữu thể hiện diện vào cuộc đời này, chắc hẳn đấng sinh thành nên họ và họ đều mong ước về một hình hài xinh đẹp, hài hòa, không khiếm khuyết. Đó là ước mong ở thế bị động, vì chính “Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng”[1]. Với thế chủ động, nếu chưa hài lòng về vóc dáng của mình, khi có điều kiện, người ta sẽ tìm đến thẩm mỹ viện, dịch vụ spa, phòng tập gym, dùng các loại thực phẩm chức năng hay chí ít là trang điểm, với mong muốn cho khuôn mặt thêm tươi xinh, da sáng, dáng thon… Ngay cả khi chụp hình, người ta ít nhiều cũng nhờ đến sự tác động của kỹ thuật số để tạo nên bức chân dung đẹp, trông sao cho có “thần thái”. Vô hình trung, các biểu hiện trên cho thấy khát vọng sâu xa của con người là muốn bức chân dung cuộc đời mình phải đẹp.

Dù sống trong một thế giới ngày càng đề cao cái đẹp bên ngoài, nhưng thành ngữ ông bà ta truyền lại: “cái nết đánh chết cái đẹp” vẫn chưa lỗi thời, nó vẫn còn chỗ đứng cho những người tìm kiếm giá trị tinh thần cao đẹp.

Có một thực tế là ai cũng chân nhận nét đẹp của cái nết, nhưng nếu rong ruổi khắp phố phường, từ thành thị tới thôn quê, chúng ta vẫn chưa thấy bảng hiệu nào ghi “Viện sửa Nết” hay “Dịch vụ làm đẹp Nết”. Có chăng người ta thấy và được thu hút bởi những cái nết tạo nên nét đẹp tâm linh, nét đẹp tinh thần, nét đẹp nhân cách qua cung cách sống, hiện diện và phục vụ của hàng trăm ngàn người trên thế giới đang sống đời thánh hiến? Vì “Đời sống thánh hiến qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó, các tín hữu theo sát Đức Kitô hơn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, để một khi đã hiến thân cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc xây dựng Giáo Hội và phần rỗi thế giới, với một danh nghĩa mới mẻ và đặc biệt, họ đạt tới sự hoàn hảo của đức ái trong việc phụng sự Nước Chúa, và một khi đã trở nên dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội, họ tiên báo vinh quang thiên quốc”[2].

Đời sống thánh hiến được Giáo Hội phác họa bằng nét vẽ hài hòa giữa yếu tố thần linh và yếu tố nhân loại, tạo nên chân dung mang “vẻ đẹp của ân sủng và tu luyện”[3]. Vì chưng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tu sĩ nhận ra hồng ân biệt chọn: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”[4], họ hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa bằng cách dâng lên Ngài một tình yêu trọn vẹn nhất. Nhờ đó, tất cả cuộc sống của họ trở thành việc thờ phượng liên lỉ trong Đức Ái[5].

Mẫu gương sự tận hiến cho đời thánh hiến là Chúa Kitô. Việc bắt chước Người cách sát sao được cụ thể hóa qua đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục với tinh thần tự do thanh thoát. Bên cạnh đó, người sống đời thánh hiến còn được mời gọi tham gia vào sứ mệnh cứu độ nhân loại trên các nẻo đường Chúa Giêsu đã đi để hình thành Nước Thiên Chúa ngay tại trần thế và hướng Giáo Hội về đích điểm của cuộc lữ hành là đời sống mai hậu[6].

Như vậy, chúng ta có thể mường tượng chân dung thánh hiến được Giáo Hội vẽ nên bởi hai trục chính: trục thẳng đứng là tu sĩ tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa qua việc bắt chước lối sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Chúa Kitô; trục ngang là việc nối dài sứ vụ cứu độ của Chúa trong Đoàn sủng của Hội Dòng mà người tu sĩ thuộc về, hai trục giao nhau tạo nên hình chữ T (Tình Yêu) – Đức Ái trọn hảo.

Từ nét vẽ cơ bản chân dung thánh hiến trong Giáo Hội, chúng ta cùng nhau dùng gam màu của Tin Mừng, của Giáo Hội, của Đấng Sinh Thành, Hiến Luật và truyền thống tốt đẹp của tiền nhân trong Hội Dòng để tiếp tục làm rõ nét “Chân dung Thánh hiến” của chị em Mân Côi trong bối cảnh thời đại hôm nay.

CHÂN DUNG THÁNH HIẾN CỦA CHỊ EM MÂN CÔI

Đời sống thánh hiến của chị em Mân Côi khởi đi từ việc chị em ý thức mình thuộc về Thiên Chúa và thuộc về Giáo Hội qua bí tích Thánh Tẩy, thuộc về Hội Dòng qua việc tuyên khấn. “…bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy. Bằng việc khấn dòng, chị em kết hiệp lễ dâng đời mình với hiến lễ của Đức Kitô, sống một đời khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Nhờ đó chị em được hoàn toàn sống cho Thiên Chúa, và tự do phục vụ tha nhân với một tình yêu luôn rộng mở và trưởng thành”[7].

Tính thuộc về là chất liệu để vẽ nên chân dung người nữ tu Mân Côi chính hiệu, nếu không, bức chân dung sẽ mờ nhạt, biến dạng, hoặc khiếm khuyết.

Thuộc về Hội Dòng mang tước hiệu Mẹ Maria Mân Côi, chị em được mời gọi theo gương Mẹ sống nét đẹp của một tâm hồn chất chứa lời kinh Magnificat và lời kinh Fiat trong việc sống khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục, hòa quyện cuộc đời mình vào mầu nhiệm đời Chúa Kitô nơi các mầu nhiệm kinh Mân Côi, như chỉ dẫn của Đức Cha Tổ Phụ: “Vì là Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, nên phải dậy cho chị em có lòng tôn sùng Đức Mẹ cách sốt sắng, biết lần hạt và suy ngắm những sự mầu nhiệm phép Rất Thánh Mân Côi cách ý tứ thâm trầm… năng nhắc cho chị em bắt chước các nhân đức của Đức Mẹ như: khó khăn, sạch sẽ, vâng lời, giữ gìn nết na, theo gương cách ăn, nết ở của Đức Mẹ xưa”[8].

Bên cạnh đó, chị em cũng được mời gọi cùng với Mẹ và xin sự bảo trợ của Mẹ để hân hoan mang vác và tung gieo ơn cứu độ của Chúa trên mọi nẻo đường hiến dâng phục vụ cho sứ vụ của Hội Dòng. “Trong đời sống thánh hiến, Đức Maria được gọi là người nữ tu đầu tiên của Thiên Chúa, …Mẹ là gương mẫu đầu tiên cho toàn thể Giáo Hội, thì Mẹ càng là gương mẫu đầu tiên cho những người và những cộng đoàn tận hiến trong lòng Giáo Hội. Chị em tin tưởng đặt nơi Mẹ niềm cậy trông và lòng hiếu thảo, để được Mẹ dẫn dắt trên nẻo đường đáp trả ơn gọi và tiến tới ngày một hơn trong việc sống sung mãn đời sống thánh hiến của mình”[9].

Yếu tố nền tảng của bất kỳ một ơn gọi nào cũng là Thiên Chúa mời gọi và con người đáp trả trong chính cuộc sống hiện sinh của mình. Với tính hiện sinh của lời đáp trả, chúng ta sẽ đề cập đến việc sống từng lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục qua ba chiều kích: cá nhân, cộng đoàn và sứ vụ trong ơn gọi của người nữ tu Mân Côi.

I. ĐỨC KHIẾT TỊNH

Dựa vào Tin Mừng[10] và giáo huấn của Giáo Hội[11], Hiến Luật Dòng đã nêu lên giá trị của đời sống khiết tịnh như sau: “Đời sống khiết tịnh là một ân huệ cao quý Thiên Chúa ban, nhằm giải thoát tâm hồn và thanh luyện con tim khỏi mọi ràng buộc, để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách trọn vẹn và nồng nàn hơn. Như vậy, đời sống khiết tịnh của chị em là một dấu chỉ về đời sống và kho tàng mai sau ở Nước Trời”[12]Chúng ta cùng phác họa từng chiều kích của lời khấn này.

1. Chiều kích cá nhân

Khi sống đời độc thân khiết tịnh, chị em Mân Côi mang trong mình niềm xác tín: đức khiết tịnh là dấu chỉ hồng ân Thiên Chúa ban, là một mối phúc: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”[13], và cũng là dấu chỉ cánh chung về Nước Trời đang hiện diện.

Thế nên tâm tình đầu tiên chị em cần có là hòa đời mình vào lời kinh Magnificat, cùng với Mẹ Maria tạ ơn Chúa với tâm tình hân hoan, khiêm tốn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”[14]. Niềm hoan lạc này được nối với nguồn sự sống viên mãn của Ngôi Lời Nhập Thể, để rồi trong từng nhịp sống của chị em, từ tư tưởng, ngôn từ, cung cách hiện diện và phục vụ, luôn toát lên niềm vui, niềm hoan lạc trường tồn; “sự vui vẻ thanh sạch là hình bóng nước Thiên đàng vì các Đấng trên trời hằng thanh nhàn vui vẻ” tạo nên một chân dung nữ tu Mân Côi tươi vui, truyền năng lượng tích cực và trở nên lời chúc phúc cho tha nhân như lời dạy của Đức Cha Tổ Phụ: “Tinh thần vui vẻ hằng vui vẻ với hết mọi người, làm cho mọi người xung quanh mình vui, …Một nữ tu có tinh thần vui vẻ cũng kéo lòng kẻ khác vui vẻ như mình”[15].

Qua lời cam kết khấn Dòng, “Chị em tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời trong sự tiết chế hoàn toàn, để hiến dâng cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn không chia sẻ, và yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha và cứu độ”[16].Như vậy, khi khấn khiết tịnh, chị em khước từ đời sống hôn nhân và mọi mối tương quan mang tính độc chiếm để đáp trả một tình yêu lớn hơn là Thiên Chúa, rộng hơn là anh chị em đồng loại, bao gồm cả người nam và người nữ thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi nền văn hóa, tôn giáo; khước từ khả năng làm cha mẹ về mặt thể lý để hạ sinh những người con tinh thần trong mối tương quan sẻ chia, phục vụ; khước từ những thú vui nhục dục không chỉ trong hành vi mà cả trong tư tưởng và ước muốn, để tâm hồn được trong sạch, con tim được tự do phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân bằng một tình yêu tròn đầy, thánh thiện.

Trong bối cảnh có nhiều “lực hấp dẫn” từ thế giới tục hóa, xã hội thực dụng, sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, cùng với đó là sự giảm dần trong đời sống đức tin, mất cảm thức về tội, việc sống lời khấn khiết tịnh luôn là cuộc giằng co nội tâm. Bởi thế, chị em Mân Côi học theo gương Mẹ Maria “giữ nghĩa cùng Chúa” qua đời sống cầu nguyện, “hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”[17]về cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, để đời sống khiết tịnh của Người thu hút lòng trí chị em, giúp chị em tiến đến sự trọn lành là chu toàn mọi bổn phận trần thế trong ý hướng làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”; thường xuyên nhận lãnh nguồn ơn thiêng từ các bí tích để tâm hồn được bình an, hoan lạc; lấp đầy mọi khoảng trống trong tâm hồn bằng lời kinh Kính Mừng Mẹ, cộng tác với ân sủng Chúa bằng cách mang chiếc áo giáp của đức tự chủ, vì người không biết tự chủ ví như thành bỏ ngỏ, không tường lũy chở che”[18]. Với chị em Mân Côi, đỉnh cao của đức tự chủ là gắn kết đời mình với mầu nhiệm thứ 5 mùa Thương, mà theo thánh Phanxicô Salêsiô là “đồng hóa mình với Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh Giá, tức là khắc chế cá nhân trong ngoài đầy đủ”.

Chúng ta cũng nên nhắc lại khái niệm về đức tự chủ để thấy nhân đức này thật quan trọng cho những tâm hồn muốn nên trọn lành trong bậc sống độc thân khiết tịnh. Theo tự điển Công Giáo, tự chủ là khả năng đặt những ý muốn của mình dưới sự kiểm soát của ý chí đã được lý trí và đức tin soi sáng. Đây là một nhân đức giúp kiểm soát dục vọng, điều hòa lý trí và điều chỉnh nhân cách không để bị thống trị bởi ham muốn giác quan[19]. Như thế, đức tự chủ sẽ giúp chị em không chỉ giữ ngũ quan, giữ kỷ luật và nội vi tu viện ấn định, nhưng còn giúp chị em có khả năng kiến tạo một không gian nội vi tâm hồn, ở nơi đó chị em tập chú vào mối tương quan với Thiên Chúa là Đấng hiện diện “từ muôn thuở cho đến muôn đời”.

Tóm lại, “Để có thể trung thành với đời sống khiết tịnh, chị em phải chuyên cần thực hành những phương thế siêu nhiên: luôn cậy dựa vào ơn Chúa, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể; suy niệm và chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô; tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, và thực thi các việc hy sinh khổ chế”[20].

2. Chiều kích cộng đoàn

“Đời độc thân thánh hiến của chị em được thực hiện trong cộng đoàn. Điều này đòi chị em phải nỗ lực xây dựng một tình bác ái cộng đoàn, nhờ đó mỗi người cảm nhận được sự yêu thương nâng đỡ để phát triển con người toàn diện. Như vậy, cộng đoàn giúp chị em lớn lên trong tình yêu, và trưởng thành trong những tương quan với mọi người”[21].

Khoản luật trên cho chúng ta thấy khía cạnh tích cực của đời độc thân thánh hiến, đó là trở nên những con người yêu thương (hơn là chuyện từ khước tính dục). Tình yêu thương này đặt nền trên tình yêu Thiên Chúa, và được cụ thể hóa trong nếp sống cộng đoàn. Như cộng đoàn các môn đệ xưa, cộng đoàn của chị em Mân Côi không do chọn lựa, nhưng được Chúa mời gọi từng người, mang từng ngôi vị khác nhau về gia cảnh, tập tục, văn hóa, tuổi tác, khả năng, tính tình, kinh nghiệm và quan niệm sống… để thực hiện lý tưởng bước theo sát Chúa. Việc chị em đáp lại lời mời gọi của Chúa đồng nghĩa với việc chị em chấp nhận thuộc về Hội Dòng, gắn đời mình với cuộc đời các thành viên trong Hội Dòng bằng chất keo Đức Ái trong các chiều kích hiện diện theo mẫu gương hiện diện của Mẹ Maria:

– Sự hiện diện tích cực trong các mối tương quan[22] (mầu nhiệm thứ 2 mùa Vui): khởi đi từ những điều đơn giản nhất như chào thăm nhau bằng lời lẽ đơn sơ, chân thành, lịch sự, để niềm vui của những Êlizabeth trong cộng đoàn được nên trọn; khuyến khích và tạ ơn về những ân ban của chị em, “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”; can đảm vượt ra khỏi mình, hy sinh phục vụ cho cộng đoàn “Dacaria và Êlizaeth” của mình, thấu hiểu được giới hạn của chị em trong niềm tin vào sự trợ giúp của ơn thánh, “…bà Êlizabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà vẫn đang cưu mang một người con trai…”; tôn trọng và yêu thương chị em với sự tự do nội tâm: không tìm cách chiếm hữu ai, và một cách nào đó, cũng không để cho người chị em nào trong cộng đoàn chiếm hữu mình. Hình ảnh Đức Maria ‘trở về nhà’ sau ba tháng giúp chị Êlizabeth là biểu trưng cho nét đẹp của một con tim yêu thương tự do. Về điểm này, Thánh bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ mời gọi các tu sĩ “trau dồi những đức tính cần có trong tất cả các mối quan hệ nhân bản: tinh thần hợp nhất, sự kính trọng, lòng tốt, sự chân thành, tự kiềm chế, lịch thiệp, biết khôi hài và tinh thần chia sẻ”[23].

– Sự hiện diện mang tính trung gian nối kết giữa Chúa Giêsu và cộng đoàn (mầu nhiệm thứ 2 mùa Sáng): nhạy bén và âm thầm chuyển các nhu cầu “hết rượu” của cộng đoàn và của chị em lên Chúa Giêsu trong niềm tin tưởng “không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được”[24]. Đồng thời, cộng tác với ơn Chúa và có trách nhiệm tìm ra phương cách nâng đỡ nhau trong lúc những gặp khó khăn thử thách, sao cho đúng thời, đúng nơi, đúng người như sự việc “Thân mẫu Người nói với gia nhân: ‘Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo’”[25]. Những nghĩa cử giúp đỡ tinh tế và âm thầm sẽ tạo nên ký ức hạnh phúc cho tâm hồn từng chị em, làm cho bầu khí cộng đoàn vui tươi, nó có sức lôi cuốn chị em ‘ở lại’ trong ơn gọi vì được tác động từ bên trong, khởi đi từ việc đưa mọi thành viên trong cộng đoàn tiếp cận với Đức Giêsu Kitô – Đấng là trung tâm của lịch sử nhân loại. Huấn thị “Đời sống Huynh đệ trong cộng đoàn” số 28 khẳng định rằng: “Tình huynh đệ không có niềm vui là tình huynh đệ đang chết; sớm muộn, các thành viên sẽ bị cám dỗ đi tìm ở bất cứ nơi đâu khác điều mà họ không tìm thấy trong cộng đoàn của mình”.

Nếu mỗi chị em Mân Côi sống tròn đầy hai sự hiện diện trên, sẽ mang lại hiệu quả chứng tá về một cộng đoàn hiện diện bình an, hoan lạc trong sự cảm nếm: “Nơi đây ân huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời”[26]. Từ đó, chị em sẽ ngày càng gắn bó với nhau và với cộng đoàn, thế hệ đi trước trở nên ‘người dẫn lối’ uy tín, thế hệ đi sau tiếp bước trong hân hoan, nhiệt huyết, làm nên một cộng đoàn được thôi thúc lưu truyền ân huệ Đoàn sủng và các truyền thống tốt đẹp của Hội Dòng cho các thế hệ mai sau.

3. Chiều kích sứ vụ

Khi thi hành sứ vụ, với ơn Chúa ban ngang qua lời khấn khiết tịnh, cùng với việc thao luyện sự trưởng thành tâm cảm, chị em Mân Côi sẽ có khả năng đi vào tương giao với hết mọi người, cả nam cũng như nữ, bằng tình yêu xả kỷ, quảng đại và quên mình, vì: “Tình yêu dành cho Chúa Kitô, khi đổ tràn vào hành vi hiến thân cho tha nhân, sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất để đạt tới sự trưởng thành tình cảm”[27].

Đời sống độc thân khiết tịnh là một ân huệ của Thiên Chúa. Lời ngợi ca “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” của Chị em Mân Côi vang lên mỗi ngày, là một chứng tá rõ nhất cho sự hiện hiện của ơn Chúa trong thế giới hôm nay – một thế giới xem việc sống khiết tịnh là không thể, thì việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo loé sáng như một “chứng tá về quyền năng của Thiên Chúa trong sự mỏng dòn mong manh của phận người”[28]. Trong Tông thư gửi các người thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đâu có các tu sĩ thì có niềm vui. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh phúc, không cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu khác; chứng tỏ rằng tình huynh đệ chân chính sống trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui; chứng tỏ rằng sự tận hiến để phục vụ Giáo Hội, các gia đình, các người trẻ, các người già, các người nghèo giúp cho chúng ta đạt được sự thành tựu bản thân và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời”.

Bên cạnh đó, đời sống khiết tịnh của chị em còn là một dấu chỉ cánh chung về Nước Trời đang hiện diện, vì chị em có thể yêu thương thực sự mà không cần đến một biểu hiện của tình yêu đó là thỏa mãn nhục dục, nhưng vẫn có khả năng truyền sinh khi dấn thân cho các sứ vụ của Hội Dòng:

Chuỗi hạt Vui thấm nhuần đời dâng hiến

Đến với đời gieo mầm sống Giêsu.

…..

Chuỗi hạt Sáng song hành đời dâng hiến

Gieo hạt Lời với lòng Cậy Tin Yêu.

Qua sứ vụ giáo dục, chị em giúp cho từng lớp lớp người được sinh ra và lớn lên về nhân cách, tri thức, đời sống đạo đức; với sứ vụ y tế, chị em giúp cho những người mình phục vụ được ‘tái sinh’ sự sống thể xác, tinh thần và tâm linh; nơi sứ vụ tông đồ truyền giáo và bác ái xã hội, chị em trao ban cho nhân loại niềm hy vọng về một “Đức Kitô đang sống” – Đấng đi tới đâu là thi ân giáng phúc và chữa lành đến đó.

Như vậy, “Với một tình yêu rộng mở và đời sống phục vụ trong vui tươi hạnh phúc, chị em chứng tỏ cho mọi người thấy rằng đời sống khiết tịnh vì Nước Trời giúp chị em sống quân bình, phát triển nhân cách, và có khả năng yêu thương hết mọi người bằng tình yêu rộng mở của Chúa Giêsu. Nhờ vậy, chị em được hoàn toàn tự do phục vụ Tin Mừng, và gặt hái được những hoa trái thiêng liêng trong việc tông đồ”[29].

II. ĐỨC NGHÈO KHÓ

Giáo Hội đã chỉ dẫn việc sống nghèo khó như sau: “Lời khuyên Phúc Âm về đức nghèo khó theo gương Đức Kitô là Đấng từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, còn bao hàm sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo quy tắc luật riêng của mỗi tu hội”[30].

Với lời tuyên khấn “…quyết tâm tận hiến đời con cho Chúa, và nguyện suốt đời bước theo sát Chúa Kitô hơn”[31], chị em Mân Côi tự nguyện tham dự vào nếp sống nghèo của Chúa Giêsu, như phương tiện tiến đến Đức Ái trọn hảo.

1. Chiều kích cá nhân

Một trong những yêu sách đầu tiên của việc sống nghèo khó theo giá trị Tin Mừng là từ bỏ. Không phải từ bỏ chút chút, nhưng là từ bỏ mọi sự. Chúa Giêsu quả quyết điều này khi nói: “Ai trong các con không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Thầy”[32].Mục đích của từ bỏ là để người môn đệ được thanh thoát cõi lòng với những của cải và sự vật trần thế, tâm hồn được tự do hướng về kho tàng vĩnh cửu trên trời là chính Chúa.

Từ nền tảng từ bỏ của người môn đệ theo Chúa, với chị em Mân Côi, “Khấn nghèo khó, chị em từ bỏ quyền tự do sử dụng và định đoạt về của cải vật chất, chấp nhận sự hạn chế và lệ thuộc Bề trên cũng như Hội Dòng trong việc sử dụng tiền của”[33].

Khoản luật trên mời gọi chị em thực hành khổ chế trong cách dùng của cải và khổ chế trong việc bỏ ý riêng. Khổ chế để mở ra với chính mình, vươn lên và thông hiệp với Chúa cũng như với đồng loại. Đức Cha Tổ Phụ đã chỉ dạy cặn kẽ về sự khổ chế này như sau:

“Chớ để trí đến tiền bạc, đã vào Dòng thì đã có Chúa lo; chớ hề để trí về của ăn, áo mặc, đồ dùng; nhà Dòng nuôi làm sao, cho mặc thể nào, cho dùng đồ gì, thì cám ơn và vui lòng làm như vậy… chớ hề chiều theo tính hư xác thịt, mà phàn nàn, năn nỉ…”“Đức khó khăn ở tại sự dứt tình yêu chuộng của cải thế gian, rủi có mất đi hay bề trên không cho dùng nữa, thì cũng vui lòng chịu”[34].

Xã hội tiêu thụ hiện đại đang đề cao giá trị tiền bạc, hưởng thụ, quyền lực, nên sự khổ chế trong cách dùng của cải và từ bỏ ý riêng chỉ thực hiện được cách bền bỉ theo suốt năm tháng đời tu, dù trong độ tuổi nào, cương vị nào, môi trường nào, khi chị em thực lòng sống khiêm nhường và luôn cậy trông tín thác vào Chúa.

Ngoài sự từ bỏ của cải vật chất và sống theo sự định đoạt của bề trên và cộng đoàn, chị em Mân Côi được mời gọi sống cái nghèo tự hủy của Chúa, được thánh Phaolô tóm tắt trong Pl 2, 5-8 và được diễn tả cách thâm thúy qua các mầu nhiệm kinh Mân Côi, đặc biệt nơi mùa Vui, mùa Sáng và mùa Thương[35]: Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã nhập thể là người nghèo, nhập thế trong cảnh nghèo, rao giảng Tin mừng cho người nghèo, chết như một người nghèo. Khi tháp nhập đời mình vào mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu, chị em được mời gọi sống không chỉ là cái nghèo trong sở hữu, mà còn là cái nghèo trong chính hiện hữu của đời dâng hiếnnghĩa là chẳng những không có mà còn không ham muốn tiền bạc, của cải, chức quyền, địa vị, tiện nghi, lợi lộc trần gian… ngõ hầu tinh thần được thanh thản hơn trong việc theo đuổi các giá trị siêu việt (mầu nhiệm thứ hai mùa Mừng).

Khi sống cái nghèo hiện hữu, chị em sẽ hài lòng và bình an nếu phải sống trong môi trường thiếu thốn; sẽ không dính bén đến các đồ vật đang hưởng dùng, sẽ chỉ mua những gì mình cần chứ không phải mua những gì mình muốn… Trong mọi hoàn cảnh, tâm hồn luôn được tự do: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả”[36] (mầu nhiệm thứ ba mùa Vui).

Nếp sống nghèo hiện hữu sẽ không có chỗ cho các nhu cầu giả được ẩn dấu với các mỹ từ: phương tiện phục vụ cho sứ vụ; sức khỏe cần cho học hành, làm việc; y phục xứng kỳ đức… Đức Cha Tổ Phụ đã thẳng thắn đặt tên cho nhu cầu giả này, đó là nương theo cái lý của ma quỷ: “Ma quỷ hay vịn lẽ rằng, phải nuôi mình cho khỏe mà học hành, mới có thể làm việc bổn phận được”[37].

Nghèo hiện hữu là khiêm tốn chấp nhận những giới hạn của mình: khả năng, sức khỏe, tuổi tác…, trông chờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa và sự giúp đỡ của tha nhân; đồng thời sống thật với con người của mình, không làm bộ tỏ ra nghèo túng để tăng thêm uy tín cho mình, không đi tìm ‘tầm ảnh hưởng’ nơi các công việc mình làm…

Mẹ Maria là mẫu gương sống động cho chị em trong lối sống nghèo hiện hữu: Mẹ nhận biết mình chỉ là ‘nữ tỳ’ của Chúa, khiêm tốn từ bỏ quyền làm chủ, quyền định đoạt, sống tâm tình của một người nghèo, nghèo trong chính bản thể của Mẹ để sẵn sàng mở lòng đón nhận kho tàng đích thực là chính Chúa (mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui).

Như vậy, khi sống cái nghèo hiện hữu, chị em chắc chắn sẽ được hưởng vương quốc Nước Trời như lời Chúa Giêsu hứa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”[38].

2. Chiều kích cộng đoàn

Gương sống và lời giảng của Đức Giêsu về giá trị của sự khó nghèo trong Nước Chúa được cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem mang ra thi hành với ý hướng diễn tả tình yêu, sự thông hiệp, sự chia sẻ liên đới. Noi gương cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, chị em Mân Côi sống nghèo khó bằng cách đóng góp mọi của cải vật chất và tinh thần vào cộng đoàn. Việc này, một mặt biểu lộ sự thanh thoát khỏi ràng buộc vật chất, mặt khác, diễn tả chiều kích Đức Ái của tình hiệp thông, hoàn toàn dấn thân chia sẻ cho nhau tất cả khát vọng, tâm tình, lẽ sống của mình. Nội Quy Dòng, số 22 nói: “Theo tinh thần đức nghèo khó, chị em để mọi sự làm quỹ chung, chia sẻ cùng một nếp sống, và vui lòng đón nhận những gì cộng đoàn cung cấp, những nhu cầu về đời sống, về lương thực, y phục, nhà cửa”.

Sự khổ chế đưa mình vào nếp sống kỷ luật của cộng đoàn vẫn là yêu sách hàng đầu của việc thực hành đức nghèo khó trong cộng đoàn, vì đòi hỏi mỗi thành viên phải khiêm tốn đặt mình trong một giới hạn, có tinh thần tùy thuộc cộng đoàn, từ bỏ ý riêng, nhắm đến lợi ích chung để phát triển cộng đoàn, đó là con đường Chúa muốn chị em nên hoàn thiện, “Chúa chọn ta vào Dòng và ở đó ta lo giữ luật phép cho trọn mà nên thánh thiện một ngày một hơn”[39].

“Noi gương Thánh Gia Nazareth, chị em biểu lộ cách cụ thể đức nghèo khó Phúc Âm qua lao động hằng ngày…, sống cần cù và thanh đạm trong niềm tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa”[40].

Lao động, đó là nếp sống cụ thể của người nghèo, “Chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người”[41]Lao động trong đời sống thánh hiến, không chỉ nhằm hòa đồng vào cuộc sống người nghèo, nhưng còn làm chứng về ý nghĩa nhân bản của lao động mà Đức Kitô đã mang lại.

Đức nghèo khó mời gọi chị em trong phận vụ riêng của mỗi người, tận tâm lao động bằng chính sức lực, thời giờ, khả năng, nghiệp vụ chuyên môn và đôi bàn tay của mình để chia sẻ tài chánh với cộng đoàn, với những người xung quanh trong tinh thần phó thác vào tình yêu quan phòng của Cha Trên Trời. “Mọi chị em, theo phần mình, đều có trách nhiệm về lối sống nghèo khó của cộng đoàn…”[42]Bên cạnh đó, tinh thần đức khó nghèo cũng mời gọi chị em đón nhận hồng ân Chúa ban cho các chị em khác trong cộng đoàn, khuyến khích và quý trọng công sức lao động của nhau, đặc biệt với những chị em nghèo khả năng, nghèo sức khỏe, nghèo tình thương…

3. Chiều kích sứ vụ

“Chị em Mân Côi làm chứng về đức nghèo khó bằng nếp sống đơn sơ, vui tươi và siêu thoát, qua đó mọi người sẽ nhận ra giá trị của đức nghèo khó Phúc Âm và những giá trị vĩnh cửu đời sau”[43].

Sống trong một xã hội tiêu thụ, con người luôn bị thúc đẩy thủ đắc và tích trữ nhiều của cải, sự hiện diện an vui trong nếp sống đơn sơ và thanh thoát của chị em Mân Côi “giữa thế gian” sẽ là tấm gương sáng cho tha nhân về một lối sống tự do thanh thoát đối với tài sản trần thế để hướng về kho tàng trên trời.

Ngoài sự hiện diện chứng tá, tinh thần của lời khấn nghèo khó còn mời gọi chị em quan tâm, yêu thương người nghèo bằng hành động dấn thân cụ thể theo gương Đức Kitô – Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ. Một tình yêu chân thật cùng với khát vọng đem lại thiện ích cho người khác sẽ giúp cho chị em có cảm thức thuộc về những người mình phục vụ. Cảm thức này thôi thúc chị em dấn thân, tận tâm và sáng tạo trong việc tông đồ để phục vụ tốt hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng lễ ngày quốc tế người nghèo 20-11-2017 khẳng định: Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội của người nghèo. Sống đồng cảm, chia sẻ với những người nghèo không những về nhu cầu vật chất, mà thông qua những dịp tiếp xúc, gặp gỡ, hòa mình cùng chung chia cuộc sống nghèo, không thờ ơ trước nỗi đau khổ của họ, chúng ta tìm cách thăng tiến phẩm giá của họ, đem Lời Chúa đến với họ bằng chính lối sống nghèo chứng tá của mình.

Với cái nhìn tích cực, sự hiện diện của người nghèo chính là món quà Chúa gửi đến giúp chị em có cơ hội thực thi sứ vụ, chu toàn trách nhiệm của một người thánh hiến. Như thế, cái nghèo trở thành cầu nối cho chị em gặp gỡ Chúa Kitô nơi người nghèo, chia sẻ với họ niềm vui được làm con Chúa và sống huynh đệ với nhau. Người nghèo là nhân tố giúp chị em hoàn thiện ơn gọi của mình cách tròn đầy.

III. ĐỨC VÂNG PHỤC

“Chúa Giêsu đến trần gian không phải để làm theo ý riêng mình nhưng là để thực thi thánh ý Thiên Chúa. Người cứu độ thế giới bằng sự vâng phục Chúa Cha, để từ nay, đức vâng phục vì tình yêu là nền tảng cho tất cả đời sống và sự phục vụ của Giáo Hội cũng như của các Kitô hữu”[44].

Với khao khát nên hoàn thiện, chị em Mân Côi dâng hiến tự do và ý chí để họa lại cuộc đời và tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng đã luôn làm theo ý Cha, vâng phục Cha cho tới mức tự hiến mình trên thập tự, vì yêu nhân loại và muốn nhân loại được cứu độ. Bên cạnh đó, chị em cũng được mời gọi theo gương Mẹ Maria, sống lời “xin vâng” cách tích cực và đầy trách nhiệm trong mọi khía cạnh của đời dâng hiến.

1. Chiều kích cá nhân

“Noi gương chí hiếu và muốn theo sát Chúa Kitô, chị em Mân Côi sống vâng phục trong hành vi tự hiến, hiệp nhất ý chí mình với thánh ý Chúa Cha trong tâm tình yêu mến và tôn thờ, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”[45].

– Hành vi tự hiến của đức vâng phục là từ bỏ ý riêng: Khi cam kết sống vâng phục, chị em Mân Côi vừa noi gương, vừa tham gia vào sự vâng phục của Chúa Giêsu. Sự vâng phục này mang lại giá trị cứu độ vì chị em tận hiến ý muốn riêng của mình trong mọi khía cạnh cuộc sống, như của lễ dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó chị em được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn, như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong Tông huấn ‘Hồng Ân Cứu Chuộc’ số 13: “Mọi công việc của tu sĩ chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục”.

– Động lực của sự vâng phục là yêu mến và làm hài lòng Chúa Cha: Đây là cách thức Chúa Giêsu đã sống trong suốt cuộc đời trần thế của Người: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy”[46]“Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài[47]; trước giờ bước vào cuộc tử nạn, Người cũng vẫn “xin đừng theo ý con, mà là ý Cha”[48]. Với thiện ý noi gương Chúa Giêsu, đến lượt mình, mỗi ngày khi dâng lời kinh “Tận Hiến”, chị em Mân Côi hướng về Mẹ Maria với tâm tình khấn nguyện: “Xin cho chúng con biết noi gương Chúa Giêsu: chu toàn ý Cha trong cuộc sống và đồng hành với Người trong cuộc khổ nạn, để cùng được phục sinh vinh hiển với Người”. Lời kinh này đi vào cuộc sống của chị em và được thể hiện qua các hình thức vâng phục:

Mau mắn trong thời gian và cách thức thực hiện một công việc hay trách nhiệm được giao bằng sự năng động của sức lực, năng lực, năng khiếu và ơn Chúa ban.

Nội tâm sẵn sàng trước mọi lệnh truyền đến từ luật Chúa, luật Tin Mừng, luật Hội Thánh, luật Hội Dòng và ý muốn của Bề trên hợp pháp, trong thái độ tin yêu, hiệp nhất, bác ái, khiêm hạ, và với tâm nguyện: lại vì Chúa thì con vâng phục ý Bề trên như ý Chúa vậy.

Hiến Luật Dòng số 13.1 đã phác họa chân dung người nữ tu Mân Côi sống vâng phục như sau: “Cùng với Mẹ Maria, chị em Mân Côi tự nguyện bước theo Chúa Kitô trên con đường vâng phục, mặc dù có nhiều gian nan thử thách. Với đức tin mạnh mẽ, chị em nhận ra ý muốn của Chúa qua các lệnh truyền của các Bề trên, sống vâng phục với lòng yêu mến và tự do nội tâm đích thực; dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn và khả năng để chu toàn một cách hiệu quả nhất mọi phận vụ đã được ủy thác, vì biết rằng mình đang góp công xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô theo ý định của Thiên Chúa”.

2. Chiều kích cộng đoàn

Đức vâng phục được sống và thể hiện trong khung cảnh cộng đoàn.

Trước nhất, “Chị em tự nguyện vâng phục các Bề trên hợp pháp, khi các ngài thay mặt Chúa truyền dạy điều hợp pháp với luật Dòng”[49]. Hành vi vâng phục này phát sinh từ sự khiêm nhường tùng phục, tức là sự kính phục dựa trên đức tin, đón nhận những gì được giao phó như một biểu hiện của tình yêu. Chính tình yêu giúp chị em vâng phục cách tích cực. Vâng phục trở thành một hành vi thờ phượng vì được quy hướng về Thiên Chúa – Đấng được nhìn nhận qua trung gian Bề trên, như lời huấn dụ của Đức Cha Tổ phụ: “Đức Chúa Trời chẳng hiện ra mà phán bảo trực tiếp với ta, Ngài dùng miệng các đấng bề trên mà phán dạy, nên khi ta vâng lời bề trên ấy là vâng lời vậy”[50]Như vậy, khi vâng phục, chị em tỏ ra mềm mại trước Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động qua cộng đoàn và bề trên, cũng là cách chị em chia sẻ trách nhiệm với Bề trên và Hội Dòng: Tôi vâng phục vì tôi muốn cộng tác vào định hướng của Hội Dòng; tôi vâng phục vì tôi muốn làm phong phú hóa Đặc sủng của Hội Dòng; tôi vâng phục vì tôi muốn chung chia sứ mạng với Hội Dòng…

Thứ đến, vâng phục còn là đón nhận những chị em Chúa gửi đến cho cộng đoàn qua trung gian Bề trên, để tất cả cùng sống với nhau, cùng nhau phân định, đối thoại để dò tìm ý Chúa, cùng nhau thực thi sứ vụ và những dự phóng của cộng đoàn trong tinh thần liên đới, hiệp thông nên “một lòng một ý”. Việc thi hành lời khấn vâng phục như thế không phải là thi hành những dòng chữ chết, nhưng mang tính năng động, từng chị em mở lòng đón nhận thánh ý Chúa qua các biến cố, các đổi thay về nhân sự, sứ vụ, và những đòi hỏi riêng của từng hoàn cảnh hay môi trường sống. Theo nghĩa này, vâng phục, ngoài sự tuân theo luật là một hình thức, còn là vâng phục cộng đoàn. Vâng phục lẫn nhau trên mảnh đất khiêm hạ và tin yêu của cộng đoàn, sẽ làm cho hạt giống đồng trách nhiệm về Đoàn sủng Dòng được trổ sinh và triển nở mãi mãi.

3. Chiều kích sứ vụ

Đức vâng phục của chị em được thể hiện trong đời tu bằng sự vâng lời các người đại diện Chúa hướng dẫn Hội Dòng. Sự vâng phục ấy là điều kiện thiết yếu giúp thống nhất ý chí và đường lối hoạt động, trong việc thực thi sứ vụ của Hội Dòng. Do hiệu lực của lời khấn vâng phục, chị em chia sẻ sứ vụ của Hội Dòng, sẵn sàng đón nhận lệnh “sai đi” trong những công việc tông đồ được trao phó”[51].

Chị em Mân Côi bày tỏ đức vâng phục của mình qua việc tháp nhập vào việc tuân phục của Chúa Kitô khi tiếp nhận việc sai đi để thể hiện ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới, “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”[52]. Với niềm tin, tình mến và lòng cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chị em sẵn sàng đón nhận bài sai từ những người đại diện Chúa, đến ‘miền đất hứa’ để thực thi sứ vụ của Hội Dòng. Nơi ấy có thể là miền đất ‘tràn trề sữa và mật’ của những thuận lợi trong tương quan và công việc, cũng có thể là miền đất toàn sỏi đá của bao khó khăn nội tại và ngoại tại. Lúc này, sự vâng phục của chị em là bắt ý chí mình thuộc về miền đấy ấy (không mơ tưởng đến các miền đất khác), để toàn tâm toàn ý chu toàn sứ vụ Chúa trao với sức năng động của tình yêu, lòng nhiệt thành, khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm.

Đức Cha Tổ Phụ đã chỉ dạy chị em khi thực hành đức vâng phục như sau: “Hãy để cho bề trên được thong dong định đoạt về ta. Người dạy làm việc, người bảo thôi khi nào, người bảo đi đâu, ở đâu thì cũng phải vâng ngay, không được xét việc nọ là hơn, việc kia là kém, nơi này là sướng, là vui, nơi kia là buồn, là khổ. Ta chỉ biết thưa rằng: “Bề trên dạy con làm gì, đi đâu, ở đâu, con cũng xin vâng vui lòng”[53].

KẾT LUẬN

Hằng năm, khi tham dự thánh lễ tạ ơn khấn Dòng, chị em Mân Côi thường được nghe vị chủ tế thẩm vấn các khấn sinh: Các con có muốn nhờ ơn Chúa giúp, ôm ấp và tuân giữ trọn đời nếp sống Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục hoàn hảo, mà Đức Kitô và Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Người đã chọn không? Lời thẩm vấn chắc hẳn không chỉ dành riêng cho đối tượng tuyên khấn, nhưng còn là bài trắc nghiệm cho những trái tim cùng nhịp đập trong ơn gọi Mân Côi đã một lần đáp:Thưa con muốn.

Thưa ‘con muốn’ – lời đáp trả một lần cho cả đời, nói lên trách nhiệm tự do cá nhân, trách nhiệm này được thành toàn trong sự ý thức và xác tín: nhờ ơn Chúa giúp. “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”[54].Đó là nét đẹp của sự khiêm hạ, tin yêu, phó thác.

Thưa ‘con muốn’ – lời đáp trả nói lên nỗi khát mong luôn ôm ấp lý tưởng cao đẹp: bước theo Chúa Giêsu trong nếp sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục trong các chiều kích: cá nhân, cộng đoàn và sứ vụ, như để giới thiệu cho thế giới thấy nét đẹp của những tâm hồn đang được hưởng sự tự do của con cái Thiên Chúa và niềm vui sống theo các mối phúc Tin Mừng[55]

Thưa ‘con muốn’ – lời đáp trả mang tính quyết tâm dâng hiến cuộc đời cho Chúa theo gương Mẹ Maria, tạo nên nét đẹp của nẻo đường nên thánh và truyền giáo trong Đoàn sủng Mân Côi. “Với tinh thần Đức Ái trọn hảo, chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria Mân Côi sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người”.

Thưa ‘con muốn’ – lời đáp trả diễn tả tâm tình tri ân cảm mến về hồng ân biệt chọn, và nguyện hứa “chăm lo để luôn bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã trao ban, và thăng tiến luôn mãi để làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội nên phong phú hơn”[56]. Đó là nét đẹp của sự thảo hiếu và nỗ lực trung tín sống thánh.

Thật vậy, yếu tố nền tảng của bất kỳ một ơn gọi nào cũng là Thiên Chúa mời gọi và con người đáp trả trong chính cuộc sống hiện sinh của mình. Ngược dòng thời gian nhìn về lịch sử 75 năm Hội Dòng hình thành và lớn lên trong Giáo Hội, chúng ta sẽ nghiệm thấy lời đáp trả mang tính hiện sinh của từng chị, từng em trong dòng tộc Mân Côi là thể nào, bởi bối cảnh lịch sử của thế giới và dân tộc trong hơn bảy thập niên qua có quá nhiều đổi thay, chính lời đáp trả có sức năng động trong ý chí, tự do, đức tin, lòng mến, lòng trông cậy của bao thế hệ đã và đang dấn thân trong ơn gọi Mân Côi, làm thành chân dung người nữ tu Mân Côi hôm nay. Ước mong dấu ấn của Năm Thánh Tri Ân sẽ giúp cho từng chị em Mân Côi nhìn lại chân dung thánh hiến của mình, để luôn gìn giữ nét đẹp tinh khôi của Đoàn sủng Đấng Sáng Lập, và tiếp tục làm cho nét đẹp căn tính Mân Côi được phù hợp trong mọi nơi, với mọi người.

Nt. M. Têrêsa Diễm Hạnh, FMSR.


[1] Tv 119, 73

[2] GL 573 §1

[3] “Nét đẹp của đời tu Mân Côi”, Lời giới thiệu

[4] Ga 15, 16a

[5] x. GL 607 §1

[6] x. GH 44

[7] HLD 5.2

[8] NVBT: Đoạn II, số II, 6; GSD I, tr.167

[9] HLD 5.4

[10] Mt 19, 12

[11] x. DT 12

[12] HLD 6.1

[13] Mt 5, 8

[14] Lc 1, 47-48a

[15] VNTLG: Đoạn II, 8; GSD I, tr.194

[16] x. GLCG số 2349; HLD 6.3

[17] x. Lc 2, 19.51

[18] Cn 25, 28

[19] x. John A. Hardon, SJ, “Từ Điển Công Giáo Phổ Thông”, tr. 565

[20] HLD 7.1

[21] HLD 8.1

[22] Lc 1, 36-42

[23] HĐ 27

[24] Lc 1, 37

[25] Ga 2, 5

[26] Tv 132, 3b

[27] Tông huấn “Pastores Dabo Vobis”, số 44

[28] TH 88

[29] HLD 6.2

[30] GL 600

[31] Dòng Mân Côi Chí Hòa, “Nghi thức khấn Dòng”

[32] Lc 14, 33

[33] HLD 9.3

[34] VNTLG: Đoạn V, 6; GSD I, tr. 229-230

[35] x. Lc 2, 12; x. Mt 8, 19-20; x. Lc 4, 18

[36] Pl 4, 12-13

[37] VNTLG: Đoạn V, 6; GSD I, tr. 231

[38] Mt 5, 3

[39] GMCT: Đoạn III.2; GSD I, tr.333

[40] HLD 10.2

[41] MV 22

[42] HLD 11.2

[43] HLD 11.1

[44] HLD 12.1

[45] HLD 12.3

[46] Ga 4, 34

[47] Dt 10, 7

[48] Lc 22, 42

[49] HLD 12.5

[50] VNTLG: Đoạn V, 5; GSD I, tr. 227

[51] HLD 12.4 và 13.2

[52] 1Tm 2, 4

[53] VNTLG: Đoạn V, 5; GSD I, tr. 227

[54] Lc 1, 37

[55] x. XP 13

[56] GH 47

Bài mới

THOÁNG NHÌN VỀ HỘI DÒNG TRONG BIẾN CỐ 1954-1975